Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2013

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG DO BỘ GTVT QUẢN LÝ, ĐẦU TƯ

Trong những năm qua, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án xây dựng công trình giao thông do Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) quản lý, đầu tư đã từng bước được chấn chỉnh, chất lượng các dự án được nâng cao, tiến độ công trình được đảm bảo, trình tự, thủ tục pháp lý được thực hiện chặt chẽ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đầu tư, vẫn còn nhiều dự án phải bổ sung, điều chỉnh làm chậm tiến độ dự án, khó khăn trong việc bố trí vốn, giảm hiệu quả đầu tư và ảnh hưởng đến uy tín của Ngành.

Thưc hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao thông vận tải, các Ban Quản lý dự án (Ban QLDA), các Viện, Trường và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, đồng thời triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

1. Tăng cường thực hiện các Chỉ thị, cụ thể:

- Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ;

- Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 14/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ;

- Chỉ thị số 07/CT-BGTVT ngày 4/7/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT về chấn chỉnh công tác tư vấn trong các dự án xây dựng giao thông;

- Chỉ thị số 05/CT-BGTVT ngày 7/5/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT về kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện công tác đánh giá, báo cáo, kết quả đánh giá; tổng hợp kết quả đánh giá và công bố kết quả thực hiện của các Chủ đầu tư, Ban QLDA, nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây lắp;

- Chỉ thị số 02/CT-BGTVT ngày 21/3/2011 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình giao thông.

2. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị khảo sát, lập, thẩm định phê duyệt dự án

2.1. Chủ đầu tư, Ban QLDA:

- Tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý chất lượng, bảo đảm các cán bộ tham gia quản lý chất lượng dự án được đào tạo và có kiến thức đúng chuyên ngành.

- Trước khi lập nhiệm vụ khảo sát thiết kế dự án phải tổ chức thị sát hiện trường với sự tham gia của cơ quan chủ trì thẩm định và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Thực hiện nghiêm công tác giám sát khảo sát và nghiệm thu số liệu khảo sát tại hiện trường. Trường hợp dự án phải điều chỉnh do số liệu khảo sát không chính xác, yêu cầu Chủ đầu tư, Ban QLDA kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trước Bộ trưởng.

- Trước khi trình Bộ GTVT thẩm định dự án đầu tư, các Chủ đầu tư, Ban QLDA có trách nhiệm rà soát nội dung dự án bảo đảm đầy đủ thủ tục pháp lý, đề xuất giải pháp kinh tế-kỹ thuật phù hợp, tổng mức đầu tư được tính đúng, tính đủ.

- Hồ sơ mời thầu dịch vụ tư vấn hoặc hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu tư vấn bước lập dự án đầu tư yêu cầu tuân thủ theo quy định hiện hành về công tác đấu thầu, chỉ định thầu. Đối với dự án nhóm B trở lên, nhà thầu tư vấn tham gia với tư cách độc lập hoặc đứng đầu liên danh cần bổ sung quy định về năng lực để đánh giá: đã tham gia hoàn thành khảo sát, lập dự án tối thiểu 05 dự án có quy mô nhóm B hoặc 02 dự án có quy mô nhóm A trở lên do Bộ GTVT quản lý. Ưu tiên lựa chọn các đơn vị tư vấn được xếp hạng từ 1 đến 20 theo kết quả đánh giá năng lực tư vấn hàng năm của Bộ GTVT.

- Hợp đồng tư vấn phải quy định rõ trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm về chất lượng công tác khảo sát, lập dự án đầu tư. Trường hợp vi phạm hợp đồng, tư vấn phải tự chịu toàn bộ kinh phí để khắc phục.

- Trong quá trình thực hiện đầu tư, nếu phải bổ sung hạng mục, điều chỉnh các giải pháp kỹ thuật do lỗi Tư vấn, điều chỉnh dự án do nguyên nhân chủ quan, Thủ trưởng các đơn vị được giao làm Chủ đầu tư, Ban QLDA và các đơn vị, cá nhân liên quan sẽ phải kiểm điểm trách nhiệm trước Bộ trưởng. Bộ GTVT sẽ xử lý trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu các đơn vị và coi đây là tiêu chí quan trọng đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ trong năm của người đứng đầu các đơn vị nêu trên. Các cá nhân, đơn vị liên quan không được nhận tất cả các danh hiệu thi đua, khen thưởng trong năm.

2.2. Đơn vị tư vấn:

- Tiếp tục kiện toàn tổ chức, các chức danh về chủ nhiệm đồ án, chủ trì thiết kế, bộ phận quản lý chất lượng sản phẩm (KCS). Tư vấn khảo sát, lập dự án cần chú trọng, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng ngay từ công tác khảo sát, thực hiện đầy đủ các yêu cầu của nhiệm vụ khảo sát được duyệt, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn khảo sát, thiết kế được ban hành.

- Đề xuất giải pháp thiết kế bảo đảm yêu cầu kinh tế-kỹ thuật, hạn chế phát sinh và bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư.

- Thực hiện giám sát tác giả để phát hiện, thông báo kịp thời cho Chủ đầu tư về việc nhà thầu thi công sai so với thiết kế được duyệt và kiến nghị biện pháp xử lý; nâng cao chất lượng công tác đánh giá hiệu quả kinh tế, tài chính dự án, tránh tình trạng chỉ thực hiện cho đủ thủ tục, mang tính hình thức.

- Các công việc phát sinh, điều chỉnh thiết kế do lỗi của đơn vị tư vấn gây ra, Tư vấn có trách nhiệm lập hồ sơ điều chỉnh và không được tính thêm bất kỳ chi phí nào và phải chịu trách nhiệm kiểm điểm trước Chủ đầu tư và Bộ GTVT trong việc để xảy ra các sai sót về thiết kế. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ thông báo lỗi vi phạm trên Website của Bộ và xem xét, đánh giá năng lực của nhà thầu khi tham gia dự án trong ngành Giao thông vận tải cũng như việc xếp hạng nhà thầu hàng năm.

2.3. Các cơ quan tham mưu của Bộ:

- Trong quá trình thẩm định dự án, cơ quan chủ trì phải tổ chức thị sát thực địa với sự tham gia các cơ quan, đơn vị liên quan bảo đảm các giải pháp thiết kế khả thi, kinh tế và chỉ tham mưu quyết định đầu tư các dự án đã xác định được nguồn vốn, khả năng cân đối vốn.

- Các cơ quan tham gia ý kiến trong quá trình thẩm định phải nghiên cứu đầy đủ hồ sơ dự án và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về các nội dung góp ý kiến.

- Quy mô dự án phải phù hợp với quy hoạch, nhu cầu sử dụng từng giai đoạn.

- Dự án chỉ được điều chỉnh sau khi làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến nguyên nhân điều chỉnh dự án. Nội dung điều chỉnh dự án phải được chấp thuận bằng văn bản.

- Các tập thể, cá nhân tham mưu quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư không đúng quy định phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật.

3. Quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư dự án xây dựng công trình

3.1. Đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư:

- Yêu cầu các Chủ đầu tư kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư dự án. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật dự án phải phù hợp với quy hoạch được duyệt. Đối với dự án có quy mô quy hoạch lớn, phải phân kỳ đầu tư phù hợp với nhu cầu sử dụng từng giai đoạn; tổng mức đầu tư phải tính đúng, tính đủ, đặc biệt là các chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và dự phòng để tránh phải điều chỉnh dự án do các yếu tố này gây ra.

- Trường hợp trong quá trình thực hiện dự án mà phải thay đổi giải pháp thiết kế, dẫn đến phải điều chỉnh dự án do vượt tổng mức đầu tư được duyệt, người đứng đầu đơn vị (Chủ đầu tư, Ban QLDA, Tư vấn) sẽ phải chịu trách nhiệm kiểm điểm trước Bộ trưởng và trước pháp luật. Đối với các hạng mục bổ sung, chỉ được xem xét khi các mục tiêu của dự án đã cơ bản hoàn thành và phải được cấp quyết định đầu tư chấp thuận.

3.2. Đối với các dự án đang triển khai đầu tư:

Chủ đầu tư chủ động rà soát, tính toán lại toàn bộ các chi phí trong tổng mức đầu tư (bao gồm cả dự phòng) để bảo đảm thực hiện hoàn thành dự án mà không vượt tổng mức đầu tư được duyệt (kể cả các dự án đã trình Bộ GTVT điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư). Trường hợp dự án có khả năng vượt tổng mức đầu tư được duyệt, yêu cầu các Chủ đầu tư chủ động cắt giảm các chi phí, hạng mục chưa thật cần thiết đầu tư, điều chỉnh giải pháp thiết kế, thay đổi chủng loại vật liệu ... trên nguyên tắc bảo đảm mục tiêu dự án, chất lượng công trình, không vượt tổng mức đầu tư và báo cáo Bộ GTVT chấp thuận chủ trương.

3.3. Đối với các dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư:

Chủ đầu tư, Ban QLDA phải tuân thủ chặt chẽ quy định của Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Đồng thời, khi trình Bộ GTVT xin chủ trương điều chỉnh dự án phải báo cáo rõ nguyên nhân điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư và kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. Trường hợp lỗi do Tư vấn, Ban QLDA dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư kiến nghị hình thức xử phạt và khắc phục hậu quả về mặt kinh tế theo quy định và hợp đồng kinh tế đã ký kết.

Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Các Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ, Thanh tra Bộ;
- Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
- Các Sở GTVT;
- Các Ban QLDA thuộc Bộ;
- Các đơn vị Tư vấn;
- Các Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ;
- Website của Bộ GTVT;
- Lưu: VT, KHĐT(12).

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 17/CT-BGTVT năm 2013 tăng cường quản lý chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng công trình giao thông do Bộ Giao thông vận tải quản lý, đầu tư

  • Số hiệu: 17/CT-BGTVT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/09/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/09/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản