Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1001/BNN-TCLN
V/v trả lời kiến nghị cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2023

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Văn bản số 2081/BDN ngày 30/12/2022, nội dung kiến nghị như sau:

Nội dung kiến nghị (Câu số 31)

Đề nghị nghiên cứu điều chỉnh để cho trồng rừng kinh tế và phát triển nghề rừng (hiện nay, Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, Chỉ thị số 13/CT của Ban Bí thư, đều không cho tác động đến rừng tự nhiên bao gồm cả rừng quy hoạch sản xuất đã cấp quyền sử dụng cho dân); đề nghị ủy quyền cho tỉnh phê duyệt chuyển đổi rừng đối với rừng tự nhiên để thống nhất giữa việc chuyển đổi đất rừng và chuyển đổi rừng sang mục đích khác theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả lời như sau:

Rừng tự nhiên có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của con người, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai… Vì vậy, việc quản lý chặt chẽ rừng tự nhiên đã được nêu tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Luật Lâm nghiệp (khoản 2 Điều 14); Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 41a).

Về cải tạo rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế thực hiện theo Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng: “... Rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên...”. Chỉ được cải tạo rừng sản xuất là tự nhiên ở những diện tích không có khả năng tự phục hồi theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Lâm nghiệp.

Về nội dung “Đề nghị ủy quyền cho tỉnh phê duyệt chuyển đổi rừng đối với rừng tự nhiên”: Theo quy định tại khoản 5 Điều 41a Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 được bổ sung tại Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ thì: “Chính phủ phân công Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp, trừ dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội”. Như vậy, Chính phủ đã phân công Thủ tướng Chính phủ thực hiện thẩm quyền của Chính phủ do vậy không có cơ sở để ủy quyền cho tỉnh theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ.

Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa; trân trọng cảm ơn cử tri tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; xin gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa để trả lời cử tri./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng;
- Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị;
- Ban Dân nguyện;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ QHĐP);
- VP Bộ (Phòng Tổng hợp);
- Lưu: VT, TCLN.

BỘ TRƯỞNG




Lê Minh Hoan

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1001/BNN-TCLN năm 2023 về nghiên cứu điều chỉnh để cho trồng rừng kinh tế và phát triển nghề rừng; ủy quyền cho tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chuyển đổi rừng đối với rừng tự nhiên để thống nhất giữa việc chuyển đổi đất rừng và chuyển đổi rừng sang mục đích khác theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 1001/BNN-TCLN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 24/02/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Lê Minh Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/02/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản