Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1456/TCT-CS
V/v Trả lời chính sách thuế

Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2015

 

Kính gửi:

Công ty Cổ phần Thủy sản Cà Mau
(Địa chỉ: số 08 đường Cao Thắng, phường 08, thành phố Cà Mau)

 

Trả lời công văn số 59/CTY-CV ngày 22/1/2015 của Công ty Cổ phần Thủy sản Cà Mau đề nghị hướng dẫn về chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, sau khi báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Trường hợp vướng mắc có liên quan đến việc chuyển nhượng vốn:

- Tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính về thu nhập khác quy định:

1. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán theo hướng dẫn tại Chương IV Thông tư này.”

- Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 14 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính quy định:

“Doanh nghiệp có thu nhập từ chuyển nhượng vốn thì khoản thu nhập này được xác định là khoản thu nhập khác và kê khai vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp”.

- Tại khoản 7 Điều 18 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính quy định:

“7. Trường hợp trong cùng kỳ tính thuế, doanh nghiệp có phát sinh hoạt động kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế bị lỗ, hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế, thu nhập khác của các hoạt động kinh doanh (không bao gồm thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án (không gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất); thu nhập từ chuyển nhượng quyền thực hiện dự án, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật) có thu nhập (hoặc ngược lại) thì doanh nghiệp bù trừ vào thu nhập chịu thuế của các hoạt động có thu nhập do doanh nghiệp lựa chọn.”

- Tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính quy định:

“Doanh nghiệp trong kỳ tính thuế có các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia thực hiện dự án đầu tư (trừ dự án thăm dò, khai thác khoáng sản) nếu bị lỗ thì số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh (bao gồm cả thu nhập khác quy định tại Điều 7 Thông tư này)”

Căn cứ theo các quy định nêu trên, trường hợp Công ty cổ phần thủy sản Cà Mau phát sinh lỗ khi chuyển nhượng vốn thì được bù trừ vào thu nhập chịu thuế của các hoạt động có thu nhập (không bao gồm thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án (không gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất); thu nhập từ chuyển nhượng quyền thực hiện dự án, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật) do doanh nghiệp lựa chọn. Trường hợp Công ty có làm thủ tục phá sản dự án Thủy sản An Phước thì thực hiện theo các quy định của pháp luật có liên quan về phá sản.

2. Trường hợp vướng mắc có liên quan đến lãi vay ngân hàng để góp vốn đầu tư:

2.1. Đối với giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2014:

- Tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính quy định:

1. Trừ các khoản chi nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.”

- Tại Điểm 2.27, khoản 2, Điều 6 Thông tư số 123/2012/TT-BTC nêu trên về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế quy định:

2.27. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế.”

- Tại khoản 1, Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính quy định:

“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.”

- Tại Điểm 2.31, khoản 2, Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC nêu trên về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế quy định:

“2.31. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau:

- Các khoản thực chi cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc của doanh nghiệp, bao gồm: Chi phí đào tạo cán bộ phòng, chống HIV/AIDS của doanh nghiệp, chi phí tổ chức truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động của doanh nghiệp, phí thực hiện tư vấn, khám và xét nghiệm HIV, chi phí hỗ trợ người nhiễm HIV là người lao động của doanh nghiệp.

- Khoản thực chi để thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ và phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khác theo quy định của pháp luật.

- Khoản thực chi để hỗ trợ cho tổ chức Đảng, tổ chức chính trị xã hội trong doanh nghiệp.

- Các khoản chi khác mang tính chất đặc thù, phù hợp theo từng ngành nghề, lĩnh vực theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.”

Căn cứ theo các quy định nêu trên, trường hợp Công ty vay tiền để góp vốn đầu tư vào dự án, sau khi chuyển nhượng phần vốn góp bị lỗ nên chưa thanh toán hết khoản nợ ngân hàng vì vậy tiếp tục phát sinh lãi phải trả cho ngân hàng thì khoản lãi phải trả nêu trên không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của Công ty.

2.2. Đối với giai đoạn từ 1/1/2015 trở đi:

- Tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ (Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội có hiệu lực thi hành là ngày 01/1/2015) quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 như sau:

“6. Sửa đổi, bổ sung Điểm e Khoản 2 Điều 9 như sau:

"e) Chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu, theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp; lãi tiền vay trong quá trình đầu tư đã được ghi nhận vào giá trị đầu tư; lãi vay để triển khai thực hiện các hợp đồng tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí.

Trường hợp doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, trong quá trình kinh doanh có khoản chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.”

Căn cứ theo quy định nêu trên, từ 01/1/2015 nếu doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, trong quá trình kinh doanh có khoản chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Tổng cục Thuế thông báo để Công ty Cổ phần Thủy sản Cà Mau biết và liên hệ với Cục Thuế tỉnh Cà Mau để được hướng dẫn thực hiện theo quy định và thực tế phát sinh./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để báo cáo);
- Cục Thuế tỉnh Cà Mau;
- Vụ CST (BTC);
- Vụ PC (BTC);
- Vụ PC (TCT);
- Lưu: VT; CS (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1456/TCT-CS năm 2015 về chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 1456/TCT-CS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/04/2015
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Cao Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/04/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản