Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 87-CT

Hà Nội, ngày 13 tháng 04 năm 1982 

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO NĂM 1982

Theo quy luật, nước ta năm nào cũng có lụt, bão, tuy mức độ khác nhau nhưng đều gây thiệt hại. Vì vậy các cấp, các ngành đều phải đề cao cảnh giác, chuẩn bị thật đầy đủ mọi điều kiện đối phó với lũ, bão ở mức độ cao nhất và vào bất cứ lúc nào; đồng thời phải cảnh giác với mọi âm mưu của địch lợi dụng lúc mưa, bão phá hoại đê, đập và các công trình khác.

Để thực hiện tốt công tác nói trên, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các ngành có liên quan ở trung ương khẩn trương thực hiện một số việc chủ yếu sau đây:

1. Các ngành, các cấp phải tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão năm 1981 rút ra ưu, khuyết điểm và những bài học thực tế ở ngành và địa phương mình, trên cơ sở đó đặt kế hoạch phòng, chống lụt, bão năm 1982.

2. Các tỉnh có đê phải tập trung chỉ đạo, huy động mọi tiềm lực tại địa phương đắp đê, làm kè, cống, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đúng thời gian quy định.

- Phải kiểm tra phân loại đê, kè, cống và có biện pháp gia cố, bảo vệ chu đáo, đặc biệt chú trọng theo dõi những vết nứt, kể cả vết nứt cũ.

- Phải củng cố các đội quản lý đê, phát huy vai trò của lực lượng này làm nòng cốt trong các lực lượng nhân dân quản lý, hộ đê chống lụt. Ngăn chặn mọi hiện tượng vi phạm điều lệ bảo vệ đê điều, có biện pháp xử lý về hành chính hoặc bằng pháp luật những hành động vi phạm làm phương hại đến đê, kè, cống và lấy cắp dây điện thoại, vật tư dùng vào việc phòng, chống lụt, bão.

3. Các tỉnh duyên hải miền trung phải có phương án phòng, chống bão và phòng tránh lũ, đặc biệt đối với các vùng trũng, thấp và các cửa sông, có biện pháp phòng ngừa nước dâng cao quá quy định đối với các hồ đập, kể cả hồ đập đã khai thác và đang thi công dở dang. Có biện pháp phòng ngừa và khai thông đường sá, cầu cống nhằm bảo đảm giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ.

4. Các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long và khu 6 cũ tùy theo đặc điểm và hoàn cảnh cụ thể ở mỗi nơi mà tổ chức và huy động nhân dân đắp, giữ bờ bao chống lũ đầu vụ bảo vệ lúa hè thu, bố trí mùa vụ canh tác phù hợp với từng nơi nhằm giảm bớt thiệt hại do lũ, bão gây ra. Có kế hoạch phòng tránh chu đáo để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và của Nhà nước.

5. Các tỉnh, huyện miền núi Bắc Bộ và các vùng núi khác phải đề phòng lũ quét, nhất là các thị xã, thị trấn, vùng đông dân cư và các bến đò, tránh thiệt hại bất ngờ về người và tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

6. Các ngành kinh tế và các cấp chính quyền địa phương phải chấn chỉnh lại ban chỉ huy chống lụt, chống bão; phân công các thành viên trong ban ngoài trách nhiệm chung phải phụ trách một khu vực nhất định và chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các cơ sở thực hiện kế hoạch phòng, chống lụt, bão, và trực tiếp chỉ đạo khi có lụt, bão xảy ra.

7. Các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Minh Hải, Đồng Nai, Tây Ninh, Cửu Long, Sông Bé, Đắc Lắc, Gia lai – Kon Tum, Lâm Đồng, đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo và một số huyện miền núi thuộc các tỉnh khác lụt, bão ít phức tạp không cần lập ban chỉ huy chống lụt, chống bão, Ủy ban nhân tùy tình hình mà tổ chức công tác này một cách thiết thực.

8. Bộ Thủy lợi phải kiểm tra đôn đốc các địa phương hoàn thành kế hoạch đê, kè, cống. Chỉ đạo chặt chẽ các đơn vị trực thuộc và các Ty, Sở Thủy lợi bảo vệ và sử dụng có hiệu quả các công trình hồ đập, hệ thống đê, kè, cống vào công tác chống lụt, chống bão. Chuẩn bị tốt mọi điều kiện ở các công trình phân lũ, chậm lũ để sẵn sàng sử dụng khi cần thiết.

9. Bộ Quốc phòng giúp Ban chỉ huy chống lụt, chống bão trung ương bố trí lực lượng công binh phụ trách việc nổ mìn ở các công trình phân lũ, chậm lũ và chỉ thị cho  lượng quân đội tích cực tham gia công tác phòng, chống lụt, bão và phòng chống địch phá hoại các công trình thủy lợi ở địa phương nơi đóng quân.

10. Các ngành có liên quan ở Trung ương như Tổng cục khí tượng thủy văn, Tổng cục Bưu điện, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ, Bộ vật tư… theo chức năng của mình, phải tích cực tham gia công tác phòng, chống, lụt, bão chung nhằm giúp việc chỉ đạo công tác này kịp thời và có hiệu lực.

11. Ngành nông nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn địa phương bố trí hợp lý cơ cấu cây trồng ở những nơi hàng năm thường hay bị úng, ngập đồng thời chuẩn bị giống cây trồng để phục hồi sản xuất khi cần thiết.

Yêu cầu thủ trưởng các ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khắc phục mọi khó khăn cố gắng vươn lên giành thế chủ động, quyết thắng thiên tai và địch họa. Ban chỉ huy chống lụt, chống bão Trung ương chịu trách nhiệm kiểm tra đôn đốc các ngành, các địa phương thực hiện chỉ thị này và thường xuyên báo cáo về Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG  BỘ TRƯỞNG
PHÓ CHỦ TỊCH
 
 


Tố Hữu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 87-CT năm 1982 về công tác phòng, chống lụt, bão năm 1982 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 87-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 13/04/1982
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản