Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/CT-UBND

Tiền Giang, ngày 26 tháng 11 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI VÀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Trong những năm gần đây, công tác quản lý giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, từ đó các tổ chức, cá nhân có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời bà con nông dân cũng có thêm cơ hội tiếp cận, chọn lựa các loại cây, con giống có chất lượng góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao thu nhập.

Tuy nhiên, công tác quản lý giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện nay còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tình trạng sản xuất, kinh doanh giống ngoài danh mục, không có nguồn gốc, kém chất lượng vẫn còn. Một số cơ sở chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh; về khảo nghiệm, kiểm định giống, kiểm dịch vận chuyển; về công bố chất lượng, công bố hợp chuẩn, hợp quy. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng giống của cơ quan chức năng chưa đi vào chiều sâu; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về sản xuất, kinh doanh giống của các ngành chức năng chưa đồng bộ và kịp thời…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến về các quy định của pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để các tổ chức, cá nhân có liên quan nắm bắt, nâng cao nhận thức và chấp hành tốt các quy định này.

b) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nội dung Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản có liên quan, nhằm thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, đề nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh đối với những cơ sở không đủ điều kiện.

c) Công bố danh sách và cập nhật thông tin các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh vào trang website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để các tổ chức, cá nhân biết và có thêm thông tin trong việc lựa chọn giống có chất lượng.

d) Tiếp tục kiện toàn và cử cán bộ, công chức đi đào tạo, tập huấn... nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho bộ phận thanh tra chuyên ngành ở các đơn vị trực thuộc; tăng cường công tác thanh tra về các điều kiện sản xuất, kinh doanh, về kiểm dịch vận chuyển giống đã được quy định theo Pháp lệnh giống cây trồng, Pháp lệnh giống vật nuôi nhằm kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn.

đ) Tăng cường công tác khuyến nông về giống, tranh thủ sự hỗ trợ, phối hợp với các Viện, Trường... có thế mạnh về công nghệ sản xuất giống để đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý giống, đồng thời tranh thủ tiếp nhận những quy trình sản xuất giống mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh để đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên địa bàn tỉnh.

e) Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các phòng kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng giống thuộc ngành đảm bảo đáp ứng kịp thời cho công tác quản lý chất lượng giống theo quy định.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Chỉ đạo các phòng chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về các quy định của pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh giống để các tổ chức, cá nhân có liên quan nắm bắt và chấp hành tốt.

b) Chỉ đạo các phòng chuyên môn, theo thẩm quyền đã phân cấp, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nội dung Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản có liên quan về việc kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thực hiện đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh đối với những cơ sở không đủ điều kiện; cử cán bộ, công chức đi đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để thực hiện tốt công tác kiểm tra về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống theo phân cấp.

c) Củng cố hoặc thành lập các Đội Kiểm tra liên ngành cấp huyện, nhằm tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thành phố khẩn trương tổ chức thực hiện nội dung Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để có sự chỉ đạo kịp thời./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nghĩa

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 29/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác quản lý giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

  • Số hiệu: 29/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 26/11/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Lê Văn Nghĩa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản