Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 34/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 7 năm 1981

 

CHỈ THỊ

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CUỘC VẬN ĐỘNG GIẢI QUYẾT SỐ QUÂN NHÂN ĐÀO BỎ NGŨ VÀ THANH NIÊN TRỐN TRÁNH THI HÀNH NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

Ủy ban nhân dân thành phố chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động giải quyết cơ bản tình trạng quân nhân đào bỏ ngũ và thanh niên trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự ở thành phố, đưa số anh em này trở lại cuộc sống hợp pháp, góp phần phục vụ xã hội và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Rút kinh nghiệm các đợt vận động trước, lần này cần kết hợp toàn diện các biện pháp theo kế hoạch sau đây:

I.- KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI

1) Tiến hành 1 đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong nội bộ Đảng, trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, trong các đoàn thể quần chúng, nhứt là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, và trong nhân dân. Nội dung chủ yếu là phổ biến học tập thông suốt tình hình và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chủ trương, chính sách nghĩa vụ quân sự, chủ trương giải quyết số quân nhân đào bỏ ngũ và trốn tránh nghĩa vụ quân sự v.v… nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể của quần chúng, tham gia thiết thực vào việc giáo dục vận động quân nhân đào bỏ ngũ, thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự trở lại vị trí, cùng với việc vận động thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự đợt tới. Học tập có liên hệ kiểm điểm tình hình địa phương và phân công trách nhiệm thực hiện.

2) Trên cơ sở tình hình đã nắm được, cộng với kết quả phát động quần chúng phát hiện, kê khai lập danh sách và tiến hành phân loại, giải quyết cụ thể đối với từng trường hợp theo các hướng sau:

a) Đối với quân nhân đào, bỏ, lạc ngũ:

- Đưa trở lại quân đội những người tự nguyện và đủ tiêu chuẩn.

- Ra quyết định cho xuất ngũ các trường hợp thuộc diện chính sách và địa phương kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan như: hộ khẩu, lương thực… tạo mọi điều kiện thuận lợi cho anh em.

- Giao cho quân đội xử lý các trường hợp không còn đủ tư cách quân nhân:

b) Đối với thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự:

- Tiếp tục động viên, giáo dục anh em thực hiện nghĩa vụ quân sự (đăng ký, khám sức khoẻ và gia nhập quân đội trong các đợt tới).

- Ra quyết định cho hoãn thi hành nghĩa vụ quân sự các trường hợp thuộc diện chính sách theo thông báo số 47/TB-UB  của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Quyết định cải tạo tại chỗ, cưỡng bức lao động số thanh niên sau nhiều lần giáo dục vẫn cố tình không chấp hành lệnh hoặc đã có hành vi gây rối trật tự, trị an.

Hình thức và mức độ xử lý cụ thể thực hiện theo Quyết định 191/CP của Hội đồng Chính phủ và Chỉ thị 192/CP ngày 23-6-1980 của Hội đồng Chánh phủ kèm theo.

3) Cùng với công tác giáo dục; vận động thanh niên, tiến hành đấu tranh và kiên quyết xử lý đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi bao che, cản trở việc thi hành nghĩa vụ quân sự :

- Đối với gia đình bao che hoặc đồng tình cho thân nhân trốn tránh, phải được đưa ra tổ dân phố góp ý, kiểm điểm giáo dục:

- Các đơn vị đã thu nhận những người trốn tránh nghĩa vụ quân sự, hoặc quân nhân đào bỏ ngũ, nhứt thiết phải trả về địa phương để xử lý. Ủy ban nhân dân phường, xã báo cáo và kiến nghị Ủy ban nhân dân quận, huyện đưa ra truy tố các cơ quan, đơn vị cố tình vi phạm.

- Đối với cán bộ công nhân viên Nhà nước có những hành động bao che, gây cản trở như: xuyên tạc chính sách nghĩa vụ quân sự, xúi giục, kích động tránh né, hoặc cản trở việc thi hành nghĩa vụ quân sự … thì phải được kiểm điểm xử lý nghiêm minh trong nội bộ Đảng, Đoàn, trong cơ quan, đơn vị tuỳ theo mức độ vi phạm. Đối vói những trường hợp sau nhiều lần giáo dục vẫn cố tình vi phạm phải được xử lý nghiêm khắc bằng những biện pháp hành chánh khác hoặc truy tố trước pháp luật.

4) Gắn chặt công tác giải quyết quân nhân đào bỏ ngũ, thanh niên trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự với các biện pháp thực hiện tốt công tác gọi thanh niên nhập ngũ và việc tổ chức tốt quản lý, giáo dục, huấn luyện, chăm sóc đời sống chiến sĩ mới.

Hội đồng nghĩa vụ quân sự thành phố cần có kế hoạch toàn diện, hướng dẫn cụ thể, có sơ kết kiểm điểm, biểu dương khen thưỏng những đơn vị, cơ sở làm tốt cả 2 mặt công tác: gọi thanh niên nhập ngũ và giải quyết quân nhân đào bỏ ngũ, thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự.

II.- TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

1) Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự thành phố và sự hướng dẫn của Ban Tuyên huấn, thủ trưởng các đơn vị, Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đồng loạt tổ chức phổ biến, sinh hoạt và học tập vấn đề này trong nội bộ Đảng, Đoàn Thanh niên cộng sản cơ sở, nội bộ cơ quan, xí nghiệp và tổ dân phố; có liên hệ, kiểm điểm, phát hiện các trường hợp quân nhân đào bỏ ngũ, thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự có mặt tại đơn vị, địa phương mình. Ngoài việc học tập chung, cần tiến hành việc giáo dục phát động tư tưởng cụ thể đối với cá nhân, gia đình có người vi phạm, động viên trách nhiệm và tinh thần tự giác thực hiện nghĩa vụ.

2) Hội đồng nghĩa vụ quân sự phường, xã (thường trực việc này là cơ quan quân sự, công an, thanh niên) chịu trách nhiệm lập danh sách thống kê, đề xuất ý kiến giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể. Cách giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể cần được công bố công khai trong quần chúng.

Hội đồng nghĩa vụ quân sự quận, huyện (lấy quận, huyện đội và Đoàn Thanh niên công sản Hồ Chí Minh làm nồng cốt) tổ chức tập trung số thanh niên này (một hoặc nhiều đợt) để học tập và giải quyết cụ thể. Số đưa trở lại quân đội, giao ngay cho Bộ Tư lệnh thành phố. Số giải quyết chính sách cho xuất ngũ, tạm hoãn nghĩa vụ quân sự, giới thiệu về địa phương chờ quyết định của Ủy ban nhân dân quận, huyện và Bộ Tư lệnh thành phố. Số phải bắt buộc lao động tập trung hoặc cải tạo tại chỗ, chuyển cho Sở Công an làm thủ tục.

Các ngành quân sự, Công an, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cần tập trung cán bộ cho công tác này trong một thời gian nhứt định.

3) Hội đồng nghĩa vụ quân sự thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, tổng hợp tình hình, thường xuyên báo cáo cho Ủy ban nhân dân thành phố. Đồng thời chịu trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí về công tác này. Chi phí cho quân nhân đào, bỏ ngũ, Bộ Tư lệnh thành phố thanh toán theo ngân sách quốc phòng. Chi phí cho thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự, Hội đồng nghĩa vụ quân sự thành phố làm việc cụ thể với Sở Tài chánh để thanh toán trong ngân sách nghĩa vụ quân sự địa phương.

***

Phát huy truyền thống thành phố 5 năm liền hoàn thành tốt công tác nghĩa vụ quân sự, các ngành, các cấp cần tổ chức quán triệt và thực hiện có kết quả chủ trương vận động quân nhân đào bỏ ngũ, thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Phấn đấu đến tháng 8/1981, giải quyết được căn bản tình hình quân nhân đào bỏ ngũ, thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự sống bất hợp pháp ở thành phố.

Làm tốt công việc này theo nội dung trên là góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội ở thành phố và thiết thực chuẩn bị thực hiện kế hoạch gọi thanh niên nhập ngũ đợt 2/1981.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 34/CT-UB năm 1981 về việc tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động giải quyết số quân nhân đào bỏ ngũ và thanh niên trốn tránh thi hành nghĩa vụ quân sự do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 34/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 01/07/1981
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Quang Chánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/1981
  • Ngày hết hiệu lực: 11/11/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản