Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 15/CT-UBND

Lào Cai, ngày 17 tháng 10 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

Trong thời gian qua công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực; các chỉ tiêu môi trường được xác định là một trong những yếu tố quan trọng để xem xét, đánh giá các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Các khu, cụm công nghiệp từng bước được đầu tư xây dựng và hoàn thiện về cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường được tăng cường và phát huy hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm được đẩy mạnh nhất là các khu vực có điểm "nóng" về môi trường. Phần lớn các doanh nghiệp có ý thức chấp hành các quy định pháp luật về môi trường, quan tâm đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường. Các cấp, các ngành, UBND cấp huyện đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo phân cấp.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được công tác quản lý, bảo vệ môi trường vẫn còn hạn chế. Việc triển khai nhiệm vụ quản lý, bảo vệ môi trường chưa theo kịp yêu cầu thực tế và của Luật Bảo vệ môi trường 2014. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải tại các đô thị, khu công nghiệp chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại phát sinh trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp chưa được xử lý, quản lý chặt chẽ. Một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm cho bảo vệ môi trường: đầu tư cho xử lý môi trường, thay đổi công nghệ, duy trì vận hành công trình xử lý,... dẫn đến tình trạng xảy ra sự cố môi trường, làm rò rỉ khí thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của cộng đồng dân cư.

Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các văn bản dưới Luật được ban hành với nhiều quy định mới nhằm thắt chặt công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, để triển khai có hiệu quả các quy định của Luật, phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ các doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:

I. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh:

1. Yêu cầu chung:

- Thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung trong Quyết định và báo cáo ĐTM được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phải lập hồ sơ thiết kế và đầu tư xây dựng hệ thống các công trình xử lý môi trường; lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình xử lý môi trường trước khi đi vào hoạt động. Trong quá trình sản xuất phải thường xuyên duy trì vận hành các công trình xử lý môi trường (khí thải, nước thải, chất thải rắn); thực hiện quan trắc giám sát định kỳ về môi trường để đánh giá chất lượng môi trường, có kế hoạch đầu tư, nâng cấp công trình BVMT và biện pháp xử lý đối với các thông số vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép. Đối với các dự án, nếu trong quá trình hoạt động có thay đổi về phương pháp xử lý chất thải và hệ thống xử lý môi trường so với báo cáo ĐTM đã được phê duyệt thì phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

- Có lộ trình đổi mới, thay thế để sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thân thiện với môi trường để tăng hiệu quả sản xuất, giảm thiểu nguy cơ xảy ra các sự cố gây ô nhiễm môi trường. Bố trí cán bộ có chuyên môn về môi trường để tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện tốt công tác quản lý môi trường tại cơ sở.

- Đầu tư, lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại khoản 1, Điều 47 và phụ lục của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu.

- Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô xả nước thải từ 1000 m3/ngày đêm trở lên phải đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đi vào hoạt động có phát sinh lượng chất thải lớn, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường theo khoản 1, Điều 25 và Danh mục tại phụ lục II, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Bảo vệ môi trường phải thực hiện đăng ký xác nhận hệ thống quản lý môi trường.

2. Yêu cầu riêng một số cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp Tằng Loỏng, hoạt động trong lĩnh vực thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản.

2.1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh trong Khu công nghiệp Tằng Loỏng: Thực hiện nghiêm túc các nội dung theo văn bản số 4831/UBND-TNMT ngày 05/10/2016 của UBND tỉnh Lào Cai về việc tăng cường công tác quản lý về BVMT tại khu công nghiệp Tằng Loỏng.

2.2. Cơ sở sản xuất hoạt động khai thác khoáng sản:

- Trong quá trình khai thác phải khai thác theo đúng thiết kế đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; bố trí các bãi thải đảm bảo xử lý toàn bộ đất đá thải phát sinh trong quá trình khai thác, yêu cầu bãi thải thiết kế theo đúng quy định, trong đó cần phải được gia cố, đầm chặt, phân tầng; xây dựng hệ thống thu gom nước chảy tràn bề mặt nhằm giảm thiểu nguy cơ sạt lở, gây ảnh hưởng đến môi trường.

- Thực hiện nghiêm túc việc cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo phương án cải tạo phục hồi môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời tuân thủ nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường.

- Các cơ sở sản xuất lớn như: Khai thác quặng đồng, sắt, apatit; vàng... có biện pháp gia cố, kè chắn, lót đáy đối với các hồ chứa trong quá trình tuyển. Xây dựng phương án phòng, chống lụt bão nhằm giảm thiểu nguy cơ vỡ đập ảnh hưởng đến môi trường.

2- Các cơ sở sản xuất đi vào hoạt động nhưng chưa được xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án khẩn trương lập hồ sơ báo cáo gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước 15/11/2016 để tổ chức kiểm tra, xác nhận theo đúng quy định. Nếu đơn vị nào cố tình không thực hiện UBND tỉnh yêu cầu tạm ngừng hoạt động của dự án để khắc phục các tồn tại.

2.3. Cơ sở sản xuất hoạt động trong lĩnh vực thủy điện:

- Trong quá trình thi công xây dựng phải đổ đất đá thải đúng vị trí bãi thải đã được thiết kế và phê duyệt; nghiêm cấm việc đổ đất đá thải xuống lòng sông, suối làm ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái.

- Xây dựng phương án chi tiết đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng sang xây dựng các dự án thủy điện theo quy định.

- Lập, phê duyệt và thực hiện kế hoạch thu dọn vệ sinh lòng hồ trước khi tích nước gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có thẩm quyền để tổ chức kiểm tra và chỉ được tích nước, vận hành khi được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và chấp thuận bằng văn bản.

- Đối với dự án đã đi vào phát điện yêu cầu thường xuyên theo dõi an toàn đập, đặc biệt là mùa mưa bão. Thực hiện vận hành hồ chứa theo đúng quy trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Đảm bảo duy trình dòng chảy tối thiểu sau đập theo đúng quy định để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các hộ dân sống khu vực hạ lưu.

II. Trách nhiệm các sở, ngành có liên quan; UBND các huyện, thành phố.

1. Yêu cầu chung:

- Thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số: 4618/UBND-TNMT ngày 22 tháng 9 năm 2016 về thực hiện Chỉ thị số 25/CTTTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Thông báo số 268a/TB-VPCP ngày 31/8/2016 của Văn phòng Chính phủ và văn bản số 770-TB/TU ngày 12/9/2016 của Tỉnh ủy Lào Cai; văn bản số 4831/UBND-TNMT ngày 05/10/2016 về việc tăng cường công tác quản lý về BVMT tại khu công nghiệp Tằng Loỏng.

- Địa phương nào để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì Chủ tịch UBND ở huyện đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

2. Yêu cầu cụ thể:

2.1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực quản lý môi trường, ưu tiên cấp huyện, xã sử dụng nguồn sự nghiệp môi trường để bố trí cán bộ phụ trách công tác bảo vệ môi trường cấp xã; tăng cường đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

- Rà soát, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM và phương án cải tạo phục hồi môi trường; công tác thẩm định, cấp Giấy xác nhận hoàn thành các công trình xử lý môi trường theo quy định trước khi cơ sở sản xuất đưa vào hoạt động; tăng cường công tác hậu kiểm sau phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

- Thường xuyên mở các lớp tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT cho các cơ sở sản xuất kinh doanh; cán bộ làm công tác quản lý môi trường cấp huyện, cấp xã và cộng đồng dân cư.

- Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản, hướng dẫn để triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

- Hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu và thực hiện xác nhận hệ thống quản lý môi trường theo quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Bảo vệ môi trường. Kiểm tra, yêu cầu, hướng dẫn các dự án có thay đổi về nội dung báo cáo ĐTM làm thủ tục điều chỉnh, bổ sung theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan; UBND cấp huyện tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các khu vực có điểm nóng về môi trường (khu công nghiệp Tằng Loỏng; khu vực khai thác và chế biến khoáng sản, các dự án chế biến nông sản, thực phẩm; các dự án có lưu lượng xả thải từ 200 m3/ngày đêm...).

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan; UBND thành phố Lào Cai; UBND huyện Sa Pa và Bát Xát tiếp tục triển khai Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

- Gửi văn bản đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động khai thác khoáng sản.

2.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực môi trường.

- Trong quá trình thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án cần xem xét và yêu cầu các chủ đầu tư phải lập báo cáo ĐTM/Kế hoạch BVMT và được cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt. Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM/Kế hoạch BVMT là cơ sở để UBND tỉnh xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án.

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh xem xét khi cấp chứng nhận đầu tư hoặc phê duyệt dự án đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có yêu cầu bắt buộc thời gian đánh giá và điều chỉnh công nghệ của dự án (5 năm hoặc 10 năm).

- Gửi văn bản đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn lại ngoài danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh do các sở, ngành khác gửi.

2.3. Sở Tài chính:

- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét báo cáo UBND tỉnh phương án ưu tiên, đảm bảo kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường (kinh phí đầu tư hệ thống xử lý chất thải; đầu tư trạm quan trắc khí thải tự động; đầu tư năng lực trang thiết bị phục vụ cho việc tiếp nhận dữ liệu quan trắc khí thải tự động của các cơ sở sản xuất kinh doanh; thiết bị quan trắc, phân tích...) theo hướng tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước

- Xem xét tham mưu UBND tỉnh cân đối kinh phí thường xuyên chi sự nghiệp môi trường hàng năm không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước theo quy định và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng kinh tế.

2.4. Ban Quản lý Khu kinh tế: Thực hiện nghiêm túc các nội dung theo văn bản số 4831/UBND-TNMT ngày 05/10/2016 của UBND tỉnh Lào Cai về việc tăng cường công tác quản lý về BVMT tại KCN Tằng Loỏng. Gửi văn bản đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp Tằng Loỏng.

2.5. Công an tỉnh:

- Tăng cường công tác kiểm tra, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh phòng chống tội phạm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

- Tiếp nhận, xử lý, điều tra, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về môi trường

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan; UBND cấp huyện kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

2.6. Sở Y tế:

- Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, kinh doanh, sản xuất thuốc, đào tạo y dược trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại và Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế (phân loại chất thải y tế; đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; báo cáo định kỳ công tác quản lý, xử lý CTNH...).

- Đôn đốc các cơ sở khám chữa bệnh, các bệnh viện hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý về môi trường (báo cáo ĐTM/Kế hoạch BVMT/Đề án BVMT…) gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và xác nhận.

- Theo dõi, thống kê lượng CTNH của ngành y tế. Giám sát, đánh giá và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh các chỉ tiêu về thu gom, xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh.

2.7. Sở Nông nghiệp và PTNT:

- Hướng dẫn và tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y thực hiện đúng các quy định pháp luật về BVMT và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Nghiêm cấm không được kinh doanh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục Nhà nước cho phép.

- Hướng dẫn tổ chức, cá nhân thu gom chai lọ, bao bì đựng hóa chất bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để xử lý. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện quản lý hóa chất, bao bì hóa chất bảo vệ thực vật theo đúng quy định.

- Chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, nghiêm cấm việc săn, bắt động vật rừng. Gửi văn bản đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm.

2.8. Sở Công thương:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tăng cường công tác thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực ngành quản lý (kỹ thuật; công nghệ; an toàn môi trường; vật liệu nổ công nghiệp; khai thác chế biến khoáng sản; luyện kim; phân bón; hóa chất; an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ; xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng). Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh. Nếu đơn vị cố tình không chấp hành đúng các quy định pháp luật lập biên bản xử lý vi phạm, trường hợp vượt quá thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.

- Gửi văn bản đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thủy điện. Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý ngành thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

2.9. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Tổ chức thẩm định về công nghệ, thiết bị đối với dự án đầu tư sản xuất và hệ thống xử lý môi trường các dự án; đặc biệt là các dự án sử dụng các loại máy móc, công nghệ thiết bị có tính chất phức tạp, có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Khoa học và Công nghệ.

- Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị sản xuất và xử lý môi trường đã đầu tư, trên cơ sở đó yêu cầu các nhà đầu tư cải tạo, nâng cấp, thay thế các thiết bị cũ lạc hậu; trường hợp cần thiết đề xuất loại bỏ các nhà máy có máy móc, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan; UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra việc vận chuyển hàng hóa chất nguy hiểm, chú trọng trong khu công nghiệp Tằng Loỏng hạn chế sự cố xảy ra trong quá trình vận chuyển, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường và cộng đồng dân cư.

2.10. Sở Giao thông vận tải:

- Trong quá trình triển khai các dự án liên quan đến các công trình giao thông cần phải hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý về BVMT như: Báo cáo ĐTM/Kế hoạch BVMT.

- Chỉ đạo các nhà thầu thi công các công trình giao thông trong quá trình thi công xây dựng thực hiện các giải pháp BVMT như đã cam kết trong báo cáo ĐTM, thực hiện công tác đổ thải đúng vị trí bãi thải đã được duyệt, các bãi thải phải được gia cố, kè chắn, có hệ thống thu gom nước bề mặt tránh trường hợp sạt lở đất đá thải làm ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân; đặc biệt là vào mùa mưa bão.

2.11. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lào Cai:

Chủ động mở chuyên trang; thu thập thông tin, tăng thời lượng đưa tin, phát sóng về công tác bảo vệ môi trường. Kịp thời phát hiện và nêu gương những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, có mô hình tốt, nhiều thành tích trong hoạt động bảo vệ môi trường; đồng thời công khai tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường.

2.12. UBND các huyện, thành phố Lào Cai:

- Thực hiện các trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 2, Điều 143, Luật Bảo vệ môi trường 2014.

- Thường xuyên, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Kiên quyết lập biên bản xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với các cơ sở không chấp hành đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Trường hợp vượt quá thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định của pháp luật có liên quan.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan giải quyết các vấn đề môi trường liên huyện.

2.13. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể tỉnh:

- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường.

- Thực hiện việc tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Đây là nội dung quan trọng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Chủ đầu tư các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- TT. TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Đài PT&TT tỉnh, Báo Lào Cai;
- Ủy ban mặt trận tổ quốc và các Đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chủ đầu tư các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu VT, TH(Bích), KT(Bính), QLĐT(Sơn, Tinh), TNMT.

CHỦ TỊCH




Đặng Xuân Phong

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý về bảo vệ môi trường trên địa bàn do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành

  • Số hiệu: 15/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/10/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Đặng Xuân Phong
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản