Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 154-CT

Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 1991

 

CHỈ THỊ

VỀ CHẤN CHỈNH TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ SẢN XUẤT KINH DOANH KHU VỰC KINH TẾ HỢP TÁC XÃ TIỂU, THỦ CÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG VÀ VẬN TẢI 

Để đổi mới cơ chế quản lý đối với khu vực kinh tế hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp, xây dựng và vận tải (sau đây gọi tắt là hợp tác xã công nghiệp) theo tinh thần nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 2, 3 khoá VI, Chính phủ đã ban hành các nghị định số 28-HĐBT ngày 9-3-1988, nghị định số 146-HĐBT ngày 24-9-1988, quyết định số 49-HĐBT ngày 22-5-1988 và các chỉ thị số 81-CT ngày 24-3- 1988, số 234-CT ngày 18-8-1988 của CHủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và thông báo số 22 ngày 5-10-1990.

Trong 3 năm qua đã thu được một số kết quả chủ yếu như sau:

- Các đơn vị kinh tế tập thể đã bước đầu phát huy tính chủ động trong sản xuất kinh doanh, tự chủ trong quản lý nội bộ; nhiều đơn vị đã thích nghi từng bước với môi trường kinh doanh mới và nhận thức rõ hơn sự cần thiết phải tiếp tục xoá bỏ cơ chế bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh.

- Nhiều đơn vị đã chủ động sắp xếp lại sản xuất, thay đổi phương án sản phẩm, phân công lại lao động, mở rộng liên kết liên doanh, tích cực tìm kiếm thị trường trong nước và ngoài nước, tạo vốn và nguồn vật tư nhằm duy trì và ổn định sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng vào việc đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, phát triển xuất khẩu và làm tốt nghĩa vụ với Nhà nước.

- Nhiều đơn vị đã đăng ký và hoạt động theo Điều lệ mới, có chuyển biến rõ rệt phù hợp với yêu cầu của cơ chế quản lý mới, đã và đang tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất.

- Các Bộ, ngành ở Trung ương và Uỷ ban nhân dân các cấp bước đầu đã thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với kinh tế hợp tác xã công nghiệp theo yêu cầu quản lý xuyên suốt toàn ngành và quản lý tổng hợp kinh tế - xã hội trên địa bàn; đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hoá các chính sách của Đảng và Chính phủ, kịp thời tháo gỡ một số khó khăn trong sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế này.

Từ hai năm nay, ở hầu hết các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương đã tổ chức Sở quản lý công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp; ở cấp quận, huyện đã tổ chức Phòng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và vận tải để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với kinh tế quốc doanh và ngoài quốc doanh nói chung và đối với khu vực hợp tác xã công nghiệp nói riêng trên các lĩnh vực: quy hoạch trên lãnh thổ, củng cố và phát triển các hợp tác xã, tổ chức đăng ký và quản lý việc thành lập, sáp nhập và giải thể, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các chính sách của Nhà nước theo tổ chức và cơ chế quản lý mới v.v...

Chính sách bảo hiểm xã hội đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đang được tích cực chuẩn bị trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành để áp dụng rộng rãi trong cả nước.

Tuy nhiên, tình hình các hợp tác xã công nghiệp còn những mặt gay gắt cần sớm khắc phục sau đây:

- Nhiều đơn vị kinh tế tập thể đang gặp khó khăn lớn, chưa có đủ điều kiện để nhanh chóng chuyển hướng sản xuất kinh doanh, như: thiếu vốn, thiết bị quá lạc hậu, năng suất lao động thấp, chất lượng hàng hoá kém không đủ sức cạnh tranh với hàng hoá của quốc doanh, với hàng nước ngoài và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường v.v... đồng thời, sự giảm sút đột ngột các hợp đồng xuất khẩu do thay đổi cơ chế trong quan hệ kinh tế đối ngoại và sự biến động ở Liên Xô và các nước Đông emdashu càng làm cho sản xuất kinh doanh bị ách tắc, cơ sở không có việc làm, đời sống người lao động và gia đình họ gặp nhiều khó khăn. Nhiều hợp tác xã chuyên nghiệp ở thành thị và nông thôn đã phải giải thể; nhiều xã viên mất việc phải kiếm sống bằng các nghề khác.

- Trình độ quản lý kinh tế tập thể của số đông cán bộ còn yếu, chưa đáp ứng kịp yêu cầu của cơ chế quản lý mới, nói chung còn thụ động, chờ đợi...

- Việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế của các Bộ, Uỷ ban Nhân dân các cấp đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh nói chung và kinh tế tập thể nói riêng vẫn còn tình trạng buông lỏng, có nhiều sơ hở bị lợi dụng. Các chính sách ban hành chưa đồng bộ; việc chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện chính sách chưa kịp thời, còn lúng túng trước quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.

Để khắc phục tình hình nói trên, đáp ứng yêu cầu của cơ chế quản lý mới, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:

1. Các hợp tác xã công nghiệp cần phải tiếp tục phát huy tính chủ động trong sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ trong quản lý nội bộ; nhanh chóng thích nghi với môi trường kinh doanh mới, chuyển mạnh sang hạch toán kinh doanh để phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

2. Xuất phát từ yêu cầu tập trung hoá, chuyên môn hoá, phát triển sản xuất kinh doanh và trên cơ sở thực sự tự nguyện, các hợp tác xã công nghiệp có thể cùng nhau thành lập Liên hiệp hợp tác xã sản xuất theo ngành hoặc liên ngành; không được gò ép thành lập Liên hiệp hợp tác xã sản xuất khi chưa có những điều kiện cần thiết hoặc để tổ chức này biến tường thành một cấp quản lý hành chính trung gian. Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương cần hướng dẫn, giúp đỡ và công nhận các tổ chức này, tạo điều kiện để họ duy trì và phát triển lực lượng sản xuất.

3. Đối với các hợp tác xã công nghiệp đã và đang ổn định, thích nghi được với cơ chế mới, hoạt động có hiệu quả thì Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương cần tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm nguồn vốn, thị trường trong và ngoài nước v.v... để các đơn vị này tự đầu tư chiều sâu, đổi mới kỹ thuật và công nghệ, đổi mới mặt hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ để tiếp tục phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu hàng hoá cho xã hội.

4. Đối với các hợp tác xã công nghiệp đang gặp khó khăn, lúng túng về phương hướng sản xuất kinh doanh, quản lý yếu kém, làm ăn thua lỗ, không có khả năng củng cố, không có điều kiện thích nghi với cơ chế mới v.v... mà quần chúng xã viên yêu cầu thì phải tổ chức đại hội xã viên để họ tự quyết định giải thể hoặc chuyển hình thức sở hữu hay tự tổ chức lại sản xuất kinh doanh theo hộ gia đình là chính; nhưng phải dựa trên cơ sở tự nguyện; phân chia những tài sản chung hiện có cũng như các nghĩa vụ khác một cách thoả đáng và công bằng, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho mọi xã viên.

Tuỳ điều kiện cụ thể ở từng nơi và theo yêu cầu của các hộ sản xuất gia đình có thể tổ chức sản xuất kinh doanh, gia công dưới sự hướng dẫn về kỹ thuật và công nghệ sản xuất, bán vật tư, thu gom, bao tiêu sản phẩm của một hay một nhóm người "đầu đàn" về ngành nghề, có kinh nghiệm, có mối liên hệ rộng rãi trong kinh doanh và được những người lao động trong địa phương tín nhiệm. Làm thử và rút kinh nghiệm để nhân rộng ra mô hình hợp tác xã xí nghiệp cổ phần tập thể theo Luật công ty.

5. Đối với vốn, tài sản do Nhà nước công trợ cho hợp tác xã công nghiệp trước đây (nếu có) thì phải kiểm kê, đánh giá và không được chia cho xã viên, mà phải sử dụng vào mục đích chung của hợp tác xã trên cơ sở các chính sách hiện hành của Nhà nước, các quy định cụ thể và sự hướng dẫn, chỉ đạo của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương.

6. Các Bộ quản lý ngành phối hợp với Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể về các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất hợp tác xã cổ phần; các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục thành lập, tách, sáp nhập, giải thể đối với hợp tác xã công nghiệp, bảo đảm quán triệt và thống nhất với các chính sách do Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành về kinh tế tập thể.

7. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương cần rà soát lại các đơn vị hợp tác xã công nghiệp đang hoạt động, từ việc xin thành lập, đăng ký hoạt động, hình thức tổ chức... theo Điều lệ mẫu về Hợp tác xã sản xuất công nghiệp, xây dựng và vận tải (Quyết định số 49-HĐBT ngày 22-5-1989) và các chính sách quản lý của Nhà nước đã ban hành.

8. Các Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương cần hoạch định chiến lược; xác định mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế tiểu thủ công nghiệp của ngành và địa phương trong từng thời kỳ nhằm từng bước đưa công nghệ hiện đại kết hợp với công nghệ thủ công cổ truyền theo hướng "tiểu công nghiệp hiện đại, thủ công nghiệp tinh xảo"; thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theo ngành kinh tế - kỹ thuật xuyên suốt các thành phần kinh tế, kết hợp chặt chẽ với quản lý theo lãnh thổ theo Nghị định số 196-HĐBT ngày 11-12-1989 của Hội đồng Bộ trưởng.

Các Bộ quản lý ngành phải phân công một đồng chí lãnh đạo Bộ và cán bộ trực tiếp phụ trách đối với các thành phần ngoài quốc doanh; định kỳ sơ kết, tổng kết tình hình quản lý và phát triển kinh tế ngoài quốc doanh thuộc phạm vi mình phụ trách.

9. Các hợp tác xã công nghiệp phải thực hiện nghiêm chỉnh Pháp lệnh kế toán - thống kê và quản lý nội bộ hợp tác xã theo pháp luật. Bộ Tài chính sớm tổ chức các hệ thống dịch vụ kế toán, kiểm toán và quy định, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các Pháp lệnh và Luật thuế đối với khu vực kinh tế này.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương cần xử lý kịp thời các hợp tác xã phá sản, khê đọng nợ và các động bất chính như tuỳ tiện bán nhà, đất, tài sản chung, làm hàng giả, hàng không đảm bảo phẩm chất, trốn thuế, lậu thuế và những biểu hiện tiêu cực khác gây thịt hại kinh tế cho xã viên, cho tập thể hợp tác xã và cho Nhà nước.

10. Hội đồng Trung ương các Hợp tác xã công nghiệp Việt Nam là tổ đại diện cho kinh tế tập thể về công nghiệp, được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi đối với mọi thành viên tham gia. Hội đồng hoạt động theo điều lệ và được Nhà nước công nhận. Hội đồng Trung ương các hợp tác xã công nghiệp Việt Nam không làm chức năng quản lý Nhà nước, không phải là cơ quan chủ quản cấp trên của các hợp tác xã và các đơn vị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh.

Sau đại hội chính thức được thành lập, Hội đồng Trung ương các hợp tác xã công nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng kiện toàn tổ chức, đi vào hoạt động có nền nếp và phát huy vai trò tích cực của mình góp phần nhanh chóng sắp xếp, tổ chức lại nhằm phát triển kinh tế ngoài quốc doanh theo yêu cầu của cơ chế quản lý mới.

11. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Trung ương các hợp tác xã công nghiệp Việt Nam và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 154-CT năm 1991 về chấn chỉnh tổ chức và quản lý sản xuất kinh doanh khu vực kinh tế hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp, xây dựng và vận tải do Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 154-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/05/1991
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: 30/05/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản