Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1784/UBND-TM
Về Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2012

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 4 năm 2013

 

Kính gửi: Bộ Tài chính

Theo đề nghị của Bộ Tài chính tại Công văn số 1708/BTC-QLCS ngày 31 tháng 01 năm 2013 và Công văn số 3635/BTC-QLCS ngày 25 tháng 3 năm 2013 về báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và in phiếu xác nhận thông tin trong cơ sở dữ liệu; Xét đề xuất của Bộ Tài chính tại Công văn số 2800/STC-CS ngày 04 tháng 4 năm 2013 về tình hình quản lý sử dụng tài sản nhà nước năm 2012;

Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh báo cáo Bộ Tài chính như sau:

1. Tình hình ban hành và thực hiện các văn bản pháp luật về quản lý sử dụng tài sản nhà nước:

1.1- Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước do Thành phố ban hành:

- Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008; Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ; Thông tư số 245/2009/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Bộ tài chính; Thông tư số 123/2011/TT-BTC ngày 31 tháng 8 năm 2011; Thông tư sô 09/2012/TT-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2012; Thông tư số 12/2012/TT-BTC ngày 06 tháng 02 năm 2012 và Công văn số 11271/BTC-QLCS ngày 22 tháng 8 năm 2012 của Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước năm 2012 như sau:

+ Công văn số 1466/UBND-TM ngày 04 tháng 3 năm 2012 về triển khai thực hiện Thông tư số 12/2012/TT-BTC ngày 06 tháng 02 năm 2012 của Bộ Tài chính về tiêu chí xác định đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp;

+ Quyết định số 6444/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2012 về ban hành Quy chế phối hợp kiểm tra, đối chiếu thông tin và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý tại thành phố Hồ Chí Minh;

+ Công văn số 901/UBND-TM ngày 23 tháng 02 năm 2013 về hướng dẫn công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập được nhà nước xác định giá trị tài sản và giao cho đơn vị quản lý theo chế độ giao vốn cho doanh nghiệp.

+ Công văn số 902/UBND-TM ngày 23 tháng 02 năm 2013 về phân cấp việc nhập dữ liệu tài sản nhà nước vào cơ sở dữ liệu quốc gia cho các đơn vị, Sở, ngành thành phố và 24 quận, huyện theo quy định.

- Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Tài chính thành phố đã có các văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản nhà nước như sau:

+ Công văn số 4347/STC-CS ngày 17 tháng 5 năm 2012 về hướng dẫn trình tự thủ tục xác định giá trị tài sản nhà nước để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp;

+ Công văn 12086/STC-BVG ngày 06 tháng 12 năm 2012 về hướng dẫn hồ sơ thẩm định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp.

- Căn cứ Công văn số 15050/BTC-QLCS ngày 31 tháng 10 năm 2012 của Bộ Tài chính về thực hiện rà soát, chuẩn hóa Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Công văn số 9891/VP-TM ngày 11 tháng 12 năm 2012 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Ngày 28 tháng 02 năm 2013 và ngày 01 tháng 3 năm 2013, Sở Tài chính đã tổ chức lớp tập huấn về chuẩn hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước cho các đơn vị đã được phân cấp nhập dữ liệu tài sản nhà nước vào cơ sở dữ liệu quốc gia, với sự hỗ trợ hướng dẫn của Cán bộ Cục Quản lý Công sản - Bộ Tài chính.

1.2- Đánh giá tình hình thực hiện các văn bản pháp luật về quản lý sử dụng tài sản:

Việc ban hành các văn bản quy định về quản lý tài sản nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong thời gian qua đã tác động đến công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, kết quả thực hiện được đánh giá như sau:

- Thực hiện phân cấp rõ ràng nhiệm vụ quản lý tài sản nhà nước giữa các cấp, từng loại hình cơ quan, đơn vị, xác định rõ thẩm quyền trách nhiệm của từng đơn vị trong quản lý sử dụng tài sản nhà nước, đảm bảo việc sử dụng tài sản minh bạch, hiệu quả, nắm bắt được các quy định trình tự thủ tục trong công tác quản, lý, sử dụng công sản về xây dựng, sửa chữa, mua sắm, thanh lý, điều chuyển,... để thực hiện đúng trình tự thủ tục và đúng thẩm quyền theo phân cấp.

- Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện công tác quản lý tài sản nhà nước tại cơ quan đơn vị mình ngày càng tốt hơn, trách nhiệm và quyền hạn của Thủ trưởng đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được nâng cao, quy định phân cấp rõ ràng, cụ thể, hạn chế việc sử dụng lãng phí, kém hiệu quả tài sản nhà nước.

- Đa số các đơn vị đã xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tài sản theo các quy định hiện hành, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị và thực hiện công khai tài sản theo quy định tại Quyết định số 115/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 89/2010/TT-BTC ngày 16 tháng 6 năm 2010 của Bộ Tài chính về hướng dẫn báo cáo công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

- Việc mua xe ôtô phục vụ công tác, xe ôtô chuyên dùng thực hiện theo tiêu chuẩn định mức quy định tại Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2007; Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi bổ sung Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg; Thông tư 103/2007/TT-BTC ngày 29 tháng 8 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg và Thông tư 06/2011/TT-BTC ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung Thông tư 103/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính.

- Việc mua sắm tài sản thiết bị văn phòng được thực hiện đúng tiêu chuẩn, định mức quy định tại Quyết định 170/2006/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và phân cấp mua sắm theo Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND ngày 04 tháng 02 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố, mua sắm trong dự toán kinh phí hằng năm, thực hiện công khai, minh bạch, đúng trình tự, thủ tục mua sắm theo quy định của Luật Đấu thầu hoặc theo hình thức chào hàng cạnh tranh.

Trong năm 2012, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo việc mua sắm xe ôtô phục vụ công tác, điều hòa nhiệt độ và trang thiết bị, phương tiện làm việc theo đúng Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; Công văn số 6932/BTC-QLCS ngày 23 tháng 5 năm 2012 và Công văn số 8473/BTC-QLCS ngày 22 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2012.

2. Tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2012:

- Công tác quản lý sử dụng tài sản nhà nước tại các cơ quan, đơn vị được triển khai thực hiện đúng Luật Quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước; hướng dẫn của Bộ Tài chính và của Ủy ban nhân dân thành phố, quy định mở sổ hạch toán tăng giảm, đầu tư, sửa chữa cải tạo, mua sắm, thanh lý, điều chuyển,.., đúng phân cấp theo thẩm quyền tại Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND ngày 04 tháng 02 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố. Thực hiện đăng ký tài sản nhà nước, báo cáo kê bổ sung khi có thay đổi tài sản về số lượng, giá trị theo đúng quy định tại Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ.

- Việc giao khoán kinh phí cho các cơ quan hành chính, giao tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp, với sự kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước hầu hết các cơ quan, đơn vị đều thực hiện mua sắm, trang bị tài sản theo định mức quy định và trong dự toán kinh phí hằng năm, thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, thắt chặt chi tiêu công, việc đầu tư, mua sắm, sửa chữa tài sản tại các cơ quan đơn vị trong tình hình kinh tế hiện nay chỉ thực hiện mua sắm đối với những nhu cầu thực sự cần thiết hoặc cấp bách.

- Bên cạnh những mặt đạt được như trên, công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các cơ quan, đơn vị cũng còn một số điểm cần khắc phục, cụ thể:

+ Việc thực hiện công khai tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại một số đơn vị còn chậm về thời gian theo quy định.

+ Công tác lập và quản lý hồ sơ về tài sản nhà nước tại một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đúng quy định (hồ sơ quản lý tài sản lập chưa kịp thời, chưa tập trung đầy đủ tại bộ phận kế toán của đơn vị); việc cập nhật biến động tài sản, việc chấp hành báo cáo tình hình quản lý sử dụng tài sản theo định kỳ còn chậm, nội dung báo cáo chưa đầy đủ theo yêu cầu.

3. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thành phố:

- Qua phân cấp quản lý theo Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND ngày 04 tháng 02 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố; Ngày 27 tháng 7 năm 2011, Sở Tài chính đã có Công văn số 7925/STC-CS hướng dẫn thực hiện công tác quản lý sử dụng tài sàn nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động.

- Thường xuyên thực hiện chế độ thanh tra, kiểm tra, báo cáo, cung cấp tin về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo đúng chế độ quy định, nhằm hạn chế việc quản lý sử dụng tài sản nhà nước lãng phí không đúng mục đích và kém hiệu quả.

4. Tình hình rà soát, chuẩn hóa dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 15050/BTC-QLCS ngày 31 tháng 10 năm 2012:

- Thực hiện Công văn 15050/BTC-QLCS ngày 31 tháng 10 năm 2012 của Bộ Tài chính về thực hiện rà soát, chuẩn hóa Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước; Ngày 28 tháng 02 năm 2013 và ngày 01 tháng 3 năm 2013, Sở Tài chính đã tổ chức lớp tập huấn về chuẩn hóa Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước cho 43 đơn vị (trong đó, 5 đơn vị được cấp chứng thư số được phép nhập, duyệt dữ liệu tài sản của đơn vị và các đơn vị trực thuộc; 38 đơn vị đã được phân cấp nhập dữ liệu tài sản nhà nước vào Cơ sở dữ liệu quốc gia), với sự hỗ trợ hướng dẫn của Cán bộ Cục Quản lý Công sản - Bộ Tài chính.

- Mặc dù được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài chính, hiện nay, Chương trình quản lý, đăng ký tài sản nhà nước phiên bản 1.0 đã được nâng cấp lên phiên bản 2.0 và đã được Bộ Tài chính bổ sung một số chức năng để kiểm tra, chuẩn hóa dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do chương trình mới, khó, phải sử dụng nhiều thao tác, nhiều đơn vị đã được tập huấn nhưng vẫn lúng túng trong việc cập nhật, chỉnh sửa dữ liệu, nhân sự thay đổi, cập nhật mua sắm tài sản không đúng thời gian theo quy định, vẫn còn trường hợp một số đơn vị chưa nắm được cách sử dụng chương trình quản lý, đăng ký tài sản nhà nước như: nhập số dư ban đầu, số tăng giảm hàng năm, cách chỉnh sửa dữ liệu.

- Mặc khác, do thành phố Hồ Chí Minh có số lượng tài sản lớn, đơn vị nhiều, do đó việc truy cập vào Chương trình quản lý, đăng ký tài sản nhà nước lúc được, lúc không, chương trình vận hành rất chậm có khi không vào được chương trình, nhất là vào thời điểm báo cáo và thời điểm hiện nay các đơn vị đang thực hiện việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước theo Công văn số 15050/BTC-CS của Bộ Tài chính.

- Số liệu báo cáo tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước in trực tiếp từ chương trình cơ sở dữ liệu quốc gia tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2012 như sau:

4.1. Về đất:

Số lượng tài sản: 5.747 địa chỉ đất, với diện tích: 32.903.041 m2.

4.2. Về nhà:

Số lượng tài sản: 7.847 ngôi nhà, với diện tích: 7.275.783 m2.

4.3. Về ô tô các loại:

Số lượng tài sản: 1.589 chiếc (gồm 875 xe ô tô phục vụ công tác và 714 xe ô tô chuyên dùng).

4.4. Về tài sản khác (có nguyên giá trên 500 triệu đồng /1 đơn vị tài sản): Số lượng tài sản: 1.678 tài sản.

5. Kiến nghị đề xuất:

5.1. Những vướng mắc:

- Về tiêu chuẩn định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước theo Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ đến nay đã không còn phù hợp với thực tế về số lượng và kinh phí trang bị, cụ thể như:

+ Định mức cho phòng hành chính văn thư của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân Tỉnh, cơ quan Sở và tương đương: Máy vi tính 01 chiếc, máy in 01 chiếc..., kinh phí tối đa là 40 triệu đồng; Định mức tiêu chuẩn trang thiết bị tính chung cho 01 xã, phường, thị trấn là máy tính để bàn 04 chiếc, máy in 02 chiếc....;

+ Hiện nay đang áp dụng Chương trình chính phủ điện tử, tình hình thực hiện công nghệ thông tin, nếu áp dụng định mức nêu trên là không còn phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời giá cả trang thiết bị hiện nay cũng đã tăng cao so với thời điểm ban hành Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg.

- Ngày 07 tháng 5 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước; Ngày 30 tháng 9 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước. Trong đó, tại khoản 5 Điều 1 của Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg có điều chỉnh giá mua xe ô tô cho các chức danh và xe ô tô phục vụ công tác, đến nay mức giá mua xe tại khoản 5 Điều 1 của Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg không còn phù hợp với giá thực tế của các loại xe trên thị trường Việt Nam.

- Chương trình quản lý, đăng ký tài sản nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh dù đã được Bộ Tài chính bổ sung một số chức năng để kiểm tra, chuẩn hóa dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc truy cập vào chương trình quản lý, đăng ký tài sản nhà nước vẫn còn trường hợp truy cập lúc được, lúc không, chương trình vận hành rất chậm có khi không vào được chương trình, nhất là vào thời điểm báo cáo, thời điểm các đơn vị đang thực hiện việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước; chương trình chưa ổn định, dữ liệu bị mất.

5.2. Kiến nghị đề xuất:

Từ tình hình thực tế nêu trên, Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị như sau:

- Đề nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của văn phòng Hội đồng nhân dân, văn phòng Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cho phù hợp với tình hình thực tế các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

- Đề nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức giá mua xe ô tô cho các chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung phù hợp với thực tế.

- Đề nghị Bộ Tài chính có biện pháp cũng như công cụ hỗ trợ, hướng dẫn việc quản lý vận hành phần mềm tin học, hạn chế tình trạng bị lỗi do phần mềm như hiện nay, nhằm giúp thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tốt chương trình vận hành chuẩn hóa dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia.

Trên đây là báo cáo tình hình quản lý sử dụng tài sản nhà nước năm 2012 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính);
- TTUB: CT, các PCT;
- Sở Ban ngành thành phố;
- Ủy ban nhân dân 24 quận huyện;
- VPUB: CVP, các PVP;
- Phòng TCTMDV (2b), các Phòng CV;
- Lưu: VT(TM-V).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Hồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1784/UBND-TM năm 2013 về Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2012 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 1784/UBND-TM
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/04/2013
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thị Hồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/04/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản