Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1931/UBND-VX
V tiếp tục thc hin giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Ch thị s 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính ph

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 6 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các sở, ban, ngành Thành phố;
- Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện.

Ngày 30 tháng 5 năm 2021, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Công văn số 1749/UBND-VX về triển khai tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó áp dụng một số biện pháp giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 00 giờ 00 ngày 31 tháng 5 năm 2021. Tuy nhiên, do biến chủng Delta (tên gọi của biến chủng vi rút Ấn Độ) có tốc độ lây nhanh, nên trong 07 ngày vừa qua Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện thêm nhiều chùm ca bệnh mới. Nhằm triệt để khoanh vùng, dập dịch và hạn chế nguồn lây của các chùm ca bệnh mới phát sinh, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo như sau:

1. Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ thêm 14 ngày kể từ 00 giờ 00 ngày 15 tháng 6 năm 2021, cùng một số quy định cụ thể như sau:

- Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 02 mét giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

- Dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

- Tiếp tục tạm dừng hoạt động đối với các loại hình đã được quy định tại Mục 4, Mục 5 Công văn số 1749/UBND-VX ngày 30 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu sau được phép hoạt động: nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch.

- Các cửa hàng tiện ích được hoạt động nhưng phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch COVID-19, không phục vụ quá 10 người cùng một thời điểm và đảm bảo khoảng cách khi chờ thanh toán.

- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động nhưng tuyệt đối không phục vụ tại chỗ, chỉ phục vụ hình thức bán hàng mang về, đặt hàng trực tuyến. Người giao hàng phải đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 02 mét trong khi chờ lấy hàng.

- Các cơ sở chế biến thức ăn bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng-tin và bếp ăn tập thể được hoạt động nhưng phải tuân thủ theo hướng dẫn cụ thể của Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố.

- Riêng đối với nhà hàng trong khách sạn được phép hoạt động, không phục vụ bia, rượu và các loại nước uống có cồn. Phải bố trí chỗ ngồi thông thoáng, bảo đảm khoảng cách giữa 02 người là từ 02 mét trở lên, không phục vụ quá 10 người cùng một thời điểm và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan y tế.

- Đối với các hoạt động mang tính cấp thiết của ngành y tế như tổ chức hiến máu nhân đạo cần phải được tiếp tục và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của ngành y tế trong quá trình tổ chức thực hiện.

2. Yêu cầu người dân Thành phố bình tĩnh, yên tâm, tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch, hợp tác với chính quyền Thành phố, nghiêm túc chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là đeo khẩu trang nơi công cộng và nơi làm việc, hạn chế ra ngoài nếu không thật sự cần thiết; người trên 60 tuổi ở nhà toàn thời gian; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh trừ trường hợp thật sự cần thiết; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 02 mét giữa người với người tại nơi công cộng.

Yêu cầu người dân Thành phố khi có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh COVID-19 phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được khám, sàng lọc theo quy định; khai báo y tế trung thực, tuyệt đối không được che giấu tình trạng bệnh của mình.

3. Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác; tiếp tục quán triệt thực hiện kiên trì nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch (đặc biệt chú trọng khâu phát hiện)”; phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch”, phải tự giác bảo vệ chính bản thân và gia đình trước nguy cơ dịch bệnh; tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo tại Mục 14 Công văn số 1749/UBND-VX ngày 30 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31 tháng 5 năm 2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc ban hành “Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19” để triển khai thực hiện, đánh giá và dự báo nguy cơ theo 04 mức “nguy cơ rất cao”, “nguy cơ cao”, “nguy cơ”, “bình thường mới” cho từng địa bàn, chuẩn bị các tình huống, giải pháp tương ứng với từng mức nguy cơ, áp dụng ở phạm vi phù hợp với kết quả điều tra dịch tễ nhằm đảm bảo mục tiêu kép.

4. Sở Y tế

- Tăng cường chỉ đạo các phòng khám, bệnh viện thực hiện nghiêm các quy trình và quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng khai báo y tế điện tử; kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu kê khai y tế bắt buộc đối với tất cả mọi người khi vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; mỗi một bệnh nhân chỉ được một người chăm sóc; dừng triệt để việc thăm bệnh tại các bệnh viện; có quy định chặt chẽ về tiếp nhận bệnh nhân. Đối với các bệnh viện nếu phát hiện ca bệnh COVID-19 trong khu nội trú thì phong tỏa toàn bộ bệnh viện cho đến khi kiểm soát được tình hình. Đối với các bệnh viện phát hiện ca nghi nhiễm được phát hiện trong khâu sàng lọc ban đầu thì ngưng tiếp nhận bệnh nhân để khử khuẩn, vệ sinh khu vực này.

- Phát huy tối đa công suất thực hiện xét nghiệm của các cơ sở y tế thuộc Thành phố và phối hợp với các cơ sở y tế Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố, các bệnh viện tư nhân; triển khai phần mềm công nghệ thông tin để quản lý, điều phối việc thực hiện xét nghiệm với phương châm “thần tốc, có trọng tâm, trọng điểm”, đảm bảo phục vụ nhu cầu chống dịch kịp thời.

- Chuẩn bị đầy đủ nhân lực và các phương án phòng, chống dịch, bảo đảm sẵn sàng ứng phó dịch bệnh trên diện rộng; chủ động xây dựng phương án đáp ứng chống dịch với 5.000 ca nhiễm; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm, hóa chất theo phương châm “5 tại chỗ”; sẵn sàng cơ sở điều trị có thể tiếp nhận số lượng lớn các trường hợp mắc bệnh: phân công 07 bệnh viện của Thành phố chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 với 2.000 giường bệnh, 1.000 giường hồi sức, 1.000 máy thở (Chợ Rẫy, Bệnh Nhiệt đới, Dã chiến Củ Chi, Điều trị COVID-19 Cần Giờ, Nhi Đồng Thành phố, Nhi Đồng 2, Phạm Ngọc Thạch); chuẩn bị triển khai thêm các bệnh viện dã chiến với tổng công suất 3.000 giường.

5. Giao Sở Giao thông vận tải phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo tại Mục 7 Công văn số 1749/UBND-VX ngày 30 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố; chủ động theo dõi tình hình và quyết định việc hoạt động của các tuyến vận tải hành khách đường bộ cho phù hợp với tình hình thực tế hoặc chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.

6. Giao Sở Công Thương chỉ đạo các hệ thống siêu thị trên địa bàn Thành phố, nhất là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố (Sài Gòn Coop):

- Tăng cường cung cấp đầy đủ hàng hóa, thực hiện bình ổn giá để phục vụ nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa; khuyến khích mua hàng trực tuyến.

- Đảm bảo giãn cách tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn Thành phố theo hướng chia từng đợt, điều tiết số lượng khách ra vào siêu thị phù hợp, không để tập trung đông người tại quầy thu ngân; thực hiện các thủ tục khai báo y tế, đo thân nhiệt cho toàn bộ người ra vào.

- Điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi không thấp hơn 25 độ C và vẫn đảm bảo thông thoáng, vệ sinh và bảo quản hàng hóa.

7. Về phương thức làm việc của cơ quan, đơn vị Nhà nước: tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1803/UBND-VX ngày 03 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố. Đề nghị Sở Nội vụ tham mưu điều chỉnh một số nội dung phù hợp với tình hình thực tế của dịch bệnh và biện pháp giãn cách xã hội đang triển khai áp dụng.

Khuyến khích các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn, bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết các công việc thật sự cần thiết.

8. Giao Công an Thành phố, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện xử lý nghiêm, kể cả xử lý theo pháp luật hình sự các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực, trốn tránh, chống đối, không chấp hành biện pháp cách ly y tế theo đúng quy định của pháp luật.

9. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Y tế và các đơn vị có liên quan khẩn trương trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua Nghị quyết về một số chế độ, chính sách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

10. Giao Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch COVID-19 trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội, chú trọng thông tin về các kết quả tích cực, các mô hình tốt, cách làm hay, tinh thần chung tay, hợp tác của cộng đồng trong phòng, chống dịch COVID-19; hướng dẫn người dân không bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được cơ quan chức năng công bố liên quan đến tình hình dịch COVID-19 để tránh hoang mang dư luận.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện nghiêm túc Công văn này, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố nếu để xảy ra sai phạm tại đơn vị, địa bàn quản lý./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ; (để báo cáo)
- Bộ Y tế; (để báo cáo)
- Thường trực Thành ủy; (để báo cáo)
- Thường trực HĐND TP; (để báo cáo)
- Ban TT UBMTTQVN Thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Văn phòng Thành ủy;
- VPUB: CPVP;
- Trung tâm Báo chí TP;
- Các phòng NCTH;
- Lưu: VT, VNga (VX).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Anh Đức

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1931/UBND-VX năm 2021 về tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị 15/CT-TTg do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 1931/UBND-VX
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/06/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Dương Anh Đức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản