Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
CỤC HỘ TỊCH, QUỐC TỊCH,
CHỨNG THỰC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1005/HTQTCT-HT
V/v hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch

Hà Nội, ngày 6 tháng 7 năm 2016

 

Kính gửi: Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh

Trả lời Công văn số 4159/STP-HCTP ngày 06/6/2016 của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có ý kiến như sau:

1. Về cách ghi họ, chữ đệm, tên của cha, mẹ trong giấy tờ hộ tịch

Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em, các thông tin của cha, mẹ trẻ trong hồ sơ (giấy tờ tùy thân, Giấy chứng nhận kết hôn) phải thống nhất.

Đối với trường hợp nêu trong Công văn số 4159/STP-HCTP, đương sự có trách nhiệm chứng minh các tên gọi đó (ghi khác nhau) là của một người, đồng thời có cam kết về việc sử dụng một tên gọi để ghi trong Giấy khai sinh của người con; tuyệt đối không ghi nhiều tên gọi của cha, mẹ trong Giấy khai sinh của con.

Trường hợp tên gọi của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài trong giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp không có dấu mà muốn ghi tên gọi thuần Việt trong giấy tờ hộ tịch của Việt Nam cấp thì phải cung cấp chính xác họ, chữ đệm, tên có đầy đủ dấu tiếng Việt. Tên có dấu và tên không dấu phải phù hợp về ký tự (Ví dụ: Nguyen Thi Hoa thì tên có dấu phải là Nguyen Thi Hoa, Nguyen T. Hoa thì tên có dấu phải là Nguyễn T. Hoa).

Trường hợp cha, mẹ có giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (CMND, Hộ chiếu, Giấy chứng nhận kết hôn) thì ghi theo các giấy tờ đó. Nếu trong các giấy tờ đó mà tên cha, mẹ khác nhau thì ghi theo giấy tờ hộ tịch (Giấy chứng nhận kết hôn).

2. Về ghi chú ly hôn

Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì chỉ những người là công dân Việt Nam đã ly hôn, hủy việc kết hôn ở nước ngoài về thường trú tại Việt Nam hoặc làm thủ tục đăng ký kết hôn mới tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam mới phải làm thủ tục ghi chú ly hôn. Do đó, đối với người Việt Nam định cư tại nước ngoài, nếu không sử dụng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp, không sử dụng giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam trong hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính, chỉ sử dụng giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp (trong đó ghi quốc tịch nước ngoài) thì không phải thực hiện thủ tục ghi chú ly hôn.

3. Về giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài trong hồ sơ đăng ký kết hôn

Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã có Công văn số 1020/HTQTCT-HT ngày 13/02/2015 và Công văn số 4488/HTQTCT-HT ngày 21/8/2015 thông báo danh mục một số quốc gia cấp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân cho công dân để sử dụng trong hồ sơ đăng ký kết hôn với công dân Việt Nam, đề nghị Sở Tư pháp hướng dẫn địa phương thực hiện theo các Công văn nêu trên.

Trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn không có giấy tờ theo hướng dẫn trong danh mục nêu trên, không cung cấp được giấy tờ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì đề nghị Sở Tư pháp thông tin về Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực để trao đổi với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Cơ quan đại diện của nước ngoài có liên quan. Đề nghị không mặc nhiên chấp nhận giấy tờ tuyên thệ độc thân khi chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài để tránh tình trạng lợi dụng, vi phạm pháp luật.

Trên đây là ý kiến của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực xin gửi để Sở Tư pháp biết, hướng dẫn địa phương thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, (Lý).

CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Công Khanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1005/HTQTCT-HT năm 2016 hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch do Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ban hành

  • Số hiệu: 1005/HTQTCT-HT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 06/07/2016
  • Nơi ban hành: Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực
  • Người ký: Nguyễn Công Khanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản