Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
CỤC HỘ TỊCH, QUỐC TỊCH, CHỨNG THỰC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1715 /HTQTCT-CÔNG TÁC
Vv hướng dẫn nghiệp vụ

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2013

 

Kính gửi: Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi

Trả lời kiến nghị về một số nội dung liên quan đến công tác chứng thực đã được Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi nêu tại buổi làm việc với Bộ trưởng Hà Hùng Cường ngày 12/4/2013, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có ý kiến như sau:

1. Về việc hướng dẫn việc chứng thực các bản dịch từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ

Hiện tại, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký chỉ quy định về việc chứng thực chữ ký của người dịch trong giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP cũng không có quy định cấm về việc chứng thực chữ ký người dịch trong các trường hợp dịch ngôn ngữ khác (như chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ hay từ ngôn ngữ của dân tộc này sang ngôn ngữ của dân tộc khác). Do đó, cơ quan chứng thực có thể vận dụng quy định của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP để chứng thực chữ ký người dịch đối với các giấy tờ, văn bản từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ.

Để đảm bảo chất lượng của bản dịch so với bản chính, người dịch phải là người có bằng cấp về ngôn ngữ Hán - Nôm hoặc là người thông thạo ngôn ngữ này.

2. Về trường hợp đương sự hoặc người chứng thực yêu cầu rút lại lời chứng trong các hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã

Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 8/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực quy định: “Hợp đồng đã được công chứng, chứng thực có giá trị thi hành đối với các bên giao kết; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật”. Điểm 1 Mục II Thông tư số 03/2001/TP-CC của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị định số 75/2000/NĐ-CP quy định: “Lời chứng là bộ phận cấu thành của văn bản chứng thực”. Do đó, hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực thì không được rút lại lời chứng mà chỉ có thể thay đổi nội dung hợp đồng, giao dịch theo thỏa thuận của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch hoặc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch nếu người thực hiện chứng thực thấy có căn cứ cho rằng hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực có nội dung trái pháp luật. Cụ thể, từng trường hợp có thể giải quyết theo các phương án sau:

1. Trường hợp người yêu cầu chứng thực muốn thay đổi nội dung hợp đồng, giao dịch mà có sự đồng ý của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch và không làm ảnh hưởng đến lợi ích chung thì phải làm thủ tục hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đồng thời lập hợp đồng, giao dịch mới.

2. Trường hợp người thực hiện chứng thực có căn cứ cho rằng hợp đồng, giao dịch đã chứng thực có nội dung trái pháp luật nhưng các bên tham gia giao kết hợp đồng không muốn hủy bỏ hợp đồng cũ thì có thể áp dụng tương tự quy định của Điều 45 Luật Công chứng để giải quyết. Theo đó, người thực hiện  chứng thực, người làm chứng, người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản chứng thực vô hiệu.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên
- Bộ trưởng (để b/c);
- TT Lê Hồng Sơn (để b/c);
- TT Đinh Trung Tụng (để biết);
- Lưu: VT (Hồng).

CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Công Khanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1715/HTQTCT-CT năm 2013 hướng dẫn một số nội dung liên quan đến công tác chứng thực do Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ban hành

  • Số hiệu: 1715/HTQTCT-CT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 08/10/2013
  • Nơi ban hành: Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực
  • Người ký: Nguyễn Công Khanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/10/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản