Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2491/UBND-ĐT
Về tăng cường quản lý hoạt động xe mô tô ứng dụng công nghệ phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 7 năm 2021

 

Kính gửi:

- Sở Công Thương; Sở Y tế;
- Sở Giao thông vận tải;
- Sở Thông tin và Truyền thông;
- Công an Thành phố;
- Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức;
- Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Công văn số 3651/SCT-QLXNK ngày 25 tháng 7 năm 2021, của Sở Giao thông vận tải tại Công văn số 8011/SGTVT-VTĐB ngày 24 tháng 7 năm 2021 và của Công an Thành phố tại Báo cáo số 2948/BC-CATP ngày 25 tháng 7 năm 2021 liên quan đến công tác quản lý hoạt động đi lại, giao nhận hàng hóa của đội ngũ nhân viên giao hàng (shipper) trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội;

Nhằm hạn chế tối đa nhu cầu đi lại không thật sự cần thiết trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo về dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô 2 bánh có ứng dụng công nghệ kết nối với khách hàng (sau đây gọi tắt là “dịch vụ shipper”) như sau:

1. Kể từ ngày 26 tháng 7 năm 2021, chỉ cho phép dịch vụ shipper vận chuyển hàng hóa thiết yếu và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (được quy định tại điểm d mục 2.2 về các nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời điểm áp dụng giãn cách tại Công văn số 2468/UBND-VX ngày 23 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố).

2. Yêu cầu các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định và quản lý, kiểm tra hoạt động của các shipper. Trong đó, lưu ý thực hiện ngay các nội dung sau đây:

2.1. Rà soát đội ngũ nhân viên giao hàng của đơn vị và thực hiện điều chỉnh giảm 10% số lượng nhân viên so với trước thời điểm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Ban Thường vụ Thành ủy.

2.2. Về đặc điểm nhận diện đội ngũ shipper của đơn vị: ngoài các giải pháp nhận diện như hiện nay (thông qua đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, Giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho shipper, ứng dụng quản lý đơn hàng mà shipper đang giao nhận,...), các đơn vị chủ động triển khai ngay việc làm bảng tên thẻ cứng có hình và xác nhận của Công ty cho từng shipper và ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR Code (hiển thị đầy đủ các thông tin về shipper; phương tiện; địa chỉ: công ty, nơi cư trú của shipper, giao hàng; người đặt hàng; lộ trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu; chi tiết hàng hóa thiết yếu được vận chuyển...). Thực hiện băng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20cm, in chữ “Shipper” màu trắng.

2.3. Về địa bàn hoạt động: các đơn vị triển khai hoạt động cho dịch vụ shipper cần tổ chức hoạt động theo khu vực để thuận tiện cho công tác quản lý, cũng như ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Mỗi shipper chỉ được hoạt động trên địa bàn 01 (một) quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Riêng đối với các đơn vị không quản lý bằng ứng dụng công nghệ (nhân viên giao hàng của các siêu thị,...): các đơn vị cung ứng dịch vụ thực hiện quản lý theo các biện pháp yêu cầu nêu trên và tập hợp đăng ký danh sách shipper gửi Sở Công Thương xác nhận.

2.4. Chủ động phối hợp với các cơ quan y tế tổ chức xét nghiệm nhanh theo định kỳ cho đội ngũ shipper của đơn vị (khuyến khích thực hiện xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần).

2.5. Thường xuyên nhắc nhở đội ngũ shipper tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch trong quá trình tham gia giao thông cũng như giao nhận hàng hóa; đồng thời, trang bị chai xịt khuẩn cho shipper để khử khuẩn trong quá trình giao nhận hàng hóa.

2.6. Định kỳ hàng ngày, thực hiện đăng ký danh sách đội ngũ shipper và địa bàn hoạt động về Sở Công Thương và Sở Giao thông vận tải để tổng hợp thành dữ liệu dùng chung của các cơ quan quản lý và phục vụ tra cứu, nhận diện shipper khi cần thiết.

2.7. Công bố thông tin số điện thoại đường dây nóng của đơn vị để các lực lượng chức năng phối hợp, hỗ trợ, kiểm tra xác minh xử lý khi cần thiết.

2.8. Chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp để nhân viên giao hàng của đơn vị vi phạm về mục đích vận chuyển và không đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định trong quá trình hoạt động.

3. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

3.1. Thông báo và yêu cầu các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper đang hoạt động trên địa bàn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố tại Công văn này.

3.2. Tổng hợp báo cáo hàng ngày của các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper; phối hợp với Sở Giao thông vận tải thường xuyên theo dõi, làm việc với các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper để kiểm soát chặt chẽ số lượng shipper tham gia vận chuyển hàng hóa thiết yếu phù hợp trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

3.3. Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper về số lượng shipper tham gia vận chuyển hàng hóa thiết yếu hàng ngày; Sở Công Thương phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu giải pháp nhắn tin (SMS) hàng ngày đến từng shipper để xác nhận shipper đã được đăng ký với cơ quan chức năng.

4. Giao Sở Y tế:

- Theo dõi, hướng dẫn các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong quá trình hoạt động.

- Phối hợp với Sở Công Thương hướng dẫn, tổ chức tập huấn cho các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper để chủ động thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19 cho đội ngũ shipper của đơn vị.

- Phối hợp với Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận - huyện khẩn trương rà soát, ưu tiên tổ chức tiêm vắc xin cho các đối tượng là nhân viên giao hàng của các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper.

5. Giao Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển của các shipper; phát hiện và xử lý nghiêm theo đúng quy định đối với các trường hợp vi phạm (nếu có) về đối tượng, mục đích và yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong quá trình tham gia giao thông.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện và các đơn vị cung ứng dịch vụ công nghệ kết nối vận tải chuyển hàng hóa bằng xe mô tô trên địa bàn Thành phố triển khai thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo trên; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố nếu để xảy ra các trường hợp không chấp hành nghiêm quy định trên địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách; kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc về Sở Công Thương để tổng hợp, tham mưu trình Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thường trực Thành ủy;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố;
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP;
- Trung tâm Báo chí;
- VPUB: CVP, các PCVP;
- Phòng TH, VX, ĐT;
- Lưu: VT, (ĐT-HS)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hòa Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2491/UBND-ĐT năm 2021 về tăng cường quản lý hoạt động xe mô tô ứng dụng công nghệ phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg do Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 2491/UBND-ĐT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 26/07/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Hòa Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/07/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản