Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12772/BTC-CST
V/v rà soát phí, lệ phí thuộc lĩnh vực công thương

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2021

 

Kính gửi: Bộ Công Thương.

Bộ Tài chính nhận được công văn số 4836/BCT-TC ngày 11/8/2021 của Bộ Công Thương báo cáo tình hình thực hiện các Thông tư thu phí, lệ phí trong lĩnh vực công thương. Trong đó, có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung về phí, lệ phí.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về đề nghị bổ sung phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sửa chữa chai LPG vào Danh mục phí, lệ phí

- Tại Điều 17 Luật Phí và lệ phí quy định: “Giữa hai kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

- Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì quy trình xây dựng Pháp lệnh như sau: (i) Đánh giá tổng kết tình hình thực hiện chính sách; (ii) Xây dựng đề xuất chính sách; (iii) Đánh giá tác động chính sách; (iv) Dự thảo văn bản, gửi xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; (v) Trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Tại công văn số 4836/BCT-TC, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung Danh mục phí, lệ phí, tuy nhiên, chưa có đánh giá cụ thể tác động của việc bổ sung thu phí. Số tiền dự kiến thu được tác động như thế nào đến số thu ngân sách nhà nước, cũng như người nộp. Việc thu phí sẽ tăng thêm khối lượng công việc cho cơ quan quản lý nhà nước: Xây dựng trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh; Bộ Tài chính ban hành Thông tư thu phí; Bộ Công Thương bố trí nhân lực thu phí, khai, nộp phí thu được.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Chính phủ, các Bộ đã và đang ban hành nhiều chính sách giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp (Bộ Tài chính đã ban hành một số Thông tư giảm mức thu hơn 30 khoản phí, lệ phí). Vì vậy, theo Bộ Tài chính chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Danh mục phí khoản thu này.

Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường, trường hợp cần thiết bổ sung khoản phí này vào Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, đề nghị Bộ Công Thương xây dựng Đề án thu phí, lệ phí. Trong đó, đánh giá cụ thể về sự cần thiết phải bổ sung khoản phí, lệ phí; đánh giá kỹ tác động của thu phí, lệ phí (số tiền phí, lệ phí thu được, tác động đối với người dân, đối với doanh nghiệp); hiệu quả của việc xây dựng và ban hành văn bản thu phí, lệ phí.

2. Về đề nghị không bãi bỏ Thông tư quy định phí trong công tác an toàn thực phẩm

Ngày 05/8/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn thực phẩm (thay thế Thông tư số 279/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016). Trong đó, có quy định thu phí thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực công thương.

3. Về bổ sung thu phí, lệ phí đối với thẩm định cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp; khai báo hóa chất

Tại điểm 35 mục III Danh mục lệ phí kèm theo Luật Phí và lệ phí quy định: Lệ phí cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.

Ngày 18/9/2017, Bộ Công Thương có công văn số 8589/BCT-TC đề nghị bỏ quy định thu khoản lệ phí này để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp do Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp được cấp theo từng lô hàng hoặc hợp đồng, nhiều trường hợp số lượng hoá chất và giá trị lô hàng xuất nhập khẩu khá thấp. Căn cứ Luật Phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BTC ngày 25/01/2018 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong hoạt động hóa chất. Trong đó, không quy định thu lệ phí cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp tại Thông tư số 170/2016/TT-BTC ngày 26/10/2016.

Đề nghị Bộ Công Thương xem xét việc đề xuất bổ sung phí, lệ phí trong bối cảnh Chính phủ, các Bộ đã và đang ban hành nhiều chính sách giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp để hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trường hợp cần thiết phải bổ sung, đề nghị Bộ Công Thương đề xuất mức thu phí, lệ phí cụ thể; đánh giá tác động của thu phí, lệ phí đối với người dân, doanh nghiệp và ngân sách nhà nước; gửi Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 08/2018/TT-BTC theo quy định.

4. Về đề nghị nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xuất biên lai thu phí điện tử

Việc in, phát hành, quản lý, sử dụng biên lai điện tử đã được quy định tại Thông tư số 303/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.

Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn chứng từ. Trong đó tại Mục 2 Nghị định này đã quy định về chứng từ điện tử. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2022 và bãi bỏ Thông tư số 303/2016/TT-BTC.

Bộ Tài chính có ý kiến để Bộ Công Thương được biết và chỉ đạo thực hiện. Cảm ơn sự phối hợp công tác của quý Bộ./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Vụ: PC, HCSN;
- TCT;
- Lưu: VT, CST (CST5)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Thị Mai

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 12772/BTC-CST năm 2021 về rà soát phí, lệ phí thuộc lĩnh vực công thương do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 12772/BTC-CST
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 08/11/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Vũ Thị Mai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/11/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản