Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 149-CT | Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 1989 |
Do vị trí địa lý và tính chất khí hậu nước ta, năm nào chúng ta cũng phải lo việc phòng, chống lụt, bão. Trong tình hình bình thường, công tác phòng, chống lụt, bão vốn đã có nhiều khó khăn, phức tạp, năm 1989 công tác này lại tiến hành trong điều kiện có những đặc điểm mới như các hồ chứa nước Hoà Bình, Trị An, Dầu Tiếng... đã đưa vào vận hành, có tác dụng to lớn, nhưng đồng thời cũng có những ảnh hưởng xấu đến lòng sông, đê, kè ở hạ lưu; hệ thống sông Hồng, đã 18 năm chưa xuất hiện lại mức lũ cao như năm 1971; vốn, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu khó khăn; hồ Hoà Bình đã được đưa vào hoạt động, dễ gây tư tưởng chủ quan, buông lỏng công tác phòng, chống lụt, bão. Đặc biệt là vừa qua đã xảy ra cơn bão số 2 gây thiệt hại lớn ở Quảng Nam - Đà Nẵng là một hiện tượng đặc biệt bất thường nhắc chúng ta hoàn toàn không thể chủ quan, thiếu chuẩn bị. Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các ngành tăng cường chỉ đạo, giáo dục, động viên quần chúng cán bộ tích cực tham gia công tác phòng, chống lụt, bão và bảo đảm yêu cầu về vốn, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu cho công tác phòng, chống lụt, bão. Phải tập trung làm tốt những việc sau đây:
Phương án phòng, chống lụt, bão của từng vùng phải chú ý các vấn đề:
- Đối với vùng đồng bằng Bắc Bộ, hệ thống đê sông Hồng, sông Thái Bình là công trình chủ yếu, cơ bản, lâu dài để phòng, chống lụt, bão cho vùng, đặc biệt là bảo vệ an toàn cho Thủ đô Hà Nội, kể cả khi công trình Hoà Bình đã phát huy hết tác dụng. Phải khẩn trương hoàn thành kế hoạch đắp đê, làm kè, cống và tổ chức tốt việc quản lý, bảo vệ và hộ đê; chuẩn bị công trình phân lũ sông Đáy để sử dụng khi cần thiết; xử lý ngay những đoạn đê, kè, cống bị xói lở, uy hiếp do tác động của nước hồ Hoà Bình, nhất là đoạn sông Đà từ sau công trình Hoà Bình đến vùng ngã ba sông Đà, sông Thao và sông Lô, các kè Cổ Độ, Bồng Lang... Có kế hoạch chống úng, bảo vệ và khôi phục sản xuất vụ mùa; sửa chữa các trạm bơm, đường điện và quản lý, vận hành hợp lý để chống úng kịp thời, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ Thuỷ lợi, Bộ Năng lượng và Ban Chỉ huy chống lụt, chống bão Trung ương phối hợp chặt chẽ để làm tốt việc dự báo thuỷ văn, bảo đảm cho điều tiết lũ, sử dụng nước của sông Đà có hiệu quả cao.
- Đối với vùng núi (kể cả phía Bắc và phía Nam), chú ý chống phá rừng; quản lý, bảo vệ các hồ chứa nước, nhất là hồ loại lớn,, vừa; phòng, tránh lũ quét, bảo vệ sản xuất, bảo vệ dân; bảo đảm giao thông thông suốt...
- Đối với vùng ven biển miền Trung, khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 2 cuối tháng 5 vừa qua, đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống bão, nước dâng, bảo vệ ngư dân, nhất là ở các đầm phá, cửa sông, bảo vệ hệ thống đê ngăn nước mặn, các công trình kỹ thuật, cơ sở kinh tế (đồng muối, đồng cói, cơ sở nuôi tôm...), có kế hoạch bảo đảm giao thông đường sắt, đường bộ, liên lạc hữu tuyến thông suốt, có phương án chủ động đối phó với tình huống bị chia cắt, cô lập do mưa lũ, bảo đảm tự lực cánh sinh được cho đến khi có chi viện:
- Đối với vùng Tây Nguyên, phải có phương án phòng, chống lũ quét, bảo vệ sản xuất, bảo vệ dân, đồng thời phòng, chống tác động của ảnh hưởng bão từ phía duyên hải miền Trung.
- Đối với miền Đông Nam - bộ, chú ý phòng, chống bão, áp thấp nhiệt đới; quản lý, điều tiết nước, sử dụng nước các hồ chứa nước lớn, vừa, đặc biệt là hồ Dầu Tiếng và thuỷ điện Trị An.
- Đối với miền Tây Nam-bộ, chú ý làm tốt việc củng cố bờ bao, bờ vùng, đập ngăn sông để chống được lũ sớm và có kế hoạch gieo cấy lúa hè thu kịp thời vụ, né tránh được lũ chính. Củng cố đê biển, chống gió chướng, nước dâng, hạn chế tác hại do nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Đối với vùng thường bị ngập nước sâu, phải có kế hoạch bảo vệ dân và tài sản.
- Ngành khí tượng, thuỷ văn phải nâng cao chất lượng dự báo mưa, lũ, bão, áp thấp nhiệt đới bảo đảm chính xác và kịp thời, nhất là dự báo tình hình lũ, điều tiết lũ, thoát lũ ở các hồ chứa nước lớn Hoà Bình, Dầu Tiếng, Trị An... và dự báo mưa lũ ở các sông ngắn của miền Trung, Đông Nam-bộ và miền núi phía Bắc. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông báo nhanh các dự báo lũ, bão cho các cơ quan lãnh đạo của Trung ương và tỉnh.
- Ngành bưu điện phải bảo đảm việc thông tin hữu tuyến và vô tuyến thông suốt, nhanh chóng trong mọi tình huống từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã và ngược lại; chuyển kịp thời dự báo theo yêu cầu của ngành khí tượng, thuỷ văn.
- Bộ Quốc phòng chuẩn bị lực lượng quân đội và phương tiện ở những vùng trọng điểm để khi cần thiết kịp thời huy động hộ đê và cứu dân.
- Ngành giao thông phải có kế hoạch chu đáo để bảo đảm nhiệm vụ giao thông, vận tải trong mùa mưa, bão, đặc biệt phải bảo đảm sự hoạt động thông suốt ở các bến phà chính và các đường chính như quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam; chỉ đạo chặt chẽ việc chống lụt ở cầu Bến Thuỷ.
- Ngành năng lượng bảo đảm điện chống úng, chống lụt, sản xuất; giải quyết kịp thời các mắc mứu về nợ tiền điện không vì việc này mà để đồng ruộng bị úng; bảo vệ và điều tiết nước các công trình thuỷ điện.
- Ngành thuỷ sản có kế hoạch bảo vệ ngư dân, bảo vệ tầu thuyền.
- Ngành nông nghiệp có kế hoạch chủ động bảo vệ và khôi phục sản xuất nông nghiệp.
- Bộ Nội vụ phải có kế hoạch chống mọi âm mưu phá hoại của địch và kẻ xấu bảo vệ tốt các tuyến đê, hồ chứa nước, trạm bơm, đường điện và bảo đảm trật tự an ninh ở nơi công cộng, vùng có bão, lũ xảy ra.
- Các cơ quan tuyên truyền, đài, báo thường xuyên giáo dục cho nhân dân nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phòng, chống lụt, bão để mọi người sẵn sàng đóng góp sức người, sức của vào công tác này, hạn chế thiệt hại do mưa, lũ, bão gây nên. Phải khắc phục tư tưởng chủ quan, lơi lỏng trong công tác phòng, chống lụt, bão (như khi cơn bão số 2 vào Quảng Nam - Đà Nẵng vừa qua), nhất là do xác định không đúng vị trí và tác dụng của hệ thống đê khi công trình Hoà Bình đưa vào vận hành.
- Các cơ quan, trường học, xí nghiệp, đơn vị quân đội phải có kế hoạch bảo vệ người, kho tàng, tài sản của cơ quan, đơn vị; sẵn sàng tham gia công tác phòng, chống lụt, bão ở địa phương.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký)
|
- 1Chỉ thị 87-CT năm 1982 về công tác phòng, chống lụt, bão năm 1982 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Chỉ thị 180-TTg năm 1960 về lãnh đạo công tác phòng, chống lụt, bão và úng thủy một cách khẩn trương do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành.
- 3Chỉ thị 07/CT-BCN về tăng cường công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm, cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2007 do Bộ Công nghiệp ban hành
- 4Chỉ thị 243-TTg về công tác phòng, chống lụt, bão năm 1978 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Chỉ thị 87-CT năm 1982 về công tác phòng, chống lụt, bão năm 1982 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Chỉ thị 180-TTg năm 1960 về lãnh đạo công tác phòng, chống lụt, bão và úng thủy một cách khẩn trương do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành.
- 3Chỉ thị 07/CT-BCN về tăng cường công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm, cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2007 do Bộ Công nghiệp ban hành
- 4Chỉ thị 243-TTg về công tác phòng, chống lụt, bão năm 1978 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 149-CT về công tác phòng, chống lụt, bão năm 1989 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 149-CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 31/05/1989
- Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Võ Văn Kiệt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 12
- Ngày hiệu lực: 15/06/1989
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra