Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2451/BNN-TT
V/v tái cấp vốn thực hiện chương trình tái canh cà phê khu vực Tây Nguyên

Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 2013

 

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được Văn bản số 4958/NHNN-TD ngày 11/7/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xin ý kiến đối với dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về tái cấp vốn thực hiện chương trình tái canh cây cà phê khu vực Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:

1. Tình hình sản xuất và tái canh cà phê

Đến hết năm 2012 tổng diện tích cà phê của cả nước đạt 622.168 ha, (diện tích cà phê kinh doanh đạt 574.314 ha). Trong đó tỉnh Đắc Lắc có diện tích cà phê lớn nhất 200.099 ha (190.400 ha cà phê kinh doanh); Lâm Đồng đạt 151.020 ha (147.753 ha cà phê kinh doanh); Đắc Nông đạt 114.188 ha (97.837 hà cà phê kinh doanh); Gia Lai đạt 77.688 ha (75.481 ha cà phê kinh doanh).

Năng suất trung bình cả nước đạt 23,5 tạ nhân/ha và sản lượng đạt 1.292.389 tấn. Trong đó Đắc Lắc có năng suất và sản lượng cao nhất đạt 25,1 tạ nhân/ha, sản lượng 424.420 tấn; Lâm Đồng năng suất đạt 24,9 tạ nhân/ha sản lượng 376.771 tấn; Đắc Nông năng suất đạt 22,20 tạ nhân/ha, sản lượng 203.279 tấn cà phê nhân và Gia Lai năng suất đạt 20,2 tạ nhân/ha, sản lượng 166.662 tấn cà phê nhân.

Diện tích cà phê trên 20 năm tuổi hiện có trên 86 nghìn ha ngoài ra có khoảng trên 40 nghìn ha cà phê dưới 20 tuổi nhưng đã có biểu hiện già cỗi sinh trưởng kém, ít cành thứ cấp, nhiều cành không cho quả, năng suất và chất lượng quả thấp. Tổng diện tích cà phê già cỗi phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 - 10 năm tới khoảng 140 - 160 nghìn ha.

Vì vậy, việc thực hiện chương trình tái canh cây cà phê trên địa bàn Tây Nguyên nhằm duy trì ổn định sản lượng cà phê hàng năm của cả nước là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

2. Thời gian tái canh cà phê kéo dài khoảng 5 - 6 năm (2 - 3 năm đầu luân canh cây trồng khác và 3 năm thời kỳ kiến thiết cơ bản) mới cho thu hoạch, điều kiện kinh tế nông dân trồng cà phê còn khó khăn, do vậy đề nghị Nhà nước cho vay ưu đãi, thời gian cho vay từ 5 - 7 năm là phù hợp.

3. Để nguồn vốn cho vay tái canh cà phê có hiệu quả, các tỉnh trồng cà phê ở Tây Nguyên cần rà soát, thống kê diện tích cà phê phải tái canh trên địa bàn. Đánh giá điều kiện sinh thái thích nghi với cây cà phê, loại bỏ diện tích ít thích hợp và không thích hợp cho trồng cà phê. Chỉ tái canh diện tích cà phê già cỗi ở nơi có điều kiện sinh thái phù hợp trong vùng quy hoạch; giảm diện tích cà phê ở những nơi đất xấu, không có nguồn nước tưới và diện tích bị sâu bệnh nặng để chuyển sang các cây trồng khác.

4. Trên cơ sở rà soát lại diện tích cà phê tái canh nằm trong quy hoạch, UBND các tỉnh Tây Nguyên chỉ đạo các đơn vị liên quan lập kế hoạch hàng năm về tái canh cà phê cho từng địa phương trên địa bàn, làm cơ sở để ngân hàng triển khai cho vay nguồn vốn tái canh cà phê đúng đối tượng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (để b/c);
- Lưu: VT, TT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quốc Doanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2451/BNN-TT năm 2013 tái cấp vốn thực hiện chương trình tái canh cà phê khu vực Tây Nguyên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 2451/BNN-TT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/07/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Lê Quốc Doanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/07/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản