Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1761/BTC-CST
V/v chính sách thuế đối với các cơ sở, doanh nghiệp giáo dục và các dịch vụ giáo dục

Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2022

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Căn cứ nội dung tại điểm 3c Mục I Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 10/11/2021 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2021 giao Bộ Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất bổ sung nội dung về chính sách miễn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất cho cơ sở, doanh nghiệp giáo dục và các dịch vụ giáo dục trong 02 năm bị ảnh hưởng 2020 - 2021 và cho giai đoạn 2022 - 2027 nhằm giảm chi phí trong vận hành, khuyến khích, huy động các nguồn lực công - tư vào phát triển, phục hồi một cách nhanh nhất và duy trì hoạt động trong các năm tiếp theo, Bộ Tài chính đã có công văn số 14098/BTC-CST ngày 10/12/2021 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chính sách thuế đối với các cơ sở, doanh nghiệp giáo dục và các dịch vụ giáo dục.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại công văn số 9569/VPCP-KTTH ngày 29/12/2021 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có công văn số 12/BTC-CST ngày 04/01/2022 gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để lấy ý kiến đề xuất về chính sách thuế đối với cơ sở, doanh nghiệp giáo dục và các dịch vụ giáo dục. Đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được văn bản tham gia ý kiến của Bộ Tư pháp (công văn số 110/BTP-PLDSKT ngày 12/01/2022), Bộ Giáo dục và Đào tạo (công văn số 118/BGDĐT-KHTC ngày 13/01/2022), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 489/BKHĐT-TCTT ngày 20/01/2022).

Qua rà soát quy định của hệ thống pháp luật về thuế hiện hành, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 đã được ban hành trong thời gian qua và tổng hợp ý kiến tham gia của các Bộ, cơ quan nêu trên, Bộ Tài chính xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

1. Hệ thống chính sách thuế hiện hành đã quy định nhiều chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục và các dịch vụ giáo dục

Pháp luật thuế hiện hành áp dụng thống nhất đối với tất cả các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân, không phân biệt trong nước, nước ngoài hay hình thức sở hữu. Các ưu đãi thuế được quy định cụ thể tại các Luật thuế; trong đó lĩnh vực giáo dục và đào tạo luôn được ưu tiên áp dụng các chính sách ưu đãi thuế cao nhất trong khuôn khổ pháp luật về thuế nhằm khuyến khích phát triển lĩnh vực này. Cụ thể:

- Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) quy định: Áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đồng thời, trường hợp doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa giáo dục và đào tạo tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn thì được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa trong 9 năm tiếp theo; doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa giáo dục và đào tạo tại địa bàn khác thì được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa trong 5 năm tiếp theo.

Ngoài ra, Luật thuế TNDN cũng quy định miễn thuế TNDN đối với: Phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để lại để đầu tư phát triển cơ sở đó theo quy định của luật chuyên ngành; Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục. Đối với doanh nghiệp, tổ chức thực hiện chi tài trợ cho giáo dục thì cũng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

- Theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) thì hầu hết hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT bao gồm: Dạy học, dạy nghề; Hoạt động xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách chính trị, sách giáo khoa, giáo trình, sách văn bản pháp luật, sách khoa học - kỹ thuật... qua đó góp phần giảm chi phí, giá thành của các sản phẩm, dịch vụ giáo dục.

- Theo quy định của các Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì chính sách ưu đãi các sắc thuế này được áp dụng căn cứ theo ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư, trong đó giáo dục là ngành nghề ưu đãi đầu tư và được áp dụng các chính sách ưu đãi như miễn thuế nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được phục vụ cho giáo dục; miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất của cơ sở thực hiện xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;...

- Về tiền thuê đất, theo quy định tại Nghị định số 59/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ thì các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được ưu đãi với mức tối đa là miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian của dự án, mức tối thiểu bằng mức ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư.

2. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19

Trước tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân, trên cơ sở rà soát hệ thống pháp luật hiện hành và điều kiện, tình hình thực tiễn, đã có nhiều giải pháp hỗ trợ được ban hành và triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Đối với nhóm giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, trong năm 2020, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền để thực hiện: gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân (TNCN)) và tiền thuê đất cho hầu hết các đối tượng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 (Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ); giảm (15%) tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng trả tiền thuê đất hàng năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ); giảm (30%) số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng (Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội); miễn, giảm nhiều khoản phí và lệ phí để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân;....

Trong năm 2021 cũng đã thực hiện: tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN) và tiền thuê đất (Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ); giảm (30%) tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ); tiếp tục giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2021, đồng thời thực hiện miễn thuế (thuế TNCN, thuế GTGT và các loại thuế khác) trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, giảm (30%) mức thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020 (Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội); thực hiện tính vào chi phí được trừ đối với khoản ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam (Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ); tiếp tục giảm mức thu nhiều khoản phí và lệ phí;...

Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/NQ-QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trong đó có quy định một số chính sách miễn, giảm thuế áp dụng trong năm 2022 như: Giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 nêu trên, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu, xây dựng để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét theo thẩm quyền việc tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ khác về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2022 như: gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2022;... Bộ Tài chính cũng tiếp tục thực hiện việc giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí theo thẩm quyền trong năm 2022.

Như vậy, trong thời gian qua, đã có nhiều giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuế đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 nói chung (trong đó có các cơ sở giáo dục và đào tạo).

Bên cạnh các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên thì cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ khác được triển khai thực hiện như giải pháp về tín dụng, về chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, cắt giảm chi phí tiền điện, nước, viễn thông...

3. Ý kiến của các Bộ và đề xuất

Qua tổng hợp ý kiến của các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp thì chỉ có Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến đề xuất một số nội dung về chính sách thuế đối với các cơ sở, doanh nghiệp giáo dục, cụ thể như sau:

(i) Tiếp tục áp dụng các ưu đãi về thuế và tiền thuê đất cho các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp giáo dục. Nghiên cứu mở rộng giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất theo hướng miễn thuế GTGT, thuế TNDN, tiền thuê đất cho toàn bộ các cơ sở, doanh nghiệp giáo dục, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và các dịch vụ giáo dục trong 02 năm 2022-2023 để giảm chi phí trong vận hành, khuyến khích, huy động các nguồn lực công - tư vào phát triển, phục hồi ngành giáo dục một cách nhanh nhất.

Về ý kiến này của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính xin báo cáo như sau:

- Đối với các cơ sở, doanh nghiệp giáo dục, khó khăn chủ yếu xuất phát từ công tác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, dẫn đến các cơ sở, doanh nghiệp giáo dục phải tạm ngừng hoạt động như trong thời gian qua (nhất là cấp học giáo dục mầm non). Tuy nhiên cũng sẽ không phát sinh doanh thu, thu nhập phải nộp thuế GTGT, thuế TNDN. Khi các cơ sở, doanh nghiệp giáo dục hoạt động trở lại thì với các chính sách ưu đãi thuế như đã báo cáo ở phần trên đã đảm bảo tính thống nhất và có trọng tâm.

- Đối với ý kiến đề nghị miễn tiền thuê đất cho các cơ sở, doanh nghiệp giáo dục trong các năm 2022 - 2023, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp để báo cáo Thủ tướng chính phủ xem xét, quyết định trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 như đã nêu trên.

(ii) Đề xuất sửa đổi Luật thuế GTGT theo hướng đưa sách giáo khoa thuộc đối tượng chịu thuế suất GTGT mức 0%; sửa đổi quy định cho phép các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên không phải nộp thuế TNDN đối với học phí chính quy (theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP thì mức thu học phí còn thấp, chưa đủ bù đắp chi phí).

- Về đề xuất sửa đổi Luật thuế GTGT theo hướng đưa sách giáo khoa thuộc đối tượng chịu thuế suất GTGT mức 0%, Bộ Tài chính xin báo cáo như sau: Theo quy định của Luật thuế GTGT hiện hành thì mặt hàng sách giáo khoa đang thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Về nguyên tắc và thông lệ quốc tế thì mức thuế suất thuế GTGT 0% chỉ áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo quy định hiện hành.

- Về đề xuất xem xét, sửa đổi quy định cho phép các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên không phải nộp thuế TNDN đối với học phí chính quy: Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến này của Bộ Giáo dục và Đào tạo để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho phù hợp trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN để có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện ổn định, lâu dài (hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức xây dựng Báo cáo rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi Luật thuế TNDN, sẽ báo cáo Chính phủ trước ngày 31/3/2022, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 30/6/2022 để xem xét đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh các năm 2023 - 2025).

Từ các nội dung báo cáo nêu trên, về chính sách thuế đối với cơ sở, doanh nghiệp giáo dục và dịch vụ giáo dục trong thời gian tới, Bộ Tài chính xin đề xuất với Thủ tướng Chính phủ như sau:

- Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế và tiền thuê đất đối với các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp giáo dục và dịch vụ giáo dục theo quy định của pháp luật về thuế, về tiền thuê đất hiện hành.

- Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét đề xuất miễn tiền thuê đất các cơ sở, doanh nghiệp giáo dục khi xây dựng văn bản quy định về việc giảm tiền thuê đất để triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15.

- Nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ vướng mắc về thuế TNDN đối với khoản thu học phí theo quy định của Nhà nước (còn chưa đủ bù đắp chi phí) của các cơ sở giáo dục công lập khi thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN.

Bộ Tài chính kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các cơ quan: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Vụ Pháp chế;
- Lưu: VT, CST(TN).

BỘ TRƯỞNG




Hồ Đức Phớc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1761/BTC-CST năm 2022 về chính sách thuế đối với các cơ sở, doanh nghiệp giáo dục và các dịch vụ giáo dục do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 1761/BTC-CST
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/02/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Hồ Đức Phớc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/02/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản