Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 155/BGTVT-HTQT | Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2022 |
Kính gửi: Văn phòng Chính phủ
Tiếp theo văn bản số 14001/BGTVT-HTQT ngày 29/12/2021 của Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) về việc báo cáo về tình hình thực hiện các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách đến Việt Nam, Bộ GTVT trân trọng đề nghị Văn phòng Chính phủ giúp báo cáo Thủ tướng chính phủ về tình hình thực hiện các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách trong giai đoạn từ ngày 01 - 06/01/2022 như sau:
1. Cập nhật tình hình thực hiện các nội dung tại Thông báo số 334/TB-VPCP:
a) Về tình hình đàm phán thống nhất với Nhà chức trách hàng không các bên đối tác:
Đến ngày 29/12/2021, đã có 05/9 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cơ bản thống nhất đề nghị của Việt Nam về Kế hoạch nối lại đường bay quốc tế thường lệ chở khách gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc).
Ngày 31/12/2021, Nhà chức trách hàng không Hàn Quốc đã có văn bản trả lời cơ bản thống nhất với đề nghị của Việt Nam về việc khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với 04 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên, tuy nhiên Bạn cũng bày tỏ mong muốn hai bên sớm tăng tần suất. Phía Hàn Quốc cũng thông báo do quy định phòng chống dịch, Bạn đang hạn chế chuyến bay chở khách đến Hàn Quốc nên tần suất chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam chiều Việt Nam đến Hàn Quốc bị hạn chế chỉ được cấp 02 chuyến/tuần trong khi hãng hàng không Hàn Quốc được phép khai thác 21 chuyến/tuần. Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) đang phối hợp với các hãng hàng không trao đổi với phía Hàn Quốc để thống nhất phương án phù hợp đối với các hãng hàng không hai Bên.
Như vậy, đến nay ta đã cơ bản thống nhất được với 06/9 thị trường đề xuất nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách đến và đi từ Việt Nam trong giai đoạn thí điểm. Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục HKVN tiếp tục thúc đẩy Nhà chức trách hàng không các nước Trung Quốc, Lào và Thái Lan sớm trả lời đề nghị nối lại các chuyến bay thường lệ với ta.
b) Về tình hình thực hiện các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách:
Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân các thành phố Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh trong công tác nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách. Từ ngày 01/01/2022 đến nay, đã có 03 chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách đến Việt Nam được thực hiện gồm: 02 chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines khai thác chặng Phnompenh - Tp. Hồ Chí Minh chở 121 hành khách ngày 01/01/2021 và Tokyo - Hà Nội chở 47 khách ngày 05/01/2021 và 01 chuyến bay của hãng hàng không Vietjet Air khai thác chặng Tokyo - Hà Nội chở 145 hành khách ngày 01/01/2021.
Về cơ bản, các chuyến bay nêu trên thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 9406/CĐ-VPCP ngày 23/12/2021 và hướng dẫn tại văn bản số 10688/BYT-MT ngày 16/12/2021 của Bộ Y tế.
2. Ý kiến của các hãng hàng không về khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các chuyến bay:
Trong quá trình thực hiện các chuyến bay, Bộ GTVT nhận được nhiều ý kiến phản ánh của các hãng hàng không trong nước (Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways) và nước ngoài (Emirates, Cathay Pacific, Turkish Airlines, Stalux, Singapore Airlines, Malaysia Airlines, Qatar Airways, Philippines, Asian Airlines, China Airlines) liên quan đến việc tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ cũng như các chuyến bay quốc tế theo hình thức khác (danh sách các chuyến bay quốc tế chở khách vào Việt Nam tính đến hết ngày 03/01/2021 đính kèm tại Phụ lục 1 và ý kiến phản ánh của các hãng hàng không đính kèm tại Phụ lục 2), trong đó các hãng tập trung vào một số vấn đề chính như sau:
- Các hãng hàng không nhìn chung kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế xem xét dỡ bỏ quy định về việc xét nghiệm nhanh Covid-19 trước và sau khi lên tàu bay. Lý do chính các hãng đưa ra là hành khách đã có kết quả xét nghiệm RT- PCR đang còn hiệu lực, một số sân bay nước ngoài không bố trí cung cấp dịch vụ xét nghiệm nhanh trước chuyến bay và chi phí phát sinh cho hành khách từ việc xét nghiệm nhanh ở một số sân bay rất cao, ví dụ như Nhật Bản là khoảng 270 USD/lần xét nghiệm. Ngoài ra, việc chưa có hướng dẫn cụ thể về xét nghiệm nhanh Covid-19 như quy định về thời gian thực hiện xét nghiệm trước khi lên tàu bay, thẩm quyền tổ chức xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm, hình thức thanh toán chi phí,… dẫn đến khó khăn cho các hãng hàng không khi triển khai thực hiện cũng như thực hiện thu phí xét nghiệm do đây không phải là chức năng của các hãng hàng không. Bên cạnh đó, việc thực hiện xét nghiệm nhanh đối với hành khách sau khi hạ cánh tại các cảng hàng không khi tần suất các chuyến bay quốc tế thường lệ tăng cao có thể dẫn đến ùn ứ tại các cảng hàng không và làm nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng cao.
- Một số hãng hàng không phản ánh hiện nay, hành khách nhập cảnh Việt Nam phải thực hiện khai báo nhập cảnh trên ứng dụng IGOVN, khai báo theo dõi y tế trên ứng dụng PC Covid và cả khai báo theo yêu cầu của địa phương (như việc Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu khai báo trên website: www.antoan- covid.tphcm.gov.vn) gây khó khăn cho hành khách đi lại bằng đường hàng không.
- Hãng hàng không Vietnam Airlines đề nghị Bộ Công an, Bộ Ngoại giao xem xét ban hành và phổ biến rộng rãi quy định về thủ tục xin cấp thị thực, giấy chấp thuận nhập cảnh đối với người nước ngoài và xem xét miễn thủ tục này đối với người gốc Việt ở nước ngoài.
- Hãng hàng không Vietjet Air cho biết hiện nhiều nước chưa đưa Việt Nam vào diện tự do đi lại không phải cách ly với người đã tiêm đủ liều vắc-xin và có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR. Đề nghị Bộ Ngoại giao thúc đẩy trao đổi thống nhất với các nước để người Việt Nam đáp ứng các yêu cầu nêu trên không bị yêu cầu cách ly khi đến Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét tạo thuận lợi trong việc cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam cho người mang quốc tịch nước ngoài là thân nhân (bố, mẹ, vợ/chồng, con) của người Việt Nam để có thể đoàn tụ nhân dịp Tết Nguyên đán.
Trên cơ sở ý kiến của các hãng hàng không và nhằm thúc đẩy việc thực hiện nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách tới các thị trường trong thời gian tới, Bộ GTVT trân trọng đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét:
- Cho phép áp dụng thống nhất quy định về xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trước chuyến bay theo thông lệ quốc tế như các quốc gia/vùng lãnh thổ đối tác đang áp dụng trong thời gian qua (không phải thực hiện xét nghiệm nhanh trước khi lên và sau khi xuống tàu bay) trên cơ sở điều chỉnh quy định tại Công điện số 9406/CĐ-VPCP.
Trong trường hợp vẫn cần duy trì quy định xét nghiệm nhanh, thì chỉ xét nghiệm nhanh 01 lần đối với hành khách và phi hành đoàn sau khi hạ cánh và giao Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về cách thức, thời gian, cơ quan thực hiện, cơ chế công nhận kết quả xét nghiệm nhanh cũng như thủ tục thanh toán chi phí đối với hành khách nhập cảnh trên các chuyến bay quốc tế.
- Giao Bộ Công an ban hành và phổ biến ngay Hướng dẫn thủ tục xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài trong đó xem xét trường hợp người mang quốc tịch nước ngoài là thân nhân (bố, mẹ, vợ/chồng, con) của người Việt Nam nhập cảnh dịp Tết Nguyên đán; phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao nghiên cứu xây dựng 01 website bằng tiếng Anh và tiếng Việt để người nước ngoài, các hãng hàng không nước ngoài, tổ chức nước ngoài có thể tra cứu, tìm hiểu thông tin về các quy định y tế, thủ tục cấp thị thực xuất nhập cảnh của Việt Nam do đây là những vấn đề nổi cộm mà các đối tượng này quan tâm nhất trong thời gian qua.
- Giao Bộ Ngoại giao thúc đẩy trao đổi thống nhất với các nước để người Việt Nam không bị yêu cầu cách ly khi đến các nước như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đồng thời có hướng dẫn về thủ tục nhập cảnh đối với người Việt Nam bị các nước từ chối nhập cảnh.
- Chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan thống nhất và công bố phần mềm khai báo nhập cảnh và y tế áp dụng chung đối với hành khách đi lại bằng đường hàng không để tạo thuận lợi cho việc khai báo của hành khách cũng như công tác theo dõi y tế, giám sát, truy vết người nhập cảnh như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Thông báo số 334/TB-VPCP ngày 10/12/2021 của Văn phòng Chính phủ, tránh trường hợp yêu cầu hành khách khai báo ở nhiều phần mềm, website khác nhau không trong quy trình giám sát, truy vết chung.
Trên đây là báo cáo về tình hình thực hiện nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách với các nước và vùng lãnh thổ đã thực hiện trong giai đoạn từ 01 - 06/01/2022, Bộ GTVT trân trọng đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
TÌNH HÌNH CÁC CHUYẾN BAY QUỐC TẾ CHỞ KHÁCH ĐẾN VIỆT NAM
Từ ngày 01/01 đến hết ngày 03/01/2022, có 04 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines) và 07 hãng hàng không nước ngoài (Thai Vietjet của Thái Lan, Singapore Airlines của Singapore, Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ, Starlux Airlines và China Airlines của Đài Loan, Emirates của UAE, Asiana Airlines của Hàn Quốc) khai thác 17 chuyến bay quốc tế chở 1.753 khách đến Việt Nam thông qua 04 cảng HKQT là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và Cần Thơ, cụ thể:
1.2.1. Các chuyến bay đến CHKQT Tân Sơn Nhất (Tp. Hồ Chí Minh)
* Các hãng hàng không Việt Nam | |||||
TT | Hãng HK | Ngày nhập cảnh | Chặng bay | Số khách | Mục đích chuyến bay |
1 | Vietjet Air | 01/01/2022 | Kuala Lumpur - Tp HCM | 180 | Combo |
2 | Vietnam Airlines | 01/01/2022 | Phnom Penh - Tp HCM | 121 | Thương mại |
* Các hãng hàng không nước ngoài | |||||
TT | Hãng HK | Ngày nhập cảnh | Chặng bay | Số khách | Mục đích chuyến bay |
1 | Thai VietJet | 01/01/2022 | Bangkok - Tp HCM | 23 | Chuyên gia |
2 | Starlux Airlines | 01/01/2022 | Đài Bắc - Tp HCM | 41 | Chuyên gia |
3 | Singapore Airlines | 02/01/2022 | Singapore - Tp HCM | 81 | Chuyên gia |
| Tổng cộng: 446 khách |
|
|
|
1.2.2. Các chuyến bay đến CHKQT Nội Bài (Hà Nội)
* Các hãng hàng không Việt Nam | |||||
TT | Hãng HK | Ngày nhập cảnh | Chặng bay | Số khách | Mục đích chuyến bay |
1 | Vietjet Air | 01/01/2022 | Tokyo - Hà Nội | 145 | Thương mại |
2 | Bamboo Airways | 01/01/2022 | Seoul - Hà Nội | 173 | Combo |
3 | Pacific Airlines | 01/01/2022 | Đài Bắc - Hà Nội | 180 | Combo |
4 | Bamboo Airways | 02/01/2022 | Dubai - Hà Nội | 290 | Thuê chuyến chở Đoàn công tác của Bộ CA, VH |
* Các hãng hàng không nước ngoài | |||||
1 | Emirates | 01/01/2022 | Dubai - Hà Nội | 41 | Chuyên gia |
2 | Emirates | 02/01/2022 | Dubai - Hà Nội | 45 | Chuyên gia |
3 | Asiana Airlines | 01/01/2022 | Seoul - Hà Nội | 63 | Chuyên gia |
4 | Turkish Airlines | 02/01/2022 | Istanbul - Hà Nội | 33 | Chuyên gia |
5 | Singapore Airlines | 02/01/2022 | Singapore - Hà Nội | 69 | Chuyên gia |
6 | China Airlines | 02/01/2022 | Đài Bắc - Hà Nội | 23 | Chuyên gia |
| Tổng cộng: 1.062 khách |
|
|
|
1.2.3. Chuyến bay quốc tế chở khách đến CHKQT Đà Nẵng
TT | Hãng HK | Ngày nhập cảnh | Chặng bay | Số khách | Mục đích chuyến bay |
1 | Vietnam Airlines | 01/01/2022 | Đài Bắc - Đà Nẵng | 176 | Combo |
1.2.4. Chuyến bay quốc tế chở khách đến CHKQT Cần Thơ
TT | Hãng HK | Ngày nhập cảnh | Chặng bay | Số khách | Mục đích chuyến bay |
1 | Pacific Airlines | 01/01/2022 | Đài Bắc - Cần Thơ | 69 | Combo |
BẢNG TỔNG HỢP Ý KIẾN CỦA CÁC HÃNG HÀNG KHÔNG THỰC HIỆN CÁC CHUYẾN BAY QUỐC TẾ ĐẾN VIỆT NAM
STT | Hãng HK | Kiến nghị, đề xuất |
1 | Emirates (EK) | Các chi phí bổ sung liên quan đến thanh toán test nhanh (đưa vào vé máy bay, hãng thanh toán với đơn vị y tế) không có trong ngân sách, sẽ cần ký kết hợp đồng chính thức và phê duyệt trước khi có thể thực hiện thanh toán, điều này sẽ mất thời gian. |
2 | Cathay Pacific (CX) | Đề nghị Cảng HKQT Tân Sơn Nhất thành lập điểm thu phí tại sân bay hoặc tìm bệnh viện có thể thiết lập kênh thu phí qua cổng thông tin điện tử trực tuyến như ở các sân bay khác, trong tình hình hiện nay các hãng HK không thể hỗ trợ việc thu phí này. |
3 | Turkish Airlines (TK) | - Đề nghị CHKQT Tân Sơn Nhất thiết lập quy trình tương tự như Nội Bài (thu tiền test trực tiếp từ hành khách) để giúp hành khách khi đến hoàn tất và thanh toán mọi thủ tục; - Nên miễn trừ việc làm test nhanh cho phi hành đoàn. |
4 | Starlux (JX) | Hãng đã phải ký xác nhận hóa đơn của bệnh viện yêu cầu thanh toán chi phí xét nghiệm nhanh cho hành khách vào ngày 01/01/2022, hóa đơn vẫn chưa được thanh toán do không có phê duyệt. |
5 | Singapore Airlines (SQ) | - Đề nghị bỏ việc test nhanh trước khi khởi hành và sau khi đến bằng cách giảm yêu cầu PCR từ 72 giờ hiện tại xuống 48 giờ trước khi nhập cảnh, điều này kết quả sẽ chính xác hơn. - Qua 2 ngày quan sát, nhận thấy quy trình hiện tại còn nhiều điểm không rõ ràng, không có hướng dẫn cụ thể cho hành khách về quy trình làm test nhanh và việc thu phí xét nghiệm nhanh cần được liên kết với bệnh viện cung cấp dịch vụ qua một cổng thông tin điện tử trực tuyến để hành khách có thể thanh toán chi phí này trước khi bay, điều này đã được áp dụng ở nhiều sân bay trên thế giới. |
6 | Malaysia Airlines (MH) | Đề xuất hành khách thanh toán qua link trực tiếp với bệnh viện, hãng sẽ không ký hợp đồng với bệnh viện do hãng sẽ không chi trả khoản phí này. |
7 | Qatar Airways (QR) | - Việc thu phí xét nghiệm nhanh này như một khoản phụ phí trong vé. Điều này sẽ phức tạp, bao gồm việc trước tiên Chính phủ của các hãng hàng không cần quy định đây là loại thuế mà IATA có thể cấp mã riêng, sau đó các hãng hàng không mới có thể đưa mã này vào vé bán cho hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Việc này sẽ mất tới 2 tháng để được thực hiện đầy đủ. - Hãng đang phải thực hiện trả chi phí test nhanh của khách của bệnh viện Quận 1, hãng đã không thu được chi phí này từ khách. Kiến nghị áp dụng cách thu phí của sân bay Nội Bài (hành khách sẽ tự chi trả chi phí này khi nhập cảnh). |
8 | Philippines (PR) | Đề nghị chuyển yêu cầu để hành khách phải là người thanh toán chi phí xét nghiệm không phải hãng HK. Hãng HK sẽ thông báo trước cho hành khách về chi phí này. |
9 | Asiana Airlines (OZ) | Việc thu phí xét nghiệm này được thực hiện khi xuất vé máy bay và hãng sẽ thanh toán cho đơn vị kiểm dịch y tế sau khi nhận được hoá đơn sẽ rất khó khăn vì hãng cần phải báo cáo với công ty mẹ để xem xét về việc tạo ra 1 mã riêng cho việc thu phí này (thường việc này chỉ áp dụng để thu các loại thuế, phí xăng dầu, các phí theo thông lệ quốc tế) sẽ phải cần thời gian để hãng hàng xem xét, triển khai hệ thống liệu có thể thu được kèm với vé hay không. Kiến nghị áp dụng việc xét nghiệm và thu phí ngay tại sân bay như áp dụng tại sân bay Nội Bài. |
10 | China Airlines (CI) | - Đơn vị y tế được giao thực hiện test nhanh tại đầu sân bay HAN cần củng cố, chuẩn bị các khâu sẵn sàng để khi khách hạ cánh có thể test ngay, tránh để khách phải chờ đợi và gây ùn tại sân bay; form khai báo cần có cả tiếng Anh và tiếng Việt; - Để đối phó với sự lây lan nhanh của chủng mới, các nhà chức trách y tế nghiên cứu và cân nhắc việc áp dụng test RT-PCR bắt buộc đối với hành khách lên máy bay với thời gian 03 ngày thì đổi thành 02 ngày và tính dựa trên ngày lấy mẫu thay vì ngày báo cáo test. Đây cũng là cách thức Đài Loan mới áp dụng đối với khách nhập cảnh Đài Loan, bắt đầu áp dụng từ 04/01/2022. Theo đó, hành khách từ các nước nhập cảnh vào Đài Loan chỉ cần RT-PCR trong vòng 48h, không phải thực hiện test nhanh tại điểm đi và điểm đến; - Khá nhiều vấn đề phát sinh và liên đới đến nhiều bộ phận nội bộ hãng hàng không cũng như các nhà cung ứng (ví dụ: chỉnh sửa hệ thống đặt chỗ và xuất vé) khi đưa chi phí test nhanh vào giá vé, nên hãng kính mong xem xét đề nghị phí test nhanh sẽ do bên cung ứng dịch vụ test nhanh thu phí. |
11 | Vietnam Airlines (VN) | - Chính phủ, Bộ Y tế xem xét bỏ quy định yêu cầu hành khách test nhanh tại sân bay nước ngoài - Bộ Công An, Bộ Ngoại giao ban hành quy định, hướng dẫn rộng rãi về thủ tục xin cấp giấy chấp thuận nhập cảnh của Cục QLXNC. Với đối tượng người gốc Việt, xem xét miễn yêu cầu này. - TCT Cảng HKVN xem xét tăng cường năng lực phục vụ các chuyến bay quốc tế về Nội Bài, Tân Sơn Nhất để tránh việc phải thay đổi kế hoạch khai thác, xin lại slot. |
12 | VietJet Air (VJ) | - Hiện nhiều nước chưa đưa Việt Nam vào diện tự do đi lại với người tiêm đủ liều vắc-xin và có xét nghiệm âm tính SARS- CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR không phải cách ly. Đề nghị Bộ Ngoại giao sớm trao đổi với các nước để người Việt Nam đến Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… được áp dụng theo diện tiêm đủ liều và có xét nghiệm âm tính sẽ không yêu cầu bị cách ly (Singapore gọi là Vaccinated Travel Lane-VTL, áp dụng cho nhiều nước nhưng chưa có Việt Nam); - Hiện quy định hành khách phải khai báo nhập cảnh trên IGOVN, khai báo theo dõi y tế trên PCCovid và có thể địa phương lại yêu cầu khai báo trên trang của địa phương (VD: TP. Hồ Chí Minh yêu cầu khai báo trên website www.antoan-covid.tphcm.gov.vn) nên hành khách cũng gặp khó khăn khi phải báo trên nhiều ứng dụng. Đề nghị áp dụng một ứng dụng duy nhất để khai báo nhập cảnh, khai báo y tế. - Thực hiện Công điện 9406/CĐ-VPCP ngày 23/12/2021, Hành khách đến từ các nước có ca nhiễm chủng Omicron phải thực hiện xét nghiệm nhanh trước khi lên và sau khi xuống máy bay chuyến và sau chuyến bay. Đối với việc xét nghiệm nhanh trước khi lên máy bay tại sân bay nước ngoài đang là khó khăn đối với hành khách và hãng hàng không do nhiều sân bay chưa cung cấp dịch vụ xét nghiệm nhanh trước chuyến bay và cũng phát sinh chi phí đối với hành khách (VD: Nhật Bản là khoảng 270USD) trong khi hành khách đang có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR đang còn hiệu lực, đồng thời, hành khách cũng sẽ phải thực hiện xét nghiệm nhanh ngay sau khi xuống máy bay tại Việt Nam sau 1-5 tiếng bay. Đề nghị kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan bỏ quy định phải xét nghiệm nhanh trước khi lên máy bay khi kết quả xét nghiệm PCR đang còn hiệu lực. - Các Cảng hàng không HAN/SGN kể từ ngày 01/01/2022 đã tổ chức việc xét nghiệm nhanh cho hành khách từ các chuyến bay quốc tế về và thực hiện theo quy trình chặt chẽ. Hiện nay, số lượng chuyến bay đang ít nên chưa có hiện tượng ùn tắc, hành khách sau khi xuống máy bay chỉ khoảng 45 phút đã có thể lấy hành lý và làm thủ tục nhập cảnh. Tuy nhiên, khi số lượng chuyến bay tăng lên hoặc có nhiều hơn 1 chuyến bay hạ cánh cùng một thời điểm/gần nhau thì có thể có hiện tượng xếp hàng ùn ứ. Do vậy, VJ kính đề nghị: * Giao Cảng vụ/Cảng hàng không căn cứ vào kế hoạch khai thác của các hãng hàng không để trao đổi với các đơn vị dịch vụ y tế (xét nghiệm) tăng cường nhân sự/bàn xét nghiệm để nhanh chóng giải phóng hành khách khi nhập cảnh. * Trao đổi với Sở y tế của Hà Nội và sau này là các địa phương khác để công bố điểm tiếp nhận cách ly và điều trị cụ thể khi có ca nhiễm sau khi xuống máy bay để khách hàng, hãng hàng không được biết và chủ động có phương án phối hợp khi cần. |
13 | Bamboo Airways (QH) | - Khả năng điều phối các chuyến bay giãn cách khi hạ cánh tại Nội Bài có nguy cơ bị ảnh hưởng lịch giai đoạn tới khi: phép bay nước ngoài đã xin từ đầu mùa hoặc cho 30 ngày trước đó và charter phát sinh thì sẽ là 7-14 ngày làm việc tùy theo quốc gia. Đặc biệt là với hãng mới, không có slot còn dư tại HAN/SGN như QH. Do đó, nếu bị điều phối giờ hạ cánh sát ngày để tránh ùn ứ khu xét nghiệm, QH sẽ gặp vướng mắc phải xin lại phép bay quốc tế. - Việc test nhanh sau khi khách xuống tàu bay hiện tại thường kéo dài 03 giờ nên một mặt xin phép kiến nghị Cục cũng có tuyên truyền rộng rãi đến hành khách; mặt khác giao Cảng làm việc thêm với các cơ sở y tế để tăng cường lực lượng tổ chức xét nghiệm. - Việc test nhanh trước khi khách lên tàu bay theo Công điện 9406 của Văn phòng Chính phủ, cũng gây nhiều bất cập đến hành khách. Cụ thể theo văn bản 10688/BYT-MT của Bộ Y tế đã yêu cầu khách phải có kết quả test PRC còn hiệu lực, bên cạnh đó khi về đến Việt Nam, hành khách cũng phải thực hiện test nhanh trước khi nhập cảnh. Theo đó, hành khách thắc mắc là nhiều lần test làm tăng chi phí đi lại, test tại nhà trước khi đi sân bay có được chấp nhận không, hay phải lên sân bay test tại cơ sở y tế chỉ định tại sân bay. Kiến nghị: xem xét đề xuất Văn phòng Chính phủ điều chỉnh quy định về test nhanh tại các sân bay quốc tế trước khi hành khách lên tàu bay. |
- 1Công văn 6156/CHK-VTHK năm 2021 về báo cáo công tác triển khai chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách do Cục Hàng không Việt Nam ban hành
- 2Công văn 13960/BGTVT-CYT năm 2021 triển khai công tác chuẩn bị đón người nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại quốc tế chở khách thường lệ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Công văn 136/BGTVT-VT năm 2022 về kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đi Châu Âu, Úc do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 1Thông báo 334/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh về kế hoạch khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 10688/BYT-MT năm 2021 về phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh do Bộ Y tế ban hành
- 3Công điện 9406/CĐ-VPCP năm 2021 về tăng cường công tác tiêm chủng, kiểm soát biến chủng mới Omicron của vi rút SARS-CoV-2 do Văn phòng Chính phủ điện
- 4Công văn 6156/CHK-VTHK năm 2021 về báo cáo công tác triển khai chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách do Cục Hàng không Việt Nam ban hành
- 5Công văn 13960/BGTVT-CYT năm 2021 triển khai công tác chuẩn bị đón người nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại quốc tế chở khách thường lệ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 6Công văn 136/BGTVT-VT năm 2022 về kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đi Châu Âu, Úc do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Công văn 155/BGTVT-HTQT năm 2022 về báo cáo về tình hình thực hiện các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách đến Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 155/BGTVT-HTQT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 07/01/2022
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Lê Anh Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/01/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra