Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1028/VPCP-PL
V/v gửi bài phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2013

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Hội Luật gia Việt Nam;
- Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

 

Thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ xin gửi Bài phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013, để các cơ quan, tổ chức quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác tư pháp trên tất cả các lĩnh vực, tạo bước tiến mới trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặc biệt là công tác xây dựng thể chế, pháp luật./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng CP, các Phó TTg;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, PL (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Kiều Đình Thụ

 

PHÁT BIỂU CHỈ ĐẠO CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2013
(theo bản ghi âm phát biểu của Thủ tướng Chính phủ)

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2013

Kính thưa các đồng chí,

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Hội nghị về kiểm điểm, đánh giá tình hình công tác của Ngành Tư pháp trong năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013. Thay mặt Chính phủ, tôi hoan nghênh Lãnh đạo các Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như tất cả các đồng chí đã tới dự Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng này. Thay mặt Chính phủ, tôi có lời thăm hỏi thân thiết, lời chúc tốt đẹp đến tất cả các đồng chí!

Thưa các đồng chí,

Năm 2012 chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, như khủng hoảng tài chính toàn cầu lan rộng, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn và thương mại toàn cầu sụt giảm... Tuy nhiên, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của cả nước đã cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra, đó là: Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiềm chế được lạm phát với mức là 6,8% (so với 18% năm 2011); mặt bằng lãi suất giảm mạnh; tỷ giá ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng; bội chi giảm; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Trong điều kiện kinh tế thế giới gặp rất nhiều khó khăn, chúng ta vẫn duy trì được tăng trưởng GDP 5,2%; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Trong những thành tựu chung có sự đóng góp quan trọng của Ngành Tư pháp, nhất là trong việc từng bước đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật, tạo môi trường thực hiện quyền dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân ta. Đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.

Thưa các đồng chí,

Quá trình theo dõi công tác chung của Chính phủ đối với Ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp - bản thân tôi cũng như các đồng chí Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ đều thấy tin tưởng lạc quan về công tác tư pháp. Công tác tư pháp hiện nay giữ vị trí hết sức quan trọng, rất mong các đồng chí đặc biệt coi trọng lĩnh vực này. Tôi nhận thấy, Báo cáo đã đánh giá khá đầy đủ và nghiêm túc về những kết quả đã đạt được trên từng lĩnh vực; đồng thời, chỉ rõ các hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém. Tôi rất mong, tại Hội nghị này, các đồng chí đại biểu đóng góp thêm để Ngành Tư pháp nhận thức rõ hơn những mặt được, chưa được, hạn chế, yếu kém, nhất là nguyên nhân, giải pháp và trách nhiệm của chúng ta trong thời gian tới, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tư pháp trên tất cả các lĩnh vực, tạo bước tiến mới trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, đặc biệt là công tác xây dựng thể chế, pháp luật. Thực tế cho thấy, việc thúc đẩy nhanh, hiệu quả hay cản trở, làm chậm đi quá trình phát triển đất nước, trước hết cũng từ thể chế, pháp luật. Vì vậy thể chế, pháp luật giữ vị trí hết sức quan trọng trong việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; đồng thời, qua việc xây dựng và thực thi thể chế, pháp luật sẽ huy động tốt nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quyền dân chủ, quyền công dân... Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng và thực thi thể chế, pháp luật, phụ thuộc rất nhiều vào công tác tư pháp của chúng ta. Tại Hội nghị quan trọng này, đề nghị các đồng chí đóng góp, bổ sung hoàn chỉnh các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện; các kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, các địa phương trong thời gian tới. Từ đó đặt ra trách nhiệm các cơ quan liên quan phải cùng nhau thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ và các giải pháp đề ra.

Thưa các đồng chí,

Công tác tư pháp những năm qua và ngay năm 2012 đã đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước trên các lĩnh vực. Năm 2012, các đồng chí đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên các lĩnh vực được giao, đạt nhiều kết quả tích cực, có bước tiến trong công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cụ thể là:

- Bộ Tư pháp đã cùng các Bộ ngành cơ bản hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội (đạt 91,7% kế hoạch). Giúp Chính phủ thẩm định, đôn đốc thường xuyên công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, giảm mạnh số văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng, xuống mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội;

Hoạt động nổi bật năm qua là, Ngành Tư pháp đã đóng góp quan trọng trong việc hoàn thành việc Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 theo đúng Kế hoạch đề ra; giúp Chính phủ hoàn thiện Báo cáo có chất lượng về Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, có giá trị lý luận và thực tiễn trong quá trình nghiên cứu và sửa đổi Hiến pháp 1992;

- Cơ chế theo dõi thực thi pháp luật được hình thành và được triển khai có kết quả, thể hiện qua việc phản ứng nhạy bén hơn trước những vấn đề pháp lý gây bức xúc trong xã hội, nhân dân;

- Công tác thi hành án dân sự sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Luật thi hành án dân sự đã cho thấy có sự tiến bộ, bền vững về kết quả và được Quốc hội ghi nhận;

- Công tác xã hội hóa các hoạt động tư pháp đã được triển khai mạnh mẽ với sự đồng tình, ủng hộ của các Bộ, ngành, cấp ủy và lãnh đạo nhiều địa phương. Nhờ đó, huy động được các nguồn lực xã hội tham gia các tổ chức dịch vụ công trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp như: Công chứng, Luật sư, Bán đấu giá tài sản, Giám định tư pháp...

Thay mặt Chính phủ, tôi chúc mừng và biểu dương những thành tích mà Ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2012.

Về hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực tư pháp, tôi nhất trí với đánh giá trong Báo cáo công tác, các đồng chí đã thẳng thắn nhìn nhận và chỉ rõ nguyên nhân cũng như đề ra giải pháp để khắc phục.

Về các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong năm 2013 của Bộ Tư pháp, Ngành Tư pháp, tôi đồng tình với các nhiệm vụ trọng tâm các đồng chí đã nêu trong Báo cáo. Bước sang năm 2013, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ xác định là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh, xã hội và giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển cao hơn trong những năm sau và các điều kiện cần thiết để tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với ba khâu đột phá chiến lược, trong đó khâu đầu tiên là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, các đồng chí cần tập trung vào một số nội dung sau đây:

1. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thực thi thể chế, pháp luật đảm bảo tính dự báo và ổn định cao, thực sự là công cụ pháp lý để thu hút, tạo dựng và củng cố niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, hết sức chú ý đến khả năng phản ứng chính sách trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước. Trách nhiệm này là của Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, trong đó, Bộ Tư pháp có vai trò tham mưu, nòng cốt rất quan trọng, tôi đề nghị các đồng chí hết sức lưu ý:

Thứ nhất, Bộ Tư pháp cần làm tốt vai trò, nhiệm vụ thường trực giúp Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ triển khai thực hiện Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung theo phân công của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đây phải được coi là nhiệm vụ chính trị hết sức hệ trọng của Chính phủ và Ngành Tư pháp trong năm 2013;

Thứ hai, chủ động trong việc đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, bảo đảm đúng tiến độ, có chất lượng, hạn chế tối đa việc điều chỉnh Chương trình; kịp thời báo cáo, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp bảo đảm thực hiện Chương trình.

Trong việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội cũng như thực hiện Chương trình xây dựng nghị định của Chính phủ, Bộ phải tập trung làm tốt việc tham gia soạn thảo, thẩm định, góp ý kiến đối với các dự án, dự thảo về các chính sách lớn đang được nhân dân quan tâm, như Luật đất đai (sửa đổi), Luật đầu tư, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) nhằm khắc phục được những vướng mắc, những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân liên quan đến việc thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, khẳng định quyền sở hữu của Nhà nước, bảo đảm quyền sử dụng của người dân, tạo dựng môi trường pháp luật thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới v.v...;

Thứ ba, kịp thời ban hành và đảm bảo chất lượng các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật. Năm 2013, Bộ Tư pháp cần chủ trì, đôn đốc, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan phấn đấu giải quyết cơ bản việc này; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xử lý các văn bản quy định chi tiết còn chậm so với yêu cầu hiệu lực của luật, pháp lệnh;

Thứ tư, trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Bộ Tư pháp phải là đầu mối giúp Chính phủ xử lý các vấn đề liên quan đến tranh chấp pháp lý quốc tế giữa Việt Nam với các đối tác, quốc gia khác nhằm bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, lợi ích hợp pháp của công dân, doanh nghiệp Việt Nam. Bộ Tư pháp cần phối hợp với các Bộ, cơ quan chuyên môn liên quan cung cấp thông tin, hướng dẫn pháp luật quốc tế để các Bộ, cơ quan, đặc biệt là các địa phương thực hiện đúng, chủ động xử lý kịp thời, kiên quyết và phòng tránh những tranh chấp có thể xảy ra.

2. Tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục xây dựng thể chế, đáp ứng yêu cầu hội nhập, góp phần nâng cao chất lượng thể chế, trong đó cần tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần hết sức chú ý việc đánh giá tác động của văn bản, chính sách, đây chính là chất lượng của thể chế, qua đó góp phần quyết định việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền dân chủ, quyền công dân;

Thứ hai, gắn kết công tác xây dựng thể chế với công tác kiểm soát thủ tục hành chính, chỉ khi nào thật sự cần thiết mới được ban hành thủ tục hành chính mới; đồng thời, sửa đổi, hủy bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp, không cần thiết gây phiền hà cho doanh nghiệp, công dân, cản trở sự phát triển cũng như quyền làm chủ của người dân; sớm trình Chính phủ Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến công dân và cơ sở dữ liệu về dân cư;

Thứ ba, triển khai có hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật kết hợp với nâng cao chất lượng công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Các Bộ, ngành cần tập trung theo dõi thi hành các luật, nghị định và thông tư vừa được ban hành; các địa phương tập trung theo dõi thi hành các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, bảo đảm các văn bản được ban hành đi vào cuộc sống. Qua công tác theo dõi thi hành pháp luật cần đánh giá mức độ phù hợp của văn bản và phải có sự phản ứng nhanh nhạy, điều chỉnh kịp thời khi thấy cần thiết. Phát huy hơn nữa công tác tuyên truyền, giải thích thấu đáo để người dân hiểu đúng và thực hiện có hiệu quả chính sách và pháp luật. Chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Ngành Tư pháp phải được chặt chẽ, có chất lượng hơn, bám sát và phù hợp với thực tiễn cuộc sống; gắn liền với đó là việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành để phát hiện những văn bản không phù hợp, thiếu tính khả thi. Tôi đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hết sức lưu ý việc thẩm định văn bản để hạn chế thấp nhất tính không phù hợp, không khả thi của văn bản; cần nghiên cứu việc kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các thông tư hướng dẫn;

Thứ tư, đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thấy rõ trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, của chính quyền, của người đứng đầu đối với công tác tư pháp quan tâm, chỉ đạo xây dựng thể chế, pháp luật. Trong xây dựng thể chế, pháp luật, tư tưởng, chính sách của thể chế, pháp luật phải được đặt lên hàng đầu, phải rõ ràng mạch lạc và có hiệu quả khi thực thi trong cuộc sống.

3. Cuối cùng, tôi rất đồng tình với Báo cáo của các đồng chí về việc nâng cao năng lực, trách nhiệm của bộ máy làm công tác tư pháp.

- Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát chức năng, nhiệm vụ, gắn liền với đó là biên chế để trình Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp, kể cả chính sách để thu hút người giỏi, người tài, huy động các chuyên gia để làm tốt hơn nữa vai trò của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần hết sức quan tâm đến việc bố trí biên chế cho Sở Tư pháp, kiện toàn sớm tổ chức pháp chế của các sở, ngành ở địa phương. Bộ Tư pháp cần rà soát lại, đánh giá các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của cơ quan tư pháp các cấp và chất lượng đội ngũ công chức tư pháp hiện nay.

Trên đây là các nội dung tôi muốn nhấn mạnh thêm, rất mong các đồng chí quán triệt nhằm đưa công tác tư pháp của chúng ta tiến lên một bước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Nhân dịp Năm mới, thay mặt Chính phủ, tôi chúc các đồng chí trong toàn Ngành Tư pháp sức khỏe, hạnh phúc, thành công.

Cảm ơn các đồng chí!

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1028/VPCP-PL gửi bài phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013 do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1028/VPCP-PL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 01/02/2013
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Kiều Đình Thụ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản