Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2944/CT-BNN-XD

Hà Nội, ngày 13 tháng 04 năm 2016

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐẤU THẦU CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG DO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN QUẢN LÝ

Trong thời gian qua công tác lựa chọn nhà thầu các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn đầu tư công do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý đã thực hiện nghiêm túc theo quy định hiện hành của pháp luật về đấu thầu và các quy định của nhà tài trợ. Tuy nhiên, ở một số dự án, vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế trong công tác lựa chọn nhà thầu, dẫn đến khiếu kiện phức tạp, đặc biệt liên quan việc phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), nộp và mở hồ sơ dự thầu (HSDT); công tác giám sát, theo dõi và kiểm tra hoạt động đấu thầu chưa kịp thời, đầy đủ; công tác báo cáo, xử lý của chủ đầu tư đối với các nhà thầu vi phạm trong đấu thầu, trong quản lý thi công còn thiếu kiên quyết v.v...

Để khắc phục những tồn tại trên, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác quản lý lựa chọn nhà thầu các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn đầu tư công do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT (Bộ) yêu cầu thủ trưởng các cơ quan thuộc Bộ; các chủ đầu tư; chủ dự án; chủ đầu tư các tiểu dự án ODA do Bộ quản lý (gồm các tiểu dự án do Bộ phê duyệt và các tiểu dự án Bộ ủy quyền UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt) tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị: số 1315/CT-TTg ngày 03/8/2011 về chấn chỉnh việc thực hiện hoạt động đấu thầu sử dụng vốn nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu; số 37/CT-TTg ngày 30/12/2014 về việc chấn chỉnh công tác quản lý đấu thầu, thương thảo, ký kết và thực hiện hợp đồng trong các dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, các quy định về công tác lựa chọn nhà thầu được quy định tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, văn bản số 1577/BNN-XD ngày 12/02/2015 của Bộ về tăng cường quản lý và thực hiện nghiêm túc công tác đấu thầu và Thông tư số 39/2015/TT-BNNPTNT ngày 20/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT (viết tắt là Thông tư 39/2015/TT-BNN) quy định một số nội dung về công tác lựa chọn nhà thầu các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn đầu tư công do Bộ quản lý.

Ngoài các nội dung đã được quy định tại các văn bản QPPL nêu trên, Bộ yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện một số công việc cụ thể sau:

1. Đối với các Chủ dự án, Chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án

a) Về phát hành HSMT và nộp, mở HSDT

Việc phát hành HSMT thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 39/2015/TT-BNN, gồm phát hành trực tiếp tại bên mời thầu và phát hành qua đường bưu điện. Khi có thông tin khiếu nại về việc nhà thầu không mua được HSMT, Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án báo cáo ngay cơ quan chủ trì thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc đầu mối quản lý dự án thuộc Bộ (đối với dự án trong nước) hoặc Chủ dự án (đối với dự án ODA) đề xuất thêm một số địa Điểm phát hành để đảm bảo tất cả các nhà thầu có nhu cầu đều mua được HSMT.

Trường hợp thuê tư vấn thay mình làm bên mời thầu hoặc thực hiện một số công việc thuộc trách nhiệm của bên mời thầu thì khi lập thông báo mời thầu phải sử dụng địa chỉ, tên, số điện thoại của giám đốc ban quản lý dự án hoặc đại diện có thẩm quyền của chủ đầu tư nơi triển khai thực hiện gói thầu. Không được sử dụng địa chỉ của bên mời thầu được thuê (đặc biệt là địa chỉ bán HSMT, HSYC khác so với địa chỉ của ban quản lý dự án, chủ đầu tư hoặc cơ quan mua sắm...). Chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan mua sắm nào cố tình không thực hiện đúng quy định này nhằm hạn chế cạnh tranh, hạn chế sự tiếp cận của các nhà thầu trong việc mua HSMT, HSYC sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan.

Việc nộp, mở HSDT thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 7 Thông tư số 39/2015/TT-BNN. Bên mời thầu phải quy định trong HSMT cho phép Nhà thầu có thể nộp hồ sơ dự thầu qua đường bưu điện nhưng đảm bảo thời gian nộp thầu theo quy định trong HSMT. Trong trường hợp phát hiện có sự ngăn cản việc nộp HSDT, Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án báo cáo ngay cơ Cơ quan chủ trì thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc đầu mối quản lý dự án thuộc Bộ (đối với dự án trong nước) hoặc chủ dự án (đối với dự án ODA) để quyết định xử lý tình huống phù hợp.

Phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương để đảm bảo an ninh, trật tự cho quá trình phát hành HSMT và nộp, mở HSDT cũng như mời các cơ quan truyền thông tham gia dự để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật công tác phát hành HSMT và nộp, mở HSDT tùy theo tình hình cụ thể Bộ sẽ xem xét, quyết định cho tổ chức đấu thầu lại gói thầu và xử lý trách nhiệm cụ thể đối với các cơ quan, cá nhân có liên quan. Việc đấu thầu lại sẽ do cơ quan được giao đầu mối thẩm định thuộc Bộ hoặc chủ dự án tổ chức thực hiện.

Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật về tính công khai, minh bạch của công tác phát hành HSMT và nộp, mở HSDT cũng như việc không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời khi phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công tác phát hành HSMT và nộp, mở HSDT.

b) Các chủ dự án, các chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 8/9/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính Quy định chi Tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng và theo quy định sau:

- Các Chủ dự án lựa chọn ít nhất 01 gói thầu mua sắm hàng hóa có hình thức là chào hàng cạnh tranh trong nước, các Chủ đầu tư (bao gồm cả Chủ đầu tư các tiểu dự án ODA do Bộ giao địa phương quyết định đầu tư) lựa chọn ít nhất 01 gói thầu mua sắm hàng hóa có hình thức chào hàng cạnh tranh trong nước và 01 gói thầu xây lắp quy mô nhỏ có hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế để thực hiện thí Điểm lựa chọn nhà thầu qua mạng ngay trong quý II/2016.

- Trên cơ sở kinh nghiệm thực hiện thí Điểm lựa chọn nhà thầu các gói thầu qua mạng thực hiện trong quý II/2016 nêu trên các Chủ dự án, Chủ đầu tư lựa chọn danh sách các gói thầu và tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng trọng năm 2016 với tỷ lệ như sau:

Đối với các Chủ dự án dự án ODA, Chủ đầu tư dự án trong nước: tối thiểu 50% số lượng các gói thầu mua sắm hàng hóa có hình thức chào hàng cạnh tranh trong nước và tối thiểu 50% số lượng các gói thầu xây lắp quy mô nhỏ có hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế dự kiến triển khai năm 2016.

Đối với Chủ đầu tư các tiểu dự án ODA do Bộ giao địa phương quyết định đầu tư: 100% số lượng các gói thầu mua sắm hàng hóa có hình thức chào hàng cạnh tranh trong nước và 100% số lượng các gói thầu xây lắp quy mô nhỏ có hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế dự kiến triển khai năm 2016.

Trường hợp các các Chủ dự án, Chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng với số lượng không đạt tỷ lệ tối thiểu nêu trên phải báo cáo Bộ bằng văn bản (qua Cục Quản lý xây dựng công trình) trong đó nêu rõ lý do, nguyên nhân.

c) Về quản lý thực hiện hợp đồng: Việc Điều chỉnh hợp đồng thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 39/2015/TT-BNN và các quy định của pháp luật liên quan.

Đối với dự án ODA, chủ đầu tư cùng chủ dự án trình cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận trước khi ký Điều chỉnh, bổ sung hợp đồng hoặc trước khi xin ý kiến nhà tài trợ theo quy định.

d) Về gửi hồ sơ HSMT, các bước đánh giá HSDT và kết quả LCNT

Đối với dự án trong nước trong thời hạn 03 ngày làm việc sau khi phê duyệt (theo dấu bưu điện) chủ đầu tư phải gửi về cơ quan thẩm định thuộc Bộ các tài liệu theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2015/TT-BNN.

Đối với các gói thầu thuộc dự án ODA, trong thời hạn 03 ngày làm việc sau khi phê duyệt, chủ đầu tư phải gửi hồ sơ về chủ dự án theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Thông tư số 39/2015/TT-BNN để kiểm tra xem xét trước khi thực hiện các bước tiếp theo. Các gói thầu nhà tài trợ kiểm tra sau, chủ dự án phải kiểm tra, xem xét các bước trong quá trình phê duyệt, lựa chọn nhà thầu tối thiểu 20% số lượng các gói thầu. Khi nhận được các hồ sơ, tài liệu từ chủ đầu tư, đồng thời chủ dự án phải gửi đến cơ quan thẩm định thuộc Bộ để tổng hợp, theo dõi giám sát.

Trong vòng 07 ngày làm việc sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ về HSMT, các bước đánh giá HSDT và kết quả LCNT, nếu phát hiện có nội dung chưa phù hợp, không đúng quy định, chủ dự án hoặc cơ quan thẩm định thuộc Bộ phải có văn bản gửi chủ đầu tư để xem xét, Điều chỉnh và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật.

đ) Chủ dự án có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức theo dõi, kiểm tra quá trình phát hành HSMT và nộp, mở HSDT, gửi hồ sơ của các chủ đầu tư tiểu dự án về cơ quan đầu mối thẩm định theo đúng quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BNN và nhà tài trợ. Kịp thời báo cáo Bộ và Nhà tài trợ, đề xuất biện pháp xử lý khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về công tác phát hành HSMT và nộp, mở HSDT.

Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng trong công tác lựa chọn nhà thầu do các chủ đầu tư tiểu dự án tổ chức thực hiện.

2. Các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ được giao quản lý dự án và UBND các tỉnh, thành phố được Bộ ủy quyền quản lý các dự án ODA

Giám sát, theo dõi công tác phát hành HSMT và nộp, mở HSDT của các chủ dự án, chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BNN và Nhà tài trợ. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu phải có ý kiến đối với Chủ dự án, Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và kịp thời báo cáo Bộ xử lý theo luật định.

Tập trung giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu đối với các chủ đầu tư thường bị nhà thầu thắc mắc, kiến nghị; đối với các gói thầu có giá trị lớn, đặc thù, yêu cầu cao về kỹ thuật.

Tổng hợp báo cáo Bộ, đề xuất các biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phát hành HSMT và nộp, mở HSDT.

Nếu địa phương nào được Bộ ủy quyền quản lý các dự án ODA để xảy ra nhiều nhà thầu khiếu kiện về sự minh bạch trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, Bộ sẽ kiên quyết không giao quản lý trực tiếp các dự án đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu thủ trưởng các cơ quan thuộc Bộ; UBND các tỉnh, thành phố được Bộ ủy quyền quản lý các dự án ODA; giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố; các chủ đầu tư; chủ dự án; chủ đầu tư tiểu dự án được Bộ giao nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này và các quy định pháp luật liên quan/.

 

 

Nơi nhận:
- Các cơ quan trực thuộc Bộ;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ: KH và ĐT, XD;
- Lãnh đạo Bộ;
- UBND các tỉnh, TP có dự án do Bộ giao quản lý;
- Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, TP;
- Các chủ đầu tư dự án do Bộ quản lý;
- Lưu VT, XD (250 bản).

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 2944/CT-BNN-XD năm 2016 tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý

  • Số hiệu: 2944/CT-BNN-XD
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 13/04/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/04/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản