Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
CÔNG ƯỚC SỐ 182
CÔNG ƯỚC
NGHIÊM CẤM VÀ HÀNH ĐỘNG KHẨN CẤP XOÁ BỎ CÁC HÌNH THỨC LAO ĐỘNG TRẺ EM TỒI TỆ NHẤT, 1999
Hội nghị toàn thể Tổ chức Lao động quốc tế,
Được Hội đồng quản trị Văn phòng Lao động quốc tế triệu tập tại kỳ họp thứ tám mươi bảy ngày 01 tháng 6 năm 1999, và
Xem xét sự cần thiết thông qua những văn kiện mới đối với việc nghiêm cấm và xoá bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, như mối ưu tiên chính của hành động của quốc gia và quốc tế, bao gồm hợp tác và trợ giúp quốc tế để bổ sung vào Công ước và Khuyến nghị về Tuổi tối thiểu được phép đi làm, năm 1973 mà hiện vẫn là văn kiện cơ bản về lao động trẻ em, và
Xét rằng việc xoá bỏ hiệu quả các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất cần đến hành động khẩn cấp và toàn diện có xem xét đến tầm quan trọng của giáo dục phổ cập không phải trả tiền và sự cần thiết đưa những trẻ em làm việc ra khỏi tất cả những công việc như vậy và phục hồi chức năng vào hoà nhập xã hội cho những trẻ em này trong khi giải quyết các nhu cầu của gia đình chúng, và
Ghi nhớ rằng nghị quyết về xoá bỏ lao động trẻ em được Hội nghị Lao động quốc tế trong phiên họp thứ tám mươi ba năm 1996 thông qua, và
Công nhận rằng lao động trẻ em sẽ là một vấn đề có phạm vi rất rộng phát sinh từ sự nghèo nàn và việc giải quyết vấn đề này nằm trong sự tăng trưởng kinh tế tiến tới sự tiến bộ xã hội, đặc biệt xoá đói giảm nghèo và giáo dục toàn cầu, và
Ghi nhớ rằng Công ước về Quyền trẻ em được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20 tháng 11 năm 1989, và
Ghi nhớ rằng Tuyên bố ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc và những hoạt động triển khai được Hội nghị Lao động quốc tế thông qua tại kỳ họp thứ tám mươi sáu năm 1998, và
Ghi nhớ rằng một số hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất được nêu tại các văn kiện quốc tế khác, cụ thể là Công ước về Lao động cưỡng bức, 1930 và Công ước bổ sung của Liên hợp quốc về xoá bỏ buôn bán nô lệ và các hình thức tương tự như nô lệ, 1956, và
Đã quyết định dựa trên việc thông qua các đề xuất cụ thể về lao động trẻ em là nội dung thứ tư của chương trình nghị sự, và
Đã quyết định những đề xuất này sẽ được trình bày dưới dạng một Công ước quốc tế,
Thông qua ngày 17 tháng 6 năm 1999 Công ước dưới đây, gọi là Công ước về Các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, 1999
Điều 1
Mỗi Nước thành viên phê chuẩn Công ước này sẽ tiến hành những biện pháp khẩn cấp và hiệu quả để đảm bảo việc nghiêm cấm và xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.
Điều 2
Trong Công ước này, thuật ngữ “trẻ em” sẽ áp dụng cho tất cả những người dưới 18 tuổi.
Điều 3
Trong Công ước này, thuật ngữ “các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất” bao gồm:
a) mọi hình thức nô lệ hay tương tự nô lệ như buôn bán và vận chuyển trẻ em, gán nợ và lao động nô lệ và lao động cưỡng bức trong đó có tuyển mộ cưỡng bức trẻ em tham gia vào các xung đột vũ trang;
b) sử dụng, dụ dỗ hoặc lôi kéo trẻ em vào hoạt động mại dâm, sản xuất các sản phẩm phim ảnh khiêu dâm hoặc biểu diễn khiêu dâm.
c) sử dụng, dụ dỗ hoặc lôi kéo trẻ em vào các hoạt động bất hợp pháp, đặc biệt vào mục đích sản xuất và vận chuyển chất ma tuý như được nêu tại các hiệp định quốc tế;
d) những công việc mà tính chất hoặc các điều kiện của nó có thể xâm hại đến sức khoẻ, an toàn và đạo đức của trẻ.
Điều 4
1. Những loại công việc nêu tại Điều 3 d) sẽ do luật pháp và quy định của quốc gia hoặc cơ quan có thẩm quyền xác định sau khi tham khảo ý kiến các tổ chức người lao động và người sử dụng lao động, có tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể là theo Đoạn 3 và 4 của Khuyến nghị về Các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, năm 1999.
2. Cơ quan có thẩm quyền, sau khi tham khảo ý kiến các tổ chức người lao động và người sử dụng lao động sẽ xác định nơi những loại công việc như vậy được phép tồn tại.
3. Danh sách các loại hình công việc được quy định tại Đoạn 1 của Điều 4 này cần thiết được xem xét và sửa đổi định kỳ có tham khảo ý kiến các tổ chức người lao động và sử dụng lao động liên quan.
Điều 5
Mỗi Nước thành viên sẽ thành lập và chỉ định các cơ chế phù hợp để giám sát việc thực hiện các điều khoản của Công ước này, sau khi tham khảo ý kiến các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động.
Điều 6
1. Mỗi Nước thành viên sẽ xây dựng và thực hiện các chương trình hành động nhằm ưu tiên xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.
2. Những chương trình hành động như vậy sẽ được xây dựng và thực hiện có tham khảo ý kiến các tổ chức chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động, có xem xét đến quan điểm của các nhóm liên quan khác nếu phù hợp.
Điều 7
1. Mỗi Nước thành viên sẽ thực hiện những biện pháp thích hợp để đảm bảo sự thực hiện hiệu quả và thi hành các điều khoản nhằm đảm bảo hiệu lực của Công ước này bao gồm việc định ra và áp dụng các biện pháp trừng phạt hoặc, nếu thích hợp, áp dụng cả những biện pháp trừng phạt khác.
2. Mỗi Nước thành viên, có xem xét đến tầm quan trọng của giáo dục trong việc xoá bỏ nạn lao động trẻ em, tiến hành các biện pháp hữu hiệu và trong một thời gian định sẵn để:
a) ngăn chặn trẻ em khỏi những hình thức lao động tồi tệ nhất;
b) có sự trợ giúp trực tiếp cần thiết và thích hợp cho việc đưa trẻ em ra khỏi những hình thức lao động tồi tệ và phục hồi chức năng và đưa trẻ hoà nhập vào xã hội;
c) đảm bảo việc tiếp cận nền giáo dục không phải trả tiền và hướng nghiệp dạy nghề tại bất kỳ nơi nào nếu có thể và cần thiết, cho tất cả các đối tượng trẻ em được đưa ra khỏi các hình thức lao động tồi tệ nhất;
d) xác định và tiếp cận với những trẻ em có nguy cơ cao và
e) tính đến hoàn cảnh đặc biệt của trẻ em gái.
3. Mỗi Nước thành viên sẽ chỉ định một cơ quan có thẩm quyền phụ trách triển khai các điều khoản của Công ước này.
Điều 8
Các Nước thành viên sẽ tiến hành các bước đi thích hợp nhằm trợ giúp lẫn nhau để Công ước có hiệu lực thông qua việc đẩy mạnh hợp tác và trợ giúp bao gồm hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội, các chương trình xoá đói giảm nghèo và giáo dục toàn cầu.
Điều 9
Việc phê chuẩn chính thức Công ước này sẽ được đến Tổng giám đốc ILO để đăng ký.
Điều 10
1. Công ước này sẽ ràng buộc chỉ đối với các Nước thành viên ILO đã đăng ký phê chuẩn với Tổng giám đốc ILO.
2. Công ước này sẽ có hiệu lực kể từ 12 tháng sau khi có hai Nước thành viên đăng ký phê chuẩn với Tổng giám đốc ILO.
3. Sau đó Công ước này sẽ có hiệu lực đối với bất kỳ Nước thành viên nào kể từ 12 tháng sau khi nước đó đăng ký phê chuẩn Công ước với Tổng giám đốc ILO.
Điều 11
1. Một Nước thành viên đã phê chuẩn Công ước này có thể bãi ước sau 10 năm kể từ thời điểm Công ước có hiệu lực, bằng việc gửi yêu cầu đăng ký bãi ước tới Tổng giám đốc ILO. Việc bãi ước sẽ có hiệu lực sau thời gian một năm kể từ khi đăng ký bãi ước.
2. Mỗi Nước thành viên phê chuẩn và không phê chuẩn Công ước này, trong vòng một năm sau khi thời hạn 10 năm có hiệu lực như đã nêu tại Đoạn trên, thực hiện quyền bãi ước như đã nêu tại Điều 11, sẽ gia hạn thêm 10 năm nữa và sau đó có thể bãi ước Công ước này vào thời điểm giai đoạn 10 năm theo các điều kiện được nêu tại Công ước này.
Điều 12
1. Tổng giám đốc ILO sẽ thông báo tới tất cả các Nước thành viên ILO về việc đăng ký phê chuẩn lẫn văn kiện bãi ước do các Nước thành viên ILO gửi tới.
2. Khi thông báo tới các Nước thành viên ILO về việc đăng ký phê chuẩn lần thứ 2 Tổng giám đốc ILO sẽ gây chú ý tới các thành viên ILO về thời gian mà Công ước này có hiệu lực.
Điều 13
Tổng giám đốc ILO sẽ thông tin với Tổng thư ký Liên hợp quốc, đối với việc đăng ký theo Điều 102 Hiến chương Liên hợp quốc các thông tin cụ thể của mọi sự phê chuẩn và tuyên bố bãi ước do Tổng giám đốc đăng ký theo các nội dung của các điều khoản trên đây.
Điều 14
Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng quản trị ILO sẽ trình bày tại Hội nghị toàn thể báo cáo về tiến trình thực hiện Công ước này và xem xét việc yêu cầu đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị vấn đề sửa đổi một phần hay toàn bộ các Công ước.
Điều 15
1. Nếu Hội nghị ILO thông qua một Công ước mới sửa đổi toàn bộ hoặc một phần Công ước này trừ khi công ước mới đó nêu rõ:
a) việc phê chuẩn của các Nước thành viên về Công ước mới đang sửa đổi đó sẽ chắc chắn tham gia ngay vào việc bãi ước Công ước này mà không theo nội dung của Điều 11 trên đây nếu và khi mà Công ước mới đang sửa đổi đó có hiệu lực.
b) kể từ ngày Công ước mới có hiệu lực, Công ước này sẽ dừng lại và được mở rộng cho việc các Nước thành viên phê chuẩn.
2. Công ước này sẽ vẫn có hiệu lực về mặt hình thức và nội dung thực tế trong mọi trường hợp đối với những nước đã phê chuẩn Công ước này nhưng không phê chuẩn Công ước mới.
Điều 16
Bản tiếng Anh và tiếng Pháp của nội dung Công ước này có giá trị như nhau.
Trên đây là nội dung thực của Công ước đã được Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế nhất trí thông qua trong phiên họp lần thứ 88 được triệu tập tại Giơ-ne-vơ và được tuyên bố bế mạc ngày 17 tháng 6 năm 1999.
Nhất trí với nội dung trên đây chúng tôi ký tên dưới đây vào ngày 18 tháng 6 năm 1999.
- 1Quyết định 1023/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 2974/LĐTBXH-TTr năm 2016 về tăng cường rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ sở sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 1Quyết định 1023/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 2974/LĐTBXH-TTr năm 2016 về tăng cường rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ sở sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 3Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13142-2:2020 (ISO 34101-2:2019) về Cacao được sản xuất bền vững và có thể truy xuất nguồn gốc - Phần 2: Yêu cầu đối với kết quả thực hiện (về các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường)
Công ước 182 năm 1999 nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất
- Số hiệu: 182
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 17/06/1999
- Nơi ban hành: ***
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra