Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 46/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 10 năm 1984

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THANH TRA GIẢI QUYẾT KỊP THỜI CÁC VỤ VIỆC XẢY RA VÀ TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT CÁC VỤ, VIỆC TỒN ĐỌNG.

Giải quyết các vụ việc, việc tiêu cực xảy ra trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội là việc làm thường xuyên, là trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đơn vị nhắm : làm rõ sự việc, đề cao ưu điểm, nghiêm khắc với khuyết điểm, giải quyết mắc mứu tạo điều kiện cho công tác phát triển, tạo sự nhứt trí phấn khởi, đoàn kết đẩy mạnh công tác…

Giải quyết kịp thời có tác dụng rất tích cực, cổ vũ được quần chúng, nâng cao được khí thế của phong trào, góp phần quan trọng vào việc thực hiện đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, tăng cường hiệu lực của pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Vừa qua, nhiều đồng chí lãnh đạo các ngành, các cấp đã nhận rõ trách nhiệm, tiến hành tốt khâu công tác quan trọng này, đã tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, phát động quần chúng phát hiện và cùng quần chúng kịp thời giải quyết các vụ việc xảy ra ở đơn vị.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Thanh Tra Nhà nước và Ban Nội chính Thành ủy, hiện còn tồn đọng trên một ngàn vụ việc đã kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng, nhiều vụ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, phúc tra nhưng chưa được kết luận, xử rõ ràng, nhiều vụ quần chúng phát hiện khiếu tố hàng chục lần chưa được xác minh kết luận. Có những vụ việc cấp trên đã quyết định nhưng cấp dưới không thi hành hoặc tìm lý do để kéo dài…

Tình hình đó rất không tốt: thể hiện ý thức tôn trọng và thi hành pháp luật chưa đầy đủ, chưa tôn trọng vai trò làm chủ tập thể của quần chúng và ở những nơi này đoàn kết nội bộ thường phát sinh nhiều tiêu cực, lòng tin của quần chúng đối với lãnh đạo bị giảm sút.

Với tinh thần quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khoá 5), đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, góp phần đẩy mạnh sản xuất, thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế - xã hội chào mừng kỷ niệm 10 năm giải phóng thành phố; Ủy ban nhân dân thành phố chủ trương từ nay đến cuối năm 1984, tập trung một đợt kiểm tra giải quyết các vụ việc tồn đọng ở các ngành, các cấp, các đơn vị (kể cả đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố) và giao trách nhiệm như sau :

1. Nắm chắc và phân loại vụ việc tồn đọng :

Theo phạm vi phụ trách, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Giám đốc các ngành, thủ trưởng các đơn vị nắm lại số vụ việc còn tồn đọng cần giải quyết, nghiên cứu nội dung sự việc và phân loại như sau :

- Loại thanh tra xử lý nội bộ : vụ việc đã thanh tra kết luận nhưng chưa xử lý, vụ việc đang thanh tra, vụ việc chưa tổ chức thanh tra.

- Loại có dấu hiệu tội phạm hình sự: vụ việc đã chuyển giao Công an điều tra khởi tố, vụ việc chưa chuyển giao Công an điều tra khởi tố.

- Loại khiếu tố của quần chúng : vụ việc đã xem xét kết luận, vụ việc chưa xem xét hoặc đang xem xét.

Căn cứ nội dung, tính chất vụ việc tồn đọng, Thủ trưởng đơn vị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, tổ chức việc nghiên cứu, sơ bộ có kế hoạch tổ chức giải quyết và báo cáo về Ủy ban Nhân dân thành phố (đồng gởi Ủy ban Thanh tra Nhà nước thành phố) trước ngày 15-11-1984.

Ủy ban Thanh tra Nhà nước thành phố có trách nhiệm hướng dẫn các ngành các cấp phân loại, tổng hợp báo cáo cho Thành ủy, ủy ban Nhân dân thành phố cuối tháng 11-1984.

2. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giải quyết dứt điểm từng vụ việc :

Theo tính chất vụ việc, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo và tổ chức giải quyết theo hướng :

- Loại thanh tra xử lý nội bộ: tổ chức nghiên cứu kết luận xử lý các vụ việc đã kết thúc thanh tra, tổ chức thanh tra các vụ việc tồn đọng. Kết luận và xử lý thuộc trách nhiệm của Thủ trưởng. Vụ việc nào lớn, ngoài trách nhiệm của mình, thủ trưởng đơn vị cần báo cáo, đôn đốc thủ trưởng cấp trên quyết định sớm.

Từng vụ việc sau khi được kết luận xử lý đều phải báo cáo về ủy ban Nhân dân và Ủy ban Thanh tra Nhà nước thành phố để theo dõi.

- Loại có dấu hiệu phạm tội hình sự : nghiêm chỉnh thi hành Thông tư 139/TTg ngày 28-5-1974 của Hội đồng Chánh phủ, vụ việc nào chưa chuyển cho Công an thì Thủ trưởng đơn vị cần nhanh chóng làm thủ tục báo cáo và chuyển cho Công an các cấp thụ lý giải quyết, đồng thời báo Viện Kiểm sát biết. Số vụ việc đã giao Công an thì đôn đốc nhắc nhở Công an hoàn thành sớm việc điều tra, kết thúc để chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân – Toà án nhân dân xét xử theo chỉ đạo giải quyết án tồn đọng của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố.

Ngành Công an có trách nhiệm nắm lại toàn bộ vụ việc, tổ chức sớm việc giải quyết dứt điểm vụ việc này.

- Loại khiếu tố của quần chúng : Tổ chức giải quyết theo quy định của pháp lệnh xét khiếu tố: giải quyết nhanh chóng, thông báo trả lời cho người khiếu tố, theo dõi kết quả thực hiện quyết định giải quyết.

Chủ nhiệm ủy ban Thanh tra Nhà nước và Đoàn thanh tra xét khiếu tố thành phố có trách nhiệm nắm vấn đề, hướng dẫn việc giải quyết và tập hợp tình hình báo cáo cho Ủy ban Nhân dân thành phố.

Tất cả các ngành, các cấp đều có trách nhiệm và phấn đấu giải quyết các vụ việc tồn đọng trước tháng 12/1984. Ủy ban Thanh tra Nhà nước các cấp và Ban Thanh tra các ngành là cơ quan giúp việc, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân các cấp và thủ trưởng các ngành tổ chức việc giải quyết các vụ việc tồn đọng này.

3) Rút kinh nghiệm về tổ chức chỉ đạo, về cách giải quyết để đưa việc thanh tra giải quyết vụ việc vào nề nếp thường xuyên.

Mỗi vụ việc đều có nội dung và tính chất khác nhau cho nên cách giải quyết phải linh hoạt, phù hợp. Sau khi giải quyết mỗi vụ việc cần tổ chức rút kinh nghiệm, phân tích nguyên nhân, có kế hoạch củng cố, giao dục, ngăn chặn mầm mống xuất hiện những sự việc khác, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Quá trình giải quyết vụ việc là quá trình kiểm tra tình hình thực tế, là quá trình vận động giáo dục quần chúng chấp hành tốt chính sách quy định của Nhà nước, tôn trọng và thi hành pháp luật và kết quả của nó là xử lý công minh, khen thưởng người tốt việc tốt, phê phán xử lý người xấu, việc xấu, góp phần giáo dục động viên khí thế phấn khởi cách mạng của quần chúng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong tình hình hiện nay việc giải quyết nhanh chóng và đúng đắn những vụ việc xảy ra còn có ý nghĩa lớn trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, lập lại trật tự trên mọi hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố.

Vì ý nghĩa cách mạng tích cực đó, thủ trưởng các ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp cần quan tâm đầy đủ đến việc tổ chức thực hiện chỉ thị này, rút kinh nghiệm tốt việc đã làm, kiểm tra đi vào nề nếp thường xuyên.

4) Tổ chức chỉ đạo thực hiện :

a) Căn cứ số lượng vụ việc còn tồn đọng trong từng ngành và quận, huyện, thủ trưởng tổ chức bộ phận chuyên trách giúp việc (cơ quan thanh tra, bộ phận thanh tra) và phân công 1 đồng chí trong ban lãnh đạo và Phó Chủ tịch phụ trách. Ở những ngành còn nhiều vụ việc còn tồn đọng như : nhà đất, cải tạo, công an… cần trưng dụng thêm cán bộ để đủ sức thẩm tra giải quyết vụ việc theo thời hạn quy định.

b) Ở thành phố Ủy ban Thanh tra Nhà nước và Công an thành phố (đối với vụ việc có tính chất tội phạm hình sự) là 2 cơ quan chức năng giúp việc cho Ủy ban Nhân dân thành phố nắm tình hình, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các ngành các cấp giải quyết vụ việc tồn đọng. Đồng thời chọn 1 ngành 1 đơn vị hoặc 1 địa phương tổ chức giải quyết thí điểm để rút kinh nghiệm phổ biến các nơi.

Ủy ban Nhân dân thành phố phân công đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách nội chính, định kỳ nghe Ủy ban thanh tra Nhà nước và Công an thành phố báo cáo tình hình, chỉ đạo thực hiện. Khi cần thiết, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tổ chức hội nghị các ngành liên quan hoặc quyết định thành lập đoàn thanh tra giải quyết một số vụ việc lớn liên quan đến nhiều ngành.

Thủ trưởng các ngành thành phố có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo đơn vị cấp dưới giải quyết vụ việc và thường xuyên báo cáo các tình hình cho Ủy ban Thanh tra Nhà nước thành phố để tập hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.Tích cực và khẩn trương giải quyết một số vụ việc tồn đọng là biện pháp tích cực thực hiện Nghị quyết 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, tạo không khí đoàn kết phấn khởi trong đơn vị và quần chúng, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội 1984, chào mừng kỷ niệm 10 năm giải phóng thành phố. Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thủ trưởng các ngành, các đơn vị, tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này.

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 46/CT-UB năm 1984 về tăng cường công tác thanh tra giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra và tập trung giải quyết các vụ, việc tồn đọng do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 46/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/10/1984
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Quang Chánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/10/1984
  • Ngày hết hiệu lực: 11/11/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản