Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 240/BGDĐT-NGCBQLGD
V/v rà soát biên chế ngành Giáo dục

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2021

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Hiện nay, ở hầu hết các tỉnh/thành phố đều thiếu giáo viên mầm non, phổ thông, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết một cách căn bản, gây nhiều khó khăn cho các cơ sở trong việc triển khai các nhiệm vụ giáo dục, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và gây ra sự quá tải đối với giáo viên. Nguyên nhân chủ yếu là do quỹ biên chế hầu như không được giao bổ sung, trong khi quy mô học sinh hàng năm tăng theo tốc độ tăng dân số. Mặt khác, nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực để hợp đồng lao động bổ sung giáo viên cho những trường còn thiếu, nhất là ở các địa bàn khó khăn. Chính vì thế, một số địa phương tiếp tục có báo cáo gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên, nhất là biên chế giáo viên mầm non. Về việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương triển khai một số nội dung sau đây:

1. Tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục và các địa phương trong tỉnh bảo đảm hợp lý, trên cơ sở đó, tổng hợp số lượng giáo viên còn thiếu của các cơ sở giáo dục theo từng cấp học, môn học và đề xuất số lượng biên chế giáo viên cần bổ sung năm học 2021 - 2022 (theo từng cấp học) báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ (cơ quan đầu mối) để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định[1]. Báo cáo gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ trước ngày 31/3/2021.

2. Trước mắt, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, các địa phương cần linh hoạt, chủ động bố trí biên chế để tuyển dụng hoặc trường hợp không còn biên chế thì bố trí nguồn lực để hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ. Đồng thời, phối hợp (liên hệ) với các cơ sở đào tạo giáo viên để thực hiện việc đặt hàng đào tạo nâng trình độ chuẩn cho giáo viên theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ và có các thông tin về sinh viên sư phạm ra trường hàng năm nhằm chủ động nguồn tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động; Có các giải pháp, chính sách thu hút sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp từ các địa phương khác trong cả nước.

3. Việc thực hiện tinh giản biên chế ngành Giáo dục gắn với sắp xếp lại tổ chức trường, lớp và cơ cấu lại đội ngũ viên chức theo chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ tiếp tục được triển khai thực hiện nghiêm túc, linh hoạt và hiệu quả.

Trân trọng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Nội vụ (để p/h chỉ đạo)
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để p/h chỉ đạo);
- Các Sở GD&ĐT, Sở GD,KH&CN Bạc Liêu (để t/h);
- Lưu: VT, NGCBQLGD.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Ngọc Thưởng

 



[1] Các địa phương đã có báo cáo đề nghị bổ sung biên chế trong năm 2020 (như Lạng Sơn, Ninh Bình, Nghệ An, Hưng Yên, Hải Phòng, Bến Tre), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến với Bộ Nội vụ xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 240/BGDĐT-NGCBQLGD năm 2021 về rà soát biên chế ngành Giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 240/BGDĐT-NGCBQLGD
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 20/01/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Phạm Ngọc Thưởng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản