Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 05 tháng 12 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẤP BÁCH NHẰM BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn tỉnh ta đã có bước phát triển tích cực, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nên năng suất, sản lượng, chất lượng các loại nông sản tăng. Trong chăn nuôi, từ chủ yếu là phân tán, nhỏ lẻ, nay đã phát triển theo hướng trang trại, gia trại và chuyển dần sang phương thức chăn nuôi tập trung công nghiệp, sử dụng hầm khí sinh học Biogas, đệm lót sinh học, ... Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, diện tích, sản lượng nuôi trồng tăng ổn định qua các năm.

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, ở nhiều địa phương, công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, hàng năm có khoảng 42 tấn chai lọ, bao gói và 1% - 2% thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) còn tồn lại trong chai lọ, bao gói sau sử dụng thải ra môi trường chưa có biện pháp thu gom, xử lý; nhiều địa phương chưa có quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, nhiều trang trại chăn nuôi thiếu hệ thống thu gom và xử lý chất thải; một số cơ sở giết mổ xây dựng từ năm 2000 đến nay đã xuống cấp, 44 điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ trong hộ gia đình có nguy cơ dẫn đến mất an toàn vệ sinh thực phẩm, lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Trong lĩnh vực thủy sản, hầu hết cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu về nuôi trồng thủy sản, trong đó hệ thống ao xử lý nước thải hầu như chưa có. Nuôi cá lồng nước lợ, mặn phát triển tự phát do chưa có quy hoạch, quy chế quản lý vùng nuôi, phương thức nuôi cá lồng. Một số vùng nuôi chắn sáo dày đặc làm giảm sự trao đổi nước trong đầm phá.

Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông lâm sản, thủy sản; đồng thời để tăng cường kiểm soát, sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế

a) Xây dựng kế hoạch quản lý, kiểm soát và lộ trình khắc phục ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng các cơ sở chăn nuôi và giết mổ tập trung; xác định rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn. Việc xem xét giao đất cho hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi phải có cam kết bảo vệ môi trường và phương án xử lý chất thải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

b) Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, hạn chế và tiến đến không phát triển chăn nuôi trong khu vực tập trung đông dân cư. Khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung theo mô hình khép kín từ chuồng trại, con giống, thức ăn, hệ thống xử lý chất thải, phòng chống dịch bệnh,... để sản phẩm chăn nuôi đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thú y.

c) Tập trung chỉ đạo, triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường đến từng doanh nghiệp, hộ gia đình và mọi người dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp.

d) Chỉ đạo triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển chăn nuôi; Quy hoạch, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại từng địa phương; cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; chấm dứt tình trạng giết mổ gia súc tại hộ gia đình. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh trong công tác quy hoạch, sắp xếp lại các vùng nuôi, ao nuôi trồng thủy sản theo quy chuẩn Quốc gia.

e) Tăng cường công tác chỉ đạo các hoạt động chăn nuôi và giết mổ tập trung. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về vệ sinh thú y và môi trường theo quy định; di dời các cơ sở giết mổ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu tập trung đông dân cư theo quy hoạch. Thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về môi trường trong việc xả thải ra bên ngoài trong nuôi trồng thủy sản.

f) Xây dựng bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và có phương án thu gom, vận chuyển, tiêu hủy đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và hướng dẫn của tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Hướng dẫn các địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan về kỹ thuật, danh mục sản phẩm xử lý môi trường đối với hoạt động chăn nuôi, giết mổ tập trung, nuôi trồng thủy sản đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Tổ chức tập huấn về quy trình kỹ thuật giết mổ, chăn nuôi an toàn sinh học và hướng dẫn nông dân chăn nuôi trên đệm lót sinh học. Tập huấn cho nông dân sử dụng thuốc BVTV phân bón đúng quy trình. Triển khai các văn bản liên quan đến nuôi trồng thủy sản; rà soát, xây dựng quy hoạch nuôi cá lồng và các đối tượng khác; xây dựng quy chế quản lý nuôi trồng thủy sản đối với các đối tượng.

b) Thực hiện Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 02 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giám sát thanh tra chuyên ngành vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đối với các cơ sở chăn nuôi và giết mổ trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cấp điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

c) Phối hợp các cơ quan chức năng triển khai thực hiện Thông tư số 04/2016/TT-BTNMT ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và môi trường về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và QCVN 62-MT: 2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi.

d) Đẩy mạnh tập huấn chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ thu gom và xử lý chất thải đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ tập trung có hiệu quả và phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Tranh thủ các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân xây dựng hầm Biogas. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), 3 giảm 3 tăng (ICM) trong sản xuất trồng trọt; thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản).

e) Hướng dẫn tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng định kỳ đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung, nơi giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật. Tuyên truyền việc xã hội hóa công tác tiêu độc khử trùng để người dân chủ động thực hiện. Phát động và tổ chức thực hiện các Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường.

f) Tuyên truyền Luật bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuốc BVTV, phân bón hữu cơ và phân bón khác. Thông tin tuyên truyền việc thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV, phân bón sau sử dụng đúng quy định đảm bảo an toàn môi trường.

g) Kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất việc sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV, phân bón hữu cơ và phân bón khác, sản phẩm xử lý môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Thống kê, rà soát, phân loại về quy mô, mức độ ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, làng nghề, các cơ sở chế biến nông lâm sản, thủy sản, các cơ sở nuôi trồng thủy sản thuộc dự án có quy mô phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án bảo vệ môi trường chi tiết.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ và các Sở, ban, ngành có liên quan phổ biến các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải phù hợp tính chất đặc thù của các cơ sở chăn nuôi, giết mổ tập trung, làng nghề, các cơ sở sản xuất chế biến trong lĩnh vực nông lâm sản, thủy sản và các cơ sở nuôi trồng thủy sản.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức và thống nhất hành động của các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức và cá nhân; tăng cường giám sát cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp và công tác đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

d) Chỉ đạo, hướng dẫn và quan trắc môi trường để quản lý, giám sát, cảnh báo môi trường trong nông nghiệp. Xác định và công bố mức độ ô nhiễm môi trường tại các khu vực có mật độ chăn nuôi tập trung cao, các cơ sở giết mổ, các làng nghề, các cơ sở chế biến nông lâm sản, thủy sản, các cơ sở nuôi trồng thủy sản; kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch, tổ chức lại sản xuất phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường trong nông nghiệp.

e) Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề, xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản theo thẩm quyền. Xử lý nghiêm đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc các cơ sở không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Thông báo kết quả thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm xã hội của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức phổ biến và khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia về môi trường mới đối với chất thải phù hợp tính chất đặc thù của từng lĩnh vực trong ngành nông nghiệp.

5. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí hàng năm để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp; hỗ trợ kịp thời các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng, chống vi phạm pháp luật về môi trường trong nông nghiệp.

6. Công an tỉnh

a) Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, về vệ sinh an toàn thực phẩm trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông lâm sản, thủy sản.

b) Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành liên quan trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

7. Cơ quan thông tin đại chúng:

a) Đài phát thanh các địa phương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (TRT), Truyền hình quốc gia khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8); Báo Thừa Thiên Huế.

b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương để tổ chức tuyên truyền thường xuyên bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân và các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện tốt các nội dung nêu trên.

8. Tổ chức thực hiện

a) Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký.

b) Giám đốc các sở, ban ngành cấp tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này.

c) Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn tổ chức triển khai Chỉ thị này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc thì kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét và giải quyết./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 29/CT-UBND năm 2016 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm bảo vệ môi trường trong ngành nông nghiệp do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 29/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/12/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Phan Ngọc Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản