PHỦ THỦ TƯỚNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 249-TTg | Hà Nội, ngày 19 tháng 06 năm 1961 |
VỀ CHỦ TRƯƠNG BIỆN PHÁP THU MUA VÀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN HIỆN NAY.
Công tác thu mua nông sản năm nay tiến hành trong lúc tình hình có những đặc điểm sau đây:
1. Sau vụ lúa chiêm năm 1960 bị mất nặng, tình hình lương thực có nhiều khó khăn,đã ảnh hưởng không tốt đến các mặt trồng cây công nghiệp và chăn nuôi. Cụ thể là trong vụ sản xuất đông xuân này, tính đến tháng 1-1961, trừ thầu dầu đạt 127,8%, đỗ tương 107,3% kế hoạch diện tích, chè và sơn gần đạt kế hoạch,còn hầu hết đều chưa đạt mức kế hoạch, bông mới đạt 62,5%, thuốc lá 87,3% , đay 40,2%, gai 53.9%, cói 41,6%, dâu tằm 56,3%, mía 84,7%, lạc 68,4%, đỗ các loại 75,4%, vừng 47,3%, v…
Tất nhiên, tình hình sản xuất như trên không phải hoàn toàn do tinh hình lương thực khó khăn đã tác động đến tư tưởng sản xuất của nông dân mà một phần là do việc chỉ đạo thực hiện sản xuất nông nghiệp của các cấp chưa toàn diện, tập trung lãnh đạo sản xuất cây lương thực là đúng nhưng chưa coi trọng đúng mức sản xuất các loại cây công nghiệp. Mặc khác công tác thu mua nông sản vừa qua có nhiều thiếu sót đã ảnh hưởng đến tinh thần phấn khởi sản xuất của nông dân.
2. Năm nay nhu cầu về cây công nghiệp và các loại nông sản khác đều tăng nhiều so với những năm trước.
- Nhu cầu của nhân dân thành thị, khu công nghiệp tập trung và nông thôn về một số loại nông sản có thể thay thế lương thực và thực phẩm tăng lên rất nhiều như : lạc, đỗ tương, vừng và đỗ các loại.
- Nhu cầu nguyên liệu của các xí nghiệp công nghiệp,thủ công nghiệp, của ngư nghiệp ngày càng nhiều và tập trung nhất là đối với những loại như mía, chè, thuốc lá, gai, tơ tằm, cói.
- Yêu cầu về vật tư xuất khẩu cũng đòi hỏi phải cố gắng xuất thêm những thứ nông lâm thổ sản có thể xuất để giải quyết một phần khó khăn về ngoại thương.
3. Tình hình sản xuất chưa đáp ứng với nhu cầu, nên giá cả một số loại nông sản trên thị trường từ đầu năm đến nay không ổn định, nhất là những loại như lạc, đậu các loại vừng,vv… giá cả thị trường tự do cao gấp 2,3 lần so với giá chỉ đạo thu mua của Nhà nước. Có số người lao động thành thị và nông thôn trở lại đi buôn bán tự do các loại hàng này, ảnh hưởng đến đời sống cửa những tổ hợp tác tiểu thương chịu sự quản lý của cơ quan thương nghiệp Nhà nước về luồng hàng và giá cả. Những người làm nghề chế biến không những đi mua để chế biến bán hàng ngày, mà còn mua thêm một phần để trữ lại, ở những vùng phi nông nghiệp tập trung như các thành phố, miền biển, v.v… người tiêu thụ cũng mua đậu, lạc, vừng trữ lại ăn dần, một số cơ quan đơn vị, bộ đội, công, nông trường học tự động ra thị trường và về tận nông thôn mua thực phẩm, đẩy giá cao lên một phần.
Ở nhiều nơi, nông dân muốn giữ nông sản lại để dùng hoặc để bán ra thị trường được giá cao hơn, không muốn bán cho Nhà nước. Một số hợp tác xã khi thu hoạch nông sản đã đem chia hết cho xã viên,không hợp đồng hoặc ký bán rất ít cho Nhà nước, hoặc đã ký rồi do dự không tích cực thực hiện đúng theo như hợp đồng đã ký. Một vài nông trường quốc doanh cũng giữ sản phẩm lại để dùng hoặc đem ra thị trường bán giá cao, không chấp hành nghiêm chỉnh nhiệm vụ giao nộp sản phẩm cho Nhà nước.
Tất cả những yếu tố về sản xuất và thị trường trên đây làm cho việc thu mua nông sản của Nhà nước năm nay có nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn đó,công tác thu mua nông sản hiện nay cũng có nhiều thuận lợi căn bản.
- Lúa và ngô khoai vụ chiêm đang thu hoạch rộ và được mùa ,giá cả lương thực ở thị trường đã giảm xuống rõ rệt, chăn nuôi đang có điều kiện để khôi phục dần.
- Phong trào thi đua tiến kịp và vượt hợp tác xã Đại phong đang ngày càng trở thành một cuộc vận động cách mạng sâu rộng trong quần chúng,và có tác dụng rõ rệt trong việc cũng cố quan hệ sản xuất mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo phương châm toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc.
- Đảng và Chính phủ công bố chính sách lương thực mới điều chỉnh giá thu mua một số nông sản chủ yếu và hạ giá một số hàng công nghiệp, đi đôi với việc thi hành nhiều biện pháp tích cực giúp đỡ các hợp tác xã phát triển sản xuất, đồng thời cải tiến phương thức thu mua và quản lý thị trường. Những việc trên đây có tác dụng tốt trong việc khuyến khích sản xuất, củng cố khối liên minh công nông, thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa Nhà nước với nông dân.
Vấn đề đặt ra hiện nay là các ngành,các cấp cần thống nhất nhận định về những đặc điểm tình hình nói trên, thấy hết khó khăn và thuận lợi, yêu cầu và khả năng; trên cơ sở đó đi tới nhất trí về chủ trương biện pháp thu mua và quản lý thị trường nông sản, nhằm thực hiện việc phân phối hợp lý những nông sản sản xuất ra trên tinh thần chiếu cố đúng mức nhu cầu của công nhân và nông dân, của thành thị và nông thôn, dành phần cần thiết để người tiêu dùng đồng thời bảo đảm nhu cầu của Nhà nước.
II. CHỦ TRƯƠNG BIỆN PHÁP THU MUA VÀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN HIỆN NAY.
Để công tác thu mua nông sản năm 1961 thu được kết quả tốt,trong khi chờ đợi Trung ương Đảng và Chính phủ nghiên cứu ban hành chính sách thu mua nông sản một cách toàn diện, lâu dài, Hội đồng Chính phủ trong hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 08-6-1961 vừa qua đã quyết định một số vấn đề cụ thể cho vụ thu mua nông sản hiện nay để các ngành, các địa phương thống nhất thi hành như sau:
1. Trước hết các cấp, các ngành cần nhận thức rõ là ngoài lương thực, các loại cây công nghiệp các loại nông sản và thực phẩm chủ yếu có một tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Nhà nước cần nắm được số nông sản cần thiết mỗi năm một nhiều hơn để đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp,vật tư cho xuất khẩu và thực phẩm cho nhân dân. Muốn thế, điều căn bản là phải đẩy mạnh sản xuất phát triển. Hiện nay nhiều loại cây công nghiệp và nông sản thực phẩm chưa phát triển đúng yêu cầu, các địa phương phải quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề này. Đối với những loại cây nào chưa đạt kế hoạch, mà còn thời vụ gieo trồng thì cần tiếp tục trồng, đồng thời tích cực chăm bón, bảo vệ những cây đã trồng. Đối với những loại cây đã hết thời vụ gieo trồng thì cần cố gắng chăm bón nhiều hơn nữa để tăng năng suất, tìm đủ mọi biện pháp để có thể đạt mức kế hoạch về sản lượng. Các nông trường quốc doanh cần tận dụng mọi khả năng của mình tích cực đẩy mạnh sản xuất thêm những loại cây còn có đủ điều kiện trồng để tăng thêm khối lượng giao nộp cho Nhà nước.
Trong điều kiện sản xuất nông sản năm nay, các ngành, các cấp càng cần cố gắng làm tốt công tác thu mua, quản lý phân phối nông sản hợp lý, không nên chỉ nhìn thấy khó khăn mà không thấy thuận lợi, chỉ nhìn đến yêu cầu của nông dân mà không nhìn thấy yêu cầu của Nhà nước, chỉ nhìn đến nhu cầu của địa phương mà không nhìn đến nhu cầu chung, do đó mà có khuynh hướng buông trôi việc thu mua, coi nhẹ việc vận động nông dân bán nông sản cho Nhà nước và tăng cường quản lý thị trường nông sản. Ngược lại cũng không thể chỉ nhìn thấy yêu cầu của Nhà nước mà không thấy hết khó khăn do tình hình cung cầu không cân đối đẻ ra, không chiếu cố đúng mức đến nhu cầu chính đáng của nông dân, đi đến mệnh lệnh, gò ép đối với nông dân, dùng những biện pháp quản lý hành chính tràn lan, làm cho tình hình nông thôn trở lên căng thẳng không cần thiết, làm trở ngại cho việc lưu thông hàng hóa nhất là đối với những thứ nông sản và thực phẩm phụ. Vì lợi ích chung của nền kinh tế quốc dân, đối với những sản phẩm cây công nghiệp và nông sản chủ yếu, Ủy ban hành chính các cấp có trách nhiệm bảo đảm thực hiện kế hoạch thu mua để góp phần thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Muốn thế, tỉnh phải căn cứ vào khả năng sản xuất thực tế,vào nhu cầu của nông dân và của Nhà nước,về từng loại nông sản, trong từng vùng mà có kế hoạch vận động thu mua cho sát; tỉnh cùng huyện phải giúp cho xã nắm vững tình hình của các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp,và nông dân, tăng cường giáo dục chính trị, vận động các hợp tác xã, xã viên, nông dân bán một phần nông sản cho Nhà nước, làm cho nông dân nhận rõ bán một phần sản phẩm cho Nhà nước chính đó cũng là vì lợi ích của nông dân và lợi ích của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Các cơ quan thu mua phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy đầy đủ chức năng của mình, đi đúng đường lối quần chúng, hướng dẫn việc giúp đỡ sản xuất phát triển, trên cơ sở đó mà vận động thu mua có kết quả tốt.
Trước tình hình sản xuất hiện nay, Bộ Nội thương cần phối hợp với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng Cục Thống kê, các Bộ Nông nghiệp, nông trường quốc doanh, Công nghiệp nhẹ và Ngoại thương thảo luận kỹ với các Ủy ban hành chính khu tỉnh, thành phố căn cứ vào thực tế sản xuất mà nghiên cứu đề nghị Hội đồng Chính phủ chính thức điều chỉnh lại chỉ tiêu thu mua, phân phối nông sản cả năm 1961 cho sát.
2. Biện pháp chủ yếu để thu mua nông sản có kết quả là : trên cơ sở sản xuất, kết hợp với việc vận động, giáo dục chính trị trong nông dân với việc vận dụng các biện pháp kinh tế mà tiến hành ký hợp đồng thu mua với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Mặt khác căn cứ vào đặc điểm và tính chất từng loại nông sản ở từng vùng mà áp dụng những biện pháp quản lý thị trừơng thích hợp.
Trước tính hình cung cầu không cân đối hiện nay, yếu tố quyết định là phải làm tốt công tác tư tưởng trong cán bộ và nông dân.
Trước hết các cấp lãnh đạo địa phương từ tỉnh đến xã, và các cán bộ thương nghiệp cần nhận thức rõ công tác thương nghiệp là một công tác cách mạng, việc thu mua muốn có kết quả phải đi đúng đường lối quần chúng, kiên trì vận động giúp đỡ nông dân sản xuất và kiên trì vận động nông dân bán một phần nông sản cho Nhà nước, cần đi sâu bàn bạc kỹ với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nông dân, giải thích kỹ chính sách thu mua của Đảng và Chính phủ là vì lợi ích của ai, nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa làm cho nông dân thấy rõ họ là người chủ tập thể của đất nước, thông cảm hết khó khăn chung của ta trong giai đoạn tiến lên giành lại ngày mai tươi sáng, để có ý thức đầy đủ làm nghĩa vụ bán nông sản cho Nhà nước.
Thấy hết trách nhiệm của mình để ra sức củng cố và phát triển chế độ do tự tay mình xây dựng lên. Kinh nghiệm mấy năm qua cho thấy: nông dân ta rất tốt, nếu nắm vững đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn, đi đúng đường lối quần chúng, kiên trì thuyết phục vận động nông dân làm cho họ hiểu chính sách và yêu cầu của Nhà nước, không mệnh lệnh gò ép, thì dù tình hình có khó khăn đến đâu, giá thị trường có cao hơn giá chỉ đạo của Nhà nước, nông dân vẫn bán nông sản cho Nhà nước.
Cán bộ thu mua và quản lý thị trường,cần nhận thức đầy đủ tình hình hiện nay, nắm vững đường lối chính sách và quan điểm cơ bản của Đảng về công tác thương nghiệp và chấp hành đúng chính sách, tránh mọi hiện tượng quan liêu, mệnh lệnh kinh doanh đơn thuần thường xẩy ra trước đây. Làm được như vậy nhất định đông đảo nông dân sẽ hưởng ứng và tích cực thực hiện chính sách thu mua làm cho chính sách thu mua đem lại kết quả tốt.
Đi đôi với giáo dục vận động chính trị cần coi trọng các biện pháp kinh tế, thực hiện nguyên tắc lợi ích vật chất nhằm kích thích, giúp đỡ các hợp tác xã vùng nông dân phát triển sản xuất. Muốn thế, các cơ quan thu mua cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nông nghiệp, các Ban công tác nông thôn, với Ngân hàng , Tài chính để giúp đỡ các hợp tác xã về vốn,về giống, phân bón, sức kéo, thuốc trừ sâu, hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất,cung cấp lương thực và hàng công nghiệp tiêu dùng cho nông dân.
Gần đây, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh giá thu mua một số loại nông sản, Bộ Nội thương và các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh cần công bố sớm và tổ chức thực hiện đúng để góp phần khuyến khích nông dân phát triển sản xuất và bán nông sản cho Nhà nước.
Về mặt quản lý thị trường,cần phải tùy theo từng loại nông sản, từng vùng và từng thời gian mà áp dụng những biện pháp thích hợp. Biện pháp chủ yếu và có hiệu qủa nhất là quản lý tận gốc, dựa vào các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp mà kiên trì giáo dục, thuyết phục xã viên bán nông sản cho Nhà nước.
Mặt khác cần giải thích kỹ chính sách tiêu dùng, giáo dục cho những người tiêu thụ, trước hết là những cơ quan, đơn vị bộ đội, công trường, xí nghiệp., trường học v.v… thấy hết khó khăn khi sản xuất chưa lên kịp nhu cầu, có ý thức tiết kiệm và chấp hành đúng thể lệ quản lý thị trường của Nhà nước.
Đối với nông dân xã viên thường đi buôn, khi nhàn rỗi hoặc vì lợi trước mắt muốn bỏ sản xuất đi buôn, cần dựa vào các hợp tác xã kết hợp giáo dục tư tưởng với việc phân công lao động cho tốt để hướng họ tập trung vào sản xuất. Nếu là nông dân tự sản tự tiêu, cũng cần giải thích, giáo dục để họ có ý thúc tôn trọng thể lệ quản lý thị trường của Nhà nước, hướng dẫn họ trao đổi sản phẩm tại chợ địa phương, không để mang đi bán xa.
Đối với tiểu thương, cần tổ chức họ vào các tổ chức hợp tác Mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán có thể trực tiếp sử dụng họ vào việc mua , bán chế biến những loại nông sản chủ yếu, hoặc cơ quan thương nghiệp hướng dẫn về luồng hàng và giá cả, giúp đỡ các tổ hợp tiểu thương thực hiện nhiệm vụ lưu thông có tổ chức các lọai nông sản và thực phẩm phụ để phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Không để phát triển thêm tiểu thương.
Đối với những kẻ có ý thức phá họai, với những người đầu tư tích trữ nông sản, thực phẩm, sau khi đã phát hiện đúng, cần có thái độ xử lý nghiêm khắc, tùy đối tượng mà áp dụng sắc luật chống đầu cơ về kinh tế đã ban hành.
3. Dưới đây là những chủ trương cụ thể về biện pháp thu mua và quản lý thị trường đối với từng lọai nông sản .
Đối với những nông sản và thực phẩm chủ yếu.
Nhà nước cần nắm nguồn hàng để quản lý phân phối chặt chẽ và hợp lý, nhưng về mức độ và phương thức thu mua, biện pháp quản lý thị trường, cần tùy tính chất cụ thể từng loại mà vận dụng những chủ trương chung nói ở phần trên cho thích hợp.
a) Những cây như đay, cói, gai, thầu dầu, sơ, bông, tơ tằm là những loại chuyên dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp, ngư nghiệp hoặc vật tư xuất khẩu, nông dân sản xuất ra chủ yếu để bán, Nhà nước cần nắm được hầu hết nguồn hàng để phân phối có kế hoạch.
Mấy năm nay, giá cả thu mua đã định tương đối hợp lý, nông dân vẫn bán cho Nhà nước tuyệt đại bộ phận sản phẩm( trừ tơ tằm), năm nay việc vận động thu mua vẫn tiến hành thuận lợi. Đối với những loại thuận lợi này, để bảo đảm kế họach thu mua đã định, biện pháp chủ yếu là hướng dẫn, giúp đỡ các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tổ chức thu hoạch tốt, thực hiện đúng giá cả chỉ đạo Nhà nước, tăng cường giáo dục chính trị để ký hợp đồng với các hợp tác xã sản xuất mua tuyệt đại bộ phận sản phẩm, vận động các hợp tác xã giữ lại số tối thiểu cần thiết cho nghề phụ của hợp tác xã hoặc của gia đình xã viên nếu có, và có ý thức thực hiện đầy đủ hoặc vượt mức hợp đồng đã ký.
Đối với những cơ sở sản xuất cần đến những nguyên trên, Nhà nước sẽ phân phối có kế hoạch, hoặc có thể giới thiệu trực tiếp mua của một số hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở địa phương, nhưng phải theo sự hướng dẫn về giá cả của cơ quan thương nghiệp địa phương.
b) Về thuốc lá, chè, mía ép đường: Nhu cầu của các nhà máy ngày càng nhiều và tập trung, nhưng năm nay sản xuất không đạt mức kế hoạch và có gặp khó khăn. Trong việc thu mua và chỉ đạo giá cả trước đây có nhiều thiếu sót, như giá chỉ đạo bình quân về chè, mía giá chỉ đạo cụ thể các loại thuốc lá, chè chưa hợp lý, tình trạng ép cấp, ép giá thường xảy ra cho nên đã ảnh hưởng đến sản xuất.
Mặt khác do có thuế hàng hóa, chênh lệch giữa giá thu mua nguyên liệu và giá bán ra sản phẩm chế biến nên có tình trạng mua bán lén lút hàng không có thuế giữa người sản xuất và người tiêu thụ, việc quản lý thị trường có khó khăn.
Do đó, để thu mua tốt, các cơ quan thu mua cần phối hợp với các cơ quan nông nghiệp, ngân hàng hết sức hướng dẫn, giúp đỡ các hợp tác xã giải quyết khó khăn trong sản xuất ( về vốn, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công cụ sản xuất, kỹ thuật sản xuất v.v…) để phát triển diện tích tăng năng suất, nhất là ở những vùng sản xuất tập trung để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Cần đặc biệt chú trọng giáo dục cho cán bộ nhân viên thu mua về ý thức phục vụ sản xuất, chấp hành nghiêm chỉnh giá chỉ đạo của Nhà nước, chống ép cấp ép giá, và nâng cấp nâng giá. Các Bộ Nội thương, Công nghiệp nhẹ cần nghiên cứu phối hợp với các cơ quan lương thực, thực phẩm và thương nghiệp khác giải quyết tốt việc cung cấp lương thực, thực phẩm và hàng công nghiệp khác, v.v…
Trên cơ sở vận dụng đầy đủ những biện pháp kinh tế trên đây và tăng cường giáo dục chính trị, giải thích kỹ về chính sách thuế hiện hành, mà vận động thuyết phục các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ký hợp đồng bán sản phẩm cho Nhà nước và có ý thức thực hiện đầy đủ. Tỷ lệ thu mua so với sản lượng thu hoạch được, từng loại từng nơi mà định cho hợp lý bảo đảm nhu cầu của nhà máy, đồng thời có dành phần thích đáng để cho người sản xuất tiêu dùng, hoặc để các hợp tác xã tự chế biến( như đối với mía). Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ bán cho Nhà nước đúng hợp đồng đã ký,các xã viên và nông dân được tự do trao đổi sản phẩm còn lại ở thị trường địa phương. Nếu là chè, thuốc lá thì phải đóng thuế hàng hóa theo thể lệ hiện hành.
Đối với thuốc lào là một loại cây sản xuất tập trung ở một số vùng nhưng tiêu thụ trong toàn quốc và cũng có thuế hàng hóa như các thứ trên, cần thu mua và quản lý tốt ở những vùng sản xuất tập trung như đối với thuốc lá, chè, mía.
c) Đối với những loại như thịt lợn, cá biển, đường mật, lạc đỗ tương,các loại đậu vừng, Nhà nước cần nắm được phần lớn để phân phối hợp lý cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhất là ở thành thị và khu công nghiệp tập trung, cho sản xuất công nghiệp, cho xuất khẩu nhưng đồng thời nhu cầu tiêu dùng trực tiếp của nhân dân nông thôn cũng nhiều. Do hiện nay đang có tình trạng cung và cầu không cân đối, giá cả thị trường lên rất cao so với giá chỉ đạo thu mua của Nhà nước. Biện pháp thu mua và quản lý thị trường phải xuất phát từ đặc điểm tình hình trên đây mà quy định.
Về lợn và cá biển, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ thị riêng.
Về lạc, trên tinh thần giáo dục nhân dân tiết kiệm tiêu dùng,dành làm nguyên liệu cho nhà máy, và vật tư cho xuất khẩu, cần vận động thuyết phục các hợp tác xã và nông dân ở những vùng sản xuất tập trung bán cho Nhà nước với một tỷ lệ cao so với sản lượng, chỉ để lại tiêu dùng một phần cần thiết; ở những vùng sản xuất lẻ tẻ cũng cần vận động mua nhưng tỷ lệ mua có thể thấp hơn ở những vùng tập trung.
Về mặt quản lý thị trường, lạc trong thời vụ thu mua rộ, đối với nông dân,vẫn để trao đổi tự do ở các chợ địa phương nhưng không để thương nhân ( kể cả hợp tác xã tiểu thương) đến các vùng sản xuất để mua.
- Đối với đường mật, đỗ tương ở những vùng sản xuất tập trung cũng cần áp dụng những biện pháp tương tự như đối với lạc, nhưng cần chiếu cố hơn đến nhu cầu tiêu dùng của sản xuất.
- Đối với đỗ xanh, đậu các loại, vừng, dừa quả, hiện nay nhu cầu rất lớn. Trong vụ này khi xác định mức thu mua, cần chiếu cố đúng mức đến nhu cầu của nhân dân địa phương (cả người sản xuất và người tiêu thụ). Nhà nước chỉ nên nắm một phần nhất định để cung cấp cho nhà máy và một phần cho nhu cầu sản xuất tập trung, còn ở những vùng sản xuất lẻ tẻ, nhất là ở quanh các thị trường tiêu thụ tập trung, trong tình hình cung cầu hiện nay, không nên dùng biện pháp quản lý hành chính gây căng thẳng không có lợi mà nên để cho hàng hóa được lưu thông dễ dàng, các cấp chính quyền và cơ quan thương nghiệp cần có sự hướng dẫn và giúp đỡ cho tốt. Tuy nhiên để tránh mua bán hỗn loạn trên thị trường, các cơ quan thương nghiệp các địa phương có liên quan cần phối hợp hướng dẫn lãnh đạo các tổ hợp tác, tiểu thương,các xí nghiệp, cơ quan, trường học, công trường v.v… về luồng hàng và giá cả mua bán.
d) Đối với các loại hoa qủa đặc sản dùng để xuất khẩu như: dừa, chuối tiêu, cam, quít, vải, chanh, nhãn ở những vùng nhất định, cần giáo dục kỹ cho nhân dân có ý thức tiết kiệm tiêu dùng để dành hàng tốt xuất khẩu đổi lấy máy móc và nguyên liệu phục vụ cho yêu cầu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà, và làm nhiệm vụ hợp tác kinh tế giữa nước ta với các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa.
Bộ Ngoại thương bàn bạc với Bộ Nội thương để có sự phân công phối hợp cụ thể trong việc thu mua như chia vùng thu mua, xác định tỷ lệ để tiêu dùng trong nước và để xuất khẩu đối với từng loại, trong từng thời gian cho thích hợp. Nơi nào sản xuất tập trung những loại đặc sản nói trên thì nên để cho Ngoại thương trực tiếp tổ chức ký hợp đồng thời vụ hoặc dài hạn với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để thu mua không cần phải qua khâu Nội thương. Nhưng Ngoại thương cần phối hợp chặt chẽ với Nội thương đảm bảo thu mua hết cho nông dân kể cả tốt lẫn xấu, cùng nhau phối hợp phân loại nào dùng để xuất khẩu, loại nào để tiêu dùng trong nước, tránh mọi lãng phí có thể xảy ra trong việc chọn lọc hàng xuất khẩu.
Giá cả các loại đặc sản này do Bộ Ngoại thương phối hợp với Bộ Nội thương, Bộ Nông nghiệp và Ủy ban hành chính tỉnh nghiên cứu định cho sát tình hình từng vùng và từng loại sản phẩm trên tinh thần khuyến khích nông dân sản xuất nhiều loại tốt.
Trong thời vụ thu mua đặc sản, tiểu thương không được tự do đến mua ở những vùng sản xuất tập trung. Đối với những vùng sản xuất lẻ tẻ cần để hàng hóa lưu thông tự do.
Đối với nông sản và thực phẩm phụ như: gà, vịt, ngan, ngỗng, tôm, cua, cá nước ngọt, trứng, rau, hoa quả, trầu cau, v.v..
Trong tình hình hiện nay,đối với những loại trên đây cần mở rộng giao lưu của quần chúng để kích thích sản xuất phát triển, đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân, nhất thiết không được quản lý bằng cách hóa giá, khoanh vùng, ngăn luồng như trước đây có một số địa phương đã làm.
Nhưng mặt khác phải phát huy tác dụng lãnh đạo của Nhà nước, không để thị trường hổn loạn mà phải hướng dẫn khuyến khích việc mua bán có tổ chức, phát huy tác dụng lưu thông hàng hóa, của các tổ chức tiểu thương, chứ không để phát triển tiểu thương tự do, và phải bài trừ đầu cơ tích trữ. Về phía mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán cần trực tiếp kinh doanh với một tỷ trọng nhất định để lãnh đạo thị trường, phục vụ sản xuất, đảm bảo cung cấp một phần nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Muốn có đủ lực lượng hàng hóa cần thiết để kinh doanh, mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã nông nghiệp chung quanh đô thị và khu công nghiệp, của nông trường quốc doanh, phải đến vùng sản xuất tập trung hoặc những nơi xa thị trường tiêu thụ, đặt quan hệ kinh tế với nông dân, trên cơ sở giúp đỡ sản xuất phát triển mà ký hợp đồng thu mua sản phẩm với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nhất thiết tránh tình trạng đứng làm trung gian ăn lãi, như một số công ty cấp II đã làm trước đây, tức là không mua bán trực tiếp mà sử dụng quyền quản lý của địa phương bắt các tổ chức khác của Nhà nước hoặc hợp tác xã nơi khác đến mua bán ở địa phương phải nộp lãi cho mình.
Mặt khác các cơ quan thương nghiệp cần phải trực tiếp phụ trách việc tổ chức cho quần chúng lưu thông, điều hòa sản phẩm giữa nơi thừa với những nơi thiếu cho tốt bằng cách giới thiệu cho các cơ quan, đơn vị bộ đội ký hợp đồng mua trực tiếp với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn luồng hàng cho các tổ hợp tác tiểu thương những nơi tiêu thụ tới những nơi sản xuất mua hàng về bán theo giá cả có lãnh đạo, khơi luồng cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nông dân đem sản phẩm của mình trực tiếp trao đổi trên thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng sản phẩm nơi này thừa ế, giá hạ, nhưng ở nơi khác lại khan hiếm,đắt giá.
Đối với những thương nhân tự do buôn bán theo lối đầu cơ thường hay ép giá đối với người bán,và nâng giá đối với người mua, không có tác dụng trong việc lưu thông hàng hóa mà trái lại làm cho giá cả thị trường hỗn loạn,cần phải ngăn chặn. Cơ quan thương nghiệp cần tổ chức họ lại, giáo dục và hướng dẫn cho họ đi khơi luồng hàng ở nơi xa hoặc sắp xếp công việc khác cho họ.
Về mặt giá cả các lọai nông sản và thực phẩm phụ, Nhà nước không định giá thu mua hoặc cung cấp một cách cố định như trước, mà căn cứ điều kiện sản xuất thực tế, có chiếu cố đến tình hình cung cầu trong từng thời gian để định giá có chênh lệch thời vụ cho thích hợp. Việc định giá này do Ủy ban hành chính tỉnh định.
Đối với những hàng hóa lưu thông trong phạm vi toàn miền Bắc hoặc giữa nhiều tỉnh thì cần có sự hướng dẫn của Bộ Nội thương, để tránh tình trạng giá cả mỗi nơi định một khác gây khó khăn trong việc quản lý nguồn hàng. Các công ty Mậu dịch quốc doanh và cửa hàng Mậu dịch hay hợp tác xã mua bán không được tự tiện định giá mua hoặc giá bán.
Việc thu mua nông sản năm nay có nhiều khó khăn do tình hình sản xuất không phát triển kịp yêu cầu, giá cả nhiều thứ lên cao, nhưng mặt khác cũng phải thấy rõ những yếu tố thuận lợi. Thực tiễn của các cuộc vận động thu mua nông sản mấy năm qua cho thấy rằng nông dân ta rất tốt, nếu ta làm tốt công tác tư tưởng, đi đúng đường lối quần chúng, tận dụng mọi biện pháp kinh tế để thắt chặt quan hệ với nông dân, tích cực giúp đỡ họ sản xuất, đồng thời quản lý thị trường và tổ chức thu mua từ các cơ sở sản xuất, không quan liêu mệnh lệch gò ép đối với nông dân, tổ chức và sử dụng hợp lý khả năng lưu thông của các tổ chức tiểu thương thì việc thu mua nhất định có thể đạt kết quả tốt.
Công tác vận động thu mua nông sản phải đạt được hai yêu cầu, thu mua nông sản theo chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước, đồng thời phải thúc đẩy sản xuất phát triển, tranh thủ được sự đồng tình của nông dân, góp phần củng cố hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
Trong tình hình công tác thu mua có gặp khó khăn, cần chống khuynh hướng buông trôi không quản lý thị trường nông sản, tư tưởng ngại khó không tin tưởng chính sách và cũng không tin tưởng quần chúng, không đi sâu hướng dẫn, giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất tạo điều kiện thuận lợi cho công tác vận động thu mua, đồng thời cũng chống tư tưởng kinh doanh đơn thuần chạy theo chỉ tiêu không coi trọng yêu cầu chính trị, chống tác phong quan liêu mệnh lệnh.
Các Ủy ban hành chính các cấp và các ngành có liên quan cần thực sự tăng cường chỉ đạo công tác thu mua nông sản, thường xuyên kiểm tra đôn đốc để uốn nắn kịp thời những lệch lạc xảy ra ở các cơ sở.
Nhận được chỉ thị này các Bộ, các ngành có liên quan ở trung ương và các Ủy ban hành chính địa phương cần có kế hoạch phổ biến và hướng dẫn thi hành cho tốt. Trong khi thực hiện có gặp khó khăn trở ngại gì, cần báo cáo kịp thời lên Phủ Thủ tướng và Bộ Nội thương xin ý kiến giải quyết.
| QUYỀN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1Chỉ thị 311-NT năm 1964 về tăng cường công tác thu mua và quản lý thị trường nông sản hiện nay do Bộ Nội thương ban hành
- 2Chỉ thị 52-TTg năm 1962 về chính sách tiêu dùng, thu mua phân phối và quản lý thị trường nông sản, thực phẩm hiện nay do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 196-CT năm 1988 một số biện pháp cấp bách trước mắt quản lý thị trường thực hiện nghị quyết 11-NQ/TW về các biện pháp cấp bách chống lạm phát do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 1Chỉ thị 311-NT năm 1964 về tăng cường công tác thu mua và quản lý thị trường nông sản hiện nay do Bộ Nội thương ban hành
- 2Chỉ thị 52-TTg năm 1962 về chính sách tiêu dùng, thu mua phân phối và quản lý thị trường nông sản, thực phẩm hiện nay do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 196-CT năm 1988 một số biện pháp cấp bách trước mắt quản lý thị trường thực hiện nghị quyết 11-NQ/TW về các biện pháp cấp bách chống lạm phát do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Chỉ thị 249-TTg năm 1961 về chủ trương biện pháp thu mua và quản lý thị trường nông sản hiện nay do Hội đồng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 249-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 19/06/1961
- Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
- Người ký: Phạm Hùng
- Ngày công báo: 05/07/1961
- Số công báo: Số 26
- Ngày hiệu lực: 04/07/1961
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định