Hệ thống pháp luật

BỘ THỦY SẢN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2006/QĐ-BTS

Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐĂNG KIỂM VIÊN TẦU CÁ BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY SẢN

Căn cứ Luật Thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 66/2005/NĐ-CP , ngày 19/5/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tầu cá hoạt động thủy sản;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế Đăng kiểm viên tầu cá”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo. Các quy định trước đây trái với quy định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng; Vụ trưởng các Vụ; Chánh Thanh tra Bộ; Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản; Giám đốc các Sở Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thủy sản chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lương Lê Phương

 

 

QUY CHẾ

ĐĂNG KIỂM VIÊN TẦU CÁ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2006/QĐ-BTS ngày 06/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản)

Thi hành Luật Thủy sản;

Thực hiện Nghị định số 66/2005/NĐ-CP , ngày 19/5/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tầu cá hoạt động thủy sản;

Nhằm nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác đăng kiểm tầu cá;

Bộ Thủy sản quy định về Quy chế Đăng kiểm viên tầu cá, cụ thể như sau:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định việc tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm và quản lý hoạt động đối với Đăng kiểm viên tầu cá của các đơn vị Đăng kiểm tầu cá trực thuộc ngành Thủy sản.

Điều 2.

1. Đăng kiểm viên tầu cá (dưới đây gọi tắt là Đăng kiểm viên) là công chức, viên chức chuyên môn kỹ thuật, chuyên ngành tầu thuyền thuộc ngành thủy sản, đã tốt nghiệp khóa đào tạo nghiệp vụ đăng kiểm tầu cá và được bổ nhiệm đăng kiểm viên theo các quy định của Quy chế này.

2. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu về Đăng ký tầu cá, các cán bộ, viên chức tốt nghiệp trung học, đại học các chuyên ngành khác có liên quan cũng được xem xét, đào tạo và bổ nhiệm đăng kiểm viên để thực hiện chức năng Đăng ký tầu cá.

Điều 3. Đăng kiểm viên có các nhiệm vụ sau đây:

1. Kiểm tra kỹ thuật hiện trường và thiết lập hồ sơ đăng kiểm cho các đối tượng đã được kiểm tra, giám sát theo đúng quy định của quy phạm, tiêu chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật;

2. Xét duyệt thiết kế có liên quan đến đóng mới, sửa chữa, cải hoán, trang bị lại tầu cá, chế tạo vật liệu hoặc máy móc, thiết bị được sử dụng trên tầu cá;

3. Tham gia nghiên cứu khoa học, biên soạn quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật, đào tạo và hướng dẫn nghiệp vụ đăng kiểm.

Điều 4.

1. Đăng kiểm viên chỉ được thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như đã ghi trong Thẻ Đăng kiểm viên tầu cá phù hợp chức năng và nhiệm vụ của đơn vị.

2. Đăng kiểm viên phải thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát kỹ thuật tầu cá một cách khách quan, đúng pháp luật, phù hợp với yêu cầu nghiệp vụ và nhiệm vụ được giao.

Điều 5. Đăng kiểm viên có quyền hạn sau đây:

1. Được yêu cầu chủ tầu cá hoặc cơ sở đóng, sửa chữa tầu cá cung cấp hồ sơ kỹ thuật và tạo điều kiện cần thiết tại hiện trường để đăng kiểm viên kiểm tra kỹ thuật, đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

2. Được bảo lưu và báo cáo lên cấp trên các ý kiến khác với quyết định của Thủ trưởng đơn vị về kết luận đánh giá trạng thái kỹ thuật của tầu cá và trang thiết bị.

3. Được ký và sử dụng dấu, ấn chỉ nghiệp vụ khi lập hồ sơ đăng kiểm cho tầu cá  và trang thiết bị theo quy định nghiệp vụ.

4. Được quyền từ chối thực hiện yêu cầu kiểm tra kỹ thuật khi xét thấy chưa có đủ các yếu tố, điều kiện phục vụ cho công tác kiểm tra đạt yêu cầu theo quy định.

Điều 6.

1. Đăng kiểm viên được trang bị các dụng cụ, máy móc, thiết bị phục vụ công tác kiểm tra kỹ thuật và trang phục bảo hộ lao động theo chế độ hiện hành của Nhà nước.

2. Cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản hướng dẫn mẫu trang bị bảo hộ lao động cho đăng kiểm viên thống nhất trong toàn quốc.

Điều 7.

1. Ngoài cán bộ thuộc biên chế, các cơ quan đăng kiểm tầu cá được sử dụng các cán bộ có khả năng chuyên môn trong và ngoài ngành tham gia thực hiện công tác đăng kiểm tầu cá theo hình thức cộng tác viên.

2. Các cộng tác viên tham gia công tác đăng kiểm tầu cá có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các nội dung đã ghi trong hợp đồng với đơn vị đăng kiểm.

Chương 2:

TIÊU CHUẨN CÁC HẠNG ĐĂNG KIỂM VIÊN TẦU CÁ

Điều 8. Các hạng Đăng kiểm viên.

1. Đăng kiểm viên tầu cá được phân thành các hạng:

a) Đăng kiểm viên hạng III;

b) Đăng kiểm viên hạng II;

c) Đăng kiểm viên hạng I.

2. Các hạng Đăng kiểm viên này chỉ được áp dụng cho Đăng kiểm viên là công chức, viên chức chuyên môn kỹ thuật, chuyên ngành tầu thuyền thuộc ngành thủy sản.

3. Các Đăng kiểm viên không thuộc các chuyên ngành tầu thuyền thì không phân hạn.

Điều 9. Đăng kiểm viên hạng III

Tiêu chuẩn chức danh và nhiệm vụ của Đăng kiểm viên hạng III, cụ thể như sau:

1. Nhiệm vụ:

a) Thẩm duyệt thiết kế thi công, hoàn công trong qúa trình đóng mới, hoán cải, sửa chữa tầu cá;

b) Kiểm tra, đánh giá trạng thái kỹ thuật hàng năm các loại tầu cá hoạt động trong vùng biển Việt Nam theo chuyên ngành đã được đào tạo;

c) Kiểm tra vật liệu, máy móc, trang thiết bị lắp đặt trên tầu cá;

d) Lập và cấp hồ sơ Đăng kiểm cho đối tượng kiểm tra;

đ) Tính giá, lệ phí đăng kiểm cho đối tượng kiểm tra;

e) Nghiên cứu và góp ý cho việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi quy phạm, tiêu chuẩn, hướng dẫn nghiệp vụ đăng kiểm;

g) Hướng dẫn nghiệp vụ cho Đăng kiểm viên tập sự.

2. Yêu cầu về kiến thức và trình độ chuyên môn:

a) Nắm được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của ngành có liên quan đến hoạt động đăng kiểm tầu cá;

b) Nắm vững quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, hướng dẫn nghiệp vụ thuộc lĩnh vực giám sát;

c) Hiểu rõ đối tượng kiểm tra, am hiểu thực tiễn của các cơ sở sản xuất và có phương pháp, khả năng thực hiện nhiệm vụ;

d) Đã tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành vỏ tầu, máy tầu, điện tầu thủy, cơ khí tầu thuyền, khai thác thủy sản;

đ) Được cấp giấy chứng nhận đào tạo nghiệp vụ Đăng kiểm viên tầu cá chương trình cơ bản;

e) Có trình độ ngoại ngữ Anh văn bằng A trở lên;

g) Có thời gian thực tập nghiệp vụ đăng kiểm tại các đơn vị đăng kiểm tối thiểu là 24 tháng đối với người có trình độ cung cấp, hoặc 12 tháng đối với người có trình độ kỹ sư trở lên.

Điều 10. Đăng kiểm viên hạng II

1. Nhiệm vụ cụ thể:

Ngoài các nhiệm vụ như đối với Đăng kiểm viên tầu cá hạng III, Đăng kiểm viên tầu cá hạng II còn phải thực hiện những nhiệm vụ sau:

a) Xét duyệt thiết kế hoán cải, thiết kế khôi phục hồ sơ kỹ thuật các loại tầu cá, trừ tầu cá nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

b) Kiểm tra, đánh giá trạng thái kỹ thuật lần đầu, định kỳ, hàng năm, bất thường các loại tầu các theo chuyên ngành đã được đào tạo;

c) Kiểm tra chế tạo vật liệu, máy móc và trang thiết bị lắp đặt trên tầu cá;

d) Tham gia giám định kỹ thuật, điều tra tai nạn đối với tầu cá;

e) Hướng dẫn nghiệp vụ cho Đăng kiểm viên tầu cá hạng III, Đăng kiểm viên tập sự.

2. Yêu cầu về kiến thức và trình độ chuyên môn:

Ngoài yêu cầu như Đăng kiểm viên tầu cá hạng III, Đăng kiểm viên tầu cá hạng II phải biết chủ trì, tổ chức thực hiện đầy đủ việc kiểm tra kỹ thuật, đánh giá tình trạng kỹ thuật chung của tầu cá và phải thỏa mãn các điều kiện:

a) Đã được bổ nhiệm Đăng kiểm viên hạng III và có thời gian giữ hạng liên tục tối thiểu là 3 năm đối với người có trình độ kỹ sư, 5 năm đối với người  có trình độ trung cấp;

b) Có trình độ ngoại ngữ Anh văn bằng B trở lên;

c) Đã được tập huấn và được cấp giấy chứng nhận đào tạo nghiệp vụ Đăng kiểm viên tầu cá - chương trình nâng cao theo chuyên môn được đào tạo.

Điều 11. Đăng kiểm viên hạng I

1. Nhiệm vụ cụ thể:

Ngoài các nhiệm vụ như đối với Đăng kiểm viên tầu cá hạng II, Đăng kiểm viên tầu cá hạng I còn phải thực hiện những nhiệm vụ sau:

a) Nghiên cứu khoa học, tham gia xây dựng quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn nghiệp vụ, giáo trình giảng dạy nghiệp vụ đăng kiểm;

b) Xét duyệt thiết kế đóng mới, hoán cải cho tất cả các loại tầu cá;

c) Kiểm tra, đánh giá trạng thái kỹ thuật lần đầu, định kỳ cho tất cả các loại tầu cá theo chuyên ngành kỹ thuật đã được đào tạo ở bậc đại học;

d) Thực hiện toàn bộ khối lượng kiểm tra hàng năm, bất thường tầu cá;

đ) Tham gia đào tạo Đăng kiểm viên khi được yêu cầu;

e) Tham mưu cho Thủ trưởng đơn vị về những vấn đề kỹ thuật, nghiệp vụ đăng kiểm khi được yêu cầu.

2. Yêu cầu về kiến thức và trình độ chuyên môn:

Ngoài yêu cầu như Đăng kiểm viên tầu cá hạng II, Đăng kiểm viên tầu cá hạng I phải thực hiện những yêu cầu sau:

a) Nắm vững chủ trương, đường lối phát triển của đơn vị, của ngành Đăng kiểm và nhu cầu xã hội;

b) Nắm vững các tiêu chuẩn kỹ thuật, các văn bản pháp quy và hướng dẫn nghiệp vụ của các chuyên ngành có liên quan để thực hiện nhiệm vụ;

c) Có khả năng xây dựng quy phạm, hướng dẫn nghiệp vụ đăng kiểm;

d) Đã tốt nghiệp đại học một trong các chuyên ngành vỏ tầu, máy tầu, điện tầu, vô tuyến điện, cơ khí tầu thuyền và có trình độ chuyên môn cần thiết về các chuyên ngành khác để thực hiện công tác đăng kiểm cho các loại tầu cá;

đ) Có trình độ ngoại ngữ Anh văn bằng C trở lên;

e) Đã được tập huấn và được cấp giấy chứng nhận đào tạo nghiệp vụ Đăng kiểm viên tầu cá - chương trình nâng cao theo tất cả các chuyên ngành;

g) Là Đăng kiểm viên tầu cá hạng II và có thời gian giữ hạng liên tục tối thiểu là 3 năm.

Chương 3:

CHẾ ĐỘ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG ĐĂNG KIỂM VIÊN TẦU CÁ

Điều 12. Đăng kiểm viên tầu cá có quyền lợi và nghĩa vụ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đăng kiểm tầu cá.

Điều 13.

1. Hình thức đào tạo đăng kiểm viên bao gồm:

a) Đào tạo theo chương trình cơ bản;

b) Đào tạo theo chương trình nâng cao;

2. Việc đào tạo, bồi dượng nghiệp vụ đăng kiểm viên tầu cá được tiến hành theo phương pháp tập trung và chia thành nhiều đợt.

Điều 14. Chương trình đào tạo đăng kiểm viên bao gồm:

1. Đào tạo cơ bản (từ 80 ¸ 120 tiết) gồm các nội dung:

a) Các kiến thức pháp luật cơ bản có liên quan đến công tác đăng ký, đăng kiểm tầu cá;

b) Nghiệp vụ cơ bản kiểm tra kỹ thuật tầu cá;

c) Thực tế kiểm tra tại cơ sở.

2. Đào tạo nâng cao gồm nhiều đợt mang tính chuyên đề, mỗi đợt (từ 60 ¸ 80 tiết) gồm các nội dung:

a) Phổ bíên các văn bản pháp quy mới;

b) Bổ sung các kiến thức pháp luật mang tính chuyên sâu;

c) Nghiệp vụ kiểm tra kỹ thuật tầu cá chuyên sâu theo từng chuyên đề: đăng ký tầu cá, giám sát đóng mới, thử tầu, thử các trang thiết bị.

Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản căn cứ vào chương trình xây dựng các giáo trình đào tạo và lập kế hoạch đào tạo cụ thể thông báo cho các đơn vị, cá nhân có liên quan biết trước khi tổ chức lớp học.

Điều 15. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên được trích từ nguồn kinh phí theo kế hoạch hàng năm của các đơn vị.

Chương 4:

BỔ NHIỆM VÀ MIỄN NHIỆM ĐĂNG KIỂM VIÊN TẦU CÁ

Điều 16. Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản có trách nhiệm bổ nhiệm và miễn nhiệm Đăng kiểm viên tầu cá cho các đăng kiểm trong phạm vi toàn quốc.

Điều 17. Việc bổ nhiệm các hạng Đăng kiểm viên tầu cá phải tuân theo đúng các quy định của Quy chế này và đề nghị của đơn vị trực tiếp quản lý Đăng kiểm viên.

Điều 18. Hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm đăng kiểm viên tầu cá, cụ thể như sau:

1. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm bao gồm:

a) Công văn đề nghị bổ nhiệm của cơ quan chủ quản;

b) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan chủ quản;

c) Bản tóm tắt quá trình công tác có xác nhận của cơ quan chủ quản;

d) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ có liên quan;

đ) Ảnh mầu 3 x 4 (03 chiếc).

2. Việc xét, bổ nhiệm đăng kiểm viên được tiến hành 2 đợt/năm.

3. Đối với đăng kiểm viên đổi thẻ, hồ sơ yêu cầu gồm có:

a) Giấy chứng nhận đã qua lớp đào tạo Đăng kiểm viên;

b) Công văn đề nghị của cơ quan chủ quản;

c) Ảnh mầu 3 x 4 (03 chiếc);

d) Thẻ đăng kiểm viên đã hết hạn (Bản chính).

Điều 19. Bổ nhiệm Đăng kiểm viên:

1. Sau khi được bổ nhiệm, Đăng kiểm viên được cấp thẻ và biển hiệu đăng kiểm viên tầu cá và được giao con dấu nghiệp vụ để thực thi nhiệm vụ.

2. Thẻ, biển hiệu đăng kiểm viên có thời hạn 36 tháng kể từ ngày cấp.

3. Con dấu nghiệp vụ được giao kèm khi cấp thẻ và được sử dụng theo thời hạn của thẻ đăng kiểm viên.

4. Mẫu thẻ và biểu hiện đăng kiểm viên tầu cá (như Phụ lục kèm theo).

5. Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản quy định mẫu dấu và phương thức sử dụng con dấu kỹ thuật.

6. Đăng kiểm viên tầu cá chỉ được sử dụng thẻ, biển hiệu đăng kiểm viên tầu cá và con dấu kỹ thuật trong khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra an toàn kỹ thuật.

Điều 20. Miễn nhiệm Đăng kiểm viên:

1. Đăng kiểm viên tầu cá bị miễn nhiệm và thu hồi Thẻ Đăng kiểm viên tầu cá khi bị xử lý kỷ luật với mức độ vi phạm nghiêm trọng một trong các trường hợp sau đây:

a) Vi phạm các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định hiện hành về đăng ký, đăng kiểm tầu cá.

b) Có hành vi tiêu cực, sách nhiễu, gây khó khăn cho cơ sở sản xuất trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

2. Hồ sơ miễn nhiệm đăng kiểm viên tầu cá bao gồm:

a) Công văn đề nghị của đơn vị chủ quản.

b) Quyết định xử lý kỷ luật đối với Đăng kiểm viên.

3. Khi các Đăng kiểm viên bị miễn nhiệm, nghỉ hưu, thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác, đơn vị chủ quản có trách nhiệm thu hồi thẻ, biển hiện và con dấu kỹ thuật và báo cáo về Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Mọi quy định trước đây trái với Quy chế này đều bị bãi bỏ.

Điều 22. Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này trong phạm vi toàn quốc./.

 

 

PHỤ LỤC

THẺ, BIỂN HIỆU ĐĂNG KIỂM VIÊN TÀU CÁ

1. Mẫu thẻ

Mặt trước

Mặt sau

2. Mẫu biểu hiện

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 05/2006/QĐ-BTS ban hành Quy chế Đăng kiểm viên tầu cá do Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành

  • Số hiệu: 05/2006/QĐ-BTS
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/02/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Thuỷ sản
  • Người ký: Lương Lê Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 33 đến số 34
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản