Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3190/BNN-TCLN | Hà Nội, ngày 17 tháng 09 năm 2012 |
Kính gửi: Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi
Theo đề nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tại văn bản số 2889/UBND-NNTN ngày 22 tháng 8 năm 2012 về việc đề nghị thẩm định Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:
I. NHẬN XÉT KẾT QUẢ QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH QUẢNG NGÃI
1. Cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, độ tin cậy của các nguồn thông tin, tư liệu và phương pháp sử dụng và nội dung giải quyết trong quy hoạch
Báo cáo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2020 có bố cục, nội dung, phương pháp khá hợp lý, được xây dựng trên cơ sở hướng dẫn tại Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các văn bản hướng dẫn hiện hành về lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh.
2. Sự phù hợp của quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng với chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ngãi
Báo cáo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2020 đã quan tâm đến các lĩnh vực bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển rừng, khai thác gỗ rừng trồng, chế biến gỗ, dịch vụ môi trường rừng,... phù hợp với định hướng phát triển lâm nghiệp Việt Nam tại khu vực Duyên hải Trung bộ.
3. Về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng và các giải pháp thực hiện quy hoạch
a) Mục tiêu
Thiết lập hệ thống quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch chi tiết cho 2 loại rừng theo Công văn số 23/CP-KTN ngày 23/02/2012 của Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia trong đó có tỉnh Quảng Ngãi.
Bảo vệ toàn bộ diện tích rừng (tự nhiên và rừng trồng) hiện có năm 2011, bảo vệ nguồn nước và môi trường sinh thái góp phần tích cực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra. Bảo tồn và tăng cường tính đa dạng sinh học của tài nguyên rừng.
- Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành lâm nghiệp đạt bình quân khoảng 13,7% năm trong tăng trưởng kinh tế chung ngành Nông - Lâm - Thủy sản. Nâng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng (PFES), cơ chế phát triển sạch (CDM) và du lịch sinh thái. Phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 5 - 10% diện tích rừng sản xuất có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).
- Về xã hội: Thu hút khoảng 17.000 lao động/năm tham gia sản xuất lâm nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho những hộ gia đình sinh sống trong khu vực lâm nghiệp, đặc biệt là các xã ở vùng sâu, vùng xa thuộc diện theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Tích cực tham gia công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
- Về môi trường: Nâng độ che phủ của rừng lên 50% vào năm 2015 và đạt 52% vào năm 2020.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ bản nhất trí với mục tiêu quy hoạch theo báo cáo của tỉnh. Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu 5-10% diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) vào năm 2020, địa phương cần xây dựng lộ trình về kế hoạch và tài chính để thực hiện.
b) Nhiệm vụ chủ yếu
- Về Bảo vệ rừng: Bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có năm 2011 1 (rừng tự nhiên và rừng trồng) và diện tích rừng được trồng mới 34.663 ha, diện tích khoanh nuôi tái sinh tự nhiên thành rừng trong tổng số 13.625 ha địa phương dự kiến thực hiện trong giai đoạn quy hoạch 2011 - 2020.
- Về phát triển rừng:
+ Trồng rừng tập trung trên đất trống: 34.663 ha (phòng hộ: 5.983 ha; sản xuất: 28.680.510 ha).
+ Trồng lại rừng sau khai thác trắng rừng trồng: 80.652 ha.
+ Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên: 13.625 ha (phòng hộ: 6.553 ha; sản xuất 7.072 ha).
+ Trồng bổ sung mật độ rừng phòng hộ của dự án 661; JIBIC trước đây có chất lượng kém, khó thành rừng. Vì vậy để những diện tích rừng đã trồng thành rừng cần phải trồng cây bản địa thích hợp với thổ nhưỡng.
+ Trồng cây phân tán: Đề nghị địa phương thực hiện theo đơn vị tính: Là số cây trồng, không nên quy diện tích là ha.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cơ bản nhất trí với quy hoạch phát triển rừng theo báo cáo quy hoạch của tỉnh.
- Khai thác gỗ và lâm sản:
Địa phương không có khai thác rừng tự nhiên, trong kỳ quy hoạch 2011-2020 địa phương dự kiến khai thác gỗ rừng trồng với diện tích 80.652 ha với sản lượng 8.226.504 m3 gỗ, chia theo kỳ quy hoạch như sau:
+ Giai đoạn 2011-2015: Khai thác 32.919 ha với sản lượng dự kiến đạt 3.357.738 m3 với sản lượng khai thác bình quân 440.000 m3/năm.
+ Giai đoạn 2016-2020: Khai thác 47.733 ha với dự kiến sản lượng đạt được 4.868.766 m3 với sản lượng khai thác 41.600 m3/năm.
+ Khai thác lâm sản ngoài gỗ: Chủ yếu là khai thác Song mây với sản lượng dự kiến 6.376 tấn, lá nón, đót dự kiến 640 tấn; khai thác nứa 1.486.000 cây.
- Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản
Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 154 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu gia dụng, xây dựng và xuất khẩu dăm gỗ. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 15 nhà máy băm dăm gỗ với công suất trên 3,7 triệu tấn nguyên liệu/năm.
Dự kiến khối lượng sản phẩm chế biến gỗ trong giai đoạn 2011-2020 của tỉnh như sau:
+ Gỗ xây dựng: 82.265 m3
+ Gỗ mộc dân dụng: 164.530 m3
+ Gỗ dăm: 7.979.709 tấn
Trong kỳ quy hoạch địa phương có chủ trương thực hiện:
+ Đầu tư xây dựng 01 nhà máy băm dăm gỗ tại huyện Trà Bồng trong năm 2012.
+ Đầu tư xây dựng nhà máy giấy và bột giấy tại huyện Bình Sơn vào năm 2013
+ Quy hoạch các cơ sở chế biến gỗ và lâm sản vào khu làng nghề, khu công nghiệp được đầu tư công nghệ, dây truyền chế biến hiện đại làm tăng giá trị sản phẩm và giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng lâm sinh thiết yếu
+ Hệ thống vườn ươm, rừng giống, vườn giống
Duy trì 21 vườn ươm hiện có với công suất đạt 22-23 triêu cây giống/năm, xây dựng mới 18 vườn ươm vệ tinh tại các huyện vùng núi, vùng sâu, xa để nhằm đáp ứng đủ cây giống cho nhu cầu trồng rừng, trồng cây phân tán hàng năm của tỉnh. Xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng như: Mở đường lâm nghiệp, trạm bảo vệ rừng, chòi canh lửa rừng, đường băng cản lửa, bảng tuyên truyền bảo bảo vệ rừng, xây dựng giếng nước tưới ẩm,...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ bản nhất trí với quy hoạch khai thác gỗ, quy hoạch chế biến gỗ và lâm sản, xây dựng cơ sở hạ tầng lâm sinh thiết yếu theo báo cáo quy hoạch của tỉnh. Tuy nhiên, đề nghị địa phương có phương án cân đối nguồn cung cấp nguyên liệu để đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ của tỉnh theo công suất thiết kế, bổ sung sản lượng khai
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ bản thống nhất với 07 nhóm giải pháp thực hiện theo báo cáo của tỉnh.
4. Vốn đầu tư
Theo báo cáo Quy hoạch của tỉnh khái toán vốn đầu tư cho các hoạt động lâm nghiệp trong kỳ quy hoạch 2011-2020 là 3.226.549 triệu đồng, trong đó cơ cấu các nguồn vốn như sau:
- Vốn ngân sách nhà nước và Quỹ bảo vệ và phát triển rừng: 519.128 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 16,1 % tổng vốn đầu tư.
- Vốn ODA: 425.084 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 13,2% tổng vốn đầu tư.
- Vốn vay tín dụng: 686.941 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 21,3% tổng vốn đầu tư.
- Vốn tự có của doanh nghiệp, vốn khác: 1.595.396 triệu đồng , chiếm tỷ lệ 49,4% tổng vốn đầu tư.
Bộ Nông nghiệp và PTNT nhất trí với khái toán vốn đầu tư theo báo cáo quy hoạch của tỉnh. Tuy nhiên, đề nghị địa phương rà soát, tính toán lại phương án thu kinh phí từ dịch vụ chi trả môi trường rừng (PFES) và dịch vụ nuôi trồng thủy sản có sử dụng nguồn nước từ rừng để xác định tổng số thu từ dịch vụ chi trả môi trường rừng cho sát thực tế.
5. Tính khả thi của các mục tiêu, nhiệm vụ, các chương trình dự án ưu tiên và các giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng
Nhìn chung số liệu về chỉ tiêu, nhiệm vụ quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, các chương trình dự án ưu tiên và các giải pháp thực hiện theo báo cáo quy hoạch của tỉnh Quảng Ngãi có cơ sở thực tiễn và khoa học, có tính khả thi. Tuy nhiên, về mục tiêu quy hoạch đến năm 2020 đạt 5 - 10% diện tích rừng sản xuất có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Để đạt được mục tiêu trên, địa phương cần phải xây dựng lộ trình, kế hoạch cũng như nguồn tài chính để thực hiện trong kỳ quy hoạch để có tính khả thi cao.
II. ĐÁNH GIÁ BÁO CÁO QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2011-2020
Báo cáo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2020 có bố cục, nội dung được xây dựng dựa theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Những nội dung trong báo cáo cơ bản được cập nhật tương đối đầy đủ và chặt chẽ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ bản nhất trí với báo cáo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 của tỉnh Quảng Ngãi, tuy nhiên báo cáo còn một số nội dung chưa hợp lý hoặc cần được chỉnh sửa, bổ sung (được nêu cụ thể tại báo cáo kết quả thẩm định của Tổng cục Lâm nghiệp tại văn bản số 1239/BC-TCLN-KHTC ngày 17 tháng 9 năm 2012 gửi kèm theo).
Căn cứ vào các nội dung trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xem xét, chỉ đạo bổ sung những nội dung cần thiết để hoàn chỉnh báo cáo quy hoạch trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Công văn 3190/BNN-TCLN thẩm định Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 -2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 3190/BNN-TCLN
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 17/09/2012
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Hà Công Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra