Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/CT-UBND

 Quảng Nam, ngày 12 tháng 12 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG ĐẦU NGUỒN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

Rừng phòng hộ đầu nguồn có vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước, giảm xói mòn, bảo vệ đất, ngăn sự bồi lấp lòng sông, lòng hồ, điều hòa khí hậu, bảo đảm cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường,.... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhiều diện tích rừng đầu nguồn, trong đó có rừng đầu nguồn của các công trình thủy điện, thủy lợi đang bị chặt phá, khai thác gỗ trái phép nhưng chưa được kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời; việc quản lý các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện còn nhiều bất cập; tình trạng lợi dụng các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện để xâm nhập vào rừng nhưng chưa được quản lý chặt chẽ. Xảy ra tình trạng trên là do công tác quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn chưa được các Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý dự án thủy lợi, thủy điện, các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương sở tại quan tâm đúng mức, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các ngành chức năng trong công tác này chưa được chặt chẽ. Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại nêu trên nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong việc quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên đầu nguồn trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. UBND các huyện, thành phố:

- Tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 04/6/2010 của Tỉnh ủy Quảng Nam và Quyết định số 2762/QĐ-UBND ngày 01/9/2010 của UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;

- Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện, xã để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định tại Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT;

- Công khai, công bố Quy hoạch 3 loại rừng; Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện biết thực hiện;

- Chỉ đạo UBND cấp xã nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức lực lượng ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp xâm hại trái phép rừng tự nhiên; thông tin, báo cáo kịp thời các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, vận chuyển, tiêu thụ, tàng trữ lâm sản trái phép thuộc địa bàn quản lý.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường khẩn trương xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Đề án giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp đối với các chủ rừng là công ty, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh; đồng thời có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương trong việc triển khai xây dựng Phương án giao rừng, thuê rừng gắn với giao đất, thuê đất lâm nghiệp cho các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc theo đúng quy định;

 - Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm giao trách nhiệm cho các Hạt Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các Ban quản lý dự án thủy điện, Ban quản lý rừng phòng hộ thuộc địa bàn quản lý và chính quyền địa phương khẩn trương xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổ chức lực lượng tuần tra, truy quét, xóa bỏ những điểm nóng về khai thác, lấn chiếm trái phép rừng và đất rừng tự nhiên, vận chuyển trái phép lâm sản,...

- Chỉ đạo các Ban quản lý rừng quản lý tốt lâm phận được giao, tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, Ban quản lý dự án thủy điện, thủy lợi và lực lượng kiểm lâm trong việc kiểm tra, kiểm soát lâm sản, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm; triển khai thực hiện việc giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân sống tại địa phương để người dân được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

3. Các Ban quản lý dự án thủy lợi, thủy điện

- Chịu trách nhiệm quản lý tốt hồ chứa nước, công trình thủy lợi, thủy điện để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du; đồng thời có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các Ban quản lý rừng, các chủ rừng, Hạt Kiểm lâm sở tại và chính quyền địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng đầu nguồn. Thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện và tổ chức lực lượng phối hợp cùng các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong công tác tuần tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm đến khu vực rừng đầu nguồn của công trình thủy điện, hồ chứa nước thuộc đơn vị quản lý;

- Khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện Phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng sang xây dựng dự án thủy điện theo quy định tại Điểm 5, Điều 29 Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

4. Công an tỉnh: chỉ đạo lực lượng Công an huyện, thành phố tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý nghiêm minh, triệt để đối với các phương tiện đường thủy không có đăng ký hoạt động, không đảm bảo an toàn và tham gia vận chuyển lâm sản trái phép trên lòng hồ thủy lợi, thủy điện.

5. Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương, các ngành và đơn vị có liên quan trong việc tuần tra, truy quét, đẩy đuổi các đối tượng phá rừng, khai thác rừng trái phép; tổ chức tuần tra bảo vệ an ninh, quốc phòng kết hợp với thực hiện công tác bảo vệ rừng trong phạm vi đơn vị đóng quân.

6. Đề nghị UBMTTQVN tỉnh, các đoàn thể nhân dân tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và các văn bản pháp luật liên quan nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về vai trò của việc bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn; vận động nhân dân không tự ý hoặc không tiếp tay cho các tổ chức hay cá nhân phá rừng, khai thác gỗ trái phép.

Công tác bảo vệ rừng đầu nguồn của các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách. Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các Sở, ngành, các Ban quản lý dự án thủy lợi, thủy điện và đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Sở Nông nghiệp và PTNT theo dõi việc triển khai thực hiện và báo cáo kịp thời tình hình cho UBND tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- TV TU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan;
- Công an tỉnh; BCH Quân sự tỉnh,
 BCH Biên phòng tỉnh;
- Các BQL rừng phòng hộ;
- Các BQL dự án thủy lợi, thủy điện;
- Đài PT-TH tỉnh, Báo Quảng Nam;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, NC, KTN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 33/CT-UBND năm 2011 tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

  • Số hiệu: 33/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 12/12/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản