Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 424/CT-BNN-TCTS

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2012

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀU CÁ, PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN CHUYÊN NGÀNH THỦY SẢN NĂM 2012

Năm 2011, công tác quản lý tàu cá, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành thủy sản đã có nhiều chuyển biến, số vụ tai nạn tàu cá đã giảm so với năm 2010; tuy nhiên, công tác quản lý tàu cá, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn vẫn còn bất cập, vẫn còn tàu cá không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không đủ các trang thiết bị an toàn khi hoạt động trên biển. Trong năm vẫn còn có gần 600 vụ tai nạn tàu cá, mà nguyên nhân chủ yếu là do các sự cố về hỏng máy, vỡ vỏ tàu, gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản của ngư dân.

Để khắc phục tình trạng này, trong năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan tổ chức thực hiện một số việc sau:

I. ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản chấn chỉnh, củng cố và kiện toàn tổ chức Thường trực PCLB-TKCN Chuyên ngành thủy sản. Xây dựng phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành Thủy sản để chủ động ứng phó với mọi điều kiện thời tiết, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản và báo cáo về Bộ trước ngày 30/4/2012.

2. Thiết lập và vận hành cơ chế thông tin liên lạc giữa Thường trực PCLB&TKCN chuyên ngành Thủy sản với các địa phương, các chủ tàu, gia đình ngư dân có trang bị máy thông tin liên lạc ở bờ và các tàu cá hoạt động khai thác hải sản trên biển, Đài thông tin duyên hải, lực lượng Biên Phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, các Trung tâm phối hợp TKCN khu vực. Cung cấp cho các tàu cá tần số liên lạc, số điện thoại cần thiết để giúp ngư dân liên lạc khi có sự cố xảy ra.

3. Khi có bão, cử các cán bộ kỹ thuật đến các nơi tàu cá tập trung: cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão để hướng dẫn phương pháp neo đậu và sắp xếp tàu cá tại nơi neo đậu tránh trú bão được an toàn.

4. Khi có thông tin về tai nạn xảy ra trên biển, phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan trợ giúp ngư dân trong việc tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả; thực hiện việc báo cáo Bộ về tình hình tai nạn tại địa phương.

5. Tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình Tổ đoàn kết sản xuất trên biển, nhất là đối với lực lượng đánh bắt xa bờ để hỗ trợ nhau trong sản xuất và khi có tai nạn và các sự cố thiên tai xảy ra.

6. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng ngư dân các kiến thức cơ bản về phòng tránh lụt bão, giảm nhẹ thiên tai để người dân áp dụng, thực hiện có hiệu quả khi có tình huống xảy ra.

II. ĐỐI VỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀU CÁ, ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO NGƯỜI VÀ TÀU CÁ HOẠT ĐỘNG THỦY SẢN

1. Tăng cường công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật các tàu cá đóng mới kể từ khâu xét duyệt thiết kế và các bước kiểm tra giám sát theo đúng quy định tại Quyết định 96/2007/QĐ-BNN và Quyết định 05/2006/QĐ-BTS. Đối với các tàu cá lắp máy từ 250 CV trở lên, yêu cầu các cơ sở đóng tàu cá, các chủ tàu cá thực hiện việc kẻ đường nước, thước nước và dấu mạn khô.

2. Không cho phép lắp đặt các máy tàu không rõ xuất xứ nguồn gốc, không có chứng chỉ kỹ thuật đối với các tàu cá đóng mới có công suất từ 250 CV trở lên, hoạt động tại các vùng biển xa. Không cấp giấy chứng nhận an toàn cho các tàu cá hoạt động tại các vùng biển xa nếu không đủ các trang thiết bị an toàn theo quy định tại Thông tư 02/2007/TT-BTS.

3. Tăng cường cán bộ làm đăng kiểm tàu cá; chỉ cán bộ đăng kiểm theo chuyên môn được đào tạo và đã được bổ nhiệm mới được thực hiện việc kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá.

4. Quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá giải bản và xóa đăng ký, phân tích nguyên nhân, báo cáo cụ thể về Tổng cục Thủy sản (Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản). Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn công tác đăng ký cho các huyện, xã có tàu cá được phân cấp quản lý.

5. Thống kê, báo cáo về tình trạng chất lượng, tuổi thọ tàu cá, trang bị và bố trí trang thiết bị an toàn đối với các tàu cá xa bờ hiện có của địa phương. Từng bước vận động ngư dân không sử dụng tàu quá cũ nát (trên 15 tuổi), tàu sử dụng máy cũ đi hoạt động tại các vùng biển xa.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ báo cáo tình hình quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá tại địa phương về Tổng cục Thủy sản (Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản) trước ngày 25 hàng tháng.

7. Tổng cục Thủy sản (Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản) tổ chức, kiểm tra tình hình đăng ký, đăng kiểm tàu cá (bao gồm cả việc duyệt thiết kế tàu cá) của địa phương.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung nói trên và báo cáo về Bộ kết quả thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- UBND các tỉnh, thành phố ven biển (p/h);
- Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố ven biển (thực hiện);
- BCĐ PCLB TW;
- UBQG TKCN;
- Bộ Quốc phòng: BTL Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển (p/h);
- Thanh tra Bộ;
- Văn phòng Bộ;
- Tổng cục Thủy sản;
- Lưu: VT, TCTS.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 424/CT-BNN-TCTS năm 2012 về tăng cường công tác quản lý tàu cá, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 424/CT-BNN-TCTS
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 24/02/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/02/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản