- 1Quyết định 06/2006/QĐ-BNV ban hành quy chế đánh giá, xếp loại giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông công lập do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 2Quyết định 149/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2015" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 159/2002/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 09/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005 - 2010" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
BỘ GIÁO DỤC VÀ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
Số: 32/2006/CT-BGDĐT | Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA GIÁO DỤC MẦM NON, GIÁO DỤC PHỔ THÔNG, GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN VÀ CÁC TRƯỜNG, KHOA SƯ PHẠM TRONG NĂM HỌC 2006 - 2007
Thực hiện Chỉ thị số 22/2005/CT-BGDĐT ngày 29/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong năm học 2005-2006, toàn thể cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên đã phấn đấu rèn luyện, lao động, học tập lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X, hoàn thành về cơ bản các nhiệm vụ đề ra về đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giáo dục; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường và thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học; từng bước ổn định công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
Bên cạnh những mặt tiến bộ, việc khắc phục những yếu kém, bất cập tồn tại từ nhiều năm qua vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Chất lượng và hiệu quả giáo dục còn thấp, điều kiện bảm đảm phát triển giáo dục còn nhiều bất cập; giáo dục vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn. Công tác quản lý còn nhiều hạn chế, nhất là đối với giáo dục không chính quy, giáo dục ngoài công lập và những cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài. Tình trạng gian lận trong kiểm tra, thi cử chưa ngăn chặn được, gây bất bình trong nội bộ ngành và trong xã hội.
Trước tình hình thực tế hiện nay, trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng; căn cứ Luật Giáo dục năm 2005 và các nhiệm vụ đã được đề ra trong giai đoạn 2 của Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010; nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong năm học 2005-2006 đồng thời tạo chuyển biến cơ bản trong việc khắc phục những mặt yếu kém, bất cập của ngành, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thị trong năm học 2006-2007, toàn ngành giáo dục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và các trường, khoa sư phạm như sau:
1. Tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, trọng tâm là tổ chức thực hiện tốt phân ban kết hợp với tự chọn ở lớp 10; trên cơ sở giáo dục toàn diện chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hướng nghiệp và giáo dục pháp luật
a. Giáo dục mầm non:
Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg ngày 23/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2006 – 2015; xây dựng các chương trình, dự án chi tiết để thực hiện đề án này.
Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục mầm non. Xây dựng chuẩn phát triển trẻ trong độ tuổi mầm non, tiêu chí và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục mầm non.
Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng, bảo đảm an toàn và phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ. Đồng thời, mở rộng diện được cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và tích cực vận động cha mẹ của trẻ em trong độ tuổi giáo dục mầm non áp dụng các kiến thức, kỹ năng đã tiếp nhận được.
b. Giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông, tiếp tục rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện hướng dẫn thực hiện chương trình, sách giáo khao tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng và yêu cầu về thái độ; đồng thời vận dụng phù hợp với sự phát triển tư duy và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, trung học cơ sở ở từng vùng, miền và hướng dẫn thực hiện phù hợp với các phương thức giáo dục khác nhau.
Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 25/2006/CT-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện phân ban trung học phổ thông. Tập trung hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện phân ban kết hợp với tự chọn ở lớp 10, trong đó chú trọng việc tổ chức, sắp xếp học sinh vào các ban phù hợp với điều kiện, năng lực của nhà trường và nhu cầu học tập của học sinh; bồi dưỡng giáo viên, sắp xếp hợp lý đội ngũ giáo viên để thực hiện dạy đủ dạy đảm bảo chất lượng các môn và hoạt động giáo dục của chương trình; đáp ứng kịp thời, có chất lượng về cơ sở vật chất trường học và thiết bị dạy học theo yêu cầu thực hiện chương trình và sách giáo khoa lớp 10, nhất là việc thực hiện đại trà môn tin học, ngoại ngữ và các yêu cầu về thực hành, thí nghiệm.
Tiếp tục thực hiện chương trình bổ túc trung học cơ sở; biên soạn chương trình bổ túc trung học phổ thông trên cơ sở bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng và yêu cầu về thái độ đã được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông. Biên soạn sách hướng dẫn dạy học bổ túc trung học phổ thông phù hợp với đặc điểm người học và điều kiện thực hiện của cơ sở giáo dục thường xuyên. Đồng thời, chuẩn bị xây dựng các chương trình, tài liệu phục vụ hình thức tự học có hướng dẫn và học từ xa; kết hợp dạy văn hóa với dạy nghề; chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đáp ứng nhu cầu người học.
Tăng cường chỉ đạo dạy tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi trước khi vào lớp 1 và tiếp tục dạy tiếng Việt thông qua các môn học lớp 1, lớp 2 đối với con em đồng bào dân tộc. Tiếp tục biên soạn, chỉnh sửa tài liệu, sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc: H'Mông, Chăm, Jrai, Bana, Khmer; hoàn thiện tài liệu, sách giáo khoa dạy tiếng Pa ly và ngữ văn Khmer cho trường Bổ túc văn hóa Pa ly trung cấp Nam Bộ.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của nhà trường, nhất là ứng dụng trong giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục.
Sơ kết 5 năm thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; tăng cường chỉ đạo điểm nhằm rút kinh nghiệm việc triển khai và đánh giá việc thực hiện ở các cấp học phổ thông; việc vận dụng đối với vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Tăng cường chỉ đạo đối với xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, tàn tật. Tổ chức thực hiện chương trình học văn hóa cho học viên tại cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng.
c) Giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hướng nghiệp và giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, dạy đủ các môn học và tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp theo quy định về chương trình giáo dục. Bảo đảm các yêu cầu về giáo dục chủ nghĩa Mác Lêninh, tư tưởng Hồ Chí Minh; giáo dục thể chất; giáo dục thẩm mỹ; giáo dục quốc phòng; giáo dục hướng nghiệp; giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, phòng chống các tệ nạn xã hội, tội phạm, ma túy, HIV/AIDS; giáo dục trật tự an toàn giao thông và giáo dục pháp luật nói chung. Chuẩn bị điều kiện và chỉ đạo Hội khỏe Phù Đổng các cấp, tiến tới Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2008.
Đối với giáo dục đạo đức, lối sống, cần quán triệt tới toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, sinh viên yêu cầu "dạy chữ" đi đôi với "dạy người", dạy và học để làm người, dạy và học để có nghề; tập trung tổ chức thực hiện có kết quả cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"; trên cơ sở huy động sự tham gia của gia đình học sinh, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường và toàn thể xã hội trong việc lập lại kỷ cương, trật tự trong lĩnh vực giáo dục.
Thực hiện đầy đủ và có chất lượng hoạt động giáo dục hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông; nâng cao chất lượng dạy nghề phổ thông; duy trì hoạt động lao động trong các nhà trường.
Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật gắn với tổ chức, kiểm tra thường xuyên, xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên.
2. Phát triển hệ thống khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; tiếp tục đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá quá trình dạy và học theo yêu cầu phản ánh đúng chất lượng giáo dục và góp phần thực hiện các mục tiêu đào tạo
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục ở các sở giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh việc đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục.
Tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm việc tổ chức các kỳ thi và tuyển sinh năm 2006, trong đó rút kinh nghiệm việc xét, công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở; tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm 2005-2006; đánh giá về thi trắc nghiệm ngoại ngữ để chuẩn bị mở rộng phương pháp thi trắc nghiệm đối với một số môn khoa học tự nhiên từ năm 2007; đánh giá công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, kiểm điểm trách nhiệm và rút kinh nghiệm về công tác này đối với những địa phương để xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự khu vực thi; bàn giải pháp khắc phục tiêu cực trong các khâu tổ chức thi, có biện pháp ngăn chặn gian lận thi cử bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại như máy tính, máy điện thoại di động…
Hoàn thiện việc xây dựng phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009.
Tích cực triển khai để công tác kiểm tra, đánh giá quá trình dạy và học và kiểm định chất lượng có hiệu quả.
3. Đẩy mạnh phổ cập giáo dục; thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục
Tăng cường chỉ đạo để thu hút tối đa trẻ 5 tuổi đến trường, củng cố kết quả xóa mù chữ, đẩy mạnh phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, thực hiện phổ cập giáo dục trung học (phổ thông hoặc chuyên nghiệp) phù hợp với yêu cầu và điều kiện của từng địa phương. Trong công tác phổ cập giáo dục, cần tập trung chỉ đạo, ưu tiên đầu tư đối với các địa bàn đặc biệt khó khăn để đẩy nhanh tiến độ; đồng thời xác định yêu cầu bảo đảm chất lượng và tính bền vững là quan trọng nhất.
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập, thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia giáo dục cho mọi người, nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trung tâm học tập cộng đồng; phát triển giáo dục không chính quy, giáo dục từ xa, triển khai thực hiện kênh truyền hình và mạng giáo dục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận với giáo dục và đào tạo, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Tăng chỉ tiêu và thực hiện nghiêm túc quy chế cử tuyển, tuyển học sinh dân tộc vào các trường dự bị đại học; tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách phát triển giáo dục vùng dân tộc, vùng khó khăn; tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách theo Quyết định số 82/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các chính sách đối với con em người dân tộc thiểu số, con em gia đình thuộc diện được hưởng chính sách xã hội và con em gia đình nghèo.
4. Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương hoàn thành việc rà soát phân loại giáo viên, giảng viên theo Quy chế đánh giá, xếp loại giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông công lập ban hành kèm theo Quyết định số 06/2006/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; thực hiện Quy định về việc bồi dưỡng, sử dụng nhà giáo chưa đạt trình độ chuẩn ban hành kèm theo Quyết định số 22/2006/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng thời thực hiện nghiêm túc các chính sách, chế độ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đề xuất phương án nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Các trường sư phạm, khoa sư phạm, học viện quản lý giáo dục và các trường cán bộ quản lý giáo dục, các học viện, trường đại học, cao đẳng có đào tạo sư phạm cần nhanh chóng khắc phục sự hẫng hụt đội ngũ; nâng dần tỷ lệ giảng viên đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, có chức danh giáo sư, phó giáo sư để đáp ứng yêu cầu đào tạo mới. Các trường, khoa sư phạm cần xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên gắn kết chặt chẽ và phù hợp với yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
5. Tiếp tục củng cố mạng lưới trường lớp, xây dựng cơ sở vật chất nhà trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đồng bộ hóa
Về mạng lưới trường lớp: Hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và xây dựng đề án phát triển giáo dục chuyên nghiệp, trong đó phải thể hiện được tử tưởng về phân luồng sau giáo dục trung học cơ sở và sau trung học phổ thông.
Củng cố cơ sở giáo dục mần non, phấn đấu để hết năm 2006 - 2007, tất cả các xã thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đều có cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở hoặc trường phổ thông cơ sở. Tập trung đầu tư, củng cố, tăng cường cơ sở vật chất các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh, hỗ trợ phát triển trường phổ thông dân tộc bán trú, các trường và khoa dự bị đại học, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, phát triển các trung tâm học tập cộng đồng. Sơ kết, đánh giá việc thí điểm mô hình trường trung học phổ thông kỹ thuật.
Về việc xây dựng trường, lớp học: Tập trung hoàn thành mục tiêu Chương trình kiên cố hóa trường lớp học theo Quyết định số 159/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các địa phương chưa hoàn thành cần đẩy nhanh tiến độ, các địa phương đã hoàn thành cần quan tâm đầu tư xây dựng thêm các hạng mục khác để phục vụ yêu cầu giáo dục toàn diện. Về phía Bộ, sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 để thực hiện yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa nhà trường theo tinh thần Nghị quyết Đại học Đảng lần thứ X; tiếp tục huy động các nguồn lực quốc tế đầu tư xây dựng trường lớp, giải quyết tình trạng tái xuất hiện phòng học tạm và phòng học 3 ca.
Về công tác thiết bị: Tập trung chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về triển khai công tác thiết bị giáo dục, bảo đảm cung cấp kịp thời, có chất lượng và đủ các thiết bị tối thiểu phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông, đặc biệt là thiết bị đối với lớp 5 và lớp 10. Các địa phương kiểm tra, đánh giá lại cơ sở vật chất và toàn bộ thiết bị dạy học đã được trang bị để có căn cứ xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đồng bộ dùng cho các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả sử dụng.
Các trường, khoa sư phạm, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp cần được đầu tư nhiều hơn để đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, ưu tiên cho việc xây dựng và củng cố phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, thư viện điện tử, nối mạng máy tính, các phòng tập luyện thể dục thể thao.
6. Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài; tích cực trao đổi kinh nghiệm phát triển giáo dục, nâng cao vị thế giáo dục Việt Nam trong khu vực và trên thế giới
Các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các nhà trường chủ động đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục.
Khuyến kích các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm, có tiềm lực, có trình độ tiên tiến thành lập cơ sở giáo dục tại Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục liên kết đào tạo, trao đổi về chương trình, giáo trình, chuyên gia… với nước ngoài, từng bước nâng cao mặt bằng chất lượng giáo dục Việt Nam để hội nhập với khu vực và quốc tế.
Chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công các hoạt động quốc tế mà ngành đã đăng cai, đặc biệt là kỳ thi Olympic toán quốc tế 2007 tại Việt Nam và hoạt động của tổ chức Bộ trưởng các nước Đông Nam Á (SEAMEO).
Trong năm học mới, Bộ sẽ tổ chức cho các đồng chí giám đốc sở giáo dục và đào tạo đi một số nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới học tập kinh nghiệm phát triển giáo dục trong 10 năm qua và định hướng chiến lược trong 10 năm tới để rút kinh nghiệm, vận dụng vào Việt Nam. Bộ khuyến khích các nhà khoa học, nhà giáo, nhà sư phạm… tìm hiểu, dịch tài liệu về chiến lược giáo dục của các nước; tư vấn cho Bộ về chiến lược phát triển giáo dục.
7. Chấn chỉnh nền nếp, kỷ cương; đổi mới cơ bản công tác thi đua – khen thưởng; thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, quyết tâm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh
Năm học này toàn ngành tập trung tổ chức thực hiện có kết quả cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", trước hết các thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục từ cơ sở kiên quyết không thực hiện hành vi tiêu cực, không dung túng, tiếp tay, bao che, né tránh các tiêu cực trong thi cử, kiểm tra, đánh giá học sinh, sinh viên, quyết tâm chấn chỉnh nền nếp, kỷ cương, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh. Để làm được việc này, các địa phương cần chủ động đề xuất các giải pháp đồng bộ, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Thanh tra giáo dục các cấp cần được tăng cường lực lượng và nâng cao trách nhiệm để trở thành lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục. Đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành, bảo đảm tính khách quan, độc lập và hiệu quả của thanh tra trong giáo dục; giải quyết có hiệu quả các kết luận sau thanh tra. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, đúng các quy định của pháp luật đối với các vi phạm quy định về đầu tư, liên kết đào tạo với nước ngoài, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người học.
Cùng với việc chấn chỉnh kỷ cương, nền nếp, tiến hành đổi mới công tác thi đua – khen thưởng theo hướng công tác thi đua phải phục vụ thiết thực việc dạy tốt hơn, học tốt hơn, quản lý hiệu quả hơn; động viên, khen thưởng và phổ biến các điển hình dạy tốt, học tốt, quản lý giỏi. Trước mắt, rà soát lại nội dung các tiêu chí thi đua, cách tổ chức, đánh giá phong trào và hoạt động thi đua – khen thưởng, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế, nâng cao trách nhiệm và tính trung thực trong báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu thi đua.
Chú trọng việc xây dựng hành lang pháp lý để phát triển giáo dục, tiếp tục phổ biến sâu rộng Luật giáo dục năm 2005 trong và ngoài ngành; triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục; hoàn thành soạn thảo, ban hành văn bản quy định cụ thể theo yêu cầu của Luật. Đồng thời, rà soát hệ thống văn bản hiện hành, tiến hành sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các quy định của Luật Giáo dục năm 2005, tạo nền tảng pháp lý cho phát triển giáo dục.
Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả các dự án vốn vay, các dự án viện trợ song phương, đa phương và dự án đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Bộ phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, xây dựng những điều chỉnh về phân công, phân cấp quản lý và hoàn thiện các văn bản pháp quy về công tác quản lý các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài.
Quy định công khai, minh bạch các trường hợp được dạy thêm có hưởng thù lao và dạy thêm không hưởng thù lao. Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định số 49/2005/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, tập trung giải quyết dứt điểm các khiếu tố, khiếu nại tồn đọng kéo dài.
Tổ chức thực hiện có kết quả các Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật phòng, chống tham nhũng ban hành kèm theo các quyết định số 25/2006/QĐ-TTg và số 30/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Để việc tổ chức thực hiện Chỉ thị có kết quả tốt, yêu cầu:
Các giám đốc sở giáo dục và đào tạo tổ chức triển khai, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các phòng giáo dục, các nhà trường và cơ sở giáo dục khác ở địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học; tham mưu với tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, tranh thủ sự cộng tác, phối hợp, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể để ngành giáo dục có điều kiện thuận lợi thực hiện nhiệm vụ năm học.
Các giám đốc, hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có đào tạo sư phạm chịu trách nhiệm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện theo chức năng nhiệm vụ, đồng thời tham gia tháo gỡ những vướng mắc của ngành, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển.
Các đồng chí lãnh đạo Bộ chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị trong cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp quản lý giáo dục địa phương và các trường trực thuộc thực hiện nhiệm vụ năm học; kịp thời báo cáo, phản ánh tình hình, đề xuất các giải pháp chỉ đạo để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện.
Chỉ thị này được phổ biến tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan giáo dục, các nhà giáo ở các trường học và cơ sở giáo dục thuộc loại hình công lập và ngoài công lập hệ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp và các trường sư phạm, các trường có khoa sư phạm để quán triệt và thực hiện.
Chỉ thị có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 2375/QĐ-BGDĐT năm 2010 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Giáo dục và Đào tạo và liên tịch ban hành từ năm 1986 đến năm 2007 hết hiệu lực do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2Chỉ thị 2737/CT-BGDĐT năm 2012 về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2012 - 2013 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3Chỉ thị 3004/CT-BGDĐT năm 2013 về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2013 - 2014 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 1Quyết định 06/2006/QĐ-BNV ban hành quy chế đánh giá, xếp loại giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông công lập do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 2Quyết định 149/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2015" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 159/2002/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 09/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005 - 2010" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Chỉ thị 2737/CT-BGDĐT năm 2012 về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2012 - 2013 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 6Chỉ thị 3004/CT-BGDĐT năm 2013 về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2013 - 2014 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Chỉ thị 32/2006/CT-BGDĐT về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và các trường, khoa sư phạm trong năm học 2006 - 2007 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- Số hiệu: 32/2006/CT-BGDĐT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 01/08/2006
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 3 đến số 4
- Ngày hiệu lực: 23/08/2006
- Ngày hết hiệu lực: 14/06/2010
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực