Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 429-CP | Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 1979 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ MIỀN NÚI, HẢI ĐẢO.
Miền núi nước ta rộng lớn, chiếm hai phần ba (2/3) diện tích trong cả nước, có trên mười nghìn cây số biên giới, có nhiều tài nguyên thiên nhiên tiềm tàng và phong phú, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc, trong đó phần lớn là dân tộc ít người. Miền núi vốn đã là địa bàn quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng; trước âm mưu và hành động xâm lược nước ta của bọn phản động Trung Quốc, thì vị trí của miền núi, nhất là vùng biên giới lại càng trở nên vô cùng quan trọng.
Căn cứ vào tinh thần hội nghị liên tịch giữa Thường trực Ban bí thư trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 28 tháng 9 năm 1979 về việc bổ sung, sửa đổi một số chính sách, chế độ đối với cán bộ miền núi, Thường vụ Hội đồng Chính phủ chỉ thị như sau.
1. Các ngành, các cấp cần quán triệt đầy đủ và chấp hành nghiêm chỉnh những nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ miền núi đã ban hành, nhất là chỉ thị số 216-CT/TƯ ngày 30-1-1975 của Ban bí thư trung ương Đảng đã chỉ rõ : “… Một trong những khâu then chốt là phải xây dựng cho miền núi có đội ngũ cán bộ vững mạnh. Phải đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người của các dân tộc miền núi. Phải coi trọng cả hai loại cán bộ: cán bộ tại chỗ và cán bộ ở nơi khác đến; kết hợp chặt chẽ hai lực lượng này nhằm tổ chức và động viên nhân dân miền núi đẩy mạnh sảnh xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…”
Trước mắt, các ngành ở trung ương, các tỉnh trung du và đồng bằng cần giúp các tỉnh miền núi bồi dưỡng, sử dụng tốt số cán bộ hiện có và tùy theo yêu cầu cụ thể của mỗi tỉnh mà điều động tăng thêm cho các huyện biên giới phía Bắc một số cán bộ cần thiết, đồng thời nhận lại những cán bộ mà các tỉnh miền núi đề nghị chuyển vùng.
Cần thực hiện tốt chính sách khuyến khích cán bộ, công nhân viên là người miền xuôi lên, yên tâm phục vụ lâu dài ở miền núi; tùy theo yêu cầu cụ thể mà có kế hoạch chuyển vùng đối với những cán bộ, công nhân viên ốm yếu, hoặc hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn không thể khắc phục được. Mặt khác, cần hạn chế việc điều động cán bộ, công nhân viên nữ chưa thành lập gia đình từ miền xuôi lên công tác lâu dài ở miền núi, đối với những chị em đã công tác lâu năm ở miền núi mà có khó khăn trong việc xây dựng gia đình thì phải tận tình giúp đỡ hoặc chuyển chị em về xuôi công tác.
Khi điều động cán bộ miền xuôi lên miền núi công tác, phải cố gắng sắp xếp công việc để có thể điều động cả hai vợ chồng cùng đi, nhất là đối với số cán bộ trẻ và cán bộ khoa học - kỹ thuật.
Cần chú trọng tăng cường đào tạo và tuyển dụng cán bộ tại chỗ. Trong phạm vi chỉ tiêu biên chế đã được duyệt, ở miền núi, những nơi thiếu cán bộ mà không điều động được cán bộ ở nơi khác đến, thì Ủy ban nhân dân tỉnh có thể cho tuyển dụng cán bộ xã, hợp tác xã, bộ đội phục viên, hoặc con em cán bộ, v.v…để đào tạo, kèm cặp, bổ sung vào làm một số công việc nhất định, huyện nào lấy ở huyện ấy, tỉnh nào lấy ở tỉnh ấy, chú ý không được làm yếu cấp xã. Khi tuyển dụng, phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn tuyển chọn và tăng thêm thành phần cán bộ dân tộc ít người trong đội ngũ cán bộ của địa phương.
2. Cán bộ, công nhân viên là người dân tộc ở miền núi hay là người ở miền xuôi lên công tác ở miền núi đều được đãi ngộ như nhau. Ngoài những chế độ đã có, nay xác định rõ và bổ sung thêm một số điểm như sau:
1. Bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm theo tiêu chuẩn đã quy định, có đủ vải để mặc ấm và phương tiện thông tin liên lạc (đài và pin) cho cán bộ, công nhân viên; nếu lực lượng hàng hóa còn thiếu thì có thể rút bớt ở nơi khác để phân phối cho miền núi đủ theo tiêu chuẩn đã quy định.
2. Về phương tiện đi lại: tăng thêm cho các huyện, tỉnh miền núi một số xe ô-tô con và xe khách; nếu có khó khăn, có thể rút bớt hoặc điều chuyển một số xe ô – tô con và xe khách của các tỉnh, thành phố khác cho miền núi.
Bộ Giao thông vận tải cùng với Bộ Nội thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức tốt hơn nữa việc đi lại cho cán bộ và nhân dân miền núi, nhất là trên các tuyến đường từ miền xuôi lên miền núi và ngược lại. Các bến xe và cung độ trên các tuyến đường miền núi cần có nơi ăn nghỉ chu đáo.
3. Trong dịp cải tiến chế độ tiền lương, các cơ quan có trách nhiệm cần nghiên cứu cải tiến chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp khu vực, chế độ bảo hiểm xã hội v.v…cho phù hợp với cán bộ, công nhân viên công tác ở miền núi.
Trước mắt Bộ Lao động căn cứ và mức phụ cấp khu vực đã có, bàn với Ủy ban nhân dân các tỉnh miền núi điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình từng nơi.
4. Cán bộ, công nhân viên được phân công về công tác lâu dài ở xã, hợp tác xã, xí nghiệp quốc doanh ở miền núi, biên giới, hải đảo, ngoài lương chính và phụ cấp khu vực, hàng tháng được phụ cấp khuyến khích như sau :
- Công tác lâu dài ở các xã, hợp tác xã, xí nghiệp, nông trường, lâm trường, thị xã, thị trấn ở sát biên giới phía Bắc và các hải đảo xa (những hải đảo có phụ cấp khu vực từ 40% trở lên như đã quy định trong các văn bản của Chính phủ và của các Bộ có liên quan) được phụ cấp khuyến khích bằng 20% lương cấp bậc.
- Công tác lâu dài ở các xã, hợp tác xã thuộc miền núi, biên giới và các hải đảo khác (trừ những đảo xa đã nói ở trên) và các cơ quan của huyện ở biên giới phía Bắc được phụ cấp bằng 10% lương cấp bậc.
Ủy ban nhân dân các tỉnh miền núi quy định cụ thể cho từng nơi trong địa phương được hưởng phụ cấp khuyến khích theo mức nói trên.
5. Cán bộ, công nhân, nhân viên Nhà nước, cán bộ xã và hợp tác xã, học sinh các trường chuyên nghiệp: đại học, trung cấp, công nhân học nghề, v.v…khi tốt nghiệp ra trường dù là người dân tộc đa số hay dân tộc thiểu số, nếu được điều động hẳn từ đồng bằng lên miền núi, từ vùng thấp lên cao, từ đất liền ra hải đảo, từ huyện nội địa ra huyện biên giới, từ miền núi của tỉnh này sang miền núi của tỉnh khác đều được trợ cấp lần đầu là 150đ/người để mua sắm những tư trang cần thiết; những hành hóa phải mua bằng phiếu vải thì lần đầu này được miễn nộp phiếu vải.
6. Học sinh các trường chuyên nghiệp: đại học, trung cấp, công nhân học nghề, v.v…tốt nghiệp ra trường được phân công công tác ở miền núi, biên giới, hải đảo, kể cả người địa phương và những nơi khác đến, đều được hưởng 100% lương khởi điểm và được giảm một phần ba (1/3) thời gian tập sự.
7. Cán bộ, công nhân, nhân viên công tác ở miền núi, biên giới, hải đảo đi nghỉ phép hàng năm, khi đi đường được thanh toán tiền tàu xe và các khoản phụ cấp khác như đi công tác; khi đi công tác xuống xã, hợp tác xã được phụ cấp công tác phí, kể cả phụ cấp lưu trú.
3. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Những quy định nào trước đây trái với chỉ thị này đều bãi bỏ.
Ban tổ chức của Chính phủ, Bộ Lao động, Bộ Tài chính, Bộ Nội thương, tùy theo chức năng của mình hướng dẫn các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện, chậm nhất là hết tháng 12 năm 1979 phải hướng dẫn xong.
Ban tổ chức của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và báo cáo Thường vụ Hội đồng Chính phủ việc thực hiện chỉ thị này.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
Chỉ thị 429-CP năm 1979 thực hiện chính sách đối với cán bộ miền núi, hải đảo do Thường vụ Hội đồng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 429-CP
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 05/12/1979
- Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 23
- Ngày hiệu lực: 05/12/1979
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra