Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/CT-UBND

Huế, ngày 04 tháng 11 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM ĐẢM BẢO AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM.

Những năm gần đây, trong công tác giết mổ gia súc, UBND các huyện và thành phố Huế đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng của Tỉnh tổ chức quy hoạch, quản lý xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc tập trung, đã góp phần cung cấp thực phẩm có nguồn gốc động vật an toàn vệ sinh cho tiêu dùng và hạn chế ô nhiễm môi trường, góp phần ngăn chặn dịch bệnh động vật trên địa bàn.

Tuy nhiên, việc quy hoạch xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc tập trung ở một số huyện (Phong Điền, Hương Trà) đến nay còn chậm, một số cơ sở giết mổ gia súc đang hoạt động thì ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, do thiếu đầu tư, bảo dưỡng, nâng cấp. Cơ sở giết mổ gia cầm chưa có; một số địa phương vẫn còn tình trạng giết mổ tuỳ tiện, có cơ sở giết mổ nhưng không bảo đảm vệ sinh môi trường… trong khi nhiều dịch bệnh nguy hiểm phát sinh có khả năng lây lan, ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm và đe doạ đến sức khoẻ của cộng đồng, nhất là nguy cơ xuất hiện đại dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm (H5N1) ở người được cảnh báo trên toàn thế giới.

Thực hiện Chỉ thị số 30/2005/CT-TTg ngày 26/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc gia cầm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”. UBND Tỉnh yêu cầu:

1. UBND các huyện và thành phố Huế chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo thực hiện:

1.1. Quản lý hoạt động kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y theo quy định của Pháp lệnh Thú y và Nghị định 33/CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Pháp lệnh Thú y.

1.2. Tiến hành quy hoạch và sớm đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc tập trung ở các huyện Hương Trà, Phong Điền, chấm dứt ngay tình trạng giết mổ phân tán, không đảm bảo vệ sinh thú y.

1.3. Tiến hành quy hoạch và khẩn trương đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung; các khu mua bán gia súc, gia cầm sống, sản phẩm gia súc, gia cầm ở các chợ; trước mắt triển khai ở thành phố Huế, các vùng đông dân cư, thị trấn các huyện có mua bán, giết mổ, tiêu thụ nhiều gia cầm, sản phẩm gia cầm.

1.4. Các đơn vị, chủ cơ sở giết mổ đầu tư, nâng cấp các cơ sở giết mổ gia súc tập trung hiện có, đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y theo quy định.

1.5. Việc quy hoạch, xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phải đảm bảo định hướng lâu dài, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người và động vật, yêu cầu UBND các huyện và TP Huể triển khai thực hiện hoàn thành trong năm 2006.

1.6. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, tổ chức và quản lý hoạt động kinh doanh giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật tập trung trên địa bàn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, ngăn chặn sự phát sinh, lây lan dịch bệnh. Tuỳ điều kiện, UBND các huyện và thành phố Huế có chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp lý đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

2.1. Chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Thương mại, Y tế…, có trách nhiệm giúp các huyện và thành phố Huế trong việc quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kiểm soát giết mổ, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; phòng, chống dịch bệnh cho người và động vật; phòng, chống ô nhiễm môi trường.

2.2. Tổ chức sơ kết; đánh giá kết quả công tác tổ chức quy hoạch, quản lý hoạt động giết mổ gia súc tập trung kể từ khi có Chỉ thị 403 ngày 11/7/1995 của Thủ tướng Chính phủ; rút kinh nghiệm bổ khuyết và triển khai để tiếp tục chỉ đạo các địa phương chưa làm tốt việc quy hoạch giết mổ tập trung theo tinh thần Chỉ thị 30/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

2.3. Nghiên cứu đề xuất UBND Tỉnh cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thực hiện tốt các quy định về bảo đảm vệ sinh thú y,…

3. Sở Văn hoá Thông tin phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Y tế có kế hoạch tổ chức tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến, lưu thông và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc gia súc, gia cầm; phòng chống các bệnh nguy hiểm từ động vật lây sang người qua con đường tiêu thụ thực phẩm.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Huế nghiêm túc quán triệt, có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong từ cuối năm 2005 và cả năm 2006. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi Cục Thú y) thường xuyên theo dõi, hàng quý tổ chức đánh giá tình hình thực hiện và tổng hợp báo cáo về UBND Tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
-VP Chính phủ (b/c);
-Thường vụ Tỉnh uỷ;
-TT HĐND Tỉnh;
-CT và các PCT UBND Tỉnh;
-Các Sở, Ban, cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh;
-HĐND, UBND các huyện và TP Huế;
-Các Báo, Đài trong Tỉnh;
-VP: LĐ và các CV;
-Lưu VT, LT.

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Lý

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 49/CT-UBND năm 2005 về tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do Tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 49/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/11/2005
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Xuân Lý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản