Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2687/BCA-V03
V/v xử lý phản ánh kiến nghị của Công ty Honda Việt Nam

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2018

 

Kính gửi: Văn Phòng Chính phủ

Phúc đáp Công văn số 9177/VPCP-ĐMDN, ngày 21/9/2018 của Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Công an nghiên cứu, xem xét, trả lời phản ánh, kiến nghị của Công ty Honda Việt Nam (địa chỉ tại Phường Phúc Thắng, Thành phố Phúc Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc) về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Về việc này, Bộ Công an có ý kiến như sau:

1. Đối tượng bảo hiểm

a) Về đối tượng bảo hiểm

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 4, Nghị định số 23/2018/NĐ-CP, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ bao gồm: nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm). Như vậy, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở mà giá trị của nó tính được thành tiền.

b) Việc xác định giá trị kê khai và thời điểm kê khai

- Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ tại thời điểm giao kết hợp đồng (Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 23/2018/NĐ-CP). Trường hợp không xác định được giá thị trường của tài sản thì số tiền bảo hiểm do các bên thỏa thuận (Khoản 2, Điều 5, Nghị định số 23/2018/NĐ-CP).

- Bên mua có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đó (quy định tại Khoản 1, Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm).

2. Về cách xác định mức phí bảo hiểm cho tài sản đặt ở địa điểm khác

Vật tư, hàng hóa được gia công cũng như các máy móc, thiết bị của công ty đặt tại cơ sở không thuộc sở hữu của công ty mà cơ sở này thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thì công ty cần cung cấp số lượng, giá trị của vật tư, hàng hóa, máy móc, thiết bị để cơ sở đó thực hiện việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định. Trường hợp này, mức phí bảo hiểm được xác định theo mức độ rủi ro của cơ sở, hạng mục công trình nơi đặt tài sản đó (Phụ lục II, Nghị định số 23/2018/NĐ-CP).

3. Về cách xác định một đơn vị rủi ro

- Trong cùng một khuôn viên của công ty có nhiều hạng mục công trình nếu được xác định là một cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ thì phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho tất cả tài sản thuộc hạng mục công trình đó.

- Đối với các hạng mục công trình khác nằm ngoài khuôn viên thì có thể mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc chung cho toàn bộ công ty hoặc tách riêng hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nếu các hạng mục, công trình đó thuộc danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định.

Trên đây là kết quả trả lời phản ánh, kiến nghị của Công ty Honda Việt Nam liên quan đến quy định hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an; xin trao đổi để Văn phòng Chính phủ biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- VB1, VB2 (để báo cáo lãnh đạo Bộ);
- C07 (để biết);
- Lưu: VT, V03(P7).

TL. BỘ TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC PHÁP CHẾ VÀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, TƯ PHÁP




Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2687/BCA-V03 năm 2018 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 23/2018/NĐ-CP về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 2687/BCA-V03
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 25/10/2018
  • Nơi ban hành: Bộ Công An
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/10/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản