Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1060/LS-TVPL

Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 1996

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ TƯ PHÁP SỐ 1060/LS-TVPL NGÀY 11 THÁNG 7 NĂM 1996 GỬI ĐOÀN LUẬT SƯ CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Từ khi Pháp lệnh tổ chức luật sư ban hành đến nay, 51 Đoàn luật sư đã được thành lập, từng bước kiện toàn, ổn định và phát triển tổ chức. Hoạt động của các Đoàn luật sư đã đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu giúp đỡ pháp lý của công dân, tổ chức, đóng góp đáng kế trong việc bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức góp phần thực hiện nguyên tắc sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng về mặt kinh tế, xã hội trong cơ chế thị trường, nhu cầu của xã hội đối với hoạt động luật sư đang ngày càng phát triển với những yêu cầu mới, ngày càng cao hơn. Để kịp thời đáp ứng yêu cầu mới của phát triển xã hội, chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội đã ấn định việc sửa đổi Pháp lệnh tổ chức luật sư 1987. Hiện nay, các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ xem xét và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh mới đang được khẩn trương hoàn tất.

Thời gian qua, cùng với việc tham gia ý kiến xây dựng Pháp lệnh mới, các Đoàn luật sư đang tiếp tục kiện toàn, phát triển tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động tiếp tục phát huy vai trò tích cực của luật sư trong điều kiện mới.

Tuy nhiên, trong tổ chức và hoạt động của các Đoàn luật sư hiện nay, bên cạnh nhưng đóng góp tích cực được dư luận hoan nghêng, nhân dân đồng tình đã bộc lộ những nhược điểm, vướng mắc cần được khắc phục, chấn chỉnh kịp thời.

Thứ nhất, trong công tác phát triển đội ngũ luật sư, ngoài một số Đoàn luật sư làm tốt công tác này, hiện đang còn hai khuynh hướng: ở nhiều Đoàn luật sư các biệt vẫn còn hiện tượng "đóng cửa" hoặc tự đặt thêm điều kiện đối với người xin tham gia nhập đoàn hoặc do tư tưởng chờ đợi Pháp lệnh sửa đổi nên ngừng việc kết nạp thành viên mới gây thắc mắc cho những người có đơn xin tham gia Đoàn luật sư. Ngược lại, ở một số Đoàn luật sư lại có hiện tượng kết nạp ồ ạt thành viên mới, không cân nhắc kỹ về tiêu chuẩn, điều kiện. Đáng chú ý là việc, người thướng trú tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh xin gia nhập Đoàn luật sư của các tỉnh khác ngày càng nhiều, dẫn đến tình trạng Đoàn luật sư không quản lý được hoạt động của các luật sư này, đặc biệt là việc sử dụng Thẻ luật sư.

Thứ hai, về tổ chức, sinh hoạt của Đoàn luật sư, hiện nay ở một số Đoàn, Ban chủ nhiệm, Ban kiểm tra đã hết nhiệm kỳ mà không tiến hành tổ chức Hội nghị toàn thể Đoàn luật sư để bầu Ban Chủ nhiệm và ban kiểm tra mới. Ban chủ nhiệm của một số Đoàn luật sư chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình trong việc quản lý, điều hành hoạt động của Đoàn; công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, trau dồi đạo đức nghề nghiệp cho luật sư chưa được quan tâm đúng mức; hiện tượng luật sư vi phạm kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp chưa được phát hiện, xử lý kịp thời; tình trạng vi phạm quy định về thù lao, hứa hẹn với khách hàng, thu thù lao không thông qua Đoàn luật sư là vấn đề mà dư luận đang rất quan tâm.

Việc quản lý các Chi nhánh Đoàn luật sư còn lỏng lẻo, chưa đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp của Ban chủ nhiệm đối với Chi nhánh như Quy chế Đoàn luật sư quy định.

Để kịp thời khắc phục những nhược điểm, vướng mắc trong tổ chức và quản lý của các Đoàn luật sư, Bộ Tư pháp đề nghị Ban chủ nhiệm các Đoàn luật sư thực hiện một số điểm sau đây:

1. Trong khi Pháp lệnh mới chưa được ban hành, tổ chức hoạt động của các Đoàn luật sư vẫn tiếp tục tuân theo các quy định của Pháp lệnh tổ chức luật sư ban hành ngày 18-12-1987. Quy chế Đoàn luật sư ban hành kèm theo Nghị định 15/HĐBT ngày 21-2-1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và các văn bản hiện hành có liên quan.

2. Đối với công tác phát triển đội ngũ luật sư, các Đoàn luật sư cần thực hiện đúng các quy định hiện hành về việc kết nạp thành viên mới, ngoài tiêu chuẩn về trình độ pháp lý cần chú trọng và xem xét kỹ tư cách đạo đức của người xin tham gia nhập Đoàn luật sư. Ngay sau khi kết nạp thành viên mới vào Đoàn luật sư, Ban chủ nhiệm phải gửi báo cáo, quyết định kết nạp và lý lịch luật sư (theo mẫu mà Bộ đã gửi các Đoàn luật sư) của người được kết nạp về Bộ Tư pháp. Đối với những người thường trú ngoài địa phương có đơn xin gia nhập Đoàn luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư phải báo cáo Bộ Tư pháp kèm theo hồ sơ xin gia nhập Đoàn luật sư của những người đó; sau khi có ý kiến của Bộ, Đoàn luật sư mới tiến hành các thủ tục từ chối hoặc xem xét việc kết nạp.

3. Để đảm bảo duy trì hoạt đồng bình thường, các Đoàn luật sư cần tiến hành Hội nghị toàn thể Đoàn luật sư đúng thời hạn quy định để kịp thời kiểm điểm, đánh giá công tác của Đoàn và đề ra phương hướng công tác tiếp theo, đồng thời để bầu Ban chủ nhiệm và Ban kiểm tra mới thay thế Ban chủ nhiệm và Ban kiểm tra đã hết nhiệm kỳ. Cầng chú trọng tăng cường vai trò quản lý Đoàn luật sư của Ban chủ nhiệm, đặc biệt là công tác quản lý luật sư trong việc sử dụng Thẻ luật sư để hành nghề. Các Đoàn luật sư có rthành viên thường trú ngoài địa phương mình, phải có quy định riêng về việc quản lý đối với các thành viên này. Tất cả các Đoàn luật sư tiến hành rà soát, đánh giá lại đội ngũ luật sư của Đoàn, xem xét kịp thời và xử lý nghiêm minh nhữngtrường hợp luật sư vi phạm quy chế Đoàn luật sư, Nội quy của Đoàn hoặc vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đồng thời cần chú trọng tổ chức bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ chuyên môn cho luật sư.

4. Các Đoàn luật sư thực hiện đúng các quy định về thù lao, phải niêm yết biểu mức thù lao, nhận thù lao đúng mức đã được quy định, việc nhận thù lao phải do Đoàn luật sư thực hiện. Nghiêm cấm việc luật sư nhận thù lao trực tiếp từ khách hàng hoặc đòi hỏi những khoản khác ngoài mức thù lao. Các Đoàn luật sư cần chú ý đến việc miễn, giảm thù lao cho các đối tượng chính sách.

5. Những Đoàn luật sư đã thành lập Chi nhánh Đoàn luật sư cần xây dựng quy chế hoạt động của Chi nhánh, đặc biệt là vấn đề quản lý Chi nhánh của Đoàn luật sư, Bản chủ nhiệm các Đoàn luật sư phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc quản lý hoạt động của các Chi nhánh của Đoàn.

6. Các Đoàn luật sư thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo về tổ chức và hoạt động luật sư định kỳ hàng quý và hàng năm cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp.

7. Việc hợp tác của Đoàn luật sư với Chi nhánh tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Tư pháp sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Nhận được công văn này, đề nghị Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hình thức thích hợp tổ chức sinh hoạt nội bộ, đánh giá tình hình thực hiện Quy chế, nêu được mặt mạnh cần phát huy, nếu có những hiện tượng, trường hợp vi phạm cần có sự phê bình, góp ý kịp thời, đúng mức. Sở Tư pháp có nhiệm vụ theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Công văn này.

 

Nguyễn Ngọc Hiến

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1060/LS-TVPL của Bộ Tư pháp gửi các Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

  • Số hiệu: 1060/LS-TVPL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 11/07/1996
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Hiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản