Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 84-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 3 năm 1994

 

CHỈ THỊ 

VỀ CHẤN CHỈNH TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ SẢN XUẤT KINH DOANH KHU VỰC KINH TẾ HỢP TÁC XÃ (TIỂU, THỦ CÔNG NGHIỆP; VẬN TẢI; XÂY DỰNG; THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ).

Thực hiện đường lối phát triển kinh tế, xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua Nhà nước đã có những chính sách và chỉ thị cụ thể đối với lĩnh vực kinh tế hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp; vận tải; xây dựng; thương mại và dịch vụ (sau đây gọi tắt là hợp tác xã).

Đến nay một số ngành và nhiều địa phương đã có những quy định, chỉ thị, biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện đổi mới hợp tác xã. Nhiều hợp tác xã đã đổi mới tổ chức và phương thức quản lý hoạt động phù hợp với cơ chế quản lý mới, sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Những hợp tác xã không có khả năng tồn tại đã chuyển sang các hình thức tổ chức khác hoặc giải thể, một số mô hình hợp tác mới phù hợp với nhu cầu của người lao động, của các hộ kinh tế cá thể, kinh tế gia đình đã và đang hình thành.

Tuy nhiên nhiều Bộ, Ngành và một số địa phương chưa quán triệt chủ trương đổi mới lĩnh vực kinh tế hợp tác xã, chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của nền kinh tế hợp tác xã trong nền kinh tế nhiều thành phần. Nhiều hợp tác xã đang gặp khó khăn, chưa xác định được phương thức sản xuất, kinh doanh, còn duy trì mô hình hợp tác xã theo cơ chế quản lý cũ. Một số hợp tác xã thực tế không còn hoạt động nhưng không chủ động chuyển hướng và có biện pháp kịp thời, phù hợp để tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động v.v... Trong khi đó, các hình thức kinh tế hợp tác xã mới chưa được chỉ đạo, tổng kết, rút kinh nghiệm để định hình v.v...

Để khắc phục tình hình trên, đáp ứng yêu cầu cơ chế quản lý mới, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Các ngành, các cấp cần chú trọng đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với kinh tế hợp tác xã; coi việc chấn chỉnh, đổi mới hợp tác xã là một trong những biện pháp quan trọng nhằm thực hiện đường lối phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Các Bộ, các ngành ở Trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục thực hiện tốt và tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 154-CT ngày 15-5-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ); có kế hoạch và biện pháp cụ thể tiếp tục chỉ đạo đổi mới lĩnh vực kinh tế hợp tác xã. Hội đồng Trung ương liên minh các hợp tác xã Việt Nam và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn thực hiện Điều lệ của Hội đồng Trung ương Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y theo quyết định số 582/TTg ngày 1-12-1993.

Việc chỉ đạo hướng dẫn đổi mới hợp tác xã phải tiến hành thận trọng, có trọng điểm, rút kinh nghiệm kịp thời uốn nắn những sai lệch, tránh việc làm ồ ạt gò ép, phải quán triệt nguyên tắc tự nguyện và dân chủ của xã viên hợp tác xã.

3. Để tiếp tục phát huy vai trò của kinh tế hợp tác xã, Hội đồng Trung ương liên minh các hợp tác xã Việt Nam cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) chủ trì phối hợp với các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách hiện hành đối với kinh tế hợp tác xã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào 6 tháng đầu năm 1994 như việc hợp tác xã được tiếp nhận các dự án tài trợ; được quan hệ hợp tác với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, được vay vốn từ các dự án phát triển kinh tế - xã hội để giải quyết việc làm, những điều kiện để hợp tác xã được phép trực tiếp xuất nhập khẩu v.v...

4. Cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các ngành có liên quan, Hội đồng Trung ương liên minh các hợp tác xã Việt nam có trách nhiệm nghiên cứu, tổng kết mô hình kinh tế hợp tác xã đã và đang hình thành ở các tỉnh, thành phố, rút ra kinh nghiệm về phương thức, phạm vi hoạt động, quy mô tổ chức của các hình thức hợp tác xã, trên cơ sở đó xác định và hoàn thiện dự thảo Luật Hợp tác xã trình Quốc hội vào năm 1994.

5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành chỉ thị này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 84-TTg năm 1994 về chấn chỉnh tổ chức và quản lý sản xuất kinh doanh khu vực kinh tế hợp tác xã (tiểu, thủ công nghiệp; vận tải; xây dựng; thương mại và dịch vụ) do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 84-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 03/03/1994
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 18/03/1994
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản