Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 29/1998/CT-BDG&ĐT

Hà Nội, ngày 19 tháng 5 năm 1998

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN, CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO HÈ 1998

Năm học 1998-1999 là năm học tiếp tục quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khoá 8, đồng thời là năm học thứ hai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá 8).

Căn cứ vào yêu cầu, nội dung Nghị quyết Trung ương II "Về định hướng chiến lược phát triển Giáo dục - Đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000"; trên cơ sở sơ kết rút kinh nghiệm 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương II và tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 1997-1998; để chuẩn bị triển khai có hiệu quả nhiệm vụ của năm học 1998-1999, Bộ yêu cầu các ông (bà): Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, Hiệu trưởng các trường Đại học Sư phạm, Cao đẳng sư phạm, Trung học sư phạm và Trung học chuyên nghiệp - dạy nghề thực hiện kế hoạch và nội dung bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý Giáo dục - Đào tạo trong hè 1998 (ban hành kèm theo Chỉ thị) đảm bảo các mục đích yêu cầu sau:

1. Tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khoá 8, Nghị quyết Trung ương II về Giáo dục - Đào tạo, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Giáo dục và Đào tạo đến năm 2000 của từng ngành học, bậc học, cấp học.

Từ những bài học kinh nghiệm của công tác bồi dưỡng giáo viên đặc biệt những kinh nghiệm đã tổng kết được trong công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên phổ thông theo chu kỳ trong thời gian qua; cần triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên Mầm non chu kỳ 1997-2000; đẩy mạnh bồi dưỡng tiêu chuẩn hoá, bồi dưỡng các nội dung theo yêu cầu chỉ đạo của ngành học, bậc học (nội dung chuyên môn, phương pháp dạy học) nhằm nâng cao không ngừng phẩm chất năng lực cho đội ngũ giáo viên.

2. Tiếp tục cải tiến công tác tổ chức, quản lý các lớp bồi dưỡng, lựa chọn nội dung bồi dưỡng thiết thực, chú ý nội dung về kinh nghiệm tốt trong dạy - học và giáo dục; đặc biệt coi trọng bồi dưỡng phương pháp dạy học; hình thức bồi dưỡng phù hợp và xây dựng nề nếp tự học, tự nghiên cứu; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng hợp lý; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng bồi dưỡng (tài liệu, báo cáo viên đủ trình độ, kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng...) tạo điều kiện để giáo viên và cán bộ quản lý nghỉ hè theo quy định.

3. Các ông (bà) Giám đốc các Sở Giáo dục - Đào tạo, các ông (bà) Hiệu trưởng các trường (khoa) đào tạo giáo viên, trường Trung học chuyên nghiệp - dạy nghề cần nắm vững tư tưởng chỉ đạo cơ bản của Bộ về yêu cầu bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý Giáo dục - Đào tạo trong hè. Nội dung bồi dưỡng phải được lựa chọn thiết thực; đảm bảo đủ tài liệu bồi dưỡng; chuẩn bị báo cáo viên có đủ trình độ, chú ý phân loại trình độ học viên để chuẩn bị nội dung bồi dưỡng phù hợp đối với các nội dung Bộ quy định và phần riêng của địa phương; tổ chức kiểm tra đầy đủ các nội dung bồi dưỡng. Các cấp quản lý giáo dục cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng hè thiết thực với đặc điểm của đội ngũ giáo viên và điều kiện cụ thể của địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học mới, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

4. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ đã đề xuất nội dung bồi dưỡng, cần chuẩn bị chu đáo phần nhiệm vụ do cơ quan đảm nhiệm và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan chuẩn bị các điều kiện (tài liệu, kế hoạch hướng dẫn, phương thức kiểm tra đánh giá...) đảm bảo cho địa phương triển khai nhiệm vụ bồi dưỡng hè có hiệu quả.

Căn cứ vào Chỉ thị này và thực tế giáo dục đào tạo của mỗi tỉnh, thành phố và trường học, các Sở Giáo dục - Đào tạo, các trường sư phạm các cấp, các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp - dạy nghề xây dựng kế hoạch bồi dưỡng hè 1998 cho giáo viên và tích cực tham gia nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên, bảo đảm đúng yêu cầu và nội dung bồi dưỡng giáo viên Bộ đã quy định.

 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

KẾ HOẠCH VÀ NỘI DUNG BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO HÈ 1998

(Ban hành kèm theo Chỉ thị số 29/1998/CT-BGD&ĐT ngày 19 tháng 5 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

I. CÁC VẤN ĐỀ CHUNG ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO.

1. Nội dung bồi dưỡng.

1.1. Tiếp tục nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khoá 8, Nghị quyết Trung ương 2 (khoá 8), Nghị quyết về thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 của Đảng bộ địa phương trên cơ sở sơ kết sau 1 năm thực hiện Nghị quyết ở địa phương.

1.2. Nghiên cứu bài phát biểu của đồng chí Tổng bí thư Lê Khả Phiêu "Phấn đấu bền bỉ, phát huy mọi năng lực sáng tạo đưa ngành Giáo dục - Đào tạo tiến lên mạnh mẽ" (Báo Nhân dân số 15577 ngày 22/2/1998) tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 21/2/1998.

1.3. Nghiên cứu bản báo cáo "Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 2, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Giáo dục - Đào tạo đến năm 2000 của Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng trong buổi làm việc tại Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 21/2/1998 với Tổng bí thư Lê Khả Phiêu (Nghiên cứu Khoa học giáo dục tháng 3/1998).

1.4. Nghiên cứu Chỉ thị nhiệm vụ năm học 1998-1999 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ về thực hiện nhiệm vụ năm học cho mỗi ngành học, bậc học....

2. Đối tượng, thời gian và tài liệu bồi dưỡng:

- Giáo viên, cán bộ quản lý, cán bộ nhân viên ngành Giáo dục - Đào tạo các tỉnh, thành phố và các trường chuyên nghiệp.

- Tài liệu bồi dưỡng và báo cáo viên do Sở Giáo dục - Đào tạo các tỉnh, thành phố đảm nhận có kết hợp với sự chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ, chính quyền địa phương.

- Thời gian bồi dưỡng: 2 đến 3 ngày.

II. NỘI DUNG BỒI DƯỠNG VỀ CHUYÊN MÔN CỦA CÁC BẬC HỌC/CẤP HỌC.

1. Đối với bậc học Mầm non.

1.1. Nội dung.

1.1.1. Tập huấn về dinh dưỡng và chăm sóc sức khoẻ cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi.

1.1.2. Công tác chăm sóc sức khoẻ và nuôi dưỡng:

- Công tác tiêm chủng: Giới thiệu vác xin mới, cần tiêm chủng từ năm 1998 cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi.

- Các biện pháp phòng chống dịch bệnh và ngộ độc thức ăn trong các cơ sở Giáo dục Mầm non.

1.1.3. Chuyên đề Tạo hình.

- Kiến thức cơ bản về môn vẽ, nặn.

- Kĩ năng thực hành dạy trẻ vẽ, nặn, xé, dán.

- Phương pháp tổ chức và hướng dẫn trẻ mầm non hoạt động tạo hình.

- Cách sử dụng bộ tranh minh hoạ của giáo viên và 3 cuốn vở "Bé tập tạo hình" cho trẻ mẫu giáo bé, nhỡ và lớn.

1.1.4. Công tác quản lý trong trường Mầm non - Giới thiệu chế độ chính sách của Nhà nước trong trường Mầm non tư thục.

1.1.5. Công tác quản lý Mầm non dân lập.

1.1.6. Chuyên đề lễ giáo.

1.1.7. Phương pháp thích hợp trong hoạt động vui chơi ở trường Mầm non.

1.1.8. Bồi dưỡng phương pháp mới về giáo dục mầm non.

1.2. Đối tượng, thời gian.

- Bồi dưỡng nội dung 1.1.1 cho cán bộ chỉ đạo về dinh dưỡng và chăm sóc sức khoẻ của Sở Giáo dục - Đào tạo và Phòng Giáo dục - Đào tạo; giáo viên trường trọng điểm về dinh dưỡng và chăm sóc sức khoẻ thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc. Thời gian: Tháng 7 năm 1998.

- Bồi dưỡng nội dung 1.1.2 cho tất cả các cán bộ chỉ đạo về dinh dưỡng và chăm sóc sức khoẻ của Sở Giáo dục - Đào tạo.

Thời gian: Tháng 7 năm 1998.

- Bồi dưỡng nội dung 1.1.3 cho giáo viên Mầm non, cán bộ phụ trách chuyên môn của Sở Giáo dục - Đào tạo và trường sư phạm mẫu giáo.

Thời gian: Tháng 7 năm 1998.

- Bồi dưỡng nội dung 1.1.4 cho Hiệu trưởng các trường Mầm non tư thục.

Thời gian: Tháng 6 năm 1998.

- Bồi dưỡng nội dung 1.1.5 cho Hiệu trưởng và giáo viên Mầm non nông thôn.

Thời gian: 3 ngày trong tháng 8 năm 1998.

- Bồi dưỡng nội dung 1.1.6 cho giáo viên Mầm non và giáo viên sư phạm Mầm non.

Thời gian: Tháng 7 và 8/1998.

- Bồi dưỡng nội dung 1.1.7 cho Trưởng phòng Mầm non của Sở Giáo dục - Đào tạo (hoặc chuyên viên của Phòng Mầm non).

Thời gian: Tháng 7 và 8/1998.

- Bồi dưỡng nội dung 1.1.8 cho giáo viên Mầm non ở các trường trọng điểm của các tỉnh và thành phố lớn (phối hợp với chuyên gia Israel).

Thời gian: Từ 8/6 đến 28/6/1998.

1.3. Tổ chức thực hiện.

- Vụ Giáo dục Mầm non kết hợp với địa phương triển khai hội nghị tại hai miền Nam và Bắc.

- Tài liệu do Vụ Giáo dục Mầm non đảm nhiệm.

2. Đối với bậc Tiểu học. 2.1. Nội dung bồi dưỡng:

Tiếp tục bồi dưỡng về các yêu cầu nội dung phù hợp với đặc điểm đội ngũ giáo viên địa phương, phục vụ nhiệm vụ nâng cao chất lượng dạy đủ 9 môn theo kế hoạch đào tạo, đặc biệt chú trọng phương pháp dạy tiểu học.

2.2. Kế hoạch bồi dưỡng:

Các địa phương lựa chọn nội dung và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.

3. Đối với bậc Trung học phổ thông.

3.1. Nội dung bồi dưỡng.

3.1.1. - Tập huấn về sử dụng, bảo quản thiết bị và đồ dùng dạy học.

- Tập huấn các môn học: Tin học, Triết học, Toán học.

- Hội thảo về chương trình và sách giáo khoa theo hướng dẫn của Vụ bậc học.

3.1.2. - Bồi dưỡng nội dung, phương pháp dạy các môn Văn, tiếng Việt, Toán, tiếng Anh.

3.2. Đối tượng bồi dưỡng.

- Với nội dung 3.1.1 bồi dưỡng cho giáo viên các trường THCB.

- Với nội dung 3.1.2 bồi dưỡng cho giáo viên các trường Dân tộc nội trú.

3.3. Tổ chức thực hiện.

Vụ Trung học phổ thông hướng dẫn kế hoạch cụ thể.

4. Đối với Giáo dục dân tộc.

4.1. Nội dung dự án Lớp ghép và Song ngữ.

4.1.1. Modul 11: Giáo dục trẻ em gái.

4.1.2. Modul 12: Giáo dục kĩ năng sống, phòng chống AIDS và ma tuý.

4.1.3. Modul 13: Vệ sinh môi trường.

4.2. Đối tượng, địa điểm, thời gian:

4.2.1. Lớp tập huấn phía Bắc: gồm 18 tỉnh tham gia dự án: (Hoà Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Nghệ An, Yên Bái, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lai Châu, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Lạng Sơn, Lao Cai).

- Mỗi tỉnh cử 5 giáo viên cốt cán bộ môn dạy Lớp ghép và Song ngữ.

- Thời gian: từ ngày 4-8/6/1998. - Địa điểm: Sầm Sơn - Thanh Hoá.

4.2.2. Lớp tập huấn phía Nam: gồm 19 tỉnh tham gia dự án: (Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Quảng Nam, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Gia Lai, Vĩnh Long, An Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Tháp, Kiên Giang, Kon Tum).

- Mỗi tỉnh cử 5 giáo viên cốt cán bộ môn.

- Thời gian: từ 20-24/6/1998.

- Địa điểm: Nha Trang - Khánh Hoà.

5. Đối với Giáo dục thể chất.

5.1. Nội dung:

5.1.1. Bồi dưỡng giáo dục thể chất.

5.1.2. Bồi dưỡng giáo dục sức khoẻ nha học đường, bảo hiểm y tế, phòng chống AIDS và tệ nạn xã hội.

5.1.3. Tiếp tục bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng giáo dục bộ môn Thể dục trong trường Tiểu học, THCS và PTTH ở địa phương.

5.2. Đối tượng, thời gian, địa điểm:

- Bồi dưỡng nội dung 5.1.1 cho giáo viên dạy thể dục trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và trường Dân tộc nội trú.

- Bồi dưỡng nội dung 5.1.2 và 5.1.3 cho giáo viên dạy thể dục các bậc/cấp học và giáo viên giảng dạy các mặt giáo dục này.

5.3. Tổ chức thực hiện:

Vụ Giáo dục thể chất sẽ có văn bản bồi dưỡng cụ thể nội dung 5.1. 1. Các nội dung còn lại các Sở Giáo dục - Đào tạo lựa chọn cho phù hợp với đặc điểm của đội ngũ giáo viên địa phương và xây dựng kế hoạch triển khai trong hè.

6. Đối với Giáo dục quốc phòng.

6.1. Nội dung.

6.1.1. Bồi dưỡng chương trình Giáo dục quốc phòng cho học sinh PTTH.

6.1.2. Tập huấn giáo dục quốc phòng:

- Phương pháp quản lý môn học.

- Chương trình Giáo dục quốc phòng cho sinh viên các trường Đại học và Cao đẳng.

6.2. Đối tượng, thời gian, địa điểm:

- Bồi dưỡng nội dung 6.1.1 cho giáo viên giáo dục quốc phòng nòng cốt của các trường PTTH và chuyên nghiệp toàn quốc.

Địa điểm: ĐHSP Vinh, Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

- Bồi dưỡng nội dung 5.1.2 cho cán bộ quản lý và giáo viên giáo dục quốc phòng của các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp - dạy nghề toàn quốc.

Địa điểm: Quảng Nam, Đà Nẵng và Hà Nội.

6.3. Kế hoạch và tài liệu bồi dưỡng:

Vụ Giáo dục quốc phòng sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể.

7. Đối với công tác bồi dưỡng giáo viên chính trị.

7.1. Nội dung:

- Nghiên cứu các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 và 5 khoá 8 về bộ giáo trình quốc gia; về những vấn đề mới thực tiễn trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

- Bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy bộ môn.

7.2. Đối tượng:

Cán bộ giảng dạy các môn Khoa học Mác-Lênin của các trường Đại học và Cao đẳng.

7.3. Thời gian và địa điểm:

Thời gian 10 ngày, tổ chức tại hai miền Bắc Nam.

7.4. Kế hoạch, tài liệu bồi dưỡng.

Vụ Công tác Chính trị (phối hợp với Ban khoa giáo TW, Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương) tổ chức và cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ và các đề cương báo cáo.

8. Đối với Giáo dục thường xuyên.

8.1. Nội dung:

8.1.1. Tập huấn chương trình mới cho các môn Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và tiếng Anh.

8.1.2. Hội nghị chuyên đề bộ môn Văn, Toán, Vật lý, Hoá học.

8.2. Đối tượng, thời gian và tài liệu bồi dưỡng:

Vụ Giáo dục thường xuyên sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể.

9. Đối với Thanh tra giáo dục.

9.1. Nội dung:

9.1.1. Nghiên cứu các văn bản của Bộ về nội dung yêu cầu đối với công tác thanh tra.

9.1.2. Tổ chức rút kinh nghiệm đối với công tác thanh tra ở địa phương.

9.1.3. Nghiên cứu các văn bản của Bộ về yêu cầu, nội dung thanh tra: trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ quản lý và giáo viên trong công tác thanh tra.

Tổ chức bồi dưỡng lại các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra trường học, thanh tra giáo viên các bậc học, cấp học.

9.2. Đối tượng, thời gian:

- Bồi dưỡng nội dung 9.1.1 và 9.1.2 đối với các thanh tra viên và thanh tra viên kiêm nhiệm trong 2 ngày.

- Bồi dưỡng nội dung 9.1.3 cho cán bộ quản lý và giáo viên các cấp.

9.3. Tổ chức thực hiện:

Các địa phương tổ chức các lớp, thanh tra Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể.

10. Nội dung bồi dưỡng thường xuyên chu kỳ (1997-2000) cho giáo viên Mầm non và Phổ thông các cấp.

10.1. Nội dung, đối tượng bồi dưỡng:

10.1.1. Đối với giáo viên Mầm non.

- Đổi mới nội dung và phương pháp Giáo dục Mầm non.

- Chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi vào trường Phổ thông.

10.1.2. Đối với giáo viên Tiểu học.

- Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học Tiểu học.

- Một số vấn đề dạy ngôn bản Nói - Viết ở Tiểu học.

- Âm nhạc và phương pháp giảng dạy Âm nhạc ở Tiểu học.

10.1.3. Đối với giáo viên Trung học cơ sở.

- Một số vấn đề cơ bản về giáo dục Trung học cơ sở.

- Lý thuyết hoạt động ngôn ngữ và việc dạy tiếng Việt ở trường Trung học cơ sở.

- Các chuyên đề về địa lý và lịch sử.

- Giáo dục hệ thống giá trị đạo đức nhân văn.

- Lý luận và phương pháp giảng dạy môn Giáo dục công dân ở trường Trung học cơ sở.

10.1.4. Đối với giáo viên Phổ thông trung học.

- Một số vấn đề cơ bản về Giáo dục phổ thông trung học.

- Phát triển năng lực ngôn ngữ cho học sinh trong môn tiếng Việt.

- Các chuyên đề về Toán, Sử, Địa lý...

10.2. Tổ chức thực hiện:

Các địa phương cần có kế hoạch tổ chức các khoá (lớp) bồi dưỡng theo chương trình quy định và triển khai trong tháng 7-8/1998. Nhà XBGD và Vụ Giáo viên sẽ đảm nhiệm về tài liệu bồi dưỡng.

11. Công tác bồi dưỡng giáo viên trường Sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học.

11.1. Nội dung.

11.1.1. Nội dung thuộc dự án ABE.

11.1.2. Giáo dục về kỹ năng sống.

11.1.3. Modul 11; 12; 13 của dự án "Lớp ghép".

11.1.4. Modul 4; 5; 6 của dự án "Lớp ghép".

11.1.5. Modul 7; 8; 9; 10 của dự án "Lớp ghép".

11.1.6. Modul 4; 5; 6 của dự án "Lớp ghép".

11.2. Đối tượng, thời gian, địa điểm:

- Với nội dung 11.2.1:

+ Tập huấn cho giáo viên 42 tỉnh tham gia dự án.

+ Thời gian: 5 ngày (tháng 7/1998).

+ Địa điểm: Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt.

- Với nội dung 11.2.2:

+ 2 lớp tập huấn giáo viên sư phạm.

+ Thời gian: 3 ngày (tháng 7, 8/1998).

+ Địa điểm: tại Hà Nội, Đà Lạt.

- Với nội dung 11.2.3:

+ Giáo viên của 19 trường Sư phạm tham gia dự án.

+ Thời gian: 5 ngày (tháng 8/1998).

+ Địa điểm: tại Hà Nội.

- Với nội dung 11.2.4:

+ Giáo viên của 12 trường Sư phạm tham gia dự án.

+ Thời gian: 5 ngày (tháng 8/1998).

+ Địa điểm: tại Hà Nội.

- Với nội dung 11.2.5:

+ Giáo viên của 5 trường Sư phạm tham gia dự án.

+ Thời gian: 3 ngày (tháng 8/1998).

+ Địa điểm: tại Hà Nội.

- Với nội dung 11.2.6:

+ Giáo viên của 12 Trung tâm (tham gia dự án) đào tạo giáo

viên tiểu học cấp tốc.

+ Thời gian: 6 ngày (tháng 7/1998).

+ Địa điểm: tại Hà Nội.

12. Đối với Trung học chuyên nghiệp - dạy nghề.

12.1. Nội dung.

12.1.1. Bồi dưỡng về chuyên môn.

- Công nghệ mới của các lĩnh vực điện, điện tử, cơ khí, giao thông.

- Phương pháp thiết kế trên vi tính.

12.1.2. Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

- Bồi dưỡng chương trình sư phạm bậc 1.

- Bồi dưỡng chương trình sư phạm bậc 2.

12.2. Đối tượng.

- Bồi dưỡng nội dung 12.1.1 cho giáo viên các trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

- Bồi dưỡng nội dung 12.1.2:

+ Bồi dưỡng nội dung sư phạm bậc 1 cho giáo viên các trung tâm dạy nghề; giáo viên mới được tuyển dụng ở các cơ sở đào tạo.

+ Bồi dưỡng nội dung sư phạm bậc 2 cho giáo viên các trường Trung học chuyên nghiệp - dạy nghề.

12.3. Thời gian - Kế hoạch bồi dưỡng.

Vụ Trung học chuyên nghiệp - dạy nghề sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Các Sở Giáo dục - Đào tạo, các trường Sư phạm... báo cáo về Bộ (gửi qua Vụ Giáo viên - 49 Đại Cồ Việt Hà Nội) để Vụ Giáo viên tổng hợp tình hình và kết quả bồi dưỡng báo cáo Bộ trưởng.

- Kế hoạch bồi dưỡng hè 1998 trước ngày 15/7/1998.

- Kết quả bồi dưỡng hè 1998 trước ngày 15/10/1998.

 

 

Nguyễn Minh Hiển

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 29/1998/CT-BDG&ĐT về bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục-đào tạo hè 1998 do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 29/1998/CT-BDG&ĐT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 19/05/1998
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Minh Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/05/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 19/08/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản