Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/CT-BTTTT

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CHIA SẺ, SỬ DỤNG CHUNG CƠ SỞ HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG GIỮA CÁC DOANH NGHIỆP VIỄN THÔNG

Trong những năm gần đây, sự phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông đã góp phần quan trọng trong sự phát triển của thị trường viễn thông, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có tốc độ phát triển hạ tầng và dịch vụ viễn thông nhanh trong khu vực và trên thế giới. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông đã được xây dựng cơ bản khá đồng bộ.

Tuy nhiên công tác quản lý, xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động vẫn còn hạn chế, nhất là trong việc chia sẻ, sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (nhà trạm viễn thông, cột ăng ten, cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm). Việc các doanh nghiệp viễn thông thiếu chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư, gây khó khăn trong công tác phát triển, xây dựng hạ tầng của chính doanh nghiệp viễn thông mà còn gây ảnh hưởng không tốt đến cảnh quan môi trường, an toàn của người dân.

Nhằm tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TTTT) thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Các doanh nghiệp viễn thông

a) Triển khai việc chia sẻ, sử dụng chung trên cơ sở quy định của pháp luật có liên quan, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

b) Xây dựng kế hoạch phát triển cột ăng ten, cống bể cáp, cột treo cáp và nhà trạm viễn thông của doanh nghiệp theo từng tỉnh/thành phố; định kỳ hàng năm (trong Quý 4) báo cáo các Sở TTTT để tập hợp, quản lý, xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và phương án sử dụng chung hạ tầng tại địa phương.

c) Các doanh nghiệp viễn thông di động:

- Trao đổi, thống nhất một số mẫu thiết kế các loại cột ăng ten bảo đảm các yêu cầu về an toàn xây dựng, mỹ quan đô thị và tăng cường khả năng sử dụng chung;

- Tối ưu hóa tải trọng, dung lượng của các cột ăng ten và nhà trạm viễn thông đã xây dựng để có thể chia sẻ, sử dụng chung.

d) Các doanh nghiệp viễn thông cố định: Thanh thải, chỉnh trang, bó gọn, hạ ngầm cáp viễn thông để tăng cường mỹ quan, an toàn và tối ưu hóa dung lượng, tải trọng cáp để có thể chia sẻ, sử dụng chung hệ thống cống bể cáp, cột treo cáp.

đ) Tham dự các buổi làm việc do Sở TTTT tổ chức định kỳ 06 tháng một lần (vào Tháng 01 và Tháng 07 hàng năm) để trao đổi kế hoạch phát triển cột ăng ten, cống bể cáp, cột treo cáp, nhà trạm viễn thông theo từng tỉnh, thành phố từ đó thống nhất các nội dung sau:

- Danh mục vị trí cột ăng ten, tuyến cống bể cáp, tuyến cột treo cáp, nhà trạm viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông đang sử dụng có thể cùng chia sẻ, sử dụng chung;

- Danh mục vị trí cột ăng ten, tuyến cống bể cáp, tuyến cột treo cáp, nhà trạm viễn thông dự kiến đầu tư hoặc phối hợp đầu tư xây dựng mới để sử dụng chung;

- Danh mục vị trí cột ăng ten, tuyến cống bể cáp, tuyến cột treo cáp, nhà trạm viễn thông của các doanh nghiệp khác (doanh nghiệp xã hội hóa) đã có hoặc đầu tư xây dựng mới mà các doanh nghiệp viễn thông có thể thuê lại;

- Danh mục hạ tầng kỹ thuật liên ngành (điện lực, cấp thoát nước, giao thông, xây dựng...) mà các doanh nghiệp viễn thông có thể thuê để sử dụng chung;

- Thỏa thuận các nội dung kinh tế, kỹ thuật sử dụng chung cột ăng ten, tuyến cống bể cáp, tuyến cột treo cáp, nhà trạm viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông hoặc cùng thuê doanh nghiệp khác (doanh nghiệp xã hội hóa) hoặc thuê lại cơ sở hạ tầng kỹ thuật liên ngành để sử dụng chung;

- Tăng cường hiệu quả đầu tư thông qua việc trao đổi về nhu cầu sử dụng với các doanh nghiệp khác trước khi tiến hành đầu tư, tiết kiệm chi phí để giảm giá thành, giảm giá cho thuê hạ tầng;

e) Báo cáo kết quả và những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai, thực hiện với các Sở TTTT, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) để kịp thời tháo gỡ.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Căn cứ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương, kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn quản lý, định kỳ 06 tháng một lần (Tháng 01 và Tháng 07 hàng năm) tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp xã hội hóa để tổ chức, phân công, thỏa thuận, thống nhất việc thực hiện các nội dung tại Mục 1. đ) của Chỉ thị này.

b) Định kỳ hàng năm, chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tại địa phương (Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Điện lực, Cấp thoát nước...) để xác định, công bố công khai hạ tầng kỹ thuật liên ngành (điện lực, cấp thoát nước, giao thông, xây dựng...) mà các doanh nghiệp viễn thông có thể sử dụng chung.

c) Phối hợp với các cơ quan có liên quan tại địa phương (Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải,...) để tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy việc chia sẻ, sử dụng chung và xử lý các vướng mắc, tranh chấp về việc tiếp cận, chia sẻ, sử dụng chung, giá thuê... hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và hạ tầng kỹ thuật liên ngành.

d) Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có phương án tạo điều kiện (về trình tự, thủ tục, thời gian,...) trong việc phê duyệt, cấp phép, triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, hạ tầng kỹ thuật liên ngành mà các doanh nghiệp, đơn vị có sự phối hợp xây dựng, sử dụng chung.

đ) Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị cần kịp thời nắm bắt, phản ánh những khó khăn, vướng mắc về Bộ Thông tin Truyền thông (Cục Viễn thông) để phối hợp, giải quyết.

3. Cục Viễn thông

a) Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông các nội dung của Chỉ thị nhằm thúc đẩy việc xây dựng, sử dụng chung, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp viễn thông triển khai xây dựng và sử dụng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.

b) Phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông để triển khai, thực hiện Chỉ thị đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc.

c) Phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông trong việc xem xét, xử lý vướng mắc, tranh chấp về sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và hạ tầng kỹ thuật liên ngành, từ đó đưa ra các khuyến nghị, đề xuất các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc xây dựng và sử dụng chung cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn quốc.

d) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; tổng hợp, đánh giá kết quả việc triển khai, thực hiện Chỉ thị, báo cáo Bộ trưởng./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng;
- Cổng thông tin điện tử Bộ TTTT;
- Lưu: VT, CVT (90).

BỘ TRƯỞNG




N
guyễn Mạnh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 52/CT-BTTTT năm 2019 về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 52/CT-BTTTT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/11/2019
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản