Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1186/BNN-LN
V/v: Hướng dẫn việc liên doanh, liên kết trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến sản phẩm gỗ.

Hà Nội, ngày 05 tháng 5 năm 2009

 

Kính gửi: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Trong các năm qua, ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có những bước phát triển khá cao, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng liên tục hàng năm; năm 2006 đạt 2,05 tỷ đô-la Mỹ; năm 2007 đạt 2,4 tỷ đô-la Mỹ; năm 2008 đạt 2,8 tỷ đô-la Mỹ. Tuy đạt được bước phát triển khá cao, nhưng tỷ lệ lợi nhuận xuất khẩu đạt thấp và thiếu bền vững vì các doanh nghiệp hầu như không chủ động được nguyên liệu mà phải nhập khẩu (khoảng 80% so với nhu cầu).

Hiện nay, hằng năm cả nước khai thác khoảng 4 triệu m3 gỗ nguyên liệu từ rừng trồng, nhưng nguồn nguyên liệu này được dùng chủ yếu cho sản xuất bột giấy, ván nhân tạo, dăm gỗ xuất khẩu, còn việc sử dụng cho chế biến các loại sản phẩm cao cấp có giá trị hầu như không đáng kể. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chất lượng rừng trồng chưa đáp ứng được yêu cầu nguyên liệu để sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu cao cấp; đồng thời chưa có cơ chế gắn kết giữa cơ sở chế biến gỗ với người sản xuất nguyên liệu.

Để tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành chế biến sản phẩn gỗ xuất khẩu, từng bước tự túc được nguồn nguyên liệu trong nước, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến sản phẩm gỗ cũng như nâng cao giá trị thu nhập cho các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia trồng rừng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung chủ yếu trong liên doanh, liên kết trồng rừng nguyên liệu gắn với công tác chế biến sản phẩm gỗ, cụ thể như sau:

I. MỘT SỐ CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU VÀ XUẤT NHẬP KHẨU LÂM SẢN

1. Về lĩnh vực phát triển rừng

1.1. Về đất đai

- Chủ rừng được ưu đãi về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và thuế sử dụng đất theo quy định tại các Điều 22, 24 và 26, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

- Chủ rừng được cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng mới rừng sản xuất theo hướng dẫn tại Thông tư số 99/2006/TT-BNN ngày 06/11/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Các tổ chức, cá nhân là người Việt Nam được giao rừng, cho thuê rừng theo quy định tại Nghị định số 23/2006/NĐ - CP, ngày 03 tháng 03 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;

1.2.Về chính sách hỗ trợ và tín dụng của Nhà nước.

- Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các tổ chức, hộ gia đình tham gia trồng rừng (gỗ lớn và gỗ nhỏ) trong các dự án trồng rừng nguyên liệu do Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển (nay là Ngân hàng phát triển) theo quy định tại Nghị định số 106/2004/NĐ-CP ngày 01/4/2004 và Nghị định 20/2005/NĐ-CP ngày 28/2/2005 của Chính phủ.

- Được hưởng nguồn hỗ trợ, ưu đãi, khi trồng mới rừng sản xuất, trồng cây phân tán, theo quy định tại Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015.

- Hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh theo Quyết định 131/QĐ-TTg ngày 13/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất cho tổ chức, cá nhân vay vốn để sản xuất, kinh doanh

1.3. Chính sách lưu thông và tiêu thụ sản phẩm

Các nhà máy chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn thuộc các tỉnh vùng Tây Bắc (theo Nghị quyết 37/NQ-TW ngày 01 tháng 4 năm 2004) được Nhà nước hỗ trợ chi phí vận chuyển sản phẩm trong 5 năm đầu tiên tính từ khi nhà máy bắt đầu sản xuất. Mức hỗ trợ thực hiện theo Quyết định số 210/2006/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ là 1.000 đồng/tấn/km (một nghìn đồng). Hình thức hỗ trợ đầu tư quy định tại Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015;

1.4. Chính sách hưởng lợi

Đối với rừng trồng mới là rừng sản xuất; diện tích rừng trồng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đã được trồng bằng nguồn vốn của Chương trình 327 trước đây và nguồn vốn từ ngân sách nhà nước thuộc Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, nay quy hoạch là rừng sản xuất, chính sách hưởng lợi được quy định tại Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/7/2007của Thủ tướng Chính phủ, như sau:

- Khi khai thác chủ rừng được hưởng toàn bộ sản phẩm từ rừng trồng và được hưởng các chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế và tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật hiện hành. Chủ rừng chỉ phải nộp cho ngân sách xã số tiền tương đương với 80 kg thóc/ha/chu kỳ rừng trồng, để xây dựng Quỹ phát triển rừng của xã và Quỹ phát triển rừng thôn, bản, trong đó trích nộp cho mỗi quỹ là 50%.

- Đối với diện tích rừng sản xuất do hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng nhận khoán của các Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ hoặc doanh nghiệp quốc doanh (gọi tắt là bên giao khoán) thì chủ rừng nộp số tiền trên cho bên giao khoán. Không phải nộp thêm bất cứ khoản gì cho bên giao khoán.

2. Về lĩnh vực xuất nhập khẩu

- Thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng thuộc nhóm mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ áp dụng mức thuế suất là 0% kể từ ngày 01/12/2008 theo Quyết định số 109/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 của Bộ Tài chính;

- Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp và giãn thời hạn nộp thuế trong thời gian 9 tháng năm 2009 đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có sản xuất, gia công chế biến nông lâm thuỷ sản theo hướng dẫn tại Thông tư 04/2009/TT-BTC ngày 13/1/2009;

II. MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG TRONG LIÊN DOANH, LIÊN KẾT TRỒNG RỪNG NGUYÊN LIỆU PHỤC VỤ CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN

1. Các nhà máy chế biến có thể là chủ đầu tư để thực hiện liên kết trồng rừng nguyên liệu theo quy hoạch được duyệt, nhà máy ký hợp đồng trực tiếp với các chủ rừng là tổ chức hoặc hộ gia đình cá nhân để trồng rừng và chăm sóc rừng trồng có sự giám sát của chính quyền địa phương, thông qua các hình thức:

1.1. Nếu người trồng rừng là hộ gia đình, cá nhân (người dân)

a.Nếu trồng rừng trên chính đất của mình: Nhà máy chế biến đầu tư vốn để người dân trồng rừng, mức đầu tư được thoả thuận giữa người dân và nhà máy, có thể xác định như sau:

- Là tổng giá trị tính bằng tiền mua khối lượng gỗ mà người dân cam kết bán cho nhà máy tại thời điểm khai thác (tính toán trên cơ sở giá mua gỗ hiện tại, cộng với phần phát sinh dự kiến do trượt giá). Ví dụ: người dân cam kết đến năm 2012 sẽ bán cho nhà máy 500 m3 gỗ tròn, thì mức đầu tư được tính như sau:

A ( mức đầu tư) = 500 ( khối lượng gỗ cam kết bán) x 600.000 đồng ( giá bán bình quân 1 m3 gỗ tại thời điểm hiện tại) + 200.000 đồng ( dự kiến do trượt giá).

- Là toàn bộ giá trị tính bằng tiền các chi phí thực tế để: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng đến thời điểm khai thác (chi phí này tính toán trên cơ sở dự toán được 2 bên thoả thuận ). Để thực hiện phương thức này phải đảm bảo điều kiện người dân và nhà máy phải hợp đồng giao nộp sản phẩm tương ứng với diện tích đã được đầu tư. Nhà máy phải nghiệm thu và đầu tư theo tiến độ thực tế và giám sát trong suốt quá trình đến thời điểm khai thác.

b. Nếu người dân trồng rừng trên đất của Nhà máy chế biến thì áp dụng phương pháp khoán công việc, hoặc liên kết theo hình thức: Nhà máy đầu tư toàn bộ chi phí thực tế trồng và chăm sóc rừng trồng đến thời điểm khai thác, người dân giao nộp sản phẩm tương ứng với diện tích đã được đầu tư (chi phí đầu tư, khối lượng sản phẩm giao nộp theo thoả thuận).

1.2.Trong trường hợp các hộ gia đình, cá nhân (người dân) tự nguyện thành lập nhóm hộ để liên kết trồng rừng cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến.

Nhóm hộ tiến hành bình bầu trưởng nhóm; Trưởng nhóm là người đại diện cho cả nhóm để khâu nối, liên lạc và giải quyết nột số nội dung theo sự thống nhất và uỷ quyền của thành viên trong nhóm. Việc xác định mức đầu tư, ăn chia sản phẩm giữa nhà máy với nhóm hộ được thực hiện tương tự như quy định tại điểm a, b, Mục 1.1. Mức ăn chia sản phẩm của các hộ thành viên trong nhóm được xác định trong cam kết hoạt động của nhóm do các hộ thành viên tự thoả thuận.

1.3. Đơn vị trồng rừng là các công ty lâm nghiệp, lâm trường, doanh nghiệp (chủ rừng)

a). Nếu chủ đầu tư trồng rừng là nhà máy chế biến

Nhà máy chế biến ký hợp đồng với các chủ rừng thực hiện liên kết trồng rừng, mức đầu tư của nhà máy chế biến cho chủ rừng và khối lượng sản phẩm gỗ mà chủ rừng giao nộp cho nhà máy chế biến được thoả thuận giữa 2 bên.

Sau khi ký hợp đồng với nhà máy, chủ rừng tổ chức trồng rừng thông qua các hình thức khoán công việc cho các hộ thành viên của mình và các hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trong khu vực hoặc có thể thực hiện liên kết với hộ gia đình, cá nhân để trồng rừng như hình thức hướng dẫn tại điểm 1.1, mục 1 của hướng dẫn này.

b). Trong trường hợp các chủ rừng là chủ đầu tư

Việc lựa chọn nhà máy chế biến tiêu thụ sản phẩm do chủ rừng tự quyết định. Phương thức tổ chức trồng rừng thông qua liên kết với hộ gia đình, cá nhân cũng thực hiện tựơng tự như giữa nhà máy chế biến với hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại điểm 1, phần II.

2. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng giữa người trồng rừng nguyên liệu với các cơ sở chế biến, hoặc các chủ rừng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế. Hợp đồng cung cấp, thu mua nguyên liệu phải trên cơ sở thoả thuận giữa bên bán, bên mua, được Uỷ ban nhân dân cấp xã sở tại xác nhận ( đối với trường hợp người cung cấp nguyên liệu là hộ gia đình, cá nhân) và phải được đưa vào cam kết trong hợp đồng trên cơ sở các nguyên tắc sau:

2.1. Đối với cơ sở chế biến

- Cơ sở chế biến và người sản xuất nguyên liệu có trách nhiệm thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng. Bên nào không thực hiện đúng nội dung đã ký kết mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bị thiệt hại theo quy định của pháp luật.

- Các cơ sở chế biến không được tranh mua nguyên liệu trong khu vực mà các cơ sở khác đã đầu tư. Không được ký hợp đồng thu mua nguyên liệu mà người sản xuất đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp khác.

- Các cơ sở chế biến nếu không mua hết khối lượng, không đúng thời gian, địa điểm đã cam kết trong hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại về vật chất do hành vi gây ra theo quy định của pháp luật.

2.2 Đối với người trồng rừng

- Người sản xuất nguyên liệu chỉ được bán sản phẩm cho các cơ sở chế biến khác khi các cơ sở chế biến đã đầu từ hoặc ký kết hợp đồng nhưng từ chối bằng văn bản không mua hoặc không mua hết nguyên liệu đã sản xuất.

- Người trồng rừng nguyên liệu đã hợp đồng và nhận tiền vốn, vật tư của cơ sở chế biến mà cố tình không bán hoặc bán cho các cơ sở khác, bán thiếu số lượng, chủng loại, chất lượng và thời gian đã ghi trong hợp đồng thì phải thanh toán lại cho cơ sở chế biến toàn bộ giá trị vốn đã ứng bao gồm cả khoản lãi vay ngân hàng và phải bồi thường thiệt hại gây ra theo quy định của pháp luật.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP.

1. Đối với các cơ sở chế biến.

- Tổ chức rà soát lại để bổ sung hoặc xây dựng mới phương án sản xuất của đơn vị, trong đó xác định cụ thể các chỉ tiêu: Quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, như cầu, khả năng và địa chỉ cung cấp nguyên liệu.

- Việc xây dựng các nhà máy chế biến cần phải gắn kết với việc xây dựng quy hoạch vùng trồng rừng nguyên liệu. Nhà máy chế biến cần được xây dựng ở vùng nguyên liệu tập trung để giảm tối đa để giảm tối đa chi phí vận chuyển, gắn lợi ích kinh tế của người sản xuất nguyên liệu với hiệu quả hoạt động của nhà máy chế biến.

- Công suất nhà máy chế biến phải được cân đối với khả năng cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phảm ( nhà máy phải chủ động được tối thiểu 70% nhu cầu nguyên liệu).

- Chú trọng đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị chế biến tiên tiến để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao từ nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng cũng như sử dụng tổng hợp nguồn nguyên liệu.

- Lựa chọn thiết bị và công nghệ đảm bảo sử dụng gỗ rừng trồng kết hợp với tre nứa trong nước, tận dụng các loại phế liệu để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, đồng thời đẩy mạnh việc kết hợp chế biến gỗ với các vật liệu khác để tiết kiệm sử dụng gỗ.

2. Đối với các đơn vị trồng rừng.

Tiến hành xây dựng dự án trồng rừng và phương án sản xuất kinh doanh của đơn vị, trong đó cần chú ý các yêu cầu:

- Xác định cụ thể chi tiết quỹ đất trên diện tích được giao hoặc có phương án liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác hoặc người dân để tạo quỹ đất. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch phát triển rừng nguyên liệu đáp ứng với nhu cầu thị trường.

- Xác định được cơ cấu cây trồng phù hợp, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo sản phẩm đầu ra phải có địa chỉ tiêu thụ cụ thể bằng các hợp đồng kinh tế tiêu thụ nguyên liệu và tham gia vào các vùng nguyên liệu của các nhà máy chế biến bằng các thoả thuận phù hợp.

- Xác định được phương án liên doanh liên kết giữa đơn vị với cơ sở chế biến và giữa đơn vị với người dân trực tiếp trồng rừng.

3. Đối với các cấp chính quyền địa phương.

- Rà soát, thống kê chi tiết các công ty lâm nghiệp có nhu cầu liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp chế biến để trồng mới rừng hoặc tiếp tục đầu tư trên các diện tích rừng hiện có.

- Trên cơ sở kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ, công bố chi tiết về diện tích, địa điểm, chủ quản lý rừng sản xuất là rừng trồng hiện có và quỹ đất quy hoạch cho phát triển rừng sản xuất.

- Chỉ đạo các Sở, ban, ngành chức năng trong tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian thẩm định để phê duyệt các dự án đầu tư chế biến lâm sản kết hợp với xây dựng và trồng rừng nguyên liệu.

- Xây dựng quy hoạch hệ thống vườn ươm đến năm 2020. Khẩn trương cấp chứng chỉ nguồn giống đạt tiêu chuẩn theo Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp ban hành theo Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN ngày 29/12/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Công bố công khai trên các phương tiên thông tin đại chúng các cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách về hỗ trợ trồng rừng sản xuất đến các cấp, các ngành, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng trên địa bàn tỉnh để biết và thực hiện

Đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các ngành, cơ quan liên quan và các doanh nghiệp vận dụng nội dung hướng dẫn trên để áp dụng phù hợp với điều kiện của địa phương và doanh nghiệp./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Sở NN và PTNT;
- Lưu: VT, LN (3).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hứa Đức Nhị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1186/BNN-LN hướng dẫn việc liên doanh, liên kết trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến sản phẩm gỗ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 1186/BNN-LN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 05/05/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Hứa Đức Nhị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản