- 1Thông tư 134/2008/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành
- 2Thông tư 28/2011/TT-BTC hướng dẫn Luật quản lý thuế, Nghị định 85/2007/NĐ-CP và 106/2010/NĐ-CP do Bộ Tài chính ban hành
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3289/TCT-HTQT | Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2013 |
Kính gửi: Cục Thuế TP. Hải Phòng
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 506/CT-KTr1 ngày 23/4/2013 và công văn số 664/CT-KTr1 ngày 24/5/2013 của Cục Thuế TP. Hải Phòng đề nghị Tổng cục Thuế hướng dẫn về việc áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hàn Quốc (sau đây gọi là Hiệp định). Về việc này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Về việc xác định cơ sở thường trú của văn phòng đại diện doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam
- Điều 5 (Cơ sở thường trú) của Hiệp định quy định:
"1. Theo Hiệp định này, thuật ngữ "cơ sở thường trú" có nghĩa là một cơ sở kinh doanh cố định mà qua đó xí nghiệp thực hiện toàn bộ hay một phần hoạt động kinh doanh của mình.
……………….
4. Mặc dù có những quy định trên của Điều này, thuật ngữ "cơ sở thường trú" sẽ được coi là không bao gồm:
a. việc sử dụng các phương tiện riêng cho mục đích lưu kho hoặc trưng bày hàng hóa hay tài sản của xí nghiệp.
b. việc duy trì kho hàng hóa hoặc tài sản của xí nghiệp chỉ với mục đích lưu kho hoặc trưng bày;
c. việc duy trì kho hàng hóa hoặc tài sản của xí nghiệp chỉ với mục đích để cho xí nghiệp khác gia công;
d. việc duy trì một cơ sở kinh doanh cố định chỉ nhằm mục đích mua hàng hóa hoặc tài sản hay để thu thập thông tin cho xí nghiệp đó;
e. việc duy trì một cơ sở kinh doanh cố định chỉ với mục đích tiến hành bất kỳ hoạt động nào khác có tính chất chuẩn bị hoặc phụ trợ cho xí nghiệp;
f. việc duy trì một cơ sở kinh doanh cố định chỉ với mục đích kết hợp bất kỳ hoạt động nào nên từ điểm (a) tới điểm (e), với điều kiện toàn bộ hoạt động của cơ sở kinh doanh cố định từ sự kết hợp trên mang tính chất chuẩn bị hay phụ trợ "
- Điều 18 (Nghĩa vụ của Văn phòng đại diện), Mục 3, Chương I, Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005 quy định:
"Điều 18. Nghĩa vụ của Văn phòng đại diện
1. Không được thực hiện hoạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam.
…"
Căn cứ các quy định nêu trên, nếu các văn phòng đại diện tại Việt Nam của Công ty GS Global và Công ty TNHH Công nghiệp nặng và Xây dựng Doosan (sau đây gọi là DHI) thực hiện các hoạt động theo quy định tại Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (số 01-000634 ngày 30/3/2012 của DHI; số 41-002942 ngày 08/6/2011 và số 01-000262 ngày 09/01/2013 của Công ty GS Global) hoặc các hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của hai Công ty này chỉ mang tính chất chuẩn bị hay phụ trợ cho các hoạt động của Công ty GS Global và DHI như quy định tại Khoản 4, Điều 5 của Hiệp định nêu trên thì văn phòng đại diện tại Việt Nam của Công ty GS Global và DHI không được coi là cơ sở thường trú của hai Công ty này tại Việt Nam.
Nếu văn phòng đại diện tại Việt Nam của Công ty GS Global và DHI có thực hiện các hoạt động khác, như: thương lượng, đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại thay mặt công ty GS Global và DHI hoặc thực hiện các hoạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam thì văn phòng đại diện tại Việt Nam của hai Công ty này sẽ được coi là cơ sở thường trú của hai Công ty này tại Việt Nam.
2. Về Hợp đồng chuyển nhượng vốn giữa Công ty GS Global và Công ty TNHH Doosan Engineering and Construction
Tài sản chuyển nhượng trong trường hợp này là vốn góp nên không thuộc bất cứ tài sản nào nêu tại Khoản 1, Điều 6 (Bất động sản); Khoản 2 (liên quan đến động sản là một phần tài sản kinh doanh của một cơ sở thường trú), Khoản 3 (liên quan đến thu nhập của tàu thủy, máy bay hoạt động trong vận tải quốc tế) của Điều 13 (Lợi tức từ chuyển nhượng tài sản) của Hiệp định. Do đó, thu nhập Công ty GS Global - với tư cách là một đối tượng cư trú của Hàn Quốc - thu được từ việc chuyển nhượng 10% vốn góp trong Doosan Hải Phòng sẽ thuộc diện điều chỉnh của Khoản 4 hoặc Khoản 5, Điều 13 (Lợi tức từ chuyển nhượng tài sản) của Hiệp định. Cụ thể như sau:
"4. Lợi tức từ việc chuyển nhượng các cổ phiếu trong vốn cổ phần của một công ty có tài sản bao gồm trực tiếp hay gián tiếp chủ yếu là bất động sản nằm tại một Nước ký kết có thể bị đánh thuế tại Nước đó.
5. Lợi tức thu được từ việc chuyển nhượng bất kỳ tài sản nào khác với tài sản nêu tại Khoản 1, 2 và 3 sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước nơi đối tượng chuyển nhượng là đối tượng cư trú"
Theo các quy định nêu trên, nếu vào thời điểm chuyển nhượng vốn, Doosan Hải Phòng có giá trị bất động sản chiếm trên 50% giá trị tài sản của Công ty thì thu nhập của Công ty GS Global từ việc chuyển nhượng phần vốn góp của mình trong Doosan Hải Phòng sẽ phải chịu thuế TNDN tại Việt Nam. Trường hợp giá trị bất động sản bằng hoặc thấp hơn 50% thì Công ty GS Global không phải nộp thuế TNDN tại Việt Nam. Nghĩa vụ thuế TNDN tại Việt Nam của Công ty GS Global trong trường hợp này không liên quan đến việc Công ty GS Global có cơ sở thường trú tại Việt Nam hay không.
Việc xác định tỷ lệ giá trị bất động sản trên giá trị tàn sản của Doosan Hải Phòng được căn cứ vào bảng cân đối kế toán trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại thời điểm chuyển nhượng vốn - ngày 26/3/2013.
Để được miễn thuế theo Hiệp định, Công ty GS Global hoặc đại diện được ủy quyền có nghĩa vụ nộp cho Cục Thuế TP. Hải Phòng hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định theo quy định hiện hành; tại thời điểm hiện nay là Điều 18, Chương II, Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 của Bộ Tài chính.
3. Về Hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa DHI và Doosan Hải Phòng (sau đây gọi là Hợp đồng):
3.1. Về việc áp dụng nội luật:
Điểm 2.3, Mục I, Phần B, Thông tư số 134/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
"- Thu nhập từ tiền bản quyền là khoản thu nhập dưới bất kỳ hình thức nào được trả cho quyền sử dụng, chuyển quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (bao gồm: các khoản tiền trả cho quyền sử dụng, chuyển giao quyền tác giả và quyền chủ sở hữu tác phẩm; chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; chuyển giao công nghệ)"
Theo hướng dẫn nêu trên, thu nhập từ phí duy trì chuyển giao công nghệ DHI thu được từ việc thực hiện Hợp đồng được coi là thu nhập từ tiền bản quyền; và do đó, chịu thuế TNDN tại Việt Nam theo tỷ lệ 10% trên doanh thu tính thuế theo hướng dẫn tại Điểm 3.2.a), Mục III, Phần B, Thông tư số 134/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính.
3.2. Về việc áp dụng Hiệp định:
- Điều 12 (Tiền bản quyền) của Hiệp định quy định:
"1. Tiền bản quyền phát sinh tại một Nước ký kết và được trả cho đối tượng cư trú của Nước ký kết kia có thể phải chịu thuế tại Nước kia.
2. Tuy nhiên, những khoản tiền bản quyền đó cũng có thể bị đánh thuế tại Nước ký kết nơi phát sinh, và theo các luật của Nước này, nhưng nếu đối tượng thực hưởng tiền bản quyền là đối tượng cư trú của Nước ký kết kia, thì mức thuế được tính sẽ không vượt quá:
a. 5 phần trăm tổng số tiền bản quyền trong trường hợp là khoản tiền thanh toán dưới bất kỳ hình thức nào cho việc sử dụng hay quyền sử dụng bằng phát minh, thiết kế hoặc mẫu, đồ án, công thức hoặc quy trình bí mật, hay trả cho việc sử dụng hay quyền sử dụng thiết bị công nghiệp, thương mại hay khoa học hay trả cho thông tin liên quan đến các kinh nghiệm công nghiệp, thương mại hay khoa học;
b. 15 phần trăm tổng số tiền bản quyền trong tất cả các trường hợp khác.
3. Thuật ngữ "tiền bản quyền" được sử dụng trong Điều này có nghĩa là các khoản thanh toán ở bất kỳ dạng nào được trả cho việc sử dụng, hoặc quyền sử dụng, bản quyền tác giả của một tác phẩm văn học, nghệ thuật hay khoa học, kể cả phim điện ảnh hoặc các loại phim hay các loại băng dùng trong phát thanh và truyền hình, bằng phát minh, nhãn hiệu thương mại, thiết kế hoặc mẫu, đồ án, công thức hoặc quy trình bí mật, hay trả cho việc sử dụng, hay quyền sử dụng thiết bị công nghiệp, thương mại hoặc khoa học, hay trả cho thông tin liên quan đến các kinh nghiệm công nghiệp, thương mại hoặc khoa học.
4. Những quy định tại khoản 1 và 2 sẽ không áp dụng nếu đối tượng thực hưởng các khoản tiền bản quyền, là đối tượng cư trú của một Nước ký kết, tiến hành hoạt động doanh nghiệp ở Nước ký kết kia nơi có khoản tiền bản quyền phát sinh, thông qua một cơ sở thường trú nằm tại Nước kia hoặc tiến hành tại Nước kia các hoạt động dịch vụ cá nhân độc lập thông qua một cơ sở cố định nằm tại Nước kia, và quyền hay tài sản có các khoản tiền bản quyền được trả có sự liên hệ thực tế với cơ sở thường trú hoặc cơ sở cố định đó. Trong trường hợp này, các quy định của Điều 7 hoặc Điều 14, tùy từng trường hợp, sẽ được áp dụng"
- Khoản 5.1, Điều 5 (Thông tin kỹ thuật) và Điều 11 (Phí chuyển giao) của Hợp đồng quy định:
"Điều 5. Thông tin kỹ thuật
5.1. Kể từ ngày hợp đồng này có hiệu lực, sau khi tiếp nhận yêu cầu của Doosan Hải Phòng, DHI sẽ cung cấp cho Doosan Hải Phòng Thông tin kỹ thuật như sau và/hoặc dữ liệu liên quan tới Sản phẩm:
a) Đặc tính
b) Danh sách các phần
c) Danh sách vật liệu
d) Bảng tính
e) Quy trình và dữ liệu cho quá trình kiểm tra
f) Quy trình và dữ liệu cho quá trình vận hành thử tại xưởng
g) Quy trình chế tạo
h) Quy trình cài đặt và lắp ráp
i) Sổ tay hướng dẫn vận hành và bảo dưỡng
j) Sổ tay đảm bảo chất lượng/kiểm soát chất lượng
k) Quy trình quản lý dự án và toàn bộ dữ liệu dự án
l) Bất kỳ dữ liệu kỹ thuật được DHI cho là cần thiết
m) Một bộ các tài liệu hiện nay thường sử dụng trong quảng cáo như các kế hoạch tùy chỉnh, tài liệu quảng cáo, catalogues và thông số kỹ thuật"
"Điều 11: Phí chuyển giao
Trong sự xem xét chuyển giao Thông tin kỹ thuật từ DHI cho Doosan Hải Phòng được quy định tại điều 5.1. Hợp đồng này, phí chuyển giao Doosan Hải Phòng sẽ phải trả DHI như sau:
...
B. Phí duy trì chuyển giao công nghệ
Đối với chế tạo Sản phẩm, Phí duy trì chuyển giao công nghệ, từ 2012 đến 2016, Doosan Hải Phòng trả DHI hai phần trăm (2%) của giá bán ròng.
...”
Theo quy định tại Điểm B, Điều 11 (Phí chuyển giao) của Hợp đồng, thu nhập từ phí duy trì chuyển giao công nghệ DHI thu được từ việc thực hiện Hợp đồng là thu nhập từ việc chuyển giao Thông tin kỹ thuật như quy định tại Khoản 5.1, Điều 5 (Thông tin kỹ thuật) của Hợp đồng. Thu nhập này được coi là thu nhập từ tiền bản quyền (thu nhập dưới hình thức thu nhập trả cho việc sử dụng hoặc quyền sử dụng: công chức hoặc quy trình bí mật, thông tin liên quan đến các kinh nghiệm công nghiệp, thương mại hay khoa học) và phải chịu thuế TNDN tại Việt Nam với mức thuế suất không vượt quá 5% trên tổng số tiền bản quyền theo quy định tại Khoản 2.a và Khoản 3, Điều 12 (Tiền bản quyền) của Hiệp định.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 4, Điều 12 (Tiền bản quyền) của Hiệp định, quy định tại Khoản 2 sẽ không áp dụng nếu DHI tiến hành hoạt động doanh nghiệp ở Việt Nam thông qua một cơ sở thường trú có tại Việt Nam, và quyền hay tài sản có các khoản tiền bản quyền được trả có sự liên hệ thực tế với cơ sở thường trú đó. Trong trường hợp này, các quy định của Điều 7 (Lợi tức doanh nghiệp) của Hiệp định sẽ được áp dụng.
Do đó, để có cơ sở xác định nghĩa vụ thuế của DHI đối với thu nhập từ phí duy trì chuyển giao công nghệ từ việc thực hiện Hợp đồng theo quy định tại Hiệp định, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế TP. Hải Phòng kiểm tra thực tế quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện Hợp đồng của DHI có tạo thành hoặc thông qua một cơ sở thường trú mà DHI có tại Việt Nam hay không.
- Trường hợp quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện Hợp đồng của DHI không tạo thành hoặc không thông qua một cơ sở thường trú mà DHI có tại Việt Nam, để được áp dụng mức thuế suất giảm đối với thu nhập từ tiền bản quyền theo Hiệp định (5%), DHI hoặc đại diện được ủy quyền có nghĩa vụ nộp cho Cơ quan thuế (Cục Thuế TP. Hải Phòng) hồ sơ thông báo thuộc diện giảm thuế theo Hiệp định theo quy định hiện hành; tại thời điểm hiện nay là hướng dẫn tại Điều 18, Chương II, Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 của Bộ Tài chính.
- Trường hợp quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện Hợp đồng của DHI tạo thành hoặc thông qua một cơ sở thường trú mà DHI có tại Việt Nam, DHI có nghĩa vụ nộp thuế TNDN tại Việt Nam đối với toàn bộ thu nhập từ việc thực hiện Hợp đồng với Doosan Hải Phòng theo quy định tại Khoản 1, Điều 7 (Lợi tức doanh nghiệp) của Hiệp định.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc liên quan đến Hiệp định, đề nghị Cục Thuế liên hệ với Tổng cục Thuế - Vụ Hợp tác Quốc tế, ĐT: (04).3972.7805 để được hướng dẫn chi tiết.
Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế biết và hướng dẫn Doosan Hải Phòng thực hiện. Yêu cầu Cục Thuế thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và hướng dẫn tại công văn này./.
Nơi nhận: | TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1Công văn 1828/TCT-DNL về miễn thuế thu nhập theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần do Tổng cục Thuế ban hành
- 2Công văn 2836/TCT-TNCN thủ tục khấu trừ thuế đã nộp tại Nước ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần do Tổng cục Thuế ban hành
- 3Công văn 3803/TCT-TNCN về thuế thu nhập cá nhân theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần do Tổng cục Thuế ban hành
- 4Công văn 4225/TCT-HTQT thông báo hiệu lực của Hiệp định thuế giữa Việt Nam và Ma-rốc do Tổng cục Thuế ban hành
- 5Công văn 183/TCT-HTQT năm 2014 áp dụng Hiệp định thuế Việt Nam - Thụy Sỹ, Việt Nam - Italia do Tổng cục Thuế ban hành
- 6Công văn 667/TCT-HTQT năm 2016 áp dụng Hiệp định thuế giữa Việt Nam và Hàn Quốc đối với phí bảo lãnh do Tổng cục Thuế ban hành
- 1Luật Thương mại 2005
- 2Thông tư 134/2008/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành
- 3Thông tư 28/2011/TT-BTC hướng dẫn Luật quản lý thuế, Nghị định 85/2007/NĐ-CP và 106/2010/NĐ-CP do Bộ Tài chính ban hành
- 4Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập giữa Việt Nam - Hàn Quốc
- 5Công văn 1828/TCT-DNL về miễn thuế thu nhập theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần do Tổng cục Thuế ban hành
- 6Công văn 2836/TCT-TNCN thủ tục khấu trừ thuế đã nộp tại Nước ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần do Tổng cục Thuế ban hành
- 7Công văn 3803/TCT-TNCN về thuế thu nhập cá nhân theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần do Tổng cục Thuế ban hành
- 8Công văn 4225/TCT-HTQT thông báo hiệu lực của Hiệp định thuế giữa Việt Nam và Ma-rốc do Tổng cục Thuế ban hành
- 9Công văn 183/TCT-HTQT năm 2014 áp dụng Hiệp định thuế Việt Nam - Thụy Sỹ, Việt Nam - Italia do Tổng cục Thuế ban hành
- 10Công văn 667/TCT-HTQT năm 2016 áp dụng Hiệp định thuế giữa Việt Nam và Hàn Quốc đối với phí bảo lãnh do Tổng cục Thuế ban hành
Công văn 3289/TCT-HTQT năm 2013 áp dụng Hiệp định thuế giữa Việt Nam và Hàn Quốc do Tổng cục Thuế ban hành
- Số hiệu: 3289/TCT-HTQT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 04/10/2013
- Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
- Người ký: Trần Thị Thanh Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 04/10/2013
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết