Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI THƯƠNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 311-NT

Hà Nội, ngày 29 tháng 05 năm 1964 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THU MUA VÀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN HIỆN NAY

Năm nay bên cạnh những chuyển biến tốt, tình hình sản xuất và thị trường nông sản vẫn đang tồn tại những khó khăn có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện kế hoạch thu mua nông sản của Nhà nước.

Bước vào đầu vụ sản xuất, việc gieo trồng một số loại nông sản chủ yếu chưa đảm bảo diện tích theo kế hoạch Nhà nước; thời tiết không thuận lợi có ảnh hưởng làm giảm một phần năng suất và chất lượng của cây trồng và sản phẩm (thuốc lá, đỗ tương, đỗ các loại, lạc v.v…).

Trên thị trường, người buôn bán nhỏ chưa được giải quyết căn bản, thương nhân vẫn còn lén lút mua bán nông sản chủ yếu. Tuy mới đầu vụ thu mua, nhưng một số nơi đã thất xuất hiện trên thị trường việc buôn bán tự do hoặc vận chuyển lén lút trên tầu, xe những mặt hàng Nhà nước quản lý như chè búp, lạc, đậu tương, đay, gai, cói, tơ tằm v.v… Trong tháng 05-1964, đoạn đường sắt nối liền khu 4 hoàn thành, thương nhân cũng sẽ lợi dụng hút hàng nông sản từ nơi sản xuất tập trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa) đến nơi tiêu thụ.

Trong nông dân, nếu không được giáo dục kỹ và quản lý tốt thì thường nhân lúc thời vụ thất bát họ dễ nẩy sinh tư tưởng muốn giữ lại nhiều sản phẩm và sản phẩm tốt để bán ra thị trường tự do với giá cao hơn. Một số vùng do đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nên một số nông dân cũng sẽ bỏ sản xuất chạy ra buôn bán những mặt hàng này.

Trong khi tình hình sản xuất và thị trường như trên thì nhiệm vụ thu mua nông sản năm nay lại rất nặng nề và khẩn trương, đòi hỏi ngành ta phải có một sự nổ lực phấn đấu rất lớn để hoàn thành nhiệm vụ thu mua nắm nguồn hàng trong tay Nhà nước. Nhiệm vụ thu mua nông sản năm nay giữ một vị trí hết sức quan trọng cho nhu cầu xuất khẩu và có một số mặt hàng có quan hệ đến đời sống hàng ngày của nhân dân các thành phố và khu công nghiệp. Hoàn thành thu mua nông sản năm 1964 còn góp phần quan trọng tạo ra những điều kiện thuận lợi để chuẩn bị cho việc hoàn thành kế hoạch năm 1965, bảo đảm hoàn thành những nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất; đồng thời góp phần quan trọng trong cho việc giải quyết các mặt cân đối chủ yếu trong nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, Bộ nhắc các Sở, Ty phải hết sức coi trọng công tác thu mua nắm nguồn hàng, coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và là khâu then chốt của toàn ngành thương nghiệp trong thời vụ thua mua.

Về mặt tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo thu mua năm nay là phải ra sức khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo thực hiện kế hoạch thu mua nông sản của Nhà nước; không những phải phấn đấu đạt chỉ tiêu về số lượng mà còn phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng mà Nhà nước đã quy định.

Về chính chính thu mua, cần quán triệt hơn nữa tinh thần chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong chỉ  thị số 52 và thông tư số 53 là phải:

a) Đối với những loại nông sản thuộc nguyên liệu rất thiết yếu cho công nghiệp và là vật tư xuất khẩu Nhà nước phải nằm tuyệt đại bộ phận nguồn hàng (bông ở đồng bằng, đay gai, cói, tơ tằm, thuốc lá, thuốc lào, chè búp, chè khô, sơn, hạt thầu dầu, lạc…); không có thị trường tự do về buôn bán cũng như về trao đổi. Cụ thể như lạc cũng chỉ để lại vừa đủ làm giống cho vụ sau có sự tính toán cho sát; người tiêu dùng có thể để lại một số rất ít tiêu dùng cần thiết vào loại lạc kém, không tiêu lạc tốt. Người không trồng lạc không ăn lạc, không được dùng lạc chế biến bánh kẹo hoặc rang, luộc để bán.

b) Đối với những loại nông sản vừa là nguyên liệu cho công nghiệp, vật tư cho xuất khẩu vừa là thực phẩm của nhân dân thì, Nhà nước phải tiến hành thu mua một phần quan trọng với số lượng nhiều hơn năm trước (đậu tương, đậu các loại nhất là đậu xanh, vừng, dừa ép dầu…). Những loại nông sản chủ yếu này Nhà nước đều phải quản lý chặt chẽ trên thị trường, không để ai buôn bán tự do kiếm lời. Nông dân sau khi bán đủ nông sản theo quy định của Nhà nước, được trao đổi phần còn loại giữa người sản xuất và người tiêu dùng tại chợ nông thôn gần nhất. Riêng đậu tương là một trong những mặt hàng thực phẩm chủ yếu dùng phần lớn vào việc chế biến đậu phụ cấp có kế hoạch nhu cầu ở các thành phố và khu công nghịêp; mức độ thu mua năm nay phải cao hơn và việc quản lý khâu chế biến và lưu thông trên thị trường phải chặt chẽ hơn, phải hạn chế không để tư nhân đưa đậu tương và đậu phụ váo thành phố bán tự do, ở nông thôn cũng cần vận động tiết kiệm tiêu dùng với mức độ cần thiết.

Nói chung mọi hoạt động buôn bán, chế biến lén lút của thương nhân, mọi hành động vận chuyển đường dài các mặt hàng nông sản này trên các tuyến đường giao thông thủy, Bộ đều phải được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Để làm tốt những việc nói trên, cần phải hết sức coi trọng quần chúng nhân dân và biện pháp tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong quần chúng nhân dân và biện pháp quản lý tận gốc là chủ yếu, đồng thời phải chú ý đúng mức biện pháp quản lý hành chính trên thị trường. Trong ba mặt ấy không thể xem nhẹ mặt nào. Ở các thành phố và khu công nghiệp ngoài nhiệm vụ thu mua, phải chú trọng quản lý thị trường hơn nữa để hỗ trợ cho thị trường nông thôn.

1. Về công tác tuyên truyền giáo dục cần kết hợp với các cuộc vận động lớn hiện nay, đặc biệt kết hợp trong cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp, vận động đi xây dựng kinh tế miền núi, điều chỉnh dân số, v.v… để tiến hành việc giáo dục đối với người sản xuất, người buôn bán, người tiêu dùng (trong cán bộ, bộ đội, các cơ quan, công trường, xí nghiệp và nhân dân) ở nông thôn và thành phố làm cho mọi người thông suốt, chấp hành chính sách thu mua, phân phối, tiêu dùng và quản lý thị trường của Nhà nước. Đối với người buôn bán, ngoài việc tiếp tục vận động chuyển họ sang sản xuất vẫn phải chú ý tập họp hướng dẫn họ học tập chính sách theo từng xã, từng vùng kể cả tiểu thương hợp tác và cá thể, kể cả chuyên nghiệp và thời vụ, để họ liên hệ kiểm điểm và khắc phục lối làm ăn trái vừa qua.

2. Việc quản lý tận gốc cần hết sức chú ý bám sát từ đầu vụ để phục vụ sản xuất để phục vụ sản xuất phát triển như lâu nay đã làm, đồng thời cũng phải bám sát từ đầu vụ thu hoạch để nắm chắc tình hình, nắm chắc sản lượng tiến hành vận động xã viên và nông dân cá thể bán xong nông sản theo mức quy định của Nhà nước trước rồi mới dành phần để lại tiêu dùng sau làm tốt việc trao đổi hàng hóa, thực hiện mua thêm theo giá khuyến khích và thực hiện chế độ thưởng vật chất kịp thời cho những đơn vị và cá nhân hoàn thành vượt kế hoạch bán nông sản cho Nhà nước. Mặt khác, năm nay cần phải chú trọng giúp đỡ thiết thực để tạo điều kiện cho hợp tác xã mua bán xã phát huy chức năng hỗ trợ hơn nữa cho công tác thu mua nông sản và góp phần cải tạo thương nhân, quản lý thị trường ở nông thôn.

3. Việc quản lý trên thị trường cần phải được tăng cường đúng mức, có sự phân biệt với các đối tượng hoạt động trên thị trường và tùy từng mặt hàng họ vi phạm mà xử lý thích đáng và kịp thời,

- Đối với người buôn bán: (kể cả hợp tác xã và cá thể, ở thành thị cũng như ở nông thôn). Không cho phép họ kinh doanh những mặt hàng nông sản nói trên, hoặc dùng những nguyên liệu nông sản này để sản xuất, chế biến ra những sản phẩm hàng hóa bán tự do. Ngăn chặn không cho họ len vào nông thôn nâng giá tranh mua với mậu dịch và hợp tác xã mua bán. Kiên quyết loại trừ thương nhân buôn chuyến, không những buôn chuyyến nông sản chủ yếu mà loại trừ cả buôn chuyến đối với các mặt hàng nông, lâm sản, thực phẩm khác. Phải kịp thời phát hiện bọn đầu cơ, tích trữ và buôn lậu hàng nông sản chủ yếu. Các Sở, Ty cần kết hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, tài chính, hàng hải, giao thông vận tải (đường thủy, ô tô, tàu hỏa) để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi buôn bán trái phép của tư thương.

- Đối với nông dân: Chủ yếu là phải giáo dục họ thông hiểu chính sách. Nếu sau khi họ đã bán xong phần nông sản theo mức quy định của Nhà nước, thì họ được đem bán một phần sản phẩm còn lại cho người tiêu dùng tại chợ nông thôn nguyên liệu tại thôn gần nhất (trừ những loại nông sản thuộc nguyên liệu rất thiết yếu cho công nghiệp và là vật tư sản xuất xuất khẩu đã nêu ở phần trên). Nhưng hiện nay tư thương còn trà trộn gây rối loạn trên thị trường, nên cần thiết Ủy ban hành chính xã và cơ quan thu mua phải tạm thời cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành bán nông sản cho những nông dân muốn đem số sản phẩm thừa ra trao đổi ngoài thị trường.

Đối với những nông dân chưa thực hiện xong kế hoạch bán nông sản mà đã mang sản phẩm ra bán trên thị trường thì cần giáo dục tại chỗ và vận động họ bán cho cửa hàng thu mua gần đấy. Cần phân biệt những trường hợp có người tuy là nông dân nhưng họ đã lợi dụng vơ vét nông sản chủ yếu của người khác đem ra chợ bán kiếm lời thì sau khi xử lý về mặt hàng hóa như đối với thương nhân khác, cần bảo vệ nơi họ ở để tăng cường giáo dục và ngăn chặn lần sau. Tuy nhiên, điều quan trọng là mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán xã cần phải hết sức cố gắng nắm chặt nguồn hàng theo kế hoạch nhưng đồng thời phải nắm thêm số lượng nông sản hàng hóa còn lại trong nông dân trên tất cả các địa bàn sản xuất tập trung cũng như lẻ tẻ.

- Đối với nông trường: Yêu cầu thực hiện chế độ giao nạp toàn bộ sản phẩm cho Nhà nước mà Chính phủ đã ban hành. Các Sở, Ty cần bàn bạc cụ thể với các nông trường về vấn đề này để có kế hoạch ngăn chặn hàng hóa nông sản lọt từ các nông trường ra thị trường tự do. Đối với những sản phẩm của nông trường chưa ghi vào kế hoạch giao nạp cho Nhà nước thì ngành thương nghiệp địa phương cần ký hợp đồng thu mua với nông trường theo giá cả Nhà nước quy định không để nông trường phải bán loại sản phẩm ấy cho người khác, nơi khác.

- Đối với các đối tượng tiêu dùng: (kể cả cơ quan, xí nghiệp, công trường, các cơ sở sản xuất và chế biến thủ công, cán bộ trong các ngành, bộ đội và nhân dân). Sau khi được giáo dục, phổ biến chính sách cần quản lý chặt chẽ không để họ lợi dụng chức vụ, giấy tờ công tác, phương tiện chuyên chở để vào nơi sản xuất hoặc ra thị trường mua các loại nông sản chủ yếu nói trên gây trở ngại cho công tác thu mua. Những hành động lợi dụng mua đi, bán lại hoặc lợi dừng quà biếu để trục lợi đều phải xử lý nghiêm khắc. Đối với những tổ chức và cá nhân nào vi phạm thì cần giải thích thu mua lại hàng hóa tại chỗ và đưa về cơ quan, đơn vị kiểm điểm. Đặc biệt cần chú ý đối với khâu giao thông vận tải (ô-tô, tầu hỏa, đường thủy) của quốc doanh, công tư hợp doanh, của các cơ quan, xí nghiệp và các đoàn xe trong quân đội, cần có sự phối hợp chặt chẽ để họ hỗ trợ đắc lực cho công tác tuyên truyền giáo dục trong nội bộ ngành này (dựa vào tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên và tổ chức chuyên môn); yêu cầu các ngành có kế hoạch ngăn chặn mọi hoạt động dùng trong phương tiện Nhà nước để vận chuyển hàng nông sản lâm sản trái phép cho thương nhân hoặc lợi dụng mua bán trục lợi.

Nhận được chỉ thị này, các Sở, Ty cần báo cáo và xin cấp ủy và Ủy ban hành chính cung cấp có kế hoạch thường xuyên kết hợp các khâu sản xuất, thu hoạch và thu mua để kịp thời giải quyết những khó khăn, đồng thời chỉ thị cho tất cả các ngành trong địa phương (kể cả cơ quan, xí nghiệp của trung ương và các đơn vị bộ đội đóng tại địa phương) và các Ủy ban hành chính huyện, nhất là Ủy ban hành chính xã thấu hiểu tính chất quan trọng, khẩn trương của nhiệm vụ thu mua nắm nguồn hàng nông sản của Nhà nước trong năm nay để có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, sự hưởng ứng của toàn dân và sự ủng hộ của các ngành một cách thiết thực. Nếu cần, đề nghị Ủy ban hành chính các cấp thông báo lại trong nhân dân biết những mặt hàng nông sản chủ yếu mà Nhà nước đã thống nhất quản lý.

Tùy theo hoàn cảnh của từng địa phương, các Sở, Ty có chủ động mở cuộc họp với các ngành có liên quan như: tài chính, công an, hải quan, giao thông vận tải, bưu điện truyền thanh v.v… để bàn các kế hoạch phối hợp công tác. Trong nội bộ ngành cần tăng cường giáo dục đối với tất cả các cán bộ, công nhân viên, mậu dịch viên (kể cả cán bộ các Vụ, Cục và đơn vị trực thuộc Bộ) để chấp hành tốt tinh thần chỉ thị này; mặt khác phải tăng cường sự kiểm tra, đôn đốc hơn nữa đối với các công ty và cửa hàng thu mua nông lâm sản, các phòng thương nghiệp và các ban quản lý thị trường chợ và các khu vực thực hiện tốt kế hoạch thu mua và quản lý thị trường theo tinh thần chỉ thị này.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG
THỨ TRƯỞNG
 


 

Lê Đông

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 311-NT năm 1964 về tăng cường công tác thu mua và quản lý thị trường nông sản hiện nay do Bộ Nội thương ban hành

  • Số hiệu: 311-NT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 29/05/1964
  • Nơi ban hành: Bộ Nội thương
  • Người ký: Lê Đông
  • Ngày công báo: 01/07/1964
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 13/06/1964
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản