Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12571/BTC-TCT
V/v thuế GTGT đối với sản phẩm gỗ.

Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 2014

 

Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ Tài chính nhận được công văn của một số Cục Thuế và doanh nghiệp nêu vướng mắc về chính sách thuế GTGT đối với sản phẩm gỗ rừng trồng. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

- Tại khoản 1 điều 5 Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 quy định về đối tượng không chịu thuế:

“1. Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu”.

- Tại khoản 2.g, khoản 3 điều 8 Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 quy định:

“2. Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ sau đây:

...

g) Thực phẩm tươi sống; lâm sản chưa qua chế biến, trừ gỗ, măng và sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này...”

“3. Mức thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”.

- Tại khoản 1 điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn về đối tượng không chịu thuế GTGT quy định:

“Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT

1. Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.

Các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường là sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, xay bỏ vỏ, xát bỏ vỏ, tách hạt, tách cọng, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh (ướp lạnh, đông lạnh), bảo quản bằng khí sunfuro, bảo quản theo phương thức cho hóa chất để tránh thối rữa, ngâm trong dung dịch lưu huỳnh hoặc ngâm trong dung dịch bảo quản khác và các hình thức bảo quản thông thường khác”.

- Tại khoản 7 điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC nêu trên hướng dẫn về thuế suất thuế GTGT là 5%:

“7. Thực phẩm tươi sống ở khâu kinh doanh thương mại; lâm sản chưa qua chế biến ở khâu kinh doanh thương mại, trừ gỗ, măng và các sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

…”.

- Tại khoản 5 điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC nêu trên hướng dẫn về thuế suất thuế GTGT là 10%:

“5. Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hóa đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.

Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.

Hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu

…”.

- Tại khoản 1 điều 3 Thông tư số 88/2011/TT-BNNPTNT ngày 28/12/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn:

“1.Gỗ tròn: bao gồm gỗ nguyên khai, gỗ đẽo tròn, gỗ lóc lõi có đường kính đầu nhỏ từ 10 cm đến dưới 20 cm, chiều dài từ 01 mét trở lên hoặc có đường kính đầu nhỏ từ 20 cm trở lên, chiều dài từ 30 cm trở lên (kể cả gỗ nguyên khai còn có gốc, cành, lá mà đường kính sát gốc từ 10cm đến dưới 20cm, chiều dài từ 01 mét trở lên hoặc có đường kính sát gốc từ 20cm trở lên, chiều dài từ 30cm trở lên). Riêng đối với gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm không phân biệt kích thước”.

Căn cứ hướng dẫn nêu trên,

- Đối với sản phẩm gỗ tròn, gỗ nguyên cây chưa chế biến do tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng và bán ra thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

- Đối với sản phẩm gỗ tròn, gỗ nguyên cây chưa chế biến do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT, trường hợp bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%.

- Sản phẩm gỗ đã qua chế biến như: gỗ ván, gỗ tấm, dăm gỗ áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10%.

- Từ ngày 01/01/2014 đến trước ngày ban hành công văn này, trường hợp đã áp dụng thuế suất thuế GTGT khác hướng dẫn nêu trên thì không thực hiện điều chỉnh lại.

Bộ Tài chính hướng dẫn để các Cục Thuế được biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Vụ CST, PC-BTC;
- Vụ KK, PC-TCT;
- Lưu: VT, TCT(VT, CS (3)).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 12571/BTC-TCT năm 2014 về chính sách thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm gỗ rừng trồng do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 12571/BTC-TCT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 08/09/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/09/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản