Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP.HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3382/CT-TTHT
V/v: Thuế thu nhập cá nhân

TP.Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 05 năm 2014

 

Kính gửi:

Văn phòng đại diện Jofran Sales Inc tại TP.HCM
Địa chỉ: Phòng 1.1, Lầu 1, 52 Đông Du, P. Bến Nghé, Q. 1, TP.HCM
MST: 0311093039

Trả lời văn bản số 45-14/CV-VU ngày 10/03/2014 của Văn phòng về thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Cục Thuế TP có ý kiến như sau:

- Căn cứ Điều 42 của Bộ luật Lao động quy định nghĩa vụ của người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật:

“1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.”

- Căn cứ Khoản 1 Điều 114 của Bộ luật lao động quy định về thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ:

“Người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ”.

- Căn cứ vào Điểm n Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 30/09/2008 của Bộ Tài Chính quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế:

“Thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; tiền bồi thường tai nạn lao động; tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các khoản bồi thường Nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định của pháp luật về bồi thường Nhà nước.”

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Văn phòng đại diện theo trình bày có chi các khoản tiền bồi thường cho người lao động (theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động) sau ngày 01/10/2013 thì khoản thu nhập này không được miễn thuế và phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.

Đối với khoản tiền Văn phòng đại diện thanh toán cho người lao động do chưa sử dụng hết số ngày nghỉ phép trong năm thì phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN. Trường hợp Văn phòng có chi trả tiền lương làm việc trong những ngày nghỉ phép năm với mức đơn giá tiền lương cao hơn so với ngày làm việc bình thường, thì khoản chênh lệch tiền lương được trả cao hơn theo quy định Bộ luật Lao động là thu nhập miễn thuế TNCN theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Cục Thuế TP thông báo để Văn phòng biết và thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- P.TNCN;
- Phòng PC;
- Lưu: VT, TTHT.
792-65675/2014-ntn

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trần Thị Lệ Nga

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3382/CT-TTHT năm 2014 về thuế thu nhập cá nhân do Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 3382/CT-TTHT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 12/05/2014
  • Nơi ban hành: Cục thuế TP Hồ Chí Minh
  • Người ký: Trần Thị Lệ Nga
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/05/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản