Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 30/CT-UB-NCVX

TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 09 năm 1996

 

CHỈ THỊ

TIẾP TỤC TỔ CHỨC KIỂM ĐIỂM ĐÁNH GIÁ 5 NĂM THI HÀNH LUẬT BẢO VỆ CHĂM SÓC GIÁO DỤC TRẺ EM 1991-1995

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em Việt Nam ngày 01/6/1996, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành công văn số 1940/UB-NCVX chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 298/TTg ngày 11 tháng 5 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm điểm đánh giá 5 năm thi hành Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em (1991-1995).

Ngày 29/7/1996, Thường trực Ủy ban đã chủ trì hội nghị sơ bộ kiểm điểm đánh giá 5 năm thi hành Luật trên địa bàn thành phố. Hội nghị vinh dự được Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. (Đính kèm Lược ghi phát biểu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại hội nghị này).

Thừa ủy nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em thành phố báo cáo trước toàn thể hội nghị những việc làm được và làm chưa được qua 5 năm thi hành Luật. Thành tích đạt được đã thể hiện sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức đối với tầm quan trọng trong công tác bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em của các cấp, các ngành và trong các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, còn nhiều việc thành phố ta đã làm được, đồng thời cũng có nhiều tồn tại mà báo cáo chưa nêu hết, nêu chưa đầy đủ. Những nguyên nhân và nguồn gốc của thành tựu, thiếu sót chưa được phân tích một cách sâu sắc và khoa học. Nói chung là chưa đạt yêu cầu về chất lượng.

Thiếu sót trên có một phần do lãnh đạo của một số ban ngành, quận, huyện thiếu quan tâm chỉ đạo sâu sát và cụ thể trong việc tổ chức thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên (nêu cụ thể trong công văn số 1940/UB-NCVX của Ủy ban nhân dân thành phố).

Để khắc phục thiếu sót nói trên và để thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị ngày 29/7/1996, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :

1- Tiếp tục tổ chức thực hiện đầy đủ và nghiêm túc tinh thần nội dung công văn số 1940/UB-NCVX. Yêu cầu thủ trưởng các ban ngành (đặc biệt các ngành có liên quan đến công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em : Lao động-Thương binh xã hội, Giáo dục đào tạo, Y tế, Công an, Văn hóa thông tin, Tư pháp, Thể dục thể thao, Thành đoàn, Phụ nữ…), Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức kiểm điểm đánh giá 5 năm thi hành Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em của đơn vị mình. Để báo cáo có chất lượng, cần có sự tổng hợp phân tích một cách khoa học thực trạng tình hình bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em trên địa bàn do đơn vị mình quản lý. Cần tập trung làm rõ những nguyên nhân dẫn đến thành tích, đặc biệt là nguyên nhân nguồn gốc của tồn tại nổi cộm, sau đó rút ra các bài học kinh nghiệm.

Đơn vị nào trước đây đã tổ chức kiểm điểm và đã có báo cáo rồi cũng cần soát lại, tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh báo cáo.

Phần phương hướng 1996 - 2000, cần tập trung các mục tiêu, biện pháp thực hiện và biện pháp khắc phục tồn tại. Những kiến nghị sửa đổi hoặc bổ sung cần nêu cụ thể, tránh kiến nghị chung chung.

2- Phân công các ban ngành, đoàn thể sau đây chủ trì tổ chức hội thảo một số chuyên đề có liên quan đến công tác bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em :

- “Trẻ em làm trái pháp luật” : Sở Tư pháp chủ trì (phối hợp Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Tòa án, Tư pháp, Công an thành phố, Thành Đoàn…).

- “Trẻ em vào đời sớm-trẻ em bị lao động quá sức-trẻ em sử dụng ma túy” : Sở Lao động-Thương binh xã hội chủ trì (phối hợp Công an thành phố, Sở giáo dục đào tạo, Thành Đoàn, Liên đoàn lao động…).

- “Trẻ em bị lạm dụng tình dục - bị vi phạm nhân phẩm, thể lực” : Đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố chủ trì (phối hợp Sở Tư pháp, Tòa an, Viện Kiểm sát, Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em…).

Từng vấn đề cần kết luận rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc chỉ đạo thực hiện Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em và các văn bản dưới luật.

3- Giao Ủy ban Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em thành phố, trên cơ sở tập hợp các báo cáo của các cấp các ngành, quận, huyện để tổng hợp thành báo cáo chung của thành phố. Bản báo cáo này cần làm rõ một số vấn đề :

a) Đánh giá kết quả tiến bộ trong việc cải thiện tình hình bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em trên địa bàn thành phố. Những tồn tại, khó khăn trong việc thực hiện Luật. Đánh giá kết quả công tác chỉ đạo, lãnh đạo của chính quyền, ban ngành, đoàn thể. Cần làm rõ những nguyên nhân làm cản trở việc thị hành Luật.

b) Trong chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 1996-2000 cần đề ra những mục tiêu cụ thể, thiết thực, những biện pháp thực hiện Luật và biện pháp khắc phục tồn tại (đặc biệt là những biện pháp khắc phục tình trạng trẻ em bị lợi dụng tình dục, bị xâm hại về nhân phẩm, sức khỏe…).

c) Những kiến nghị cụ thể về sửa đổi, bổ sung các điều khoản của Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em và các Luật khác có liên quan đến trẻ em (Luật hình sự, Tố tụng hình sự, Hôn nhân và gia đình…).

4- Tiến độ thực hiện :

a) Các cấp, các ngành tiến hành tổ chức kiểm điểm 5 năm thi hành Luật và việc tổ chức hội thảo các chuyên đề nói trên hoàn tất trước ngày 20/9/1996.

b) Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em thành phố chịu trách nhiệm tập hợp và tổng hợp tất cả các bản báo cáo của cơ sở thành báo cáo chung của thành phố gửi về Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố trình Thường trực Ủy ban phê duyệt trước ngày 30/9/1996, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ báo cáo với Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em Việt Nam và Thường vụ Thành ủy. Sau đó sẽ bàn tổ chức hội nghị tổng kết chính thức của thành phố vào đầu tháng 10/1996.

Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em thành phố theo dõi, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ủy ban nêu tại công văn số 1940/UB-NCVX và Chỉ thị này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Phương Thảo

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 30/CT-UB-NCVX năm 1996 về việc tiếp tục tổ chức kiểm điểm đánh giá 5 năm thi hành Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em 1991-1995 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 30/CT-UB-NCVX
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 10/09/1996
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Phạm Phương Thảo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/09/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản