Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2008/CT-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 31 tháng 12 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC XỬ LÝ VI PHẠM TRẬT TỰ ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Ngày 07 tháng 12 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 180/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Để triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị cho các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan có liên quan thực hiện các nội dung công việc sau:

1. Sở Xây dựng:

1.1. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức quán triệt Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị đến các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Chủ trì phối hợp với cơ quan thường trực Hội đồng phổ biến pháp luật của tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến nội dung Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác về công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị;

1.2. Chỉ đạo Thanh tra Xây dựng chịu trách nhiệm thực hiện các công việc theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn:

a) Xử lý kiên quyết, đúng pháp luật và kịp thời các hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ và các quy định khác có liên quan. Trường hợp chủ đầu tư vắng mặt hoặc cố tình vắng mặt thì quyết định cưỡng chế phá dỡ vẫn phải được tổ chức thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Mọi trường hợp vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của Thanh tra Xây dựng mà không kịp thời xử lý như: không phát hiện kịp thời, xử lý không dứt điểm, không thông báo kịp thời đến đơn vị cung cấp điện, nước sau khi có biên bản xử lý để không cung cấp dịch vụ cho chủ đầu tư; không theo dõi, đôn đốc, phối hợp và thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ công trình, nhà ở do Chánh Thanh tra Xây dựng ban hành quyết định cưỡng chế; không ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ kịp thời (chậm nhất sau 03 ngày kể từ khi có quyết định đình chỉ thi công xây dựng) thì Chánh Thanh tra Xây dựng sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định.

b) Tiếp tục kiện toàn, củng cố đội ngũ thanh tra viên và các tổ đội công tác để đảm bảo công tác tuần tra kiểm soát; đồng thời kiên quyết thay thế những cán bộ, công chức kém năng lực chuyên môn, không đủ phẩm chất đạo đức, có biểu hiện tiêu cực trong đơn vị.

c) Nghiên cứu giải pháp và đề xuất nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động tuần tra kiểm soát thường xuyên, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét và quyết định bổ sung kinh phí.

d) Kiểm tra nắm chắc tình hình trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn; đặc biệt lưu ý đến các công trình phá dỡ thuộc diện bắt buộc phải có phương án phá dỡ được duyệt và đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện việc phá dỡ (theo quy định tại Điều 86 Luật Xây dựng và Điều 25 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ).

e) Phát hiện kịp thời và kiến nghị trình Giám đốc Sở Xây dựng xem xét để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh đối với những trường hợp công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị đã được cấp có thẩm quyền xử lý lập biên bản, đình chỉ thi công mà Ủy ban nhân dân cấp đó vẫn để chủ đầu tư tiếp tục tái phạm tại hiện trường vi phạm cũng như buông lỏng quản lý, không ban hành quyết định xử lý kịp thời.

g) Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các cấp địa phương nơi có công trình vi phạm để tổ chức phá dỡ trong thời hạn 03 ngày kể từ khi có quyết định đình chỉ thi công công trình xây dựng vi phạm mà chủ đầu tư vẫn cố tình không chấp hành.

h) Sau khi có quyết định xử lý đình chỉ thi công phải gửi văn bản thông báo đến cơ quan quản lý tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự xây dựng đô thị và yêu cầu thủ trưởng cơ quan đó phải tổ chức kiểm điểm và đưa vào xem xét thi đua cuối năm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.

i) Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Ninh Thuận mở chuyên mục, chuyên đề để đưa tin và biểu dương những thành tích của tổ chức, cá nhân trong việc phát hiện các hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị; đồng thời nêu tên đích danh chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu tư vấn giám sát thi công xây dựng có hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị kèm theo biện pháp xử lý.

2. Ủy ban nhân dân các cấp:

Quán triệt Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị đến các cơ quan, đơn vị và nhân dân tại địa phương.

Tăng cường chỉ đạo sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan, đoàn thể ở địa phương với Thanh tra Xây dựng và Đội Quản lý trật tự đô thị thuộc quyền trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng đô thị thuộc địa giới hành chính quản lý phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước lãnh đạo cơ quan cấp trên.

2.1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm:

a) Chỉ đạo toàn diện Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ và Chỉ thị này định kỳ và thường xuyên đến cán bộ và nhân dân biết, thực hiện.

b) Tổ chức thường xuyên tuần tra kiểm soát tình hình xây dựng trên địa bàn quản lý.

c) Nghiêm túc xử lý kiên quyết (phải kiểm tra dứt điểm và ra quyết định xử lý kịp thời) theo Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ và các quy định khác có liên quan. Trường hợp chủ đầu tư vắng mặt hoặc cố tình vắng mặt thì quyết định cưỡng chế phá dỡ vẫn phải được tổ chức thực hiện, chủ đầu tư phải chịu toàn bộ chi phí tổ chức thực hiện cưỡng chế phá dỡ.

d) Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể và phải xác định rõ trách nhiệm đến từng cán bộ, công chức làm công tác quản lý xây dựng trên địa bàn phụ trách; đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể bằng văn bản về việc đã chỉ đạo phân công nhiệm vụ thực hiện theo Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ.

e) Căn cứ theo Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ kiên quyết chấn chỉnh, xử lý Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và những cán bộ dưới quyền được phân công quản lý trật tự xây dựng đô thị để xảy ra vi phạm.

g) Chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn phụ trách và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh do để xảy ra vi phạm trong một tháng đối với các hành vi cụ thể như sau:

- Không xử lý Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và những cán bộ dưới quyền được phân công quản lý trật tự xây dựng đô thị để xảy ra vi phạm.

- Công trình xây dựng đã bị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm mà công trình đó vẫn tiếp tục tái phạm tại hiện trường.

- Không thông báo kịp thời đến đơn vị cung cấp điện, nước sau khi có biên bản xử lý để không cung cấp dịch vụ cho chủ đầu tư.

- Không theo dõi, đôn đốc và chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ công trình, nhà ở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố ban hành quyết định cưỡng chế.

- Chậm nhất là 03 ngày kể từ khi nhận được quyết định đình chỉ thi công do công trình xây dựng sai phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn gởi lên mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố không ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ kịp thời.

h) Không cấp Giấy phép kinh doanh cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và thương mại, dịch vụ sử dụng công trình xây dựng trái phép, sai phép làm trụ sở giao dịch, mặt bằng sản xuất kinh doanh;

2.2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:

a) Triển khai thực hiện ngay việc tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ và Chỉ thị này bằng nhiều hình thức để nhân dân biết, thực hiện.

b) Nghiêm túc xử lý kiên quyết (phải kiểm tra dứt điểm và ra quyết định xử lý kịp thời) theo Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ và các quy định khác có liên quan. Trường hợp chủ đầu tư vắng mặt hoặc cố tình vắng mặt thì quyết định cưỡng chế phá dỡ vẫn phải được tổ chức thực hiện theo đúng thẩm quyền và đúng quy định.

c) Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể và phải xác định rõ trách nhiệm đến từng cán bộ, công chức làm công tác quản lý xây dựng trên địa bàn mình phụ trách; đồng thời phải có báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố cụ thể bằng văn bản về việc đã chỉ đạo phân công nhiệm vụ thực hiện theo Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ.

d) Bố trí cán bộ, thanh tra viên thường xuyên tuần tra kiểm soát tình hình xây dựng trên địa bàn do mình quản lý.

e) Nhanh chóng tổ chức lực lượng cấm các phương tiện vận chuyển vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng công trình, nhà ở vi phạm trật tự xây dựng đô thị sau khi có quyết định đình chỉ thi công. Bố trí lực lượng Công an phối hợp bảo đảm an ninh - trật tự cho các tổ chức đang thi hành công vụ trên địa bàn, khi cần thiết có thể phối hợp với lực lượng dân quân để bổ sung, đồng thời trực tiếp triển khai thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ tất cả các công trình, nhà ở xây dựng vi phạm theo quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Chánh Thanh tra Xây dựng.

g) Đưa các dụng cụ tham gia thi công bị tịch thu do áp dụng hình thức phạt bổ sung về Công an xã, phường, thị trấn để tạm giữ; đồng thời phải gửi kết quả xử lý các trường hợp vi phạm về Thanh tra Xây dựng để tổng hợp.

h) Sau khi có quyết định xử lý đình chỉ thi công phải gửi văn bản thông báo đến cơ quan quản lý tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự xây dựng đô thị và yêu cầu thủ trưởng cơ quan đó phải tổ chức kiểm điểm, không xem xét hình thức thi đua khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.

i) Phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn phụ trách và chịu kỷ luật trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố do để xảy ra vi phạm đối với các hành vi cụ thể như sau:

- Không phát hiện kịp thời công trình, nhà ở xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chưa cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

- Kiểm tra không dứt điểm công trình xây dựng đã bị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm vẫn tiếp tục tái phạm tại hiện trường.

- Không thông báo kịp thời đến đơn vị cung cấp điện, nước sau khi có biên bản xử lý để không cung cấp dịch vụ cho chủ đầu tư.

- Không ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ kịp thời (sau 03 ngày đối với nhà ở không phải lập phương án phá dỡ) hoặc đối với công trình xây dựng không phép.

- Không tổ chức triển khai thực hiện việc phá dỡ theo quyết định cưỡng chế phá dỡ của cấp có thẩm quyền.

- Đối với công trình xây dựng vi phạm thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố hoặc Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng, chậm nhất là 24 giờ kể từ khi Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng không gửi hồ sơ lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố để tiếp tục xử lý.

- Đối với công trình, nhà ở xây dựng không có Giấy phép xây dựng nhưng đủ điều kiện để cấp Giấy phép xây dựng: trong thời hạn tối đa là 60 ngày, kể từ ngày có quyết định đình chỉ thi công xây dựng buộc chủ đầu tư phải xin cấp Giấy phép xây dựng theo quy định, chủ đầu tư không xuất trình Giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn không ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ.

- Xác nhận không đúng nội dung đối với hồ sơ xin cấp nước, xin cấp điện cho công trình, nhà ở xây dựng của chủ đầu tư liên quan đến việc xây dựng trái phép, sai phép.

3. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan:

3.1. Công an tỉnh: chỉ đạo cho Công an các huyện, thành phố, Công an xã, phường, thị trấn phối hợp, hỗ trợ cho lực lượng Thanh tra Xây dựng, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện các yêu cầu trong việc đình chỉ thi công xây dựng, quyết định cưỡng chế phá dỡ của cấp có thẩm quyền;

3.2. Sở Nội vụ: tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ sung biên chế công chức chuyên trách quản lý trật tự xây dựng cho cho chính quyền địa phương cấp xã để đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ được giao;

3.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: chỉ đạo các phòng chuyên môn trực thuộc không cấp Giấy phép kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân nếu sử dụng các công trình xây dựng trái phép, sai phép làm trụ sở giao dịch, mặt bằng sản xuất kinh doanh;

3.4. Sở Tài chính: cân đối ngân sách, tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giải quyết hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các lực lượng chuyên trách về lĩnh vực quản lý trật tự đô thị, đảm bảo cho hoạt động được thường xuyên và hiệu quả;

3.5. Các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước: khi nhận được thông báo xử lý đối với công trình, nhà ở vi phạm về trật tự đô thị của cấp có thẩm quyền thì phải kiên quyết không ký hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng và không cung cấp nước, cung cấp điện đối với công trình, nhà ở xây dựng không phép, sai phép. Đơn vị nào không chấp hành thì người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm và chịu xử lý theo quy định của pháp luật;

3.6. Nhà thầu thi công xây dựng: không được ký hợp đồng thi công xây lắp, không triển khai thi công với chủ đầu tư công trình, nhà ở không có giấy phép xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp;

3.7. Đài Phát thanh và Truyền hình: Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Ninh Thuận mở chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự xây dựng đô thị, thực hiện các phóng sự, tin, bài, hình ảnh về hoạt động của các lực lượng chuyên trách trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm trật tự xây dựng đô thị, nêu gương người tốt, việc tốt; đồng thời phê phán cá nhân, tổ chức làm ảnh hưởng đến trật tự xây dựng đô thị. góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

4. Tổ chức thực hiện

Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch, khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị này.

Sở Xây dựng có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ 6 tháng, năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Hữu Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 32/2008/CT-UBND về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

  • Số hiệu: 32/2008/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 31/12/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Đỗ Hữu Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/01/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản