Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2971/BVHTTDL-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 10 tháng 08 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 3864/VPCP-QHĐP ngày 23 tháng 6 năm 2022, nội dung kiến nghị như sau:

1. Đề nghị quy định về việc đặt tên đường, số nhà cho khu dân cư nông thôn, trong đó phân cấp thẩm quyền phê duyệt việc đặt tên đường ở các khu dân cư nông thôn của các địa phương cho HĐND cấp huyện.

2. Đề nghị tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động tại các cơ sở đền, chùa, cơ sở tâm linh, không để xảy ra tình trạng mê tín, dị đoan, trục lợi tâm linh, gây rối trật tự, lệch chuẩn về đạo đức, phản văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

1. Về đề nghị phân cấp thẩm quyền phê duyệt việc đặt tên đường, số nhà cho khu dân cư nông thôn

Điều 4 Quy chế Đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng quy định: “Tất cả các đường, phố và công trình công cộng trong thành phố, thị xã, thị trấn được xây dựng theo quy hoạch đô thị, được sử dụng ổn định thì được xem xét để đặt tên”. Như vậy, Nghị định số 91/2005/NĐ-CP không quy định chi tiết về việc đặt tên đường, số nhà cho khu dân cư nông thôn.

Tuy nhiên, việc đánh số nhà cho khu dân cư nông thôn hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 05/2006/QĐ-BXD ngày 08 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chế đánh số và gắn biển số nhà và Quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, theo đó, “Quy chế này được áp dụng tại khu vực đô thị và điểm dân cư nông thôn trong cả nước” (khoản 1 Điều 2) và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm “Căn cứ các nội dung của Quy chế này, ban hành quy định cụ thể về đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn (trong quy định có thể sử dụng một số từ ngữ của địa phương tương ứng với từ ngữ dùng trong Quy chế này). Phân công trách nhiệm quản lý đánh số và gắn biển số nhà giữa Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp quận)” (điểm a khoản 1 Điều 25).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận kiến nghị nói trên của cử tri tỉnh Hà Tĩnh, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2005/NĐ-CP trong kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ thời gian tới.

2. Về đề nghị tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động tại các cơ sở đền, chùa, cơ sở tâm linh

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tổng hợp đề xuất, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Di sản văn hóa, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động văn hóa, đặc biệt là công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội tại các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, lễ hội… ở các địa phương.

Để công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tại các cơ sở đền, chùa, cơ sở tâm linh được hiệu quả hơn nữa, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực phối hợp triển khai thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hoá năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và các văn bản quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Theo đó, tập trung một số nội dung:

- Kiện toàn bộ máy quản lý di tích các cấp, các Ban Quản lý, bố trí biên chế hợp lý tại các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ và khai thác giá trị di tích lịch sử văn hoá tại địa phương.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về giá trị của di tích, lễ hội; kiểm tra, xử lý việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ di tích, tiếp tục triển khai hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL ngày 08 tháng 8 năm 2014 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; bổ sung nội quy, quy định thực hiện nếp sống văn minh tại các di tích, lễ hội.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm (nếu có) đúng quy định pháp luật trong công tác quản lý di tích.

- Phát huy giá trị lịch sử của di tích, lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó TTgCP Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam;
- Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh;
- Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ;
- Bộ VHTTDL: Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Cục DSVH, Vụ PC; Cổng TTĐT Bộ;
- Lưu: VT, VP (TKBT), MT (15).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Hùng

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2971/BVHTTDL-VP năm 2022 về phân cấp thẩm quyền phê duyệt việc đặt tên đường, số nhà cho khu dân cư nông thôn và quản lý nhà nước đối với hoạt động tại các cơ sở đền, chùa, cơ sở tâm linh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

  • Số hiệu: 2971/BVHTTDL-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 10/08/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
  • Người ký: Nguyễn Văn Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/08/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản