Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 29-TTg/CN

Hà Nội, ngày 27 tháng 03 năm 1969 

 

CHỈ THỊ

VỀ CHẾ ĐỘ NÂNG BẬC NĂM 1969 ĐỐI VỚI CÁN BỘ, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC

Chỉ thị số 25-TTg/CN ngày 27-2-1968 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chế độ nâng bậc thường xuyên cho cán bộ, viên chức Nhà nước. Chế độ ấy đáp ứng đúng nguyện vọng của cán bộ, viên chức và yêu cầu của lãnh đạo ở các cấp, các ngành nên năm đầu thực hiện đạt được kết quả tốt, đảm bảo đoàn kết trong nội bộ cán bộ, viên chức, gây được không khí phấn khởi cho người được nâng bậc cũng như người chưa được nâng bậc. Đạt được kết quả ấy cũng là do các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, nắm vững chính sách, chú ý lắng nghe ý kiến quần chúng nên việc nâng bậc nói chung thực hiện được đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn. Tuy vậy việc thực hiện chế độ nâng bậc còn gặp khó khăn vì tiêu chuẩn nâng bậc chung chưa được cụ thể hóa đối với mỗi loại cán bộ, viên chức; công tác nhân sự nhất là chế độ nhận xét cán bộ, viên chức chưa thật thành nề nếp; một số thang lương chức vụ chưa được sửa đổi, bổ sung. Các ngành, các cấp nhất là các ngành có trách nhiệm ở trung ương cần tích cực giải quyết những khó khăn ấy để tạo điều kiện cho việc thực hiện chế độ nâng bậc của cán bộ, viên chức được thuận lợi.

Năm 1969, căn cứ vào khả năng tài chính của Nhà nước, Chính phủ quyết định chỉ tiêu nâng bậc cho cán bộ, viên chức là 10% tổng số cán bộ, viên chức và giao cho Bộ Lao động phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và các ngành có liên quan để phân bổ chỉ tiêu nâng bậc cụ thể cho các ngành, các địa phương theo đúng tinh thần chỉ thị số 25-TTg/CN ngày 27-2-1968 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong việc thực hiện chế độ nâng bậc cho cán bộ, viên chức năm nay, các cấp, các ngành cần chú ý mấy vấn đề sau đây:

1. Cần kết hợp chặt chẽ việc thực hiện chế độ nâng bậc với việc tăng cường quản lý các chính sách, chế độ tiền lương, quản lý biên chế, quản lý quỹ tiền lương.

2. Cần phối hợp tốt hơn với các cấp công đoàn nhất là công đoàn cơ sở, lắng nghe ý kiến của đông đảo cán bộ, viên chức để việc quyết định nâng bậc đúng tiêu chuẩn, đúng đối tượng, gây không khí phấn khởi thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, xí nghiệp.

3. Cần sơ kết tốt việc thực hiện chế độ nâng bậc năm 1968 để rút kinh nghiệm cho việc nâng bậc năm 1969. Ngành nào, địa phương nào, cơ quan nào, xí nghiệp nào chưa sơ kết phải sơ kết rồi mới thực hiện việc nâng bậc năm 1969.

4. Đi đôi với việc nâng bậc cho cán bộ, viên chức cần thực hiện tốt chế độ nâng bậc đối với công nhân; ngành nghề nào chưa có tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật hoặc có rồi nhưng không còn phù hợp thì cần xây dựng mới hoặc bổ sung. Các ngành, các địa phương cần có kế hoạch bồi dưỡng, bổ túc kỹ thuật cho công nhân để việc nâng bậc đạt đúng yêu cầu đề ra.

Bộ Lao động căn cứ vào chỉ thị này để hướng dẫn các cấp, các ngành, thực hiện chế độ nâng bậc năm 1969 cho cán bộ, viên chức Nhà nước.

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 


 

Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 29-TTg/CN về chế độ nâng bậc năm 1969 đối với cán bộ, viên chức Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 29-TTg/CN
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 27/03/1969
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 11/04/1969
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản