Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1498/KBNN-KSC | Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 2013 |
Kính gửi: Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Để việc triển khai nghiệp vụ quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN được thống nhất và áp dụng kể từ ngày 01/06/2013; Kho bạc Nhà nước hướng dẫn một số nội dung vướng mắc về quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN đã tổng hợp tại Hội nghị triển khai nghiệp vụ quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN, như sau:
Câu hỏi 1: Theo quy định tại Thông tư 113, mục II, tiết 1, điểm 1.5.2, ý 3 quy trình quản lý cam kết chi (mục b) đối với chi đầu tư quy định nội dung kiểm soát của KBNN: "Kiểm soát, đối chiếu đề nghị cam kết chi của đơn vị, đảm bảo đầy đủ các chỉ tiêu thông tin và được gửi trước thời hạn theo quy định" (trước 30/12 hàng năm).
Vậy, trường hợp chưa được phân bổ kế hoạch vốn thì cơ sở nào để Kho bạc kiểm soát, đối chiếu (đối với chương trình mục tiêu thường giao kế hoạch vốn vào quý II hàng năm).
Trả Lời: Tại tiết 1.4.3, điểm 1.4, khoản 1, mục II, Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27/11/2008 của Bộ Tài chính quy định: “Đề nghị cam kết chi năm ngân sách hiện hành của đơn vị dự toán hoặc chủ đầu tư phải gửi đến Kho bạc Nhà nước chậm nhất đến hết ngày 30/12 năm hiện hành” và tại tiết 1.4.2, điểm 1.4, khoản 1, mục II, Thông tư số 113/2008/TT-BTC quy định “Trường hợp dự toán và phương án phân bổ dự toán ngân sách nhà nước chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc phải điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước theo quy định, thì Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát cam kết chi trên cơ sở dự toán tạm cấp hoặc dự toán được điều chỉnh của đơn vị dự toán”. Do đó, trường hợp chưa được phân bổ kế hoạch vốn, KBNN căn cứ vào dự toán tạm cấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện kiểm soát, đối chiếu đề nghị cam kết chi của đơn vị. Trường hợp chưa được phân bổ kế hoạch vốn đồng thời không có dự toán tạm cấp thì chưa thực hiện cam kết chi.
Việc quy định về thời hạn gửi cam kết chi nêu trên vẫn đảm bảo thực hiện kiểm soát cam kết chi đối với trường hợp giao dự toán chậm như nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia (giao vào quý II hàng năm).
Câu hỏi 2: Chi đầu tư các hợp đồng có giá trị từ 500 triệu đồng đều phải quản lý theo nguyên tắc cam kết chi.
- Trong trường hợp một hợp đồng có nhiều nguồn vốn tham gia; tổng giá trị hợp đồng thì trên 500 triệu đồng, nhưng các nguồn thanh toán trong năm đều có giá trị dưới 500 triệu đồng thì có thực hiện cam kết chi không?
Trả lời:
- Tại điểm 3.1, mục I, Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27/11/2008 của Bộ Tài chính quy định: “Tất cả các khoản chi của ngân sách nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán đối với chi thường xuyên hoặc giao kế hoạch vốn đối với chi đầu tư (gồm cả dự toán ứng trước), có hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ theo chế độ quy định và có giá trị hợp đồng từ 100 triệu đồng trở lên đối với các khoản chi thường xuyên hoặc từ 500 triệu đồng trở lên trong chi đầu tư xây dựng cơ bản thì phải được quản lý, kiểm soát cam kết chi”. Như vậy, việc quản lý, kiểm soát cam kết chi phụ thuộc vào giá trị của hợp đồng mua bán hàng hóa dịch vụ và giá trị nguồn vốn NSNN để thực hiện hợp đồng đó. Do vậy, trường hợp một hợp đồng có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên (được đầu tư bằng nguồn ngân sách), trong đó có nhiều nguồn vốn thuộc NSNN tham gia (nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn chương trình mục tiêu, nguồn vốn XDCB tập trung) nhưng các nguồn vốn thanh toán trong năm đều có giá trị dưới 500 triệu đồng thì vẫn thực hiện quản lý, kiểm soát cam kết chi theo quy định trên.
Câu hỏi 3: Việc kiểm soát cam kết chi thì nhiệm vụ giao kiểm soát chi cho phòng nào thì phòng đó thực hiện kiểm soát cam kết chi. Trường hợp, hợp đồng vừa có chi từ nguồn vốn đầu tư, vừa có chi từ nguồn thường xuyên thì việc KBNN kiểm soát và nhập cam kết chi thực hiện như thế nào? (Hồ sơ chỉ gửi 1 lần).
Trả lời: Việc phân công nhiệm vụ kiểm soát chi tại các đơn vị KBNN được thực hiện theo hướng tập trung một đầu mối kiểm soát. Vì vậy, đối với trường hợp một hợp đồng có chi từ 2 nguồn (vốn đầu tư và chi từ nguồn thường xuyên) thì cũng chỉ giao cho 01 bộ phận kiểm soát hợp đồng (bộ phận kiểm soát chi hoặc bộ phận kế toán). Như vậy, bộ phận nào kiểm soát chi hợp đồng sẽ thực hiện nhận hồ sơ đề nghị cam kết chi từ chủ đầu tư, đơn vị sử dụng NSNN và thực hiện kiểm soát cam kết chi.
Câu hỏi 4: Trường hợp hợp đồng nhiều nguồn vốn, nhiều loại tiền phải tách thành hợp đồng nhỏ như thế nào để thực hiện cam kết chi?
Trả lời: Theo quy định tại tiết 1.6.2, điểm 1.6, khoản 1, mục II, Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27/11/2008 của Bộ Tài chính thì: Chủ đầu tư có trách nhiệm xác định các thông tin gửi KBNN để thực hiện cam kết chi, cụ thể:
+ Trường hợp hợp đồng được đảm bảo thực hiện bằng nhiều loại nguồn vốn, chủ đầu tư phải có trách nhiệm xác định số vốn đầu tư trong năm bố trí cho hợp đồng đó, chi tiết theo từng loại nguồn vốn.
+ Trường hợp hợp đồng có nhiều loại tiền, chủ đầu tư có trách nhiệm xác định số vốn đầu tư trong năm bố trí cho hợp đồng đó, chi tiết theo từng loại tiền.
Căn cứ vào hợp đồng giấy và các thông tin do chủ đầu tư gửi đến, KBNN thực hiện tách hợp đồng giấy thành các hợp đồng nhỏ theo từng nguồn vốn, từng loại tiền để thực hiện quản lý hợp đồng trong TABMIS (mỗi loại nguồn vốn, mỗi loại tiền là một hợp đồng nhỏ). Việc theo dõi, đối chiếu giữa hợp đồng giấy với các hợp đồng nhỏ được thực hiện thủ công, thuộc trách nhiệm của cán bộ kiểm soát chi NSNN quản lý kiểm soát hợp đồng giấy.
Câu hỏi 5: Trường hợp đơn vị vừa gửi hợp đồng, vừa làm thủ tục thanh toán hết giá trị của hợp đồng thì có phải thực hiện cam kết chi không? (Nếu thực hiện cam kết chi thì thêm rất nhiều công việc cho KBNN).
Trả lời: Tại điểm 3.1, mục I, Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27/11/2008 của Bộ Tài chính quy định: “Tất cả các khoản chi của ngân sách nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán đối với chi thường xuyên hoặc giao kế hoạch vốn đối với chi đầu tư (gồm cả dự toán ứng trước), có hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ theo chế độ quy định và có giá trị hợp đồng từ 100 triệu đồng trở lên đối với các khoản chi thường xuyên hoặc từ 500 triệu đồng trở lên trong chi đầu tư xây dựng cơ bản thì phải được quản lý, kiểm soát cam kết chi”. Như vậy, đối với trường hợp đơn vị vừa gửi hợp đồng, vừa làm thủ tục thanh toán hết giá trị của hợp đồng mà hợp đồng thuộc phạm vi phải thực hiện cam kết chi theo quy định nêu trên thì vẫn phải được thực hiện quản lý, kiểm soát cam kết chi theo quy định.
Câu hỏi 6: Theo quy định trong vòng 05 ngày sau khi ký hợp đồng, chủ đầu tư phải gửi KBNN làm thủ tục quản lý cam kết chi. Nếu ngoài thời hạn trên thì KBNN có chấp nhận thanh toán không? Nếu từ chối thì từ chối theo hình thức nào?
Trả lời: Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm soát chi NSNN của KBNN, trong đó có quy định chế tài xử lý đối với trường hợp chủ đầu tư chậm làm thủ tục quản lý cam kết chi tại cơ quan KBNN; trong thời gian trước mắt, trường hợp chủ đầu tư đến làm thủ tục quản lý cam kết chi tại KBNN chậm so thời gian quy định nêu trên thì KBNN tỉnh, thành phố vẫn thực hiện việc kiểm soát cam kết chi để thực hiện thanh toán vốn đầu tư cho chủ đầu tư.
Câu hỏi 7: Đề nghị cam kết chi gửi đến KBNN chậm nhất ngày 30/12 năm hiện hành. Nhưng trong thời gian chỉnh lý ngân sách, đơn vị gửi hợp đồng và đề nghị cam kết chi đến KBNN (các hợp đồng đều ký trước 31/12) KBNN có thực hiện cam kết chi không?
Trả lời: Tại tiết 1.4.3, điểm 1.4, khoản 1, mục II, Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27/11/2008 của Bộ Tài chính quy định: “Đề nghị cam kết chi năm ngân sách hiện hành của đơn vị dự toán hoặc chủ đầu tư phải gửi đến Kho bạc Nhà nước chậm nhất đến hết ngày 30/12 năm hiện hành”; Vì vậy, trong thời gian chỉnh lý ngân sách KBNN tỉnh, thành phố không nhận đề nghị cam kết chi trừ các trường hợp quy định tại tiết 3.1, điểm 3, mục II Thông tư số 113/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Câu hỏi 8: Khi đơn vị gửi hợp đồng và đề nghị cam kết chi đến KBNN (nhưng dự toán không đủ để giành cam kết chi). KBNN không thực hiện nhập quản lý cam kết chi được. Vậy, trách nhiệm thuộc về ai? (Tình trạng này sẽ xảy ra rất nhiều đối với các tỉnh phải chờ trợ cấp của ngân sách cấp trên).
Trả lời: Tại tiết 1.4.2, điểm 1.4, khoản 1, mục II, Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27/11/2008 của Bộ Tài chính quy định: “ Số tiền đề nghị cam kết chi không vượt quá dự toán còn được phép sử dụng”; Do đó, khi chủ đầu tư gửi hợp đồng và đề nghị cam kết chi đến KBNN nhưng dự toán không đủ để thực hiện cam kết chi thì KBNN có quyền từ chối thanh toán đối với các khoản cam kết chi này theo quy định trên. Việc không thực hiện được cam kết chi thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Kho bạc Nhà nước đề nghị chủ đầu tư hoặc đơn vị dự toán lập lại đề nghị cam kết chi hoặc điều chỉnh cam kết chi theo số số dư dự toán còn lại
Câu hỏi 9: Đối với chương trình bảo vệ phát triển rừng, chủ đầu tư ký hợp đồng trên 500 triệu đồng (nhà cung cấp là người dân). KBNN có thực hiện kiểm soát cam kết chi không?
Trả lời: Đối với chương trình bảo vệ phát triển rừng bền vững, khi chủ đầu tư ký hợp đồng trên 500 triệu đồng (nhà cung cấp là người dân) thì thuộc phạm vi phải thực hiện cam kết chi theo Thông tư 113/2008/TT-BTC, vì vậy phải thực hiện cam kết chi tại KBNN. Tuy nhiên, do nhà cung cấp là người dân (có thể không có tài khoản tại KBNN hoặc Ngân hàng) nên khi thực hiện cam kết chi, KBNN thực hiện khai báo nhà cung cấp mặc định là “nhà cung cấp cá nhân”; tên ngân hàng nơi nhà cung cấp mở tài khoản là Kho bạc Nhà nước (nơi thực hiện kiểm soát chi cho dự án) và số hiệu tài khoản của nhà cung cấp là 1112 (tài khoản tiền mặt bằng đồng Việt Nam).
Câu hỏi 10: Khi lập cam kết chi, hợp đồng thực hiện (HĐTH) cho một năm ngân sách, thì cán bộ Kho bạc hạch toán mã tài khoản tự nhiên như thế nào khi chưa xác định được là tạm ứng (1713 hoặc 1724) hay thanh toán khối lượng hoàn thành (8211 hoặc 1727).
Ví dụ: Khi lập HĐTH sử dụng TK 8211 nhưng chủ đầu tư đề nghị tạm ứng theo hợp đồng (TK 1713).
Trả lời: Khi hạch toán cam kết chi kế toán sử dụng tài khoản thực chi đối với dự toán giao trong năm, tài khoản ứng trước dự toán có đủ điều kiện thanh toán đối với dự toán ứng trước trên phân hệ quản lý cam kết chi (PO). Khi thực hiện chi theo yêu cầu của đơn vị nếu tài khoản chi khác với tài khoản đã cam kết chi thì kế toán viên thực hiện điều chỉnh tài khoản trên màn hình chi tiết của phân hệ quản lý chi (AP) theo quy trình nghiệp vụ của hệ thống.
Câu hỏi 11: Lập đề nghị điều chỉnh cam kết chi, trường hợp không thực hiện hợp đồng nên dự án bị điều chỉnh giảm kế hoạch vốn, Chủ đầu tư không đề nghị điều chỉnh kịp thì KBNN tự thực hiện điều chỉnh có được không?
Trả lời: Tại tiết 2.1.2, điểm 2.1, khoản 2, mục II, Thông tư số 113/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: " Đơn vị dự toán, chủ đầu tư gửi yêu cầu điều chỉnh cam kết chi hoặc điều chỉnh hợp đồng (hợp đồng nhiều năm đối với chi thường xuyên hoặc hợp đồng chi đầu tư) đến Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch (theo mẫu số 02 đính kèm). Căn cứ đề nghị của đơn vị dự toán hoặc chủ đầu tư, Kho bạc Nhà nước thực hiện điều chỉnh và thông báo lại ý kiến chấp thuận (hoặc từ chối) điều chỉnh cam kết chi hoặc hợp đồng cho đơn vị dự toán hoặc chủ đầu tư.”; Như vậy, việc điều chỉnh cam kết chi chỉ thực hiện được khi chủ đầu tư gửi yêu cầu điều chỉnh cam kết chi đến KBNN, KBNN không tự thực hiện điều chỉnh cam kết chi. Việc điều chỉnh số tiền cam kết chi chỉ được thực hiện đối với số tiền còn lại của khoản cam kết chi đó, chi tiết cho từng nội dung cam kết chi.
Câu hỏi 12: Việc lập cam kết chi bao gồm có thông tin và tài khoản, ngân hàng của nhà cung cấp (đơn vị thụ hưởng). Tuy nhiên trên thực tế Kho bạc có thanh toán cho nhà thầu phụ, vậy việc thanh toán cho nhà thầu phụ được xử lý trên CKC như thế nào?
Trả lời: Trong trường hợp nhà thầu phụ thuộc danh sách thầu phụ kèm theo hợp đồng thầu chính hoặc do chủ đầu tư chỉ định theo thỏa thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu, chủ đầu tư có thể thanh toán trực tiếp cho nhà thầu phụ, thì nhà thầu phụ được coi là một nhà cung cấp trong hợp đồng. Trường hợp này sẽ xử lý như trường hợp hợp đồng có nhiều nhà cung cấp.
Câu hỏi 13: Việc áp dụng cam kết chi cho các hợp đồng phát sinh mới kể từ ngày 01/6/2013. Vậy còn các cam kết chi đã có trên hệ thống (HĐ nhiều năm) có được sử dụng lại không? Các thông tin và mã số nhà cung cấp trên hệ thống hiện có có được tiếp tục sử dụng không?
Trả lời: Theo quy định tại Công văn số 17927/BTC-KBNN ngày 26/12/2012 của Bộ Tài chính về triển khai quản lý và kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN, theo đó việc áp dụng cơ chế quản lý kiểm soát cam kết chi được thực hiện kể từ ngày 01/6/2013 và chỉ áp dụng đối với các hợp đồng kinh tế mới phát sinh kể từ ngày 01/06/2013 trở đi.
Đối với các cam kết chi đã có trên hệ thống đề nghị thực hiện làm sạch dữ liệu theo hướng dẫn tại mục 3, Công văn số 5027/BTC–KBNN ngày 24/04/2013 của Kho bạc Nhà nước về việc hướng dẫn một số nội dung chuẩn bị triển khai Cam kết chi. Đối với thông tin nhà cung cấp đã được thiết lập sẵn trên TABMIS, đề nghị các đơn vị rà soát theo hướng dẫn tại Mục “1. Quản lý thông tin nhà cung cấp”, Phần II của Công văn số 507/KBNN-THPC ngày 22/03/2013 về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 113/2008/TT-BTC về quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN.
Đối với nhà cung cấp đã có sẵn trên hệ thống hoặc nhà cung cấp được chuyển đổi vào hệ thống dựa trên dữ liệu thu thập của các tỉnh, trước khi áp dụng nhà cung cấp đơn vị cần kiểm tra tính chính xác đầy đủ đảm bảo các thông tin khớp đúng trên hệ thống Tabmis với các thông tin ghi trên hợp đồng cam kết chi phát sinh, trường hợp sai lệch thì các tỉnh lập yêu cầu theo quy định tại công văn 507/KBNN-THPC và gửi về Cục Công nghệ Thông tin (Phòng hỗ trợ Công nghệ Thông tin) để thực hiện điều chỉnh.
Câu hỏi 14: Việc ngừng hiệu lực nhà cung cấp trên hệ thống: Công văn số 507/KBNN-THPC ngày 22/3/2013 quy định các KBNN (tỉnh hoặc huyện) phải “gửi kèm theo hồ sơ xác thực nhà cung cấp bị ngưng hoạt động”, vậy hồ sơ xác thực này các đơn vị KBNN phải lấy ở đâu? Đơn vị nào cung cấp cho Kho bạc?
Trả lời: Về hồ sơ xác thực nhà cung cấp bị ngưng hoạt động, khi có thông tin về việc nhà cung cấp ngưng hoạt động, các đơn vị KBNN liên hệ với Chủ đầu tư, đơn vị sử dụng NSNN có ký hợp đồng với nhà cung cấp để có được thông tin xác thực về nhà cung cấp ngưng hoạt động. Hồ sơ xác thực nhà cung cấp bị ngưng hoạt động là văn bản của chủ đầu tư (đối với chi đầu tư), đơn vị sử dụng ngân sách (đối với chi thường xuyên) xác nhận nhà cung cấp dịch vụ vì lý do nào đó không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Câu hỏi 15: Cuối năm chủ đầu tư mới ký và gửi hợp đồng để Kho bạc tạo hợp đồng khung và cam kết chi và làm thủ tục tạm ứng hợp đồng, trường hợp (27/12 mới gửi hồ sơ) mà trong quá trình tạo nhà cung cấp mới không kịp thì có phải tạo cam kết chi không?
Trả lời: Tại tiết 1.3.1, điểm 1.3, khoản 1, mục II, Thông tư số 113/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: "Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm kiểm soát hồ sơ đề nghị cam kết chi của đơn vị dự toán, chủ đầu tư và thực hiện ghi nhận bút toán cam kết chi vào TABMIS cho các khoản cam kết chi đủ điều kiện quy định tại điểm 1.4 khoản 1 mục II Thông tư này”; Vì vậy, KBNN tỉnh, thành phố phải nghiêm túc thực hiện việc quản lý kiểm soát cam kết chi theo đúng quy định, trường hợp vướng mắc cần báo cáo về KBNN để được hướng dẫn, giải quyết.
Câu hỏi 16: Quy định điều kiện thực hiện cam kết chi: Dấu, chữ ký của đơn vị dự toán, chủ đầu tư trên hồ sơ phải phù hợp với mẫu dấu, chữ ký đã đăng ký với KBNN. Như vậy, Hợp đồng gửi KBNN có cần bản chính? Trường hợp hợp đồng ủy quyền thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 9, Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 2/10/2012 của Bộ Tài chính thì “Tài liệu, chứng từ lưu tại Kho bạc Nhà nước bao gồm: liên chứng từ kế toán lưu theo quy định; dự toán chi ngân sách nhà nước; danh sách những người hưởng lương, học bổng, sinh hoạt phí; Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của cấp có thẩm quyền; hợp đồng, thanh lý hợp đồng; bảng kê chứng từ thanh toán. Tất cả các hồ sơ lưu tại Kho bạc Nhà nước phải là bản gốc hoặc bản chính” và theo quy định tại Điều 8, Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính thì các tài liệu để phục vụ cho công tác quản lý, kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, chủ đầu tư phải gửi đến Kho bạc nhà nước nơi mở tài khoản thanh toán các tài liệu cơ sở của dự án (các tài liệu này đều là bản chính hoặc bản sao có đóng dấu sao y bản chính của chủ đầu tư). Vì vậy, đối với chi thường xuyên thì hợp đồng đơn vị sử dụng ngân sách gửi đến KBNN phải là bản gốc hoặc bản chính; đối với chi đầu tư thì hợp đồng chủ đầu tư gửi đến KBNN phải là bản chính hoặc bản sao có đóng dấu sao y bản chính của chủ đầu tư.
Trường hợp hợp đồng ủy quyền, đơn vị phải gửi văn bản ủy quyền ký hợp đồng của người có thẩm quyền cùng với hợp đồng để KBNN kiểm soát và lưu.
Câu hỏi 17: Thời hạn gửi và chấp thuận cam kết chi: Trong 5 ngày làm việc kể từ khi ký hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ đối với cam kết chi năm đầu tiên còn các năm tiếp theo chưa có hướng dẫn?
Trả lời: Thời hạn gửi và chấp thuận cam kết chi được quy định tại điểm 1.1, khoản 1, mục II Thông tư số 113/2008/TT-BTC, đây là thời gian quy định đối với việc quản lý hợp đồng và kiểm soát cam kết chi năm đầu tiên; đối với các năm tiếp theo đơn vị chỉ phải thực hiện quản lý cam kết chi, thời hạn gửi đề nghị cam kết chi đến KBNN chậm nhất là ngày 30/12 năm hiện hành.
Câu hỏi 18: Về lưu trữ hồ sơ cam kết chi (Giấy đề nghị cam kết chi, phiếu điều chỉnh số liệu cam kết chi) được thực hiện theo chế độ lưu trữ chứng từ kế toán hiện hành như vậy có phải hồ sơ cam kết chi mang xuống kế toán lưu trữ?
Trả lời: Theo quy định thì Giấy đề nghị cam kết chi và phiếu điều chỉnh số liệu cam kết chi là các chứng từ kế toán; Vì vậy, việc lưu trữ chứng từ thực hiện cam kết chi được lưu theo chế độ lưu trữ chứng từ kế toán hiện hành, chứng từ kế toán phát sinh tại Phòng/bộ phận nào thực hiện cam kết chi sẽ lưu chứng từ tại phòng/bộ phận đó.
Câu hỏi 19: Trường hợp Dự án có nhiều nguồn, nhiều cấp ngân sách ở đâu thanh toán ở đó làm cam kết chi mâu thuẫn với Quyết định số 282/QĐ-KBNN ngày 20/04/2012 của Kho bạc Nhà nước?
Trả lời: Theo quy định tại tiết 1.6.2, điểm 1.6, khoản 1, mục II, Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27/11/2008 của Bộ Tài chính quy định: “Chủ đầu tư có trách nhiệm xác định các thông tin gửi KBNN để thực hiện cam kết chi, cụ thể: Trường hợp hợp đồng được đảm bảo thực hiện bằng nhiều loại nguồn vốn, chủ đầu tư phải có trách nhiệm xác định số vốn đầu tư trong năm bố trí cho hợp đồng đó, chi tiết theo từng loại nguồn vốn”. Như vậy, căn cứ vào hợp đồng giấy và các thông tin do chủ đầu tư gửi đến, KBNN thực hiện tách hợp đồng giấy thành các hợp đồng nhỏ theo từng nguồn vốn để thực hiện quản lý hợp đồng trong TABMIS (mỗi loại nguồn vốn) sau đó KBNN tỉnh hướng dẫn chủ đầu tư làm thủ tục cam kết chi tại KBNN tỉnh, thành phố và thực hiện kiểm soát chi phần vốn ngân sách tỉnh trong phạm vi kế hoạch vốn được giao. Đồng thời chuyển chứng từ đề nghị cam kết chi của chủ đầu tư (đối với nguồn vốn ngân sách huyện) đã kiểm soát về KBNN huyện để thực hiện cam kết chi. Trên cơ sở chứng từ do KBNN tỉnh gửi đến và theo đề nghị của chủ đầu tư KBNN huyện làm thủ tục cam kết chi và trừ dự toán đối với nguồn vốn ngân sách huyện, việc quản lý cam kết chi đối với dự án có nhiều nguồn, nhiều cấp ngân sách như trên là phù hợp với quy định tại Quy trình kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư ban hành kèm theo Quyết định số 282/QĐ- KBNN của Kho bạc Nhà nước.
Câu hỏi 20: Dự án chuẩn bị đầu tư có thực hiện cam kết chi không?
Trả lời: Tại điểm 3.1, khoản 3, mục I, Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27/11/2008 của Bộ Tài chính quy định: “Tất cả các khoản chi của ngân sách nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán đối với chi thường xuyên hoặc giao kế hoạch vốn đối với chi đầu tư (gồm cả dự toán ứng trước), có hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ theo chế độ quy định và có giá trị hợp đồng từ 100 triệu đồng trở lên đối với các khoản chi thường xuyên hoặc từ 500 triệu đồng trở lên trong chi đầu tư xây dựng cơ bản thì phải được quản lý, kiểm soát cam kết chi”. Như vậy, các khoản chi của ngân sách nhà nước chỉ được thực hiện quản lý, kiểm soát cam kết chi khi đáp ứng đầy đủ nguyên tắc trên; Trường hợp, hợp đồng của dự án chuẩn bị đầu tư thuộc phạm phải cam kết chi theo quy định trên thì cũng phải thực hiện quản lý kiểm soát cam kết chi theo quy định.
Câu hỏi 21: Trường hợp Sở Y tế ký Hợp đồng nguyên tắc không ghi giá trị hay hợp đồng dịch vụ công cộng chỉ ký hợp đồng lần đầu tiên, hàng năm không ký lại chỉ căn cứ vào số chi để chuyển tiền. Vậy trường hợp này thực hiện cam kết chi như thế nào?
Trả lời: Tại điểm 3.1, khoản 3, mục I, Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27/11/2008 của Bộ Tài chính quy định: “Tất cả các khoản chi của ngân sách nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán đối với chi thường xuyên hoặc giao kế hoạch vốn đối với chi đầu tư (gồm cả dự toán ứng trước), có hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ theo chế độ quy định và có giá trị hợp đồng từ 100 triệu đồng trở lên đối với các khoản chi thường xuyên hoặc từ 500 triệu đồng trở lên trong chi đầu tư xây dựng cơ bản thì phải được quản lý, kiểm soát cam kết chi”. Như vậy, các khoản chi của ngân sách nhà nước chỉ được thực hiện quản lý, kiểm soát cam kết chi khi đáp ứng đầy đủ nguyên tắc trên; Trường hợp, Sở Y tế đấu thầu thuốc tập trung không ghi giá trị hay hợp đồng dịch vụ công cộng chỉ ký hợp đồng lần đầu tiên, hàng năm không ký lại chỉ căn cứ vào số chi để chuyển tiền thì không thực hiện cam kết chi trên cơ sở hợp đồng nguyên tắc của Sở Y tế mà thực hiện cam kết chi trên cơ sở hợp đồng cung cấp thuốc giữa đơn vị sử dụng ngân sách với đơn vị cung cấp thuốc theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/01/2012 của Liên Bộ Y tế - Tài chính về việc hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế. Do đó, KBNN thực hiện quản lý cam kết chi trên cơ sở hợp đồng cung cấp thuốc giữa đơn vị sử dụng ngân sách và nhà cung cấp.
Câu hỏi 22: Đối với trường hợp dự toán tạm cấp, vậy thực hiện cam kết chi có mâu thuẫn với Luật NSNN?
Trả lời: Tại Điều 52, Luật Ngân sách Nhà nước quy định “Trong trường hợp vào đầu năm ngân sách, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 45 của Luật này, cơ quan tài chính các cấp được phép tạm cấp kinh phí cho các nhu cầu không thể trì hoãn được cho tới khi dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách được quyết định”; Như vậy, trường hợp dự toán và phương án phân bổ dự toán ngân sách nhà nước chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thì Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát cam kết chi trên cơ sở dự toán tạm cấp là hoàn toàn phù hợp với quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước.
Câu hỏi 23: Xử lý chuyển nguồn cam kết chi tự động chuyển sang năm sau? Phần chuyển nguồn có cần lưu trữ chứng từ.
Trả lời: Việc thực hiện chuyển nguồn cam kết chi phải lưu trữ chứng từ theo quy định hiện hành và thực hiện chuyển nguồn cam kết chi theo hướng dẫn tại Công văn số 388/KBNN-KTNN ngày 01/03/2013 của Kho bạc Nhà nước.
Câu 24: Có thực hiện cam kết chi đối với các dự án chương trình do công an – quốc phòng làm chủ đầu tư không?
Trả lời: Theo quy định tại điểm 3.1, khoản 3, Mục I, Thông tư số 113/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính thì không thực hiện cam kết chi đối với các dự án, chương trình do công an- quốc phòng làm chủ đầu tư.
Câu 25: Theo công văn 507/KBNN- THPC ngày 22/3/2012 của KBNN hướng dẫn thực hiện thông tư 113, quy định đối với cam kết chi thường xuyên do kế toán nhập vào TAMIS, tuy nhiên theo quy công văn 388/KBNN-KTNN quy định việc lập và luân chuyển chứng từ thì đối với cam kết chương trình mục tiêu (CTMT) bằng dự toán lập 2 liên: 01 liên lưu tại bộ phận kiểm soát chi và 01 liên trả đơn vị, như vậy cam kết chi CTMT chi bằng dự toán do bộ phận nào nhập vào TABMIS?
Trả lời: Việc nhập cam kết chi vào Tabmis thực hiện theo nguyên tắc, bộ phận nào kiểm soát chi hợp đồng sẽ thực hiện nhận hồ sơ đề nghị cam kết chi từ chủ đầu tư, đơn vị sử dụng NSNN và thực hiện quản lý kiểm soát cam kết chi và nhập hợp đồng vào Tabmis. Như vậy, đối với cam kết chi Chương trình mục tiêu chi bằng dự toán thì bộ phận nào kiểm soát chi hợp đồng sẽ thực hiện nhận hồ sơ đề nghị cam kết chi từ đơn vị sử dụng NSNN để nhập vào Tabmis.
Câu 26: Đề nghị hướng dẫn thực hiện cam kết chi đối với các khoản hợp đồng ký kết bằng ngoại tệ bởi vì thời điểm chủ đầu tư gửi cam kết chi thì tỷ giá ngoại tệ có thể thấp hơn hoặc cao hơn tỷ giá ngoại tệ khi thanh toán.
Trả lời: Theo quy định tại điểm 3.2, khoản 3, mục II, Thông tư số 113/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính thì “Các khoản cam kết chi ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ được theo dõi theo nguyên tệ; đồng thời, được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá ngoại tệ hàng tháng do Bộ Tài chính quy định để hạch toán cam kết chi”; Như vậy, trường hợp tỷ giá ngoại tệ tăng hoặc giảm so với thời điểm chủ đầu tư đề nghị cam kết chi thì đơn vị xác định số tiền tăng hoặc giảm và làm thủ tục điều chỉnh cam kết chi theo quy định tại mục 4, Công văn số 507/KBNN-THPC ngày 22/03/2013 của Kho bạc Nhà nước.
Trường hợp tỷ giá ngoại tệ tăng song đơn vị dự toán không còn dự toán để điều chỉnh tăng thì KBNN hướng dẫn đơn vị trình cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán cho đơn vị để thực hiện việc điều chỉnh cam kết chi và thực hiện chi tiêu ngoại tệ theo quy định.
Câu 27: Đối với các hợp đồng có thanh toán nhiều nội dung (thanh toán cho nhà thầu, thanh toán tiền nộp thuế GTGT 2%; thanh toán tiền bảo hành công trình...,) vậy việc quản lý CKC được thực hiện như thế nào?
Trả lời: Đối với các hợp đồng có thanh toán cho nhiều nhà cung cấp (nhà thầu chính, nhà thầu phụ; thanh toán tiền nộp thuế GTGT 2%; thanh toán tiền bảo hành công trình...,) thì thực hiện tạo tương ứng cam kết chi cho từng nhà cung cấp trong hợp đồng (mỗi đơn vị hưởng là một cam kết chi ). Như vậy, mỗi hợp đồng có thể phải tạo nhiều cam kết chi cho từng đơn vị hưởng.
Câu 28: Đối với công việc giải phóng mặt bằng và hợp đồng tự thực hiện (hợp đồng nội bộ) thì có thực hiện cam kết chi không?
Trả lời:
- Tại điểm 3.1, khoản 3, mục I, Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27/11/2008 của Bộ Tài chính quy định: “Tất cả các khoản chi của ngân sách nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán đối với chi thường xuyên hoặc giao kế hoạch vốn đối với chi đầu tư (gồm cả dự toán ứng trước), có hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ theo chế độ quy định và có giá trị hợp đồng từ 100 triệu đồng trở lên đối với các khoản chi thường xuyên hoặc từ 500 triệu đồng trở lên trong chi đầu tư xây dựng cơ bản thì phải được quản lý, kiểm soát cam kết chi”. Như vậy, đối với công việc giải phóng mặt bằng và hợp đồng tự thực hiện nếu thuộc phạm vi cam kết chi nêu trên thì phải thực hiện việc quản lý, kiểm soát cam kết chi.
Trên đây là nội dung trả lời vướng mắc về quản lý, kiểm soát cam kết chi đã tổng hợp tại Hội nghị triển khai nghiệp vụ quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN; Đề nghị KBNN các tỉnh, thành phố nghiên cứu, tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, cần báo cáo về Kho bạc Nhà nước (Vụ Kiểm soát chi NSNN) để kịp thời giải quyết./.
Nơi nhận: | TL. TỔNG GIÁM ĐỐC |
- 1Công văn số 5490/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh mức chi NSNN khám chữa bệnh miễn phí
- 2Công văn 1765/KBNN-KSC về nội dung kiểm soát chi ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính ban hành năm 2016
- 3Công văn 13612/BTC-KBNN năm 2021 về thiết lập địa chỉ người sử dụng để thực hiện chia sẻ thông tin báo cáo cam kết chi do Bộ Tài chính ban hành
- 1Công văn số 5490/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh mức chi NSNN khám chữa bệnh miễn phí
- 2Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 3Thông tư 113/2008/TT-BTC hướng dẫn quản lý và kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 4Thông tư 86/2011/TT-BTC quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 5Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong cơ sở y tế do Bộ Y tế - Bộ Tài chính ban hành
- 6Thông tư 161/2012/TT-BTC quy định chế độ kiểm soát, thanh toán khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 7Quyết định 282/QĐ-KBNN năm 2012 về Quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư trong nước qua hệ thống Kho bạc Nhà nước
- 8Công văn 17927/BTC-KBNN năm 2012 triển khai quản lý và kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 9Công văn 388/KBNN-KTNN năm 2013 hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) do Kho bạc nhà nước ban hành
- 10Công văn 507/KBNN-THPC năm 2013 hướng dẫn thực hiện Thông tư 113/2008/TT-BTC về quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước
- 11Công văn 1765/KBNN-KSC về nội dung kiểm soát chi ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính ban hành năm 2016
- 12Công văn 13612/BTC-KBNN năm 2021 về thiết lập địa chỉ người sử dụng để thực hiện chia sẻ thông tin báo cáo cam kết chi do Bộ Tài chính ban hành
Công văn 1498/KBNN-KSC năm 2013 quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước do Kho bạc Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 1498/KBNN-KSC
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 25/07/2013
- Nơi ban hành: Kho bạc Nhà nước Trung ương
- Người ký: Vũ Đức Hiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra