Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10056/BGTVT-CQLXD
V/v Hướng dẫn triển khai thực hiện một số nội dung của Nghị định 15/2013/NĐ-CP đối với các dự án xây dựng công trình giao thông do Bộ GTVT quản lý

Hà Nội, ngày 23 tháng 09 năm 2013

 

Kính gửi:

- Các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành;
- Các Sở Giao thông vận tải;
- Các Ban QLDA: 1, 2, 6, 7, 85, Thăng Long, Đường Hồ Chí Minh;
- Các Tổng công ty: ĐTPT&QLDA HTGT Cửu Long, Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.

 

Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 6/2/2013 về quản lý chất lượng công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là Nghị định 15/2013/NĐ-CP) đã được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2013. Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 (sau đây gọi tắt là Thông tư 10/2013/TT-BXD) quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng có hiệu lực thi hành từ ngày 9/9/2013 và Thông tư số 13/2013/TT-BXD ngày 15/8/2013 (sau đây gọi tắt là Thông tư 13/2013/TT-BXD) quy định thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình có hiệu lực thi hành từ ngày 30/9/2013.

Để phù hợp với đặc điểm của các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT hướng dẫn triển khai thực hiện một số nội dung của Nghị định 15/2013/NĐ-CP đối với các dự án xây dựng công trình giao thông do Bộ GTVT quản lý, cụ thể như sau:

1. Phân cấp công trình giao thông để phục vụ công tác quản lý chất Iượng theo quy định của Nghị định 15/2013/NĐ-CP:

1.1. Đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được quyết định đầu tư trước ngày Thông tư 10/2013/TT-BXD có hiệu lực thi hành (kể từ 9/9/2013), thì cấp công trình thuộc dự án xác định theo nội dung đã được phê duyệt trong quyết định đầu tư.

1.2. Đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được quyết định đầu tư sau ngày Thông tư 10/2013/TT-BXD có hiệu lực thi hành (kể từ 9/9/2013), thì cấp công trình thuộc dự án xác định theo nội dung quy định của Thông tư 10/2013/TT-BXD.

2. Thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT theo quy định tại Điều 21, Nghị định 15/2013/NĐ-CP:

2.1. Phân cấp thực hiện thẩm tra thiết kế xây dựng công trình đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ GTVT:

2.1.1. Đối với các công trình, dự án do Bộ GTVT làm Chủ đầu tư: Giao Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông thực hiện công tác thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đồng thời với công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế.

2.1.2. Đối với các công trình, dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, BTO, BT, PPP do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Giao Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông chủ trì, phối hợp với Vụ KHCN, Vụ KHĐT, Ban PPP và các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành (tùy theo từng lĩnh vực, công trình cụ thể khi cần thiết) tổ chức thực hiện công tác thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.

2.1.3. Đối với các công trình, dự án còn lại (ngoài các quy định tại mục 2.1.1 và mục 2.1.2 nêu trên) thuộc trách nhiệm thẩm tra thiết kế của Bộ GTVT theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 21, Nghị định 15/2013/NĐ-CP:

- Công trình cấp đặc biệt, công trình cấp I đi qua địa bàn hai tỉnh, thành phố trở lên: Giao Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông chủ trì, phối hợp với Vụ KHCN, Vụ KHĐT và các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành, (tùy theo từng lĩnh vực, công trình cụ thể khi cần thiết) tổ chức thực hiện công tác thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.

- Các công trình cấp khác còn lại: Giao các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành thực hiện công tác thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.

+ Công trình đường bộ: Giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện.

+ Công trình đường sắt: Giao Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện.

+ Công trình đường thủy: Giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện.

+ Công trình hàng hải: Giao Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện.

+ Công trình hàng không: Giao Cục Hàng không Việt Nam thực hiện.

2.2. Hồ sơ trình thẩm tra thiết kế xây dựng công trình:

- Thành phần hồ sơ theo quy định tại Điều 7, Thông tư 13/2013/TT-BXD.

- Các Ban QLDA, Chủ đầu tư, Nhà đầu tư chịu trách nhiệm: tổ chức nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát; đánh giá sự phù hợp của hồ sơ thiết kế so với nhiệm vụ thiết kế, thiết kế cơ sở, các yêu cầu của hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan trước khi gửi hồ sơ đến cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT để thẩm tra, đồng thời chịu trách nhiệm về hồ sơ thiết kế trình thẩm tra.

2.3. Thẩm tra thiết kế xây dựng công trình:

2.3.1. Nội dung thẩm tra thiết kế xây dựng công trình theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 - Điều 4, Thông tư 13/2013/TT-BXD.

2.3.2. Khi điều chỉnh thiết kế do thay đổi về địa chất công trình, tải trọng thiết kế, giải pháp kết cấu, vật liệu chính của kết cấu chịu lực chính, biện pháp tổ chức thi công làm ảnh hưởng tới an toàn chịu lực của công trình hoặc điều chỉnh thiết kế làm thay đổi địa điểm, quy mô đầu tư, mục tiêu của dự án, làm vượt tổng mức đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì phải tổ chức thẩm tra lại hạng mục thay đổi hoặc toàn bộ công trình (nếu thay đổi làm ảnh hưởng đến an toàn công trình) theo các nội dung quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 - Điều 4, Thông tư 13/2013/TT-BXD.

2.3.3. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, song song với quá trình thực hiện khảo sát, thiết kế các Ban QLDA, Chủ đầu tư, Nhà đầu tư xin ý kiến thỏa thuận của các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT (theo phân cấp tại mục 2.1) để tổ chức lựa chọn nhà thầu thẩm tra thiết kế theo quy định của pháp luật về đấu thầu và ký kết hợp đồng thẩm tra thiết kế theo các nội dung sau:

- Lựa chọn các đơn vị có đủ điều kiện năng lực thẩm tra thiết kế phù hợp với loại và cấp công trình theo quy định của pháp luật trên cơ sở kết quả đánh giá kết quả thực hiện, xếp hạng các tổ chức Tư vấn hàng năm của Bộ GTVT:

+ Đối với công trình quan trọng quốc gia, công trình cấp đặc biệt: lựa chọn các tổ chức Tư vấn trong TOP10;

+ Đối với công trình cấp I: lựa chọn các tổ chức Tư vấn trong TOP20;

+ Đối với công trình cấp II, III: lựa chọn các tổ chức Tư vấn trong TOP50;

- Các nội dung thẩm tra theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 - Điều 4, Thông tư 13/2013/TT-BXD.

2.4. Thời gian thẩm tra thiết kế xây dựng:

- Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình thẩm tra thiết kế, các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và có văn bản thông báo một lần đến các Ban QLDA, Chủ đầu tư, Nhà đầu tư để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ (nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc không đúng quy định).

- Thời gian thẩm tra thiết kế, thẩm tra lại khi điều chỉnh thiết kế được tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ:

+ Không quá 20 ngày làm việc đối với các công trình thiết kế 1 bước và công trình thiết kế 2 bước, 3 bước không phức tạp về kỹ thuật.

+ Trong trường hợp công trình thiết kế 2 bước, 3 bước phức tạp về kỹ thuật hoặc áp dụng các công nghệ mới, vật liệu mới thì được phép kéo dài thời gian thẩm tra, nhưng không quá 40 ngày làm việc đối với công trình cấp đặc biệt, cấp 1 và không quá 30 ngày làm việc đối với các công trình còn lại.

2.5. Kết quả thẩm tra được lập thành văn bản gửi cho các Ban QLDA, Chủ đầu tư, Nhà đầu tư và Nhà thầu thiết kế để hoàn thiện hồ sơ trước khi phê duyệt thiết kế theo quy định tại Khoản 4 - Điều 4, Thông tư 13/2013/TT-BXD, đồng thời báo cáo Bộ GTVT qua Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông để theo dõi, kiểm tra.

3. Thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình:

3.1. Các nội dung thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình thực hiện theo các quy định tại Điều 3, Thông tư 13/2013/TT-BXD.

3.2. Khi điều chỉnh thiết kế do thay đổi về địa chất công trình, tải trọng thiết kế, giải pháp kết cấu, vật liệu chính của kết cấu chịu lực chính, biện pháp tổ chức thi công làm ảnh hưởng tới an toàn chịu lực của công trình hoặc điều chỉnh thiết kế làm thay đổi địa điểm, quy mô đầu tư, mục tiêu của dự án, làm vượt tổng mức đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì phải tổ chức thẩm định, phê duyệt lại hạng mục thay đổi hoặc toàn bộ công trình (nếu thay đổi làm ảnh hưởng đến an toàn công trình) theo các nội dung quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 - Điều 3, Thông tư 13/2013/TT-BXD.

3.3. Đối với các dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Bộ GTVT giao cho các Ban QLDA thực hiện đóng dấu đã phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công;

- Đối với hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công (công trình thiết kế một bước và thiết kế hai bước) sau khi có quyết định phê duyệt của Bộ GTVT, giao các Ban QLDA; chịu trách nhiệm rà soát, yêu cầu nhà thầu tư vấn chỉnh sửa, hoàn chỉnh hồ sơ theo đúng nội dung quyết định phê duyệt và báo cáo thẩm định; thực hiện đóng dấu đã phê duyệt đối với hồ sơ bản vẽ thi công trước khi triển khai thi công theo quy định tại điểm b, Khoản 4 - Điều 3, Thông tư 13/2013/TT-BXD.

- Đối với hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công (công trình thiết kế ba bước) và các nội dung điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công (công trình thiết kế 2 bước) Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ và ủy quyền cho các Ban QLDA thẩm định, phê duyệt: các Ban QLDA thực hiện đóng dấu đã phê duyệt đối với hồ sơ bản vẽ thi công trước khi triển khai thi công theo quy định tại điểm b, Khoản 4 - Điều 3, Thông tư 13/2013/TT-BXD.

4. Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT theo quy định tại Điều 32, Nghị định 15/2013/NĐ-CP:

4.1. Phân cấp thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ GTVT:

Cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT được giao nhiệm vụ thẩm tra thiết kế theo phân công tại mục 2.1 đồng thời thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.

4.2. Các Ban QLDA, Chủ đầu tư, Nhà đầu tư thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 - Điều 21, Nghị định 15/2013/NĐ-CP có trách nhiệm gửi báo cáo bằng văn bản gửi đến cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT theo phân cấp tại mục 2.1:

- Sau khi khởi công công trình phải gửi báo cáo gồm các thông tin: tên và địa chỉ liên lạc của Chủ đầu tư, tên công trình, địa điểm xây dựng, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật và tiến độ thi công của công trình.

- Trước 10 ngày làm việc (đối với công trình cấp II, III và IV) hoặc trước 20 ngày làm việc (đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I) so với ngày dự kiến tổ chức nghiệm thu công trình phải gửi báo cáo hoàn thành hạng mục công trình hoặc công trình cùng danh mục hồ sơ hoàn thành hạng mục công trình hoặc công trình theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 và Phụ lục 5 Thông tư 10/2013/TT-BXD.

4.3. Cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho các Chủ đầu tư về kế hoạch, nội dung kiểm tra công trình đồng thời báo cáo Bộ GTVT qua Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông để theo dõi, kiểm tra. Kế hoạch và nội dung kiểm tra theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 - Điều 24, Thông tư 10/2013/TT-BXD.

4.4. Cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT có trách nhiệm mời cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng tham gia kiểm tra lần cuối công tác nghiệm thu đưa vào sử dụng theo quy định tại điểm b, khoản 7 - Điều 25, Thông tư 10/2013/TT-BXD.

4.5. Cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT phải thông báo kết quả kiểm tra bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày làm việc (đối với công trình cấp III và cấp IV) hoặc 30 ngày làm việc (đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I và cấp II) kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, đồng thời báo cáo Bộ GTVT qua Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông để theo dõi, kiểm tra. Thông báo kết quả kiểm tra được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục 4, Thông tư 10/2013/TT-BXD.

4.6. Các Ban QLDA, Chủ đầu tư, Nhà đầu tư chịu trách nhiệm quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình theo quy định đối với toàn bộ các hạng mục công trình, công trình (bao gồm cả các khối lượng thực hiện trước và sau khi có công tác kiểm tra nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ GTVT).

5. Xử lý chuyển tiếp:

5.1. Thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước:

- Đối với các công trình, dự án đã ký hợp đồng với Tư vấn thẩm tra và tổ chức thẩm tra thiết kế trước ngày 15/4/2013 nhưng chưa phê duyệt thiết kế, các Ban QLDA, Chủ đầu tư, Nhà đầu tư có trách nhiệm rà soát, bổ sung các nội dung cần được thẩm tra theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 - Điều 4, Thông tư 13/2013/TT-BXD để tiếp tục tổ chức thẩm tra.

Trước khi phê duyệt thiết kế, các Ban QLDA, Chủ đầu tư, Nhà đầu tư gửi kết quả thẩm tra về cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT theo phân cấp tại mục 2.1 của văn bản này. Đối với công trình có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trong 7 ngày làm việc, các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT có ý kiến bằng văn bản về kết quả thẩm tra để các Ban QLDA, Chủ đầu tư, Nhà đầu tư có cơ sở thực hiện trước khi phê duyệt thiết kế.

- Đối với các công trình, dự án đã được phê duyệt thiết kế kể từ ngày 15/4/2013 đến ngày 30/9/2013 (Thông tư 13/2013/TT-BXD có hiệu lực thi hành): các Ban QLDA, Chủ đầu tư, Nhà đầu tư có trách nhiệm gửi kết quả thẩm tra và quyết định phê duyệt thiết kế đến cơ quan chuyên môn thuộc Bộ GTVT (theo phân cấp tại mục 2.1) để quản lý.

5.2. Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng của cơ quan quản lý nhà nước:

- Đối với các công trình, hạng mục công trình đã nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng trước ngày 15/4/2013, việc nghiệm thu công trình thực hiện theo các quy định của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/04/2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004.

- Đối với các công trình, hạng mục công trình nghiệm thu hoàn thành sau ngày 15/4/2013, việc tổ chức nghiệm thu công trình, hạng mục công trình đưa vào sử dụng thực hiện theo các quy định của Nghị định 15/2013/NĐ-CP.

6. Tổ chức thực hiện:

6.1. Các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm Nghị định 15/2013/NĐ-CP, Thông tư 13/2013/TT-BXD, Thông tư 10/2013/TT-BXD và các nội dung hướng dẫn nêu trên.

6.2. Các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành, các Sở GTVT, các Chủ đầu tư (đối với các dự án do Bộ GTVT quyết định đầu tư), các Ban QLDA (đối với các dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư) tổng hợp báo cáo định kỳ về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng về Bộ GTVT qua Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông trước ngày 01 tháng 12 hàng năm theo mẫu tại Phụ lục số 7, Thông tư 10/2013/TT-BXD (bổ sung thêm biểu thống kê số công trình đã thẩm tra, số công trình phải sửa đổi thiết kế, số kinh phí chiết giảm được sau thẩm tra).

Các nội dung hướng dẫn nêu trên thay thế cho các nội dung hướng dẫn tạm thời tại văn bản số 4314/BGTVT-CQLXD ngày 16/5/2013. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan kịp thời có văn bản đề xuất báo cáo Bộ GTVT xem xét để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng;
- Bộ Xây dựng;
- Các Vụ: KHĐT, TC, KHCN, KCHT, Ban PPP;
- Thanh tra Bộ;
- Trang thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Lưu: VT, CQLXD (5b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Đông

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 10056/BGTVT-CQLXD năm 2013 hướng dẫn thực hiện Nghị định 15/2013/NĐ-CP đối với dự án xây dựng công trình giao thông do Bộ Giao thông vận tải quản lý

  • Số hiệu: 10056/BGTVT-CQLXD
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/09/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Đông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/09/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản