Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3265/BTP-TCCB
V/v triển khai thực hiện Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ và sắp xếp, tổ chức lại hoặc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Hà Nội, ngày 05 tháng 9 năm 2022

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp (sau đây gọi là Quyết định số 2069/QĐ-TTg), Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung Quyết định số 2069/QĐ-TTg bằng các hình thức phù hợp đến cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý; tăng cường thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu của người dân, cơ quan, tổ chức tại địa phương.

2. Về việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp tại địa phương

Theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu là dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, được Nhà nước bảo đảm kinh phí hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện và “Ngân sách nhà nước chuyển từ hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách khi sử dụng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế Cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công”[1].

Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và Quyết định số 2069/QĐ-TTg, dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp tại địa phương bao gồm: dịch vụ hỗ trợ thông tin, thực hiện trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý là dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu; dịch vụ công chứng và dịch vụ đấu giá tài sản là các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản[2].

2.1. Dịch vụ hỗ trợ thông tin, thực hiện trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý

Dịch vụ hỗ trợ thông tin, thực hiện trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý do Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

2.2. Dịch vụ công chứng và dịch vụ đấu giá tài sản

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 107/2020/NĐ- CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ), Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và các quy định của pháp luật có liên quan, trên cơ sở đánh giá sự cần thiết, nhu cầu dịch vụ sự nghiệp công cơ bản tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện, lựa chọn đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản theo danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước tại địa phương theo phân cấp.

Trường hợp đã xã hội hóa các dịch vụ công chứng, dịch vụ đấu giá tài sản thì cá nhân, tổ chức được lựa chọn đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đơn vị ngoài công lập thực hiện cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật về công chứng, đấu giá tài sản. Tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa xã hội hóa được các dịch vụ công chứng, đấu giá tài sản thì Nhà nước cần đảm bảo thực hiện các dịch vụ này.

3. Về sắp xếp, tổ chức lại hoặc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo các quy định của pháp luật chuyên ngành trong từng lĩnh vực, quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và theo Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2070/QĐ-TTg ngày 08/12/2021).

Trên đây là nội dung triển khai thực hiện Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ và sắp xếp, tổ chức lại hoặc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, kính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: VT, TCCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phan Chí Hiếu

 

 



[1] Đến thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính chưa hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

[2] Dịch vụ hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Dịch vụ tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin lý lịch tư pháp do đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp thực hiện.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3265/BTP-TCCB năm 2022 thực hiện Quyết định 2069/QĐ-TTg và sắp xếp, tổ chức lại hoặc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 3265/BTP-TCCB
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 05/09/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Phan Chí Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/09/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản