Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 238/TCT-CS
V/v chính sách thuế

Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2014

 

Kính gửi: Cục Thuế thành phố Hà Nội

Ngày 13/11/2013, Tổng cục Thuế nhận được công văn số 43402/CT-TTr4 ngày 30/10/2013 của Cục Thuế thành phố Hà Nội về chính sách thuế. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

- Điều 147 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định:

"Điều 147. Quyền và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con

1. Tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng của Luật này và pháp luật có liên quan.

2. Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó.

4. Người quản lý của công ty mẹ chịu trách nhiệm về việc can thiệp buộc công ty con thực hiện hoạt động kinh doanh quy định tại khoản 3 Điều này phải liên đới cùng công ty mẹ chịu trách nhiệm về các thiệt hại đó.

5. Trường hợp công ty mẹ không đền bù cho công ty con theo quy định tại khoản 3 Điều này thì chủ nợ hoặc thành viên, cổ đông có sở hữu ít nhất 1% vốn điều lệ của công ty con có quyền nhân danh chính mình hoặc nhân danh công ty con đòi công ty mẹ đền bù thiệt hại cho công ty con.

6. Trường hợp hoạt động kinh doanh như quy định tại khoản 3 Điều này do công ty con thực hiện đem lại lợi ích cho công ty con khác của cùng công ty mẹ thì công ty con được hưởng lợi đó phải liên đới cùng công ty mẹ hoàn trả khoản lợi được hưởng đó cho công ty con bị thiệt hại."

- Khoản 2 Điều 5 Thông tư 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi và dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp quy định:

"Điều 5. Dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính.

2. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn:

a) Đối tượng: là các khoản vốn doanh nghiệp đang đầu tư vào tổ chức kinh tế khác được thành lập theo quy định của pháp luật như công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh… và các khoản đầu tư dài hạn khác phải trích lập dự phòng nếu tổ chức kinh tế mà doanh nghiệp đang đầu tư bị lỗ (trừ trường hợp lỗ theo kế hoạch đã được xác định trong phương án kinh doanh trước khi đầu tư).

b) Phương pháp lập dự phòng.

Mức trích tối đa cho mỗi khoản đầu tư tài chính bằng số vốn đã đầu tư và tính theo công thức sau:

Mức dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính

=

Vốn góp thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế

-

Vốn chủ sở hữu thực có

x

Số vốn đầu tư của doanh nghiệp

Tổng số vốn góp thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế

Trong đó:

- Vốn góp thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế được xác định trên Bảng cân đối kế toán của tổ chức kinh tế năm trước thời điểm trích lập dự phòng (mã số 411 và 412 Bảng cân đối kế toán - ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).

- Vốn chủ sở hữu thực có được xác định tại Bảng cân đối kế toán của tổ chức kinh tế năm trước thời điểm trích lập dự phòng (mã số 410 Bảng cân đối kế toán - ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).

Căn cứ để lập dự phòng khi vốn góp thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế lớn hơn vốn chủ sở hữu thực có tại thời điểm báo cáo tài chính của tổ chức kinh tế.

Doanh nghiệp phải lập dự phòng riêng cho từng khoản đầu tư tài chính có tổn thất và được tổng hợp vào bảng kê chi tiết dự phòng tổn thất đầu tư tài chính. Bảng kê là căn cứ để hạch toán vào chi phí tài chính của doanh nghiệp.

c) Xử lý khoản dự phòng:

Tại thời điểm lập dự phòng nếu các khoản vốn đầu tư vào tổ chức kinh tế bị tổn thất do tổ chức kinh tế bị lỗ thì phải trích lập dự phòng tổn thất các đầu tư tài chính theo các quy định tại tiết b điểm 2 Điều này;

Nếu số dự phòng tổn thất đầu tư tài chính phải trích lập bằng số dư khoản dự phòng, thì doanh nghiệp không phải trích lập khoản dự phòng tổn thất đầu tư tài chính;

Nếu số dự phòng phải trích lập cao hơn số dư khoản dự phòng, thì doanh nghiệp trích thêm vào chi phí tài chính của doanh nghiệp phần chênh lệch.

Nếu số dự phòng phải trích lập thấp hơn số dư khoản dự phòng, thì doanh nghiệp phải hoàn nhập phần chênh lệch ghi giảm chi phí tài chính."

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Công ty cổ phần máy - thiết bị dầu khí đầu tư 100% vốn để thành lập 2 công ty con thì Công ty cổ phần máy - thiết bị dầu khí đã thực hiện đầu tư tài chính dài hạn, khoản đầu tư này của Công ty thuộc đối tượng được trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn theo hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009 của Bộ Tài chính; trường hợp công ty con bị lỗ thì công ty con thực hiện chuyển lỗ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế thành phố Hà Nội được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC - TCT;
- Lưu VT, CS (4b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 238/TCT-CS năm 2014 về chính sách thuế do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 238/TCT-CS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 17/01/2014
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Cao Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản